Theo các Giám mục, các chính phủ phải đưa ra các quy định ràng buộc về các hoạt động của các công ty đa quốc gia ở cấp quốc gia, nhưng trên hết ở cấp quốc tế và khu vực. Các quy định này bắt buộc các công ty, trong khi hoạt động, phải tuân theo các giá trị của nhân phẩm và công lý; tôn trọng quyền của mỗi người và môi trường.
Các Giám mục khẳng định: “Nếu không có luật áp dụng thích hợp, sẽ không thể ngăn cản các công ty này trốn thuế, lạm dụng nhân quyền, vi phạm luật lao động, phá hủy toàn bộ hệ sinh thái. Đặc biệt hiện nay, với cuộc khủng hoảng do đại dịch đã làm cho tình hình càng trầm trọng hơn, các công ty này ngày càng gây thiệt hại cho các cộng đồng dễ bị tổn thương và thiếu sự bảo vệ xã hội”.
Trong bản tuyên bố, các Giám mục còn nhận định rằng, đại dịch đã phơi bày sự phụ thuộc lẫn nhau của chúng ta và phá đổ chuỗi cung ứng toàn cầu liên kết các nhà máy xuyên biên giới; cho thấy chúng ta phụ thuộc vào người lao động, những người dễ bị tổn thương, nhưng lại là những người có vai trò thiết yếu trên toàn thế giới.
Cuối bản tuyên bố, hơn 100 Giám mục đều hoan nghênh thông báo của ông Didier Reynders, Ủy viên Tư pháp của Liên minh châu Âu về: Sự phát triển “lập pháp của châu Âu liên quan đến quyền con người và trách nhiệm giải trình môi trường của các công ty”; cũng như đóng góp cho “Thỏa thuận Xanh châu Âu và kế hoạch phục hồi sau Covid-19 của Liên minh châu Âu”. Cuối cùng các Giám mục khuyến khích Liên Hiệp Quốc cũng hãy làm như Liên minh châu Âu và phát triển một Hiệp ước về quyền con người và kinh doanh. (CSR_5098_2020)
Ngọc Yến – Vatican News