Chúa nhật 18/10/2020, toàn Giáo hội cử hành Ngày Thế giới truyền giáo lần thứ 94, với chủ đề là câu trích từ sách Ngôn sứ Isaia: “Này con đây, xin hãy sai con” (Is 6,8).
G. Trần Đức Anh, O.P.
Trong sứ điệp nhân ngày này, Đức Thánh cha đặt câu hỏi: “Chúng ta có sẵn sàng được sai đi khắp nơi để làm chứng về niềm tin của chúng ta nơi Thiên Chúa là Cha thương xót, để công bố Tin mừng cứu độ của Chúa Giêsu, để chia sẻ cuộc sống thần linh của Chúa Thánh Linh, qua việc xây dựng Giáo hội hay không? Như Mẹ Maria, chúng ta có sẵn sàng, không chút dè dặt, phục vụ thánh ý Thiên Chúa (xc. Lc 1,38) hay không? Thái độ sẵn sàng nội tâm này rất quan trọng để có thể thưa với Chúa: “Lạy Chúa, này con đây, xin hãy sai con” (xc. Is 6,8).
Và Đức Thánh cha nhắc nhở rằng: “Cử hành Ngày Thế giới truyền giáo cũng có nghĩa là tái khẳng định việc cầu nguyện, suy tư và sự giúp đỡ vật chất do những đóng góp của anh chị em là những cơ hội để tham gia tích cực vào sứ mạng của Chúa Giêsu trong Giáo hội của Ngài. Đức bác ái được biểu lộ qua những cuộc lạc quyên trong các thánh lễ Chúa nhật thứ ba của tháng Mười, có mục đích hỗ trợ công việc truyền giáo được Các Hội Giáo hoàng truyền giáo thực hiện nhân danh tôi, để đáp ứng các nhu cầu thiêng liêng và vật chất của các dân tộc và các Giáo hội trên toàn thế giới, vì phần rỗi của tất cả mọi người”.
Sáng ngày 16/10 vừa qua, hai vị Tổng giám mục Tổng thư ký Bộ truyền giáo: Protase Rugambwa và Giampietro Dal Toso và cha Nowak, Phó Tổng thư ký, đã mở cuộc họp báo tại Vatican để trình bày ý nghĩa Ngày Thế giới truyền giáo, đồng thời cũng nói đến những gì các tín hữu có thể giúp đỡ cụ thể cho các xứ truyền giáo.
Đặc biệt, Đức Tổng giám mục Dal Toso cho biết Quỹ Tương Trợ trong kỳ đại dịch do Bộ truyền giáo thành lập, nhân danh Đức Thánh cha đã tài trợ 250 dự án tại các Giáo hội địa phương bị thử thách nhiều vì coronavirus, tổng cộng gần một triệu 300.000 Mỹ kim và gần 473.500 Euro. Số tiền này đến từ các cuộc lạc quyên tại 120 quốc gia, do các vị Giám đốc toàn quốc các Hội Giáo hoàng truyền giáo gửi tới, đặc biệt Tây Ban Nha, Pháp, Nam Hàn đóng góp nhiều nhất, nhưng cả các nước nghèo như Rwanda và Bangladesh cũng cổ chức lạc quyên để hỗ trợ quỹ tương trợ.
(Rei 16-10-2020)