KẾ HOẠCH VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐÀO TẠO NHÂN SỰ CHO CHƯƠNG TRÌNH MỤC VỤ GIỚI TRẺ HÔM NAY VÀ NGÀY MAI
Lm. Gioan B. Nguyễn Kim Ngân
Chủng Viện Qui Nhơn
WGPQN (10.11.2020) – Trong Tông huấn Christus Vivit, Đức Phanxicô mời gọi: “Có những linh mục, tu sĩ, giáo dân, những nhà chuyên môn và cả những người trẻ được đào tạo, họ có thể đồng hành với người trẻ” (CV 291). Qua lời này, chúng ta thấy nguồn nhân sự phong phú nhằm phục vụ cho chương trình “đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện” trong chính giáo xứ của mình. Với những nhân sự này, chúng ta được mời gọi có kế hoạch đi theo hướng mà Chúa Giêsu đã thực hiện trên đường Emmaus. Ngài đã tiếp cận, lắng nghe, giải thích và mời gọi hiệp thông khi Ngài cùng đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmaus. Trong bài suy tư này, chúng ta bàn đến vấn đề nhân sự cho chương trình mục vụ giới trẻ. Tiếp đến, chúng ta tìm hiểu kỹ kế hoạch và hướng đi mà Chúa Giêsu đã thực hiện để giúp những người có trách nhiệm thực hiện chương trình mục vụ giới trẻ hầu mang lại nhiều kết quả như lòng Chúa mong ước.
I. NHÂN SỰ CHO VIỆC ĐỒNG HÀNH VỚI GIỚI TRẺ
Như đã nói trong phần dẫn nhập, Đức Phanxicô đã nêu lên cho chúng ta những nhân sự trong việc mục vụ đồng hành giới trẻ trong Tông huấn Chúa Kitô Đang Sống. Các nhân sự ấy bao gồm linh mục, tu sĩ nam nữ, giáo dân, những nhà chuyên môn và những người trẻ được đào tạo (x. CV 291).
1. Linh mục
Sở dĩ khi Đức Thánh Cha Phanxicô nói đến nhân sự trong Tông huấn Chúa Kitô Đang Sống, ngài đề cập đến linh mục đầu tiên, vì ngài biết rõ các linh mục đang coi xứ là những nhân sự trực tiếp thực hiện mục vụ giới trẻ. Linh mục là chủ chăn của một đoàn chiên được Giáo Hội giao phó với trách nhiệm hướng dẫn đoàn chiên của mình ngày càng sống đức tin vững mạnh. Điều này được Công đồng Vaticanô II xác định trong Sắc lệnh về tác vụ và đời sống các linh mục (Presbyterorum Ordinis): “Với tư cách là những nhà giáo dục đức tin, các linh mục có nhiệm vụ, hoặc đích thân hoặc nhờ người khác, lo cho từng người tín hữu được hướng dẫn trong Chúa Thánh Thần, để biết làm triển nở ơn gọi mỗi người theo Tin Mừng, để sống đức ái chân thành và thiết thực, để được tự do như ý Đức Kitô muốn” (PO 6). Và cũng trong số 6 này, Công đồng nói rõ: “Các ngài phải đặc biệt ân cần chăm sóc các thanh thiếu niên, những người sống đời hôn nhân và các bậc phụ huynh, khuyến khích họ họp thành những nhóm bạn hữu, cùng giúp nhau để có thể dễ dàng thực thi tinh thần Kitô hữu cách trọn vẹn trong cuộc sống đầy khó khăn này.”[1]
Với những lời chỉ dẫn này, các linh mục, đặc biệt các linh mục đang coi sóc giáo xứ và linh mục đặc trách giới trẻ ý thức trách nhiệm chăm sóc mục vụ cho giới trẻ. Sắc lệnh này nói rõ rằng linh mục có nhiệm vụ lo cho từng người tín hữu, như vậy nó bao hàm người trẻ. Đặc biệt hơn, sắc lệnh này cũng nói các linh mục phải đặc biệt ân cần chăm sóc các thanh thiếu niên để giúp họ sống đời kitô hữu trong cuộc sống đầy thách đố với đức tin của họ. Giáo Hội mong các linh mục không quên giới trẻ trong chương trình mục vụ của mình.
Theo tinh thần của Tông huấn Giáo Hội Tại Á Châu, chúng ta bắt gặp điều này: “Giáo xứ, các hội đoàn và các phong trào có thể giúp người trẻ đối diện tốt hơn với những áp lực xã hội, bằng cách trao tặng cho họ không những khả năng tăng trưởng đến một đời sống kitô hữu trưởng thành hơn, mà còn giúp họ dưới hình thức hướng nghiệp, đào tạo về ơn gọi và cố vấn cho giới trẻ” (EA 47). Thật vậy, với tư cách là chủ chăn của giáo xứ, người hướng dẫn các hội đoàn và các phong trào trong giáo xứ, linh mục càng trau dồi kiến thức và phương pháp tiếp cận người trẻ để có thể giúp họ tham gia vào mọi hoạt động của giáo xứ, của hội đoàn. Với mối quan tâm như thế, các linh mục sẽ giúp người trẻ tích cực và năng động hơn trong đời sống đạo.
Trong Thư Chung của HĐGMVN năm 2019, các vị chủ chăn đã nhắn nhủ các linh mục rằng: “Những người tham gia mục vụ giới trẻ, đặc biệt các linh mục, cần đổi mới cách nhìn và cách tiếp cận người trẻ.” Với cái nhìn được đổi mới trong tương quan và chăm sóc mục vụ, các linh mục sẽ giúp cho giáo xứ, giáo phận, Giáo Hội có những người trẻ tươi vui, can đảm, nhiệt tâm dấn thân cống hiến cho công cuộc Phúc âm hóa.[2]
2. Tu sĩ nam nữ
Tu sĩ nam nữ không chỉ dâng hiến đời mình để sống cho một mình Thiên Chúa trên hết mọi sự trong linh đạo của đời sống tu trì, mà còn được mời gọi dùng chính đời mình để phục vụ tha nhân. Có thể nói không có một hội dòng hay một tu hội nào mà không nhắm đến phục vụ tha nhân, cho dù dòng ấy hay tu hội ấy thuộc chiêm niệm hay hoạt động. Giáo Hội nhận thấy vai trò phục vụ tha nhân nơi tu sĩ là cần thiết. Chúng ta bắt gặp điều đó trong Tông huấn Chứng Tá Phúc Âm (Evangelica Testificatio) khi Đức Phaolô VI nhắn nhủ các tu sĩ nam nữ rằng: “Khi các con được mời gọi đảm nhiệm những trách vụ khác để phục vụ nhân loại – đại khái như hoạt động mục vụ, … và các việc tương tự, – chẳng phải lòng nhiệt thành gắn bó với Chúa trước tiên sẽ làm cho các việc ấy trở nên phong phú sao?” (số 10). Mặt khác, Đức Phaolô VI cũng nhấn mạnh: “Nếp sống mà các con đã chọn giúp các con phát triển đời sống trong Đức Kitô tối đa, nhờ sự từ bỏ trong ba lời khấn dòng. Bấy giờ những người trẻ tuổi, khi thấy cách các con sống, sẽ có thể nhận ra được lời Đức Giêsu mời gọi hằng vang dội lên trong lòng họ.”[3] Chính vì thế, người tu sĩ cũng được đào tạo để phục vụ tha nhân một cách hữu hiệu hơn. Từ đó, chúng ta luôn khuyến khích và mời gọi người tu sĩ đồng hành với giới trẻ.
Chúng ta luôn thấy bóng dáng các tu sĩ nam nữ đồng hành với giới trẻ ở các giáo xứ. Đặc biệt, các tu sĩ trẻ luôn là điểm thu hút các bạn trẻ vì có thể họ có cùng cái nhìn, cùng độ tuổi, cho nên họ có thể dễ dàng nắm bắt những nhu cầu của các bạn trẻ. Hơn nữa, ý thức được tầm quan trọng của giới trẻ, ngày nay các dòng tu tự đào tạo hoặc gửi các tu sĩ đi học những chuyên môn về giới trẻ. Với kiến thức và những kinh nghiệm mục vụ giới trẻ, người tu sĩ góp phần không nhỏ vào việc đồng hành với giới trẻ. Vì vậy, Giáo Hội nhìn nhận cần phải chuẩn bị cho người tu sĩ để họ có khả năng đồng hành với người trẻ.[4]
3. Giáo dân
Trong việc đồng hành với giới trẻ khi nói đến giáo dân là những người đồng hành trưởng thành, chắc hẳn Đức Phanxicô muốn nói đến các bậc phụ huynh. Thật vậy, ngay trong Tông huấn Christus Vivit, ngài đã nói rằng: “Gia đình là nơi đồng hành đầu tiên” (CV 242). Chính vì gia đình là môi trường đầu tiên nuôi dưỡng đời sống toàn diện (cả linh hồn lẫn thể xác) của giới trẻ, nên các bậc phụ huynh chiếm tầm quan trọng cao nhất trong việc đồng hành với các người trẻ là con cái mình.[5] Chính bố mẹ là những người định hướng tốt cho con cái bước đi, nhận ra những khả năng và khuynh hướng của con cái để giúp họ sống phù hợp với đời sống đức tin và đời sống xã hội. Chính nhờ kinh nghiệm trường đời mà mình đã trải qua, các bậc phụ huynh dễ dàng đồng hành với con cái khi chúng vấp phải những khó khăn và thách đố của cuộc sống. Cho nên, gia đình luôn là nơi đồng hành trực tiếp và sâu sắc nhất, cũng như có ảnh hưởng quan trọng nhất trong việc đồng hành với người trẻ.
Thượng Hội Đồng Giám mục thế giới qua tông huấn Christus Vivit nhìn nhận phải chuẩn bị cho các bậc phụ huynh để họ có khả năng đồng hành với người trẻ.[6] Chính vì vậy, việc trang bị cho các bậc phụ huynh những kiến thức về giáo lý, về đức tin là điều cần thiết mà các vị chủ chăn trong giáo xứ phải lưu tâm. Các bậc phụ huynh là thế hệ đi trước nên cần phải cập nhật kiến thức, lối sống và cách diễn tả về người trẻ. Nhờ đó, cha mẹ có cái nhìn yêu thương, thông cảm, chia sẻ và khích lệ đối với con cái.
4. Những nhà chuyên môn
Ngày nay, khi làm việc gì chúng ta cũng đều chuyên môn hóa. Có như thế chúng ta mới đạt được hiệu quả tốt nhất và mang lại lợi ích lớn nhất. Vì vậy, khi áp dụng điều đó vào trong chương trình mục vụ giới trẻ, chúng ta cũng sẽ có những kết quả nhất định. Chúng ta sử dụng những người có chuyên môn về giới trẻ để đồng hành với giới trẻ. Thật vậy, hiện nay trong các trường đào tạo của Giáo Hội có ngành mục vụ giới trẻ, cung cấp cho những ai theo học ngành này những kiến thức và những phương pháp để đồng hành với người trẻ cách hữu hiệu hơn. Các giáo phận, các dòng tu, các tu đoàn tông đồ, kể cả các giáo xứ đã gửi hoặc tìm nhân sự đi học ngành này với hy vọng sau khi học xong họ có thể giúp cho giáo phận hay những nơi cần đến các chuyên viên về giới trẻ. Chính vì vậy, không phải nhất thiết những người có chuyên môn là linh mục, tu sĩ, mà kể cả giáo dân cũng được khuyến khích đóng góp khả năng và tài năng của mình vào trong công cuộc đồng hành với giới trẻ của Giáo Hội. Những người chuyên môn này cần phải được trang bị kiến thức về đức tin, về tâm sinh lý giới trẻ, về sinh hoạt giới trẻ, về tư vấn,…
5. Những người trẻ được đào tạo
Chính trong Tông huấn Chúa Kitô Đang Sống, Đức Phanxicô quả quyết rằng những người trẻ được đào tạo có thể đồng hành với giới trẻ.[7] Như thế, người trẻ giờ đây không phải chỉ là đối tượng của việc mục vụ, mà còn là chủ thể của việc mục vụ; không chỉ đóng vai trò thụ động mà còn có vai trò chủ động trong mục vụ giới trẻ. Chính vì thế, Đức Thánh Cha xác nhận thêm: “Tôi muốn tuyên bố rõ ràng rằng chính người trẻ là tác nhân của Mục vụ giới trẻ. Chắc chắn họ cần được hỗ trợ và hướng dẫn, nhưng đồng thời họ cũng phải được tự do phát triển những cách thức mới với tinh thần sáng tạo và táo bạo” (số 203). Ngài nhận thấy đây chính là phương pháp đầy hiệu quả thiết thực, bởi vì chính người trẻ sẽ vận dụng sự thông minh, năng khiếu và kiến thức của mình để giúp những người trẻ khác bằng chính ngôn ngữ của họ.[8]
Hơn nữa, khi đọc số 210 của Tông huấn này, chúng ta càng thấy rõ hơn câu giải đáp cho vấn đề những người trẻ được đào tạo để đồng hành với giới trẻ là phương cách hiệu quả nhất. Chúng ta cùng nhau xem xét:
Chính người trẻ biết cách nào là tốt nhất để quy tụ lại với nhau. Họ biết cách tổ chức các sự kiện lễ hội, các hội thao, cũng như cách loan báo Tin Mừng qua các mạng xã hội, qua các tin nhắn, các bài hát, video và những phương tiện truyền thông khác. Chỉ cần khuyến khích họ và tạo một khoảng không tự do để họ có thể hăng hái Phúc Âm hóa những người trẻ khác ở mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh… Điều quan trọng nhất là mỗi người trẻ cần có đủ mạnh dạn để gieo hạt giống Tin Mừng đầu tiên trên mảnh đất màu mỡ là tâm hồn của một bạn trẻ khác ở mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh.[9]
Tóm lại, khi bàn về vấn đề nhân sự cho việc đồng hành với giới trẻ, chúng ta nhận thấy nguồn nhân sự thật phong phú (linh mục, tu sĩ, giáo dân, những người chuyên môn và những người trẻ được đào tạo), và dường như luôn sẵn có trong chính giáo xứ. Điều quan trọng là vị chủ chăn biết tận dụng nguồn nhân sự ấy một cách hiệu quả cho việc mục vụ giới trẻ trong giáo xứ của mình. Sau khi đã có nguồn nhân sự, chúng ta cần có kế hoạch và hướng đi để đào tạo nguồn nhân sự này cho phù hợp với chương trình mục vụ giới trẻ.
II. KẾ HOẠCH VÀ ĐỊNH HƯỚNG CHO VIỆC ĐÀO TẠO NHÂN SỰ
Để chương trình mục vụ giới trẻ đạt kết quả như lòng Chúa mong ước, chúng ta cần có kế hoạch và định hướng cụ thể hầu có thể đào tạo nguồn nhân sự cách hữu hiệu. Chính vì vậy, chúng ta lên kế hoạch tìm kiếm nhân sự cho giáo phận, giáo xứ. cùng với điều này, chúng ta định hướng đào tạo nhân sự sử dụng phương pháp đồng hành của Chúa Giêsu với hai môn đệ trên đường Emmaus để triển khai công việc mục vụ giới trẻ trong giáo phận, giáo xứ mình.
1. Kế hoạch đào tạo nhân sự
Như đã nói ở phần trên, nhân sự cho việc mục vụ giới trẻ trong mỗi giáo xứ đều không thiếu. Cha xứ có trách nhiệm tìm kiếm và tuyển chọn những người trong giáo xứ của mình, những người có khả năng hoặc chuyên môn về giới trẻ và mời gọi họ cộng tác vào công việc mục vụ của giáo xứ.
Thật đáng tiếc, có những linh mục thích ôm hết mọi công việc trong giáo xứ mà không muốn hoặc không dám giao một công việc mục vụ nào đó cho ai với lý do họ không có khả năng. Giáo Hội khuyến khích linh mục không nên làm hết mọi công việc của giáo xứ, nên chia sẻ công việc mục vụ trong giáo xứ với giáo dân của mình vì điều đó thể hiện người giáo dân có trách nhiệm với giáo xứ của mình, đừng biến họ thành người bàng quan với giáo xứ của họ.
Trong giáo xứ hiện nay, có thể có cha phó (thường là cha trẻ); cũng có giáo xứ có cộng đoàn tu sĩ đang phục vụ giáo xứ; thường trực là các bậc phụ huynh luôn đồng hành với con cái mình; có thể có những người có chuyên môn về giới trẻ; và chắc chắn cũng có những người trẻ đầy nhiệt huyết muốn dấn thân phục vụ cho giáo xứ của mình. Chính vì vậy, cha xứ lên kế hoạch để sử dụng nguồn nhân sự sẵn có trong giáo xứ để thực hiện chương trình mục vụ giới trẻ trong giáo xứ mình đang chăm sóc.
Sau khi đã chọn người, nếu là cha phó hay các tu sĩ đồng hành với giới trẻ, họ có vốn kiến thức đã học được nơi chủng viện hoặc học viện của nhà dòng, những hành trang ấy có thể giúp các cha và các tu sĩ có hướng thực hiện việc đồng hành. Nếu tìm thấy người có nhiệt huyết với giới trẻ nhưng chưa có những kiến thức hay chuyên môn, cha xứ có thể đào tạo hoặc nhờ người có chuyên môn đào tạo cho họ. Thiết nghĩ, ở cấp giáo phận, vị chủ chăn giáo phận có chương trình quy tụ và đào tạo nhân sự được mỗi giáo xứ đề cử. Còn ở tại mỗi giáo xứ, mỗi cha xứ nên dành chút thời gian để trang bị cho những ai được chọn hoặc được mời tham gia vào công việc mục vụ giới trẻ những điều cần thiết để đồng hành với người trẻ trong giáo xứ.
2. Định hướng đào tạo nhân sự
Về việc định hướng cho việc đào tạo nhân sự để thực hiện chương trình mục vụ giới trẻ, người viết triển khai việc đào tạo nhân sự thực hiện theo hướng đi của Chúa Giêsu đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmaus (Lc 24,13-35), bao gồm các bước sau: gặp gỡ – gợi chuyện – lắng nghe – giải thích – hiệp thông.
a. Gặp gỡ (x. Lc 24,15)
Trên đoạn đường Emmaus này có hai môn đệ đang trở về quê nhà làm lại cuộc đời, vì niềm hy vọng có được địa vị trong vương quốc của Đức Giêsu đã tiêu tan vì Người đã bị giết chết. Trước những bước chân buồn nản ấy, Đức Giêsu đến gặp gỡ họ nhưng họ không nhận ra người đang đồng hành với mình là Thầy Giêsu. Kinh Thánh diễn tả Chúa Giêsu “tiến đến gần và cùng đi với họ.” Đức Giêsu đã đến đúng lúc và trở thành người bạn đồng hành. Người đã không đến quá sớm hay quá muộn, mà đến đúng lúc họ đang thất vọng để trở nên người nâng đỡ kẻ thất vọng.[10]
Nhìn vào hình ảnh này, người đồng hành với người trẻ cũng phải thực hiện theo cách này của Đức Giêsu để tiến đến cùng đi và trở nên bạn đồng hành với giới trẻ. Với cách gặp gỡ cùng chung bước này, người đồng hành tìm cách gây thiện cảm và làm cho họ tin tưởng để chấp nhận cùng đi trên hành trình cuộc đời. Hơn nữa, người cùng đi với giới trẻ phải có cùng chung một nhịp bước với họ, không nhanh hơn mà cũng không chậm hơn họ. Thật vậy, có những hoàn cảnh sống khác nhau giữa các bạn trẻ, nên người đồng hành cần phải cố gắng để cùng nhịp với họ.
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nhắn nhủ “chúng ta đừng trở nên một Hội Thánh vô cảm trước những thảm kịch của những người trẻ, là con cái của mình. Chúng ta đừng bao giờ rơi vào thói quen ấy” (CV 75). Chính vì vậy, người đồng hành không được đứng bên lề cuộc sống của giới trẻ, chúng ta cần phải dấn thân vào cuộc hành trình của họ để có thể gặp gỡ họ một cách thiết thực. Từ đó, với sự đồng cảm, người đồng hành tạo được niềm tin nơi người trẻ.
b. Gợi chuyện (x. Lc 24,17-19)
Đức Giêsu đã làm như không biết họ đang nói chuyện gì và lên tiếng hỏi họ trước. Người hỏi họ: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?” (c.17). Đáp lại câu hỏi của Người, họ nói một cách mỉa mai: “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giêrusalem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay” (c.18). Thế nhưng Đức Giêsu không nản lòng hay quay lưng, Người tiếp tục hỏi họ: “Chuyện gì vậy?” (c.19). Đức Giêsu quả thật là bậc thầy của việc gợi chuyện. Nhiều lần trong Tin Mừng Đức Giêsu đã lên tiếng gợi chuyện trước như trong chuyện hai môn đệ đầu tiên Anrê và Gioan đi theo Người (“Các anh tìm gì thế?” Ga 1,38); hay câu chuyện bên bờ giếng Giacóp Đức Giêsu bắt chuyện với người phụ nữ xứ Samari (“Chị cho tôi xin chút nước uống!” Ga 4,7). Cách bắt chuyện của Đức Giêsu đã đưa Người tham gia vào cuộc trò chuyện của hai môn đệ trên đường Emmaus một cách thông suốt. Người đã kiên trì không cắt ngang cuộc chuyện trò của họ, Người muốn đi vào câu chuyện của họ để có thể hiểu tâm tư, ước vọng của họ.[11] Các cuộc gợi chuyện của Đức Giêsu đều đưa đến một kết quả thật tuyệt vời: người thì trở thành môn đệ, người thì được ơn trở lại, người thì nhận ra Chúa và hiệp thông với cộng đoàn.
Khiêm tốn và kiên trì gợi chuyện là nghệ thuật không thể thiếu của người đồng hành. Để làm cho người trẻ có thể bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, những thách đố của đời sống đức tin cũng như xã hội, người đồng hành không thể làm gì khác hơn là khơi gợi điều muốn tỏ bày nơi họ. Hơn nữa, người đồng hành cần phải đi bước trước, không nên chờ đợi họ mở lời trước. Thách đố lớn nhất đối với người đồng hành là không đủ kiên nhẫn để tiếp tục khơi gợi lên trong người trẻ ước muốn được chia sẻ những vấn đề của họ. Thêm vào đó, người đồng hành cũng không đủ kiên trì để cùng đi trên một đoạn đường dài để tiếp tục câu chuyện cuộc đời họ, vì người đồng hành cho rằng mình còn có nhiều việc khác phải làm hoặc không có thời gian để tiếp tục. Có một yếu tố hay cám dỗ người đồng hành là chỉ muốn gợi chuyện theo những gì mình quan tâm, và dễ chán nản khi vấn đề không phải thuộc về mình. Ở đây, việc gợi chuyện đòi hỏi người đồng hành phải hướng về nhu cầu của người nói, của đối tượng được đồng hành.
c. Lắng nghe (x. Lc 24,19-24)
Đức Giêsu lắng nghe các ông thuật lại những gì đang chất chứa trong lòng các ông. Người không cắt ngang câu chuyện của họ; Người chăm chú lắng nghe họ giải bày. Các ông thuật lại niềm hy vọng của mình, các ông ngạc nhiên về những người trong nhóm mình nói về việc sống lại của Đức Giêsu, nhưng các ông không thấy được Người nên các ông không tin họ. Giờ đây, đang có một người xa lạ lắng nghe một cách chân thành, họ đã cởi mở hết lòng mình cho người đồng hành ấy.[12]
Lắng nghe là điều không thể thiếu trong bất cứ cuộc đồng hành nào. Chính vì vậy, Đức Phanxicô đã nêu lên rằng lắng nghe là nhiệm vụ đầu tiên của người đồng hành. Ngài cũng vạch ra cho chúng ta những loại lắng nghe nào là cần thiết. Trong các số 292 – 294, Đức Thánh Cha giúp người đồng hành hiểu ba loại lắng nghe. Trước tiên đó là loại lắng nghe về con người. Đối tượng lắng nghe là con người. Vì vậy, người đồng hành phải lắng nghe một cách vô điều kiện, không khắt khe về thời gian, không nổi nóng hay tỏ vẻ buồn chán mỏi mệt. Đức Thánh Cha kết luận cách lắng nghe chăm chú và vô cầu này là dấu chỉ cho thấy chúng ta tôn trọng người khác (x. số 292). Tiếp đến là loại lắng nghe phân định. Cách lắng nghe này là người đồng hành cần biết họ đang nói gì với mình, muốn nói gì với mình và muốn chúng ta hiểu gì về những điều đang xảy ra (x. số 293). Chính vì vậy, Đức Thánh Cha khuyên chúng ta phải có lòng can đảm, sự dịu dàng và tế nhị để giúp người nói nhận ra sự thật, dối trá hay những viện cớ. Cuối cùng là loại lắng nghe nhắm thúc đẩy tiến tới. Đó là lắng nghe thật kỹ điều người ấy muốn hướng đến. Sự lắng nghe này nhằm chú ý đến ý hướng sau cùng, ý hướng quyết định của người nói (x. số 294). Cuộc lắng nghe hướng đến cùng đích thật sự của câu chuyện sẽ luôn làm cho người trò chuyện cảm thấy mình được tôn trọng và vấn đề của mình không phải là vấn đề nói cho xong, nhưng nó nằm trong ý nghĩa của đời sống.
Vì vậy, nghệ thuật lắng nghe đòi hỏi người đồng hành luôn trau dồi cho mình những đức tính cần thiết như can đảm, ngay lành, dịu dàng cũng như thấu đáo, không nóng nảy, không tranh hơn thua, không phô trương sự hiểu biết.
d. Giải thích (x. Lc 24,25-27)
Sau khi lắng nghe hai ông nói lên tâm tư của mình, Đức Giêsu bắt đầu giúp cho các ông hiểu những biến cố vừa xảy ra đấy có nghĩa gì. Người giải thích cho hai ông hiểu mầu nhiệm khổ nạn và phục sinh của Người bằng những lời Kinh Thánh đã tiên báo trước đó. Ở đây, sự giải thích của Đức Giêsu là một việc vén bức màn để các ông hiểu mầu nhiệm của Chúa. Như thế, việc giải thích này ví như cuộc soi sáng, mở lòng trí cho người đang gặp vấn đề để họ có thể hiểu được các vấn đề của mình. Để rồi sau đó, hai ông đã thốt lên: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và cắt nghĩa Kinh Thánh cho chúng ta, trái tim chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” (c. 32). Như thế, Đức Giêsu chẳng những giải thích để soi sáng cho họ, mà Người còn thắp lên niềm hy vọng nơi họ. Vì vậy, nhờ việc lắng nghe, Đức Giêsu nắm được mấu chốt vấn đề và đã gỡ nút thắt cho họ bằng việc giải thích với những bằng chứng của Kinh Thánh.[13]
Cũng tương tự như vậy, người đồng hành với người trẻ khi lắng nghe họ cần nắm được mấu chốt vấn đề của giới trẻ, hầu đưa ra những giải thích mở lối để người trẻ có thế xóa tan những điều không hiểu trong đời sống đức tin trước các thách đố của cuộc sống đời thường. Trong chính đời sống hiện tại với biết bao thắc mắc và khó hiểu, giới trẻ dường như không biết đi theo phương hướng nào khi xã hội đòi hỏi như vầy, Giáo Hội lại khuyên làm thế kia. Đứng trước đòi hỏi của cuộc sống cơm áo gạo tiền, nhiều khi họ sống nghịch với đức tin để có thể có công ăn việc làm. Chính lúc này, người đồng hành có nhiệm vụ soi sáng cho họ thấu hiểu các mầu nhiệm của Chúa và sự hướng dẫn của Giáo Hội để người trẻ có phương hướng bước đi trong đời sống đức tin giữa bao thử thách của đời sống duy vật. Hơn nữa, nếu người đồng hành là linh mục hay tu sĩ, những người đồng hành này đều có thể trả lời và giải thích các vấn nạn của đời sống luân lý trong xã hội hiện nay mà nhiều bạn trẻ thường nêu ra mỗi khi gặp gỡ.
e. Hiệp thông (x. Lc 24,28-35)
Sau khi tiến đến cùng đi, gợi chuyện, lắng nghe và giải thích cho hai môn đệ hiểu, Đức Giêsu để họ tự do lựa chọn con đường phải theo để tiến đến tương lai tốt hơn. Người làm như muốn đi xa hơn và chỉ đồng ý khi họ mời Người ở lại với họ. “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn” (c.29). Có thể thấy lý do mà hai môn đệ nài nỉ Người ở lại với họ là vì họ có cảm tình với Người, họ được khai sáng bởi lời giải thích của Người. Và rồi, Đức Giêsu đã đồng bàn với họ, cử chỉ quen thuộc này giúp họ nhận ra Thầy mình.[14] Sau đó Người biến mất, Người để cho họ tự do quyết định lấy cuộc đời của mình. Nhờ những soi sáng của Đức Giêsu, hai môn đệ đã quay về Giêrusalem để gặp gỡ các anh em đồng môn của mình, và nhờ đó, họ lại đón nhận những điều cao đẹp hơn nữa.
Cũng như vậy, người đồng hành hướng dẫn giới trẻ nhận ra Thiên Chúa trong cuộc đời họ được thể hiện qua các biến cố của đời sống cho dù nó là vui buồn sướng khổ. Chúng ta cùng chung chia thân phận thụ tạo với các người trẻ để họ cùng nhau tham gia mọi sinh hoạt của Giáo Hội, từ việc thờ phượng cho đến từ thiện bác ái. Một khi giới trẻ tin tưởng vào người đồng hành của mình, họ dễ mời người đồng hành tham gia vào hành trình đời sống của họ. Và một khi tin tưởng, họ sẵn sàng đáp lại lời mọi gọi tham dự vào chương trình mục vụ của giáo xứ, tham gia vào các hội đoàn, cũng như các công tác khác nếu giáo xứ đề ra. Như thế, trước tiên người trẻ củng cố đời sống đức tin của mình. Thứ đến, họ dấn thân phục vụ Chúa và Giáo Hội. Có như thế, chúng ta sẽ ít bận tâm hơn khi giới trẻ tự nguyện đến nhà thờ tham dự Thánh Lễ. Họ tâm huyết hơn với giáo xứ của mình và có thể đóng góp công sức của mình để làm cho giáo xứ ngày một phát triển, cũng như trở nên chứng tá đời sống Kitô hữu cho những người khác.
Hơn nữa, sau khi đã lắng nghe, giải thích và cùng cảm thông, người đồng hành để họ tự do quyết định cuộc đời mình. Có như thế, đức tin của họ mới ngày một vững vàng hơn và kiên vững hơn khi đối diện với những thách đố của cuộc sống. Đối với người trẻ, không gì làm họ hạnh phúc hơn là họ được tôn trọng và tự quyết định cuộc đời.
KẾT LUẬN
Các giám mục Á Châu nhìn nhận sâu xa rằng: “Trong việc huấn luyện Kitô hữu cho giới trẻ tại Á Châu, phải nhìn nhận rằng giới trẻ không những là đối tượng của việc chăm sóc mục vụ của Giáo Hội, mà còn là ‘những tác nhân và cộng tác viên trong sứ mệnh của Giáo Hội qua các việc tông đồ đa dạng của Giáo Hội nhằm yêu thương và phục vụ’.”[15]
Chính vì thế, vấn đề nhân sự cho chương trình mục vụ giới trẻ và đồng hành với họ luôn là một thúc bách đối với các vị chủ chăn của giáo xứ. Với tình hình hiện tại, người trẻ ít đến nhà thờ, ít tham gia sinh hoạt giáo xứ, một phần do công ăn việc làm, nhưng cũng một phần chưa có người đồng hành với họ, hoặc đã có người đồng hành nhưng chưa quan tâm đủ mức đến họ. Cũng có giáo xứ đã thành lập được giới trẻ nhưng chưa có người hướng dẫn, họ mong đợi có người đồng hành để giúp họ sinh hoạt có quy củ và đường hướng, nhờ đó họ mỗi ngày một phát triển hơn.
Thật ra, trong mỗi giáo xứ không thiếu nhân sự cho chương trình mục vụ giới trẻ. Điều quan trọng là các chủ chăn giáo xứ có kế hoạch mời gọi và đào tạo, cũng như trang bị cho họ hành trang để họ có thể làm người đồng hành với người trẻ. Nguồn nhân sự phong phú trong giáo xứ bao gồm linh mục, tu sĩ nam nữ, giáo dân, người chuyên môn và giới trẻ được đào tạo.
Người đồng hành, sau khi được mời tham gia vào công việc mục vụ giới trẻ trong giáo xứ hay giáo phận, sẽ mang khuôn mặt của Đức Kitô và đi theo định hướng của Người. Định hướng mà người đồng hành được đào tạo không gì khác hơn phương pháp Đức Giêsu đã làm: gặp gỡ – bắt chuyện – lắng nghe – giải thích – hiệp thông.
Nguồn: gpquinhon.org