Bộ giáo lý đức tin, với sự chấp thuận của Đức Thánh cha Phanxicô, xác quyết rằng rửa tội với công thức tự ý thay đổi là điều vô hiệu lực và ai đã được rửa tội theo công thức như thế thì cần phải rửa tội lại.
Trên đây là nội dung câu trả lời của Bộ giáo lý đức tin, công bố hôm 6/8/2020 cho hai vấn nạn được nêu lên trong thời gần đây:
– Vấn nạn thứ I: “Phép rửa tội được cử hành với công thức: “Chúng ta rửa con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần có hiệu lực hay không?”. Bộ trả lời: “Bất thành”.
– Vấn nạn thứ II: “Những người đã được chịu phép rửa tội theo công thức như thế, có phải rửa tội lại theo công thức tuyệt đối hay không?”. Bộ trả lời: Cần phải rửa tội lại theo các qui luật phụng vụ đã được Giáo hội thiết định.
Đức Thánh cha Phanxicô, trong buổi tiếp kiến dành cho Đức Hồng y Tổng Trưởng Bộ giáo lý đức tin, Luis Ladaria, S.J., ngày 8/6/2020, đã phê chuẩn các câu trả lời trên đây, và truyền công bố.
Giải thích của Bộ giáo lý đức tin
Trong thông cáo giải thích, Bộ giáo lý đức tin nhắc đến hiện tượng gần đây có những người sáng chế ra công thức rửa tội như: “Nhân danh ba và má, cha mẹ đỡ đầu, ông bà, thân nhân, bạn hữu, nhân danh cộng đoàn, chúng ta rửa con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.
Người ta tự ý thay đổi công thức rửa tội theo qui luật của Hội thánh, vì muốn nhấn mạnh giá trị cộng đoàn của Bí tích rửa tội, để biểu lộ sự tham gia của gia đình và những người hiện diện và để tránh ý tưởng tập trung quyền lực thánh thiêng nơi vị linh mục, mà làm thương tổn cha mẹ và cộng đoàn.
Thông cáo giải thích của Bộ giáo lý đức tin nhắc lại Hiến chế “Thánh Công Đồng” (Sacrosanctum Concilium) khẳng định rằng: “Khi một người làm phép rửa thì chính Chúa Kitô rửa tội”, chính Chúa là “người giữ vai chính trong biến cố được cử hành”. Dĩ nhiên, trong nghi lễ rửa tội, “cha mẹ, người đỡ đầu và toàn thể cộng đoàn được kêu gọi giữ một vai trò tích cực, một nghi lễ phụng vụ đích thực”, nhưng điều này bao hàm “mỗi người, thừa tác viên hoặc tín hữu, chu toàn vai trò của mình, chỉ làm và làm tất cả những gì thuộc thẩm quyền của mình, theo bản chất của nghi lễ và các qui luật phụng vụ” (S.C. n.28).
Bộ giáo lý đức tin tố giác cám dỗ muốn thay thế công thức rửa tội theo truyền thống, bằng những văn bản khác mà người ta coi là thích hợp hơn, nhưng hành động đó che đậy một sự sai trệch chủ quan và một ý muốn lèo lái.
Công đồng chung Vatican II, theo hướng của Công đồng Trento, tuyên bố Giáo hội không thể tùy ý thay đổi bảy bí tích và qui định rằng: “không một ai, dù là linh mục, được tự ý mình thêm thắt, cắt bỏ hoặc thay đổi điều gì trong vấn đề phụng vụ”. Thực vậy, “tự ý thay đổi công thức cử hành một bí tích, không những là một sự lạm dụng phụng vụ, một sự xâm phạm một qui luật tích cực, nhưng còn là một vết thương gây ra cho sự hiệp thông Giáo hội và đặc tính có thể nhận diện hoạt động của Chúa Kitô, và trong những trường hợp trầm trọng hơn, làm cho chính bí tích bị vô hiệu, vì bản chất hoạt động thừa tác đòi phải trung thành thông truyền điều đã được nhận lãnh”.
Kết luận
Thông cáo của Bộ giáo lý đức tin kết luận rằng: “Thay đổi công thức bí tích có nghĩa là không hiểu chính bản chất của thừa tác vụ Giáo hội, luôn luôn là một sự phục vụ Thiên Chúa và dân của Ngài, chứ không phải là thực thi một quyền bính đến độ lèo lái điều đã được ủy thác cho Giáo hội, do một hành vi thuộc về Truyền thống. Vì thế, mỗi thừa tác viên cử hành Bí tích rửa tội, không những phải ý thức mình phải hành động trong sự hiệp thông với Giáo hội nhưng còn phải có cùng xác tín mà thánh Augustino đã nói về thánh Tiền Hô, là người “đã hiểu rằng nơi Chúa Kitô có một đặc tính mà, dù có nhiều thừa tác viên, thánh thiện hay tội lỗi, làm phép rửa, sự thánh thiêng của Bí tích rửa tội phải được dành cho Đấng có chim bồ câu đậu trên và là vị được gọi là “Chính Ngài là vị làm phép rửa trong Thánh Linh” (Ga 1,33). Vì thế, thánh Augustino giải thích: “Dù là Phêrô rửa, cũng chính là Chúa Kitô làm phép rửa; dù là Phaolô rửa, cũng chính là Chúa Kitô rửa; và cả khi Giuda làm phép rửa, thì cũng là Chúa Kitô làm phép rửa”.
G. Trần Đức Anh, O.P.