“Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì ngoài Thập Giá của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.” (Gl 6,14)
Giê-ru-sa-lem 20-8-2020
Linh mục Giuse Nguyễn Công Đoan S.J.
WHĐ (24.8.2020) – Một tháng nữa chúng ta mừng lễ Suy Tôn Thánh Giá. Năm nay Dòng Mến Thánh Giá tại Việt Nam, Thái Lan, Đức, Úc và Hoa Kỳ mừng hồng ân 350 thành lập, với bao ơn lành và bao thành quả tông đồ nhờ “chọn Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh thập giá làm đối tượng duy nhất của lòng trí con”, và thể hiện bằng cuộc sống đơn sơ khiêm nhường giữa người dân bình thường, đúng như khi mới thành lập, chứ không phải nhờ sự thông thái để “ngồi giữa các thầy tiến sĩ” như Chúa Giê-su năm 12 tuổi. Dòng Mến Thánh Giá là một hạt giống nhỏ bé như hạt cải, Chúa đã gieo xuống đất Mẹ Việt Nam, và đã mọc lên thành một cây, nhánh vươn vươn dài, không chỉ “tới đại dương” như lời thánh vịnh (79/80,11) mà qua đại dương, tới châu Âu, châu Mỹ, châu Úc (Mt 13,31-32; Mc 4,30-32; Lc 13,18-19).
Tôi cũng hãnh diện mình “có gốc Mến Thánh Giá”, [không phải vì mẹ tôi xuất thân từ dòng Mến Thánh Giá!!!] vì tôi đã có một người cô và một người em họ “trọn kiếp” [không phải yêu anh lính trẻ xa nhà, như một bài hát thời chiến] “nhận Đức Giê-su chịu đóng đinh làm đối tượng duy nhất của lòng trí con”, và nay tôi ở tuổi có cháu gọi bằng cụ, lại được thấy năm cháu gái gọi tôi bằng bác, bằng ông, cũng dấn thân vào “đường tình đó Ngài dành cho con”.
Bản thân tôi cũng đã tự ý chọn ngày lễ Suy Tôn Thánh Giá năm 1966 để bước vào nhà tập Dòng Tên. Ở đó Thánh I-nha-xi-ô dạy chúng tôi phải tập và tha thiết xin ơn này: Nếu được chọn giữa hai con đường đều có giá trị như nhau: để rỗi linh hồn và làm vinh danh Thiên Chúa, một con đường đi trong vinh quang, một con đường đi trong tất cả những gì bao gồm trong cây thập giá, thì sẽ chọn “con đường nào Chúa đã đi qua” để nên giống Chúa hơn! (x. Linh thao của thánh I-nha-xi-ô, s.167): Nghĩa là chọn cái mà thế gian cho là ngu ngốc, điên khùng nhất, như thánh Phao-lô viết cho tín hữu Cô-rin-tô:
Trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, 23thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. (1Cr 1,22-23).
Bản thân thánh Phao-lô chẳng hãnh diện vì là một người Do Thái sùng đạo gương mẫu, hay vì đã rao giảng Tin Mừng và gầy dựng được bao nhiêu cộng đoàn tín hữu, hoặc vì đã viết được những bức thư mà nay là một phần quan trọng trong sách Thánh Tân Ước, cũng không phải vì ơn mà ngài kể:
Phải tự hào ư ? Nào có ích gì ! Dù thế, tôi cũng xin nói về những thị kiến và mặc khải Chúa đã ban cho tôi. 2Tôi biết có một người môn đệ Đức Ki-tô, trước đây mười bốn năm đã được nhắc lên tới tầng trời thứ ba – có ở trong thân xác hay không, tôi không biết, có ở ngoài thân xác hay không, tôi cũng không biết, chỉ có Thiên Chúa biết. 3Tôi biết rằng người ấy đã được nhắc lên tận thiên đàng –trong thân xác hay ngoài thân xác, tôi không biết, chỉ có Thiên Chúa biết–, 4và người ấy đã được nghe những lời khôn tả mà loài người không được phép nói lại. 5Về một người như thế, tôi sẽ tự hào; còn về bản thân tôi, tôi chỉ tự hào về những yếu đuối của tôi. (2Cr 12,1-5).
Tại sao lại thế?
Và để tôi khỏi tự cao tự đại vì những mặc khải phi thường tôi đã nhận được, thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Xa-tan được sai đến vả mặt tôi, để tôi khỏi tự cao tự đại. 8Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ này. 9Nhưng Người quả quyết với tôi : “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối.” Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Ki-tô ở mãi trong tôi. 10Vì vậy, tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Ki-tô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh. (2Cr 12,7-10).
Kết thư gởi tín hữu Ga-lát, thánh Phao-lô khẳng định:
Những ai muốn nở mày nở mặt vì những lý do thuần tuý con người, thì ép anh em phải chịu cắt bì, chỉ là để khỏi bị ngược đãi vì thập giá Đức Ki-tô…
14Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta! Nhờ thập giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian.
17Từ nay, xin đừng có ai gây phiền toái cho tôi nữa, vì tôi mang trên mình tôi những dấu tích của Đức Giê-su. (Gl 6,12.14.17)
Những “dấu tích” mà thánh Phao-lô nói ở đây không phải như của thánh Phan-xi-cô Át-xi-di, thánh Ma-ry-am của nhà Kín Cát Minh ở Be-lem (thế kỷ 19) hay thánh Pi-ô thời chúng ta (Padre Pi-ô) và một số vị thánh khác, nhưng là dấu tích của những trận đòn bởi tay người Do Thái (5 lần) và Rô-ma (3 lần), của trận ném đá (2Cr 11,24-25; x. Cv 14,19-20).
Thánh Phao-lô là người môn đệ chân chính, thực hiện đúng lời mời gọi của Chúa Giê-su:
Rồi Đức Giê-su nói với mọi người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.” (Lc 9,23)
7Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được. (14,27)
Thế là không có con đường nào khác để làm môn đệ! Sao mà Chúa khó thế?! Tại vì làm môn đệ của Chúa thì phải theo đàng sau chứ không thể bắt chước Tôn Ngộ Không, đi trước chỉ đường: “Sư phụ! Đi lối này!”. Lần đầu tiên Chúa nói về con đường Chúa phải đi, “ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người”, ông liền bị Chúa đuổi về vị trí: “Xa-tan! Lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”. Ông bỗng trở thành phát ngôn viên của Xa-tan. Khi Chúa ở trong hoang địa Xa-tan đã đề nghị con đường dễ dãi và đã bị Chúa đuổi thẳng tay: “Xa-tan kia, xéo đi!” (Mt 4,10). Với môn đệ Phê-rô Chúa không đuổi “xéo đi!” nhưng đuổi về vị trí môn đệ: “Lui lại đàng sau Thầy”, vì ông đang nói theo tư tưởng của loài người, còn Chúa Giê-su đang theo đường lối của Thiên Chúa, vốn cao hơn tư tưởng loài người như trời cao hơn đất:
Thật vậy, tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA.
9Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy. (Is 55,8-9)
Nhưng ta có thể thắc mắc thêm: Tại sao Thiên Chúa Toàn Năng lại chọn cho Con Một Yêu dấu của mình con đường cực kỳ khó đi này mà không chọn con đường nào dễ dàng hơn một chút?
Lần nào nói với môn đệ về con đường để hoàn thành sứ mạng là “Đấng Ki-tô” Chúa cũng nói: “Con người phải chịu đau khổ nhiều…” (Lc 9,22); “Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời. Nhưng các ông không hiểu lời đó… Các ông sợ không dám hỏi lại Người về lời ấy “ (44-46).
Lần thứ ba, khi đã tới gần Giê-ri-khô, Đức Giê-su kéo riêng nhóm Mười Hai ra và nói với các ông: “Này chúng ta lên Giê-ru-sa-lem, và tất cả những gì các ngôn sứ đã viết về Con Người sẽ được hoàn tất…” (18,31).
Vậy thì đây không phải là chuyện tình cờ nhưng là kế hoạch Thiên Chúa đã ấn định từ ngàn xưa và đã sai các ngôn sứ loan báo chi tiết.
Tại sao Chúa Cha lại lên kế hoạch cho con mình phải đau khổ và phải chết nhục nhã đến như thế?
Tại sao Chúa Giê-su lại chấp nhận con đường này, thay vì xin Chúa Cha thay đổi?
Trong bữa Tiệc Ly, theo Tin Mừng thứ tư, Chúa giải thích: “Thủ lãnh thế gian đã đến, đã hẳn nó không làm gì được thầy đâu, nhưng phải cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Cha và làm theo đúng như Cha đã truyền” (Ga 14,31).
Tại sao lại phải chấp nhận con đường thập giá này để tỏ cho thế gian biết điều ấy?
Cũng trong bữa Tiệc Ly Chúa bảo môn đệ: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).
Rõ rồi, tất cả là để giải nghĩa yêu: Yêu mến Cha và yêu mến anh em.
Hàn Mặc tử trong bài “Đà Lạt trăng mờ” đã tìm ra một lối giải thích “thính thị” có thể áp dụng chí lý: Để nghe tơ liễu ru trong gió và để xem trời giải nghĩa yêu”.
Trên đồi Gôn-gô-tha, Thiên Chúa giải nghĩa YÊU bằng chính Con Một của Thiên Chúa. Chúng ta xem thấy gì và nghe thấy gì?
Chúng ta xem thấy ba cây thập giá sừng sững.
Chúng ta nghe một dàn âm thanh nổi, vang những câu sỉ nhục, chế diễu và thách đố, những tiếng cười ngạo nghễ đắc thắng. Theo Mt 27,44 và Mc 15,32, “cả hai tên trộm cướp cùng bị đóng đinh cũng chế diễu Người”. Theo Lc 23,39-45 thì cuộc tranh luận nổi lên giữa hai kẻ cùng bị đóng đinh, một kẻ cất giọng “solo” rót vào tai Người những lời chế diễu từ dưới vọng lên, một kẻ thì lên tiếng bênh vực và cầu xin. Chúa im lặng trước mọi lời chế diễu, nhưng đáp lời kẻ cầu xin: “Ngay hôm nay anh sẽ được ở trên thiên đàng với tôi!”
Bóng tối ập xuống phủ không gian. Tiếng Chúa Giê-su vang lên lời phó dâng: “Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha.” Viên sĩ quan chỉ huy cuộc hành quyết đáp lại bằng một lời tuyên xưng, như một gáo nước lạnh tạt vào mặt bọn người đắc thắng kia, khiến họ tiu nghỉu ra về. Đám đông tò mò tới xem cũng đấm ngực ra về (Lc 23,48).
Im lặng bao trùm tất cả.
Phải tỏ cho thế gian biết …
Thế gian phải biết bốn điều: 1/ một là Thiên Chúa yêu loài người đến mức nào; 2/ hai là Thiên Chúa yêu Con Một như thế nào; 3/ ba là Con Một Thiên Chúa yêu mến Cha như thế nào; 4/ bốn là Con Một Thiên Chúa yêu mến anh chị em của mình như thế nào. Tất cả được phô bày trên thập giá.
1/ Thiên Chúa yêu loài người đến mức nào
Trong Cựu Ước, sách Đệ Nhị Luật và nhiều sách, nhiều thánh vịnh nhắc nhở cho dân Chúa về tình yêu của Thiên Chúa dành cho họ, nhưng họ luôn quên lãng và chạy theo những gì trước mắt hấp dẫn họ. Mô-sê đã giải thích lý do: “Đức Chúa chưa ban cho anh em mắt để thấy, tai để nghe và lòng để biết” (Đnl 19,3). Được yêu là một chuyện, nhận biết mình được yêu là một chuyện và đáp lại tình yêu là khác nữa. Để nhận biết mình được yêu thì phải có mắt để thấy, có tai để nghe và có con tim biết rung động nữa. Những đứa con cưng nhiều khi chẳng nhận biết tình yêu của cha mẹ. Trong dụ ngôn người cha nhân hậu và hai người con (Lc 15,11-32), cả hai người con đều không nhận biết tình yêu của người cha. Người con thứ bỏ nhà đi thật xa để tìm hạnh phúc. Người con cả ở nhà với cha thì tự coi mình là tôi tớ trung thành tận tụy “hầu hạ cha”. Cả hai đều không nghe, không thấy và không biết cha yêu mình như thế nào. Người con thứ lâm cảnh khốn cùng quay về, được cha chạy ra ôm vào lòng mới mở mắt, mở tai, mở lòng để nhận ra và để cho cha yêu. Người con cả thì vẫn chưa mở mắt, mở tai, mở lòng để biết tình yêu của cha và chưa biết rung động theo nhịp tim của cha.
Các ngôn sứ, đặc biệt Ê-dê-ki-en (36,1-38) đã loan báo sự can thiệp quyết liệt của Thiên Chúa để dân của Giao Ước nhận biết và đáp lại tình yêu của Thiên Chúa và cho mọi dân nhận biết Thiên Chúa.
2/ Thiên Chúa yêu Con Một của Người như thế nào
Hai bài thánh ca trong thư Ê-phê-xô 1,3-14 và thư Cô-lô-xê 1,15-20 cho ta chiêm ngắm Thiên Chúa Cha yêu Con Một như thế nào.
Trong Tin Mừng thứ tư thì chính Chúa Giê-su diễn tả:
Quả thật, Chúa Cha yêu người Con và cho người Con thấy mọi điều mình làm, lại sẽ còn cho người Con thấy những việc lớn lao hơn nữa, khiến chính các ông cũng phải kinh ngạc. 21Chúa Cha làm cho kẻ chết trỗi dậy và ban sự sống cho họ thế nào, thì người Con cũng ban sự sống cho ai tuỳ ý. 22Quả thật, Chúa Cha không xét xử một ai, nhưng đã ban cho người Con mọi quyền xét xử, 23để ai nấy đều tôn kính người Con như tôn kính Chúa Cha. Kẻ nào không tôn kính người Con, thì cũng không tôn kính Chúa Cha, Đấng đã sai người Con. 24Thật, tôi bảo thật các ông : Ai nghe lời tôi và tin vào Đấng đã sai tôi, thì có sự sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống. (5,20-24)
Con là trung gian duy nhất: “Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy. Nếu anh em biết Thầy thì anh em biết Chúa Cha.” (14,6-7). Con Một là Đấng thừa kế duy nhất: “Mọi sự của Chúa Cha là của Thầy.” (16,15)
Con Một thành Trường Tử giữa mọi loài thọ tạo (Cl 1,15); “đứng đầu mọi loài trên trời dưới đất” (Ep 1,10); “Trưởng Tử giữa một đàn em đông đúc” (Rm 8,29).
Cha yêu Con nên không bao giờ bỏ Con một mình, ngay cả trên thập giá: “Này đến giờ –và giờ ấy đã đến rồi– anh em sẽ bị phân tán mỗi người một ngả và để Thầy cô độc một mình. Nhưng Thầy không cô độc đâu, vì Chúa Cha ở với Thầy.”
Khi Áp-ra-ham dẫn con lên núi để dâng con làm của lễ toàn thiêu, con vác củi, cha cầm lửa và dao, “hai cha còn cùng đi”. Sự thinh lặng chỉ bị ngắt quãng bởi cuộc đối thoại ngắn ngủi, đầy âu yếm mà ta chỉ được nghe có một lần: “Cha ơi!”… “Cha đây con!”… “Con của Cha à!” rồi “Hai cha con cùng đi». (St 22,6-8). Hai cha con cùng đi lên núi để tế lễ cho Thiên Chúa. Cha là người tế lễ, con là của lễ. Hai cha con cùng đi.
Trong Tin Mừng thứ tư không có Si-môn vác thập giá đỡ Chúa Giê-su, Chúa Giê-su tự vác lấy thập giá đi thẳng tới Gôn-gô-tha (Ga 19,17). Cuộc đối thoại giữa hai cha con đã diễn ra ở chương (12,27-30). Trên đường lên Gôn-gô-tha, mắt ta chỉ thấy Chúa Giê-su vác thập giá, nhưng Người đã cho ta biết trước là có Cha ở với Người : «Hai cha con cùng đi !».
Lời cuối cùng của Chúa Giê-su trên thập giá trong Tin Mừng thứ tư là : «Đã hoàn tất !» Trong Tin Mừng thứ ba là: «Cha ơi, con phó linh hồn con trong tay Cha!”.
Tin Mừng Mát-thêu và Mác-cô kể một tiếng kêu lớn, một tiếng thét lên. Tiếng thét này có thể hiểu theo thánh vịnh 37/38: “Tim thét gào thì miệng phải rống lên”. Nhưng cũng có thể hiểu là tiếng quát nạt của Thiên Chúa trên những kẻ chống lại Đấng Người đã xức dầu tấn phong: Rồi nổi trận lôi đình, Người quát nạt, trút cơn thịnh nộ, khiến chúng kinh hoàng (Tv 2,5); bởi vì cả hai sách Tin Mừng này đã kể cuộc hiển linh của Thiên Chúa theo hình ảnh cuộc hiển linh trên núi Xi-nai (Xh 19,16-19;20,21) và thánh vịnh 17/18,7-15; và Chúa Giê-su đã dâng lên Cha lời cầu nguyện của người công chính bị bách hại (Tv 21/22,2-3)
Từ giờ thứ sáu, bóng tối bao phủ cả mặt đất, mãi đến giờ thứ chín. 46Vào giờ thứ chín, Đức Giê-su kêu lớn tiếng : “Ê-li, Ê-li, lê-ma xa-bác-tha-ni”, nghĩa là “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con ?” 47Nghe vậy, một vài người đứng đó liền nói : “Hắn ta gọi ông Ê-li-a!” 48Lập tức, một người trong bọn chạy đi lấy miếng bọt biển, thấm đầy giấm, buộc vào đầu cây sậy và đưa lên cho Người uống. 49Còn những người khác lại bảo : “Khoan đã, để xem ông Ê-li-a có đến cứu hắn không !” 50Đức Giê-su lại kêu một tiếng lớn, rồi trút linh hồn.
Thiên Chúa lấy mây mù che cho Con đang trần truồng trên thập giá và ở với Con cho đến khi mọi sự hoàn tất. Trên núi Xi-nai ông Mô-sê chỉ tiến đến gần đám mây mù Thiên Chúa ngự. Trên thập giá, ngay giữa trưa, bóng tối bao trùm cả trời đất. Tiếng thét của Con vừa là tiếng hô của võ sĩ khi tung tuyệt chiêu hạ gục đối thủ, vừa là tiếng Cha quát nạt kẻ thù.
3/ Trên thập giá, Con đã yêu mến Cha bằng trót cả trái tim, trót cả mạng sống và trót cả sức lực.
Trong Cựu Ước (Đnl 6,4-5) cũng như trong Tân Ước (Mt 22,34-37; Mc 12,28-30; Lc 10,25-28), điều răn lớn nhất và đứng đầu mọi điều răn của Thiên Chúa là: “Nghe đây, hỡi Ít-ra-en! ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng ta, là ĐỨC CHÚA duy nhất. 5Hãy yêu mến ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), hết lòng hết dạ, hết sức anh (em).
Trong Cựu Ước, sau ba vị tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp thì suốt lịch sử là một cuộc vật lộn giữa Thiên Chúa với dân của Giao Ước qua các ngôn sứ, các biến cố… chỉ có một số “sót lại” trung thành với Thiên Chúa. Trong sách Đệ Nhị Luật, Mô-sê loan báo Thiên Chúa sẽ “cắt bì” trái tim để dân có thể thực thi điều răn này (30,6). Giê-rê-mi-a loan báo Thiên Chúa sẽ khắc luật trong tim (31,33-34); Ê-dê-ki-en loan báo Thiên Chúa sẽ thay tim cho dân trong Giao Ước mới (36, 26).
Trên thập giá, Trưởng Tử, Anh Cả Giê-su thay mặt cho cả đàn em đông đúc yêu mến Cha bằng trót cả sức lực, trót cả mạng sống và trót cả trái tim, rồi trao thần khí cho đàn em để có thể yêu mến Cha như vậy. Và để chứng thực Người đã yêu mến Cha bằng tất cả trái tim thì đã để cho tên lính Rô-ma đâm thủng cạnh sườn, cho giọt máu, giọt nước cuối cùng chảy ra.
4/ Trên thập giá, Trưởng Tử đã yêu mến các em hơn cả chính mình
Điều răn thứ hai giống như điều thứ nhất và không thể tách rời là: “Yêu mến người thân cận như chính mình” (Lv 19,18; Mc 12,33b; Mt 22,19; Lc 19,27). Trong cuộc đối thoại giữa Chúa Giê-su với người thông luật ở Lu-ca chương 10, Chúa Giê-su đã mở rộng ý nghĩa của “người thân cận” ra ngoài phạm vi chủng tộc đến bất cứ con người nào.
Trong Tin Mừng thứ tư thì Chúa Giê-su chết để “qui tụ con cái Thiên Chúa tản mác khắp nơi lại làm một” (11,52). Trong diễn từ giã biệt sau bữa Tiệc Ly, thì Chúa Giê-su cho một tiêu chuẩn mới để biết phải yêu tha nhân như thế nào: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau ; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” (13,34). Sau đó Chúa còn giải thích thêm:
“Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy.
12“Đây là điều răn của Thầy : Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. 13Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. 14Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. 15Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết. (15,9.12-15). Gương mẫu và mức độ yêu mến của Chúa Giê-su là Chúa Cha. Mức độ ấy Chúa Giê-su xác định: “Hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”. Nhưng Chúa Giê-su lại vượt lằn mức ấy khi hiến mạng sống để làm cho chúng ta trở thành bạn hữu, anh em của Chúa.
Thánh Phao-lô giải thích: “Quả vậy, khi chúng ta không có sức làm được gì vì còn là hạng người vô đạo, thì theo đúng kỳ hạn, Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta. 7Hầu như không ai chết vì người công chính, hoạ may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng. 8Thế mà Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi, đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta. 9Phương chi bây giờ chúng ta đã được nên công chính nhờ máu Đức Ki-tô đổ ra, hẳn chúng ta sẽ được Người cứu khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. 10Thật vậy, nếu ngay khi chúng ta còn thù nghịch với Thiên Chúa, Thiên Chúa đã để cho Con của Người phải chết mà cho chúng ta được hoà giải với Người” (Rm 5,6-10).
Hãnh diện vì Thánh Giá của Đức Giê-su Ki-tô Chúa chúng ta
Ngày thứ sáu Tuần Thánh, sau khi đọc bài Thương Khó và dâng lời nguyện long trọng cho Hội Thánh, cho mọi nhu cầu của con người, chúng ta long trọng rước Thánh Giá vào và tung hô ba lần: “Đây là Cây Thánh Giá, nơi treo Đấng Cứu Độ Trần Gian – Chúng ta hãy đến thờ lạy.” Sau mỗi lần, mọi người quỳ gối thờ lạy trong thinh lặng. Rồi Thánh Giá được đặt nơi trang trọng, hoặc linh mục, phó tế cầm cho từng người lên hôn kính. Và sau đó suốt ngày Thứ Sáu Tuần Thánh chúng ta tỏ dấu tôn kính trước Thánh Giá như thường ngày chúng ta vẫn tỏ dấu tôn kính Bí Tích Thánh Thể.
Chúng ta hãnh diện vì cây Thánh Giá, không phải vì nó bằng vàng, bằng bạc nạm đá quý mà người ta đeo làm huy hiệu cho các vị chức sắc trong Hội Thánh, hay đồ trang sức của phụ nữ…, nhưng vì nó là Nơi Treo Đấng Cứu Độ Trần Gian, là công cụ của Đấng Cứu Độ Trần Gian, để chiến thắng tử thần và mở cửa Nước Trời cho chúng ta.
Chúa Giê-su chẳng mất tiền sắm để tặng cho những ai muốn làm môn đệ, vì Chúa bảo: “Ai muốn theo làm môn đệ của tôi thì phải từ bỏ chính mình, vác thập giá của mình hàng ngày mà theo” (Lc 9,23). Mỗi người đều có thập giá cài đặt sẵn trong cuộc sống của mình. Chẳng phải tìm đâu xa, chẳng phải tốn tiền mua sắm. Muốn hay không cũng phải vác. Vác miễn cưỡng và đi một mình thì chẳng ích gì. Tự ý vác lên vai và đi đàng sau Chúa thì nó được biến đổi, vì nó trở nên thánh giá nhờ tham dự vào thánh giá của Chúa để cứu độ mình và cứu độ trần gian.
Cựu Ước có một hình ảnh giúp hiểu sức biến đổi do thánh giá mang lại. Khi dân Chúa vừa ra khỏi Ai Cập và đi vào hoang địa, gặp được nguồn nước thì lại là nước mặn. Dân chúng kêu trách ông Mô-sê. Thiên Chúa chỉ cho ông một khúc cây. Ông quăng khúc cây ấy xuống nước thì nước liền trở thành nước ngọt (Xh 15,23-25).
Thánh giá của Chúa biến đổi thánh giá hàng ngày của chúng ta nên ngọt ngào và mưu ích cho bản thân và cho Hội Thánh, như thánh Phao-lô viết cho tín hữu Cô-lô-xê (1,24) :
“Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Ki-tô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh.
Chính Người là Đấng chúng tôi rao giảng, khi khuyên bảo mỗi người và dạy dỗ mỗi người với tất cả sự khôn ngoan, để giúp mỗi người nên hoàn thiện trong Đức Ki-tô. 29Chính vì mục đích ấy mà tôi phải vất vả chiến đấu, nhờ sức lực của Người hoạt động mạnh mẽ trong tôi. (1,24.29).
Thập giá hàng ngày của người tông đồ là những đau khổ, vất vả, gian truân gắn với sứ mạng. Đối với mỗi người tín hữu, thập giá hàng ngày là những vất vả, khổ đau gắn liền với bổn phận làm cha làm mẹ, làm vợ làm chồng, lao động, học hành và tất cả những phiền toái “không mời mà đến” trong cuộc sống hàng ngày.
Thánh Lu-ca kể rằng một trong hai người trộm cướp cùng bị đóng đinh trên thập giá bên cạnh Chúa Giê-su, nhận biết Chúa Giê-su không làm chi gian ác, còn anh ta chịu như thế là đáng với tội mình, rồi xin Chúa: “Giê-su ơi, khi Ngài đến trong nước của Ngài, xin nhớ đến tôi nhé!”, anh liền được đáp lại: “Thật, tôi bảo thật anh, ngay hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng”. Thập giá của anh đã được biến đổi tức thì, “ngay hôm nay”, “cùng với Chúa Giê-su” (Lc 23,40-43).
Thập giá là biểu tượng của sự từ bỏ chính mình. Từ bỏ chính mình không phải là tự quăng vào sọt rác hay xuống sông xuống biển, nhưng là đặt Chúa, anh chị em, bổn phận, làm trọng tâm đời sống của mình. Khi hai người yêu nhau thì người này thành trọng tâm đời sống người kia, con cái là trọng tâm đời sống của cha mẹ… Khẩu hiệu “vì nước quên thân, vì dân quên mình” là lấy đất nước, dân tộc làm trọng tâm đời mình, sẵn sàng hy sinh cả mạng sống vì dân vì nước.
Từ bỏ chính mình để theo làm môn đệ của Chúa là đặt Chúa và sứ mạng của Chúa, chương trình của Chúa làm trọng tâm của đời mình. Sống như Chúa đã sống, yêu như Chúa đã yêu, tìm những gì Chúa tìm, bỏ những gì Chúa bỏ, chọn những gì Chúa chọn, chịu những gì Chúa chịu. Không sợ lỗ, vì Chúa đã hứa: “Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha Thầy sẽ quý trọng người ấy.” (Ga 12,26).
Trên thập giá, trọng tâm của Chúa Giê-su là Cha và anh em. Trong Tin Mừng thứ tư thì Chúa ôm lấy thập giá là để tỏ lòng yêu mến Cha, và để quy tụ con cái Thiên Chúa khắp nơi lại làm một. Trong Tin Mừng Nhất Lãm thì lời cầu xin trong Vườn Ghết-sê-ma-ni cho thấy Chúa ôm lấy thập giá để thi hành ý muốn của Cha. Tin Mừng Lu-ca cho thấy rõ hơn: Lời đầu tiên trên thập giá là “xin Cha tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”, lời thứ hai là hứa cho người cùng bị đóng đinh: “Ngay hôm nay anh sẽ được ở trên thiên đàng với tôi”. Lời cuối cùng là: “Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha”.
Trong những cuộc bách hại Ki-tô hữu suốt mấy trăm năm trên đất nước chúng ta, nhất là ở thế kỷ 19, người ta đề nghị tín hữu dẫm chân lên thánh giá hay bước qua thánh giá để tỏ ra mình chối bỏ Đạo Chúa.
Các anh hùng tử đạo, không chỉ 117 vị đã được phong thánh để làm gương, đều đã chọn ngục tù, lưu đầy và chết chứ không chối bỏ Đạo. Năm 1858, cuộc bắt đạo dữ dội xảy ra ở miền Tây: Cái Nhum, Cái Mơn, Đầu Nước. Thánh Phê-rô Quý và Em-ma-nu-en Phụng bị bắt ở Đầu Nước và xử trảm. Có hai mẫu gương nữ tu Mến Thánh Giá, nhưng sau khi bị đòn gần chết và ở tù hơn ba năm lại được tha về, nên chẳng ai nhớ tới ngoài ba tu viện Mến Thánh Giá Cái Nhum, Cái Mơn, và Chợ Quán: Bà Mat-ta Lành và Dì Y-sa-ve Ngọ. Bà Mat-ta Lành là bề trên tiên khởi của tu viện Cái Mơn và bị bắt đang khi là bề trên.
Theo sử liệu của tu viện Cái Mơn và Chợ quán:
Ròng rã suốt 3 năm, 3 tháng, 20 ngày (08.12.1858 – 28.03.1862) trong ngục tù, Bà Matta Lành và Dì Isave Ngọ bị đeo gông, nhiều lần bị tra tấn hết sức dã man. Có những lần bị tra tấn tưởng như đã chết![1]
Khi thành Vĩnh Long thất thủ, lính Pháp tràn vào phá cửa ngục, phóng thích các tù nhân, Bà Matta và Dì Ngọ cũng được trả tự do trở về với Tu Viện Cái Mơn.
Sau 2 tháng nghỉ dưỡng bà xây lại nhà dòng Cái Mơn.
1865 bà được Đức Cha Lefèbvre sai bà đi phục hưng tu viện MTG Cái Nhum.
1867 bà được Đức cha Isodore Colombert sai đến Chợ Quán cùng 5 chị em khác (Quyền – Vui – Quý – Sửu – Thọ) và là Bề Trên tiên khởi của dòng MTG Chợ Quán.
Năm 1873, khi Tu Viện MTG Chợ Quán đã được ổn định, Bà tình nguyện dạy dự tòng tại các miền phụ cận Sài Gòn và lập các họ đạo như: Trảng Bàng, Bà Điểm, Hóc Môn, Mỹ Huê, Tân Đông, Tân Hưng…
Sau khi lập xong các họ đạo, Bà xin trở về Tu Viện Cái Mơn của mình, khiêm tốn sống nếp sống của một nữ tu bình thường, và đi truyền giáo ở những vùng lân cận. Lập các họ đạo: Giồng Luông, Cái Cá… thuộc tỉnh Bến Tre.
Trong lúc Bà đang hăng say truyền giáo tại các họ đạo mới nầy, thì các bổn đạo ở Tân Đông, Tân Hưng, nài xin Đức Cha cho Bà trở lại để dạy dỗ, dìu dắt họ sống đạo. Vâng lời Đức Cha, Bà trở lại Tân Hưng…
Dù tuổi đời còn khá trẻ, nhưng do ảnh hưởng của những năm tháng trong lao tù, sức khoẻ của Bà ngày càng suy kiệt. Vào ngày 08.05.1883, tại họ đạo Tân Hưng, Bà Mat-ta đã an bình trút hơi thở cuối cùng giữa những tiếc thương của bao người. Hưởng dương 58 tuổi.
Về Dì Ysave Ngọ, Cụ Petrus Trương vĩnh Ký kể về trận tra khảo cuối cùng:
Trong cuộc đấu cuối cùng này, quan lên cơn thịnh nộ đánh chị không đếm số. Nếu anh em muốn biết con số chắc chắn, thì rõ ràng chị đã bị đánh 115 hèo. Nhưng sau khi chị đã kiệt sức và nói không nổi nữa nên không còn đủ hơi để kêu Giê-su ! Maria ! Chỉ còn nghe tiếng hèo vun vút, kẻ đánh cũng mệt vì như đánh xác chết, hắn dừng cây hèo, hô lên : Nó bất tỉnh rồi ! Phần nó xong rồi !
Bấy giờ quan truyền cầm gông lôi chị qua Thập Giá. Song le chị cảm thấy mình bị lôi trên đầu gối, chị tỉnh lại, mạnh mẽ kháng cự : Nhờ đức tin thêm sức, chị lấy tay trái đỡ gông, và tay mặt đẫm máu hồng nâng cây Thập Giá lên trời như chiến lợi phẩm tuyệt vời của cuộc chiến thắng và khải hoàn của chị, môi chị im lặng nhưng lòng chị rộn ràng và mấp máy lời ca ngợi Đấng Cứu Độ[2].
Đọc đến đây tôi nhớ mỗi lần dự lễ tuyên khấn của các nữ tu Mến Thánh Giá, sau khi các chị nhận thánh giá khấn: Các chị mới tuyên khấn, cầm thánh giá bằng hai bàn tay mịn màng, giơ cao và hát bài ca suy tôn Thánh Giá…
Tôi không ước được thấy các nữ tu Mến Thánh Giá – cách riêng các cháu của tôi – đưa hai bàn tay đẫm máu hồng cầm Thánh Giá dâng cao như Dì Y-sa-ve Ngọ, chỉ xin cho lời cam kết mà các chị tuyên lại hàng ngày trở thành sự thật: “Chúa Giê-su chịu đóng đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí con” như cuộc đời Bà Mát-ta Lành.
Gương mẫu của tất cả chúng ta là thánh Phao-lô: “Hồi còn ở giữa anh em, tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giê-su Ki-tô, mà là Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh vào thập giá” (1Cr 2,2)
“Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta! Nhờ thập giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian” (Gl 6,14)
[1] Theo một bức thư của Cụ Petrus Trương vĩnh Ký, bà Matta Lành bị tra khảo 4 trận, trận đầu bị đánh 29 hèo, trận thứ hai, 18 hèo, trận thứ ba 14 hèo, trận thứ tư 39 hèo, tên lính thấy bà đã bất tỉnh, kêu lên: “Nó chết rồi!”. quan mới cho ngừng tay.
[2] Gợi lại cảnh trong sách Công Vụ các Tông Đồ (5, 40-41) cả Mười Hai Tông Đồ bị điệu ra trước Thượng Hội Đồng của người Do Thái. Sau khi cho đưa các ông ra ngoài để tòa nghị án : « Họ cho gọi các Tông Đồ vào mà đánh đòn… Các Tông Đồ ra khỏi Thượng Hội Đồng, lòng hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giê-su ». Chúa Giê-su đã căn dặn các môn đệ khi bị bắt bớ, sỉ nhục, hành hạ vì là môn đệ của Chúa : « Ngày đó anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì nà đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao… » (Lu-ca 6,23)