Truyền Thông ! 2 từ xem ra gần gũi trong cuộc sống ngày hôm nay vì đơn giản truyền thông là cách lối con người sử dụng thường nhất từ già đến trẻ, từ giàu sang phú quý đến bình dân …
Thế nhưng rồi nếu người sử dụng truyền thông hay giao tiếp không có đạo đức truyền thông hay đạo lý con người thì sẽ rất dễ phá đời người khác và phá đi nhân cách của chính bản thân mình. Có lẽ nhiều người không để ý vấn đề đạo đức truyền thông để rồi …
Sau khi chương trình chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2020 khép lại vào ngày 20.9.
Nguyễn Thị Thu Hằng, học sinh Trường THPT Kim Sơn A, Ninh Bình đã biểu lộ cảm xúc của mình.
Ấy vậy mà cũng ném đá !
Sao rảnh nhỉ ?
Chuyện con bé bày tỏ cảm xúc của bé khi đoạt giải xem chừng ra cũng chả dính dáng gì đến cộng đồng. Con bé chả làm phiền hại hay làm mất đến cái gì của cộng đồng. Có cái là con bé quá giỏi để đạt được vương miện sau ngày dài miệt mài kinh sử.
Vui, hạnh phúc vỡ òa sau bao miệt mài và cố gắng thôi mà. Có làm gì phiền ai hay lố bịch đâu nhỉ ? Một con bé suốt ngày dùi mài kinh sử và chỉ có cử chỉ vui khi đoạt giải quán quân thôi mà cũng bị công kích. Bản thân tôi, ít là cảm thấy phục vì sự học hỏi, kiến thức của bé. Cạnh đó là tôn trọng tự do của con người. Bé chả làm gì gọi là lố bịch cả.
Trong khi đó thì báo chí đăng tải những “nghi án” nào là Mỹ Tâm có bầu, nào là bla bla có thai … Chuyện người ta có bầu có thai là chuyện của người ta. Và rồi nhiều người nhảy vào hồ hỡi để công kích những nghi án đó.
Cũng mới đây không lâu. Vô tình tôi nghe được chia sẻ rất thật của một người nữ tìm chốn nương thân trong nhà Chùa về vị trụ trì một ngôi chùa nổi tiếng của Sài Thành. Ngôi Chùa ấy, cách đây hơn 30 năm về trước mọc lên từ nghĩa địa ven đô và chả ai thèm quan tâm đến vì chả ai mong đến cái nơi đó.
Từ mảnh đất đó và nhất là từ tấm lòng, vị trụ trì trong suốt non non nửa thế kỷ đã cưu mang không biết bao nhiêu sinh linh bất hạnh. Từ trẻ mồ côi cho đến khiếm thính khiếm thị và … bại não. Cạnh đó, phòng khám chữa trị bệnh cho người nghèo nữa.
Cứ từ ngày, cứ từ ngày ngôi chùa ấy cứ phát triển nhờ vào lòng từ tâm thương mến của nhiều người. Ngôi Chùa ấy trở nên là chiếc nôi của lòng nhân ái.
Một ngày đẹp trời, vị trụ trì già ngoài 90 tuổi ngôi chùa ấy bị đuổi ra ngoài vì vi phạm gì đó mà bản thân tôi cũng chả biết và cũng chả quan tâm. Quan tâm là chia sẻ của người sống gần và cạnh vị sư già 94 tuổi đời đó.
Cô đã kể rất thật về những gì vị sư già đã sống.
Tôi chỉ suy nghĩ vụn vặt rằng nếu thầy làm sai pháp luật thì có pháp luật xử lý. Và nếu thầy làm gì đó trái luật tu thì những vị có trách nhiệm trên thầy xử lý. Đàng này, có đâu mà không biết bao nhiêu người đâu đâu mạnh dạn ném đá thầy.
Chuyện thầy sai đúng còn có lương tâm xét xử nữa. Ở đời, có những việc mình thấy tận mắt đó nhưng chưa chắc nó là đúng mà. Ấy vậy sao mình lại hùa theo đám đông để mắng mỉa người khác. Quả thật là chua xót cho hiệu ứng đám đông.
Chỉ muốn gõ vài dòng tâm tư của ngày mới để chia sẻ với ai nào đó cần sẻ chia và nhất là chính bản thân mình cần cẩn thận và cân nhắc về truyền thông, về giao tiếp. Việc gì không dính dáng đến mình xin đừng xía đến. Việc gì ta không biết chắc ta đừng phán quyết. Và, nên đừng đoán xét ai để ta đừng bị xét đoán như Chúa dạy.
Và hơn hết, cần lo cho bản thân, lo cho gia đình hơn là chạy theo cơn lốc của truyền thông. Đơn giản là những có những nhà truyền thông đại tài chuyên dắt mũi người khác. Khổ một cái là nhiều và rất nhiều người để truyền thông dẫn mũi. Hết sức cẩn thận với cơn bão truyền thông để ta đừng phải nói những câu như giá mà … giá như …