Chúa nhật, ngày 27/9/2020 này, Giáo hội sẽ cử hành Ngày Thế giới di dân và tị nạn lần thứ 106, với chủ đề là: “Như Chúa Giêsu Kitô, họ bị bó buộc phải trốn chạy. Đón tiếp, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập những người di tản nội địa”.
Trong sứ điệp công bố ngày 13/5 năm nay, để chuẩn bị cho Ngày Thế giới này, Đức Thánh cha Phanxicô kêu gọi các tín hữu hãy nhìn thấy nơi những người di dân và tị nạn hình ảnh Chúa Giêsu Kitô cùng với song thân bị bó buộc phải chạy trốn sang Ai Cập.
Đức Thánh cha nhắc đến thảm trạng của những người di tản nội địa càng trở nên trầm trọng hơn vì đại dịch Covid-19 hiện nay. Ngài khẳng định rằng: “Những người di tản mang lại cho chúng ta cơ hội gặp gỡ Chúa, “cho dù mắt chúng ta khó nhận ra Ngài: với áo quần tả tơi, đôi chân bẩn thỉu, với khuôn mặt biến dạng, thân mình đầy vết thương, không nói được ngôn ngữ của chúng ta” (Bài giảng 15-2-2019). Đây là một thách đố mục vụ chúng ta được kêu gọi đáp lại bằng bốn động từ mà tôi đã nêu lên trong sứ điệp nhân Ngày Thế giới di dân và tị nạn năm 2018, đó là: đón tiếp, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập”.
Từ bốn động từ đó, sứ điệp của Đức Thánh cha trình bày thêm sáu cặp động từ khác để đáp ứng những hoạt động rất cụ thể để giúp đỡ những người di tản, đó là:
– Cần nhận biết để hiểu tình trạng những người tản cư
– Cần trở nên thân cận với người tản cư để phục vụ họ
– Để hòa giải vần phải lắng nghe
– Để tăng trường cần phải chia sẻ
– Cần can dự để thăng tiến
– Cần cộng tác để xây dựng
Và sứ điệp của Đức Thánh cha kết luận với một kinh nguyện dựa vào gương thánh Giuse, đặc biệt khi thánh nhân bị buộc lòng phải chạy sang Ai Cập để cứu vớt Chúa Hài Đồng.
Kêu gọi của Đức Hồng y Czerny
Trong một sứ điệp trực tuyến, Đức Hồng y Michael Czerny, Dòng Tên, Phó Tổng thư ký Phân bộ di dân và tị nạn, thuộc Bộ Phát triển nhân bản toàn diện, kêu gọi các chức sắc của Giáo hội cộng tác để đáp ứng thách đố do những người di tản nội địa đề ra. Ngài nói: “Sự gần gũi của anh em có thể cổ võ một sự lắng nghe chăm chú hơn đối với những gì những người di tản đang cần, đang hy vọng và chờ mong; sự lắng nghe ấy cũng có thể kích thích sự tham gia của những người di tản nội địa thuộc mọi gốc gác và khả năng, vào những quyết định có liên hệ tới họ, trong những ngôn ngữ và hình thức mà họ hiểu được”.
G. Trần Đức Anh, O.P. (Vatican News 24-9-2020)