Trong buổi tiếp kiến các cộng đoàn Laudato sí, sáng ngày 12/9/2020, Đức Thánh cha Phanxicô mời gọi các tín hữu hãy chiêm ngắm thiên nhiên và có lòng cảm thông với tha nhân. Đó là hai chìa khóa để thực thi một nền sinh thái toàn diện.
Hiện diện tại buổi tiếp kiến, có khoảng 250 đại diện của 60 cộng đoàn Laudato sí, tại nhiều nơi ở Italia. Các cộng đoàn này được thành lập do sáng kiến của Đức cha Domenico Pompili, giám mục giáo phận Rieti ở mạn bắc Roma, với mục đích phổ biến những phân tích và giáo huấn của Đức Thánh cha Phanxicô trong thông điệp Laudato sí về tình trạng môi sinh hiện nay, cổ võ và chấp nhận những lối sống phù hợp với tư tưởng về môi sinh toàn diện. Các cộng đoàn này đã phát động chiến dịch toàn quốc trồng cây.
Tham dự buổi tiếp kiến, cũng có ông Carlo Petrini, Chủ tịch tổ chức Slow Food, lương thực chậm, và các cộng tác viên. Đây là một tổ chức quốc tế không lợi nhuận, nhắm mang lại giá trị đúng đắn cho lương thực, tôn trọng những người sản xuất, hòa hợp với môi trường và hệ thống môi sinh. Mỗi ngày, tổ chức Slow Food, hoạt động tại 150 quốc gia, cổ võ việc sử dụng lương thực tốt, trong sạch và đúng đắn cho tất cả mọi người.
Huấn dụ của Đức Thánh cha
Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh cha ca ngợi sự dấn thân của các cộng đoàn Laudato sí, dấn thân cổ võ và thực hiện một nền sinh thái toàn diện, chống lại những hoạt động gây hại cho thiên nhiên, một phần cũng do những bất công xã hội góp phần tạo nên. Ngài đặc biệt đề nghị hai đường hướng hoạt động để thực hiện nền sinh thái toàn diện, đó là chiêm niệm và cảm thông.
Đức Thánh cha nhấn mạnh rằng chiêm niệm là điều rất cần thiết ngày nay, vì thiên nhiên quanh chúng ta không còn được chiêm ngưỡng nữa, nhưng bị “ngấu nghiến”. Người ta trở thành những người “ngấu nghiến” thiên nhiên vì tham lợi, nghiện ngập lợi lộc và những kết quả ngay trước mắt và bằng mọi giá. Con người sống vội vã, bị bệnh tiêu thụ, tìm kiếm và say mê các “ứng dụng” (app) mới, chia trí vì hàng ngàn những điều vô ích, trở thành “tù nhân cho điện thoại di động”.
Đối lại với lối sống như thế, Đức Thánh cha nói: “chiêm niệm là dành cho mình thời giờ để thinh lặng, cầu nguyện, để sự hài hòa trở lại trong tâm hồn, có sự quân bình lành mạnh giữa đầu, tim và chân tay. Chiêm niệm là phương dược chống lại những chọn lựa vội vã, hời hợt và không đi tới đâu cả…
Chìa khóa thứ hai Đức Thánh cha đề nghị là cảm thương, cảm thông với tha nhân. Đó là kết quả của sự chiêm niệm. “Nếu ta cảm thông với người khác, ta sẽ đi xa hơn những lời bào chữa và những lý thuyết, để nhìn thấy nơi tha nhân, là những anh chị em của chúng ta cần trân trọng. Đó là bằng chứng chúng ta hành động theo Chúa, là Đấng, dù bao nhiêu điều xấu chúng ta nghĩ và làm, Chúa vẫn luôn xem chúng ta như những người con yêu quí của Ngài.”
Đức Thánh cha nhận xét rằng lòng cảm thông của chúng ta là thuốc chủng ngừa tốt nhất chống lại đại dịch của thái độ dửng dưng, không quan tâm đến người khác. Lòng cảm thông không phải chỉ là một tình cảm đẹp, nhưng là kiến tạo một liên hệ mới với tha nhân, là đảm nhận, săn sóc người khác như người Samaritano nhân lành, vì lòng cảm thương, đã săn sóc người bị cướp đánh và bỏ dọc đường, dù ông không biết người bị thương ấy.
Trong cùng chiều hướng này, Đức Thánh cha nói rằng ai có lòng cảm thông, thì hằng ngày quyết liệt chống lại thứ văn hóa gạt bỏ và phung phí: gạt bỏ người khác và phí phạm đồ vật: thật là đau lòng khi thấy bao nhiêu người bị gạt bỏ không chút thương tiếc: người già, trẻ em, người khuyết tật, công nhân… Và thật là gương mù, khi thấy người ta phí phạm sự vật. Tổ chức FAO của Liên Hiệp Quốc cho biết mỗi năm người ta vứt bỏ đi hơn một tỷ tấn lương thực còn ăn được!
G. Trần Đức Anh, O.P.(Rei 12-9-2020)