Lúc 11 giờ, sáng thứ Tư 08/7/2020 này, Đức Thánh cha Phanxicô sẽ cử hành thánh lễ tại nguyện đường nhà trọ thánh Marta, ở Vatican nhân dịp kỷ niệm bảy năm cuộc viếng thăm của ngài tại đảo Lampedusa.
Tham dự thánh lễ này chỉ có các nhân viên của Bộ Phát triển nhân bản toàn diện, do Đức Hồng y Peter Turkson làm Tổng trưởng, Đức Hồng y Michael Czerney, cùng với cha Fabio Biaggio, dòng Scalabrini, là Phó Tổng thư ký phụ trách phân bộ di dân và tị nạn. Đức Thánh cha đích thân đảm trách vấn đề di dân và tị nạn tại bộ này, nên ngài cử hai vị Phó Tổng thư ký giúp ngài trong công tác này.
Cuộc viếng thăm tại Lampedusa
Cuộc viếng thăm của Đức Thánh cha tại đảo Lampedusa, ngày 08/7/2013 là cuộc viếng thăm đầu tiên của ngài ngoài Vatican. Đảo này chỉ rộng hơn 20 cây số vuông, có 5.000 dân cư ở mạn cực nam Italia, chỉ cách bờ biển Tunisi 113 cây số và cách đảo Sicilia của Italia 127 cây số. Đây là nơi các thuyền nhân từ Phi châu tìm cách đổ bộ lên, như cửa ngõ để vào Âu châu. Nhưng trên đường vượt biên, hàng ngàn người đã bỏ mình trong biển cả.
Trong cuộc viếng thăm tại Lampudusa, Đức Thánh cha đã thả vòng hoa xuống biển để tưởng niệm các nạn nhân đã bỏ mình trên đường vượt biên. Rồi ngài cử hành thánh lễ tại sân vận động, trước sự tham dự của khoảng 10.000 người.
Tố cáo sự dửng dưng
Trong bài giảng thánh lễ hôm đó, Đức Thánh cha đã mạnh mẽ tố giác sự dửng dưng đối với số phận người tị nạn, các thuyền nhân chết trên biển cả và những kẻ lợi dụng sự nghèo đói của người khác để làm giàu. Dựa vào bài sách Sáng Thế, trong đó Chúa gọi hỏi Cain đã giết em mình là Abel: Ngươi ở đâu? Máu em ngươi ở đâu, Đức Thánh cha đã thức tỉnh lương tâm mọi người trước thảm trạng người di dân và nói:
“Những người di dân chết trên biển, từ những con thuyền lẽ ra là một con đường hy vọng, đã trở thành một con đường chết chóc. Đó là tựa đề trong các báo chí! Cách đây vài tuần, khi tôi nghe tin này, một tin rất tiếc là đã bao nhiêu lần xảy ra, tôi liên tục nghĩ đến điều ấy như một cái gai trong con tim gây ra bao đau khổ. Và khi ấy, tôi cảm thấy mình phải đến đây để cầu nguyện, để thi hành cử chỉ gần gũi, nhưng cũng để thức tỉnh lương tâm chúng ta để điều đã xảy ra khỏi tái diễn nữa. Xin làm ơn, đừng để tái diễn nữa!”
G. Trần Đức Anh, O.P. (TTVII08-2013)