Vài loại tội phạm chống lại nhà chức trách Giáo Hội và tự do Giáo Hội

MỘT VÀI LOẠI TỘI PHẠM CHỐNG LẠI
NHÀ CHỨC TRÁCH GIÁO HỘI
VÀ TỰ DO GIÁO HỘI


Lm. Giuse Huỳnh Văn Sỹ
Đại diện Tư pháp Giáo phận Qui Nhơn

DẪN NHẬP

Những năm gần đây Giáo Hội tại Việt Nam nổi lên một số trường hợp, cả giáo dân và giáo sĩ, chống lại nhà chức trách Giáo Hội và tự do Giáo Hội[1]. Bộ giáo luật hiện hành có đề cập loại tội phạm chống lại nhà chức trách Giáo Hội và tự do của Giáo Hội, trong đó có điều 1371 xác định rằng:

Những người sau đây phải chịu một hình phạt thích đáng:
10 ngoài trường hợp được nói đến ở điều 1364§1, người nào dạy một học thuyết đã bị Đức Giáo Hoàng Rôma hay Công Đồng chung lên án, hoặc ngoan cố khước từ giáo huấn được nói đến ở điều 750§2 hay ở điều 752, sau khi đã bị Tông Tòa hay Đấng Bản Quyền cảnh cáo mà không rút lại;
20 người nào, bằng một cách nào khác, không vâng theo lệnh truyền hoặc lệnh cấm hợp pháp của Tông Tòa, của Đấng Bản Quyền hay của Bề Trên, và vẫn ngoan cố không vâng phục sau khi đã bị cảnh cáo.

Sự bắt buộc tuân theo huấn quyền không đơn giản chỉ vì giáo huấn đó được loan báo từ người mục tử có thẩm quyền mà đúng hơn vì đó là sự vâng phục của đức tin. Quyền giáo huấn, tùy theo những cấp độ khác nhau nơi các mục tử cũng với các tín hữu, trong Giáo Hội là để phục vụ Giáo Hội trong việc thủ đắc, giữ gìn, rao truyền kho tàng mạc khải. Bởi vậy, sự bắt buộc tuân theo huấn quyền trước hết ràng buộc những vị mục tử xét vì đó là biểu hiện của sự vâng phục đức tin trong sứ vụ của họ[2], trong đó quyền giáo huấn «không vượt trên Lời Chúa, nhưng để phục vụ Lời Chúa, chỉ dạy những gì đã được truyền lại, vì thừa lệnh Chúa và với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội thành tâm lắng nghe, gìn giữ cách thánh thiện và trung thành trình bày Lời Chúa».[3]

Khoản luật này phân biệt hai hình thức bất tuân huấn quyền và bất tuân quyền bính của các vị mục tử hợp pháp.

Chú ý rằng sự bất tuân huấn quyền theo điều 1371 là về đạo lý và kỷ luật chứ không phải mọi lãnh vực.

Theo khoản luật trên, tội này nặng nhẹ tùy tầm quan trọng của nội dung huấn giáo (đ. 750- 754). Theo đó tội chống lại một tín điều, chống lại toàn bộ chân lý đức tin, tội lạc giáo và bội giáo, đ. 1364§1 thì nặng nhất; rồi mới đến việc giảng dạy học thuyết đã bị Đức Giáo Hoàng hoặc công đồng hoàn vũ lên án; ngoan cố không chấp nhận một đạo lý của huấn quyền tuyên bố dù chưa chung quyết (đ. 752). Sau cùng là tội không tuân theo lệnh cấm hay lệnh truyền hợp pháp.

1. Bội giáo, lạc giáo và ly giáo

1.1. Khái niệm sơ lược

Bội giáo, lạc giáo, ly giáo là gì? Điều 751 minh định: Lạc giáo là ngoan cố chối bỏ một chân lý phải tin với đức tin thần khởi và công giáo hoặc ngoan cố hồ nghi về chân lý ấy sau khi đã lãnh nhận bí tích rửa tội; bội giáo là chối bỏ toàn bộ đức tin Kitô giáo; ly giáo là từ chối vâng phục Đức Giáo Hoàng hoặc từ chối hiệp thông với các chi thể của Giáo Hội thuộc quyền ngài.

Theo đó, người lạc giáo là người sau khi được rửa tội, dù vẫn còn đức tin Kitô giáo, nhưng phủ nhận một cách tuyệt đối hay cố chấp một chân lý phải tin với đức tin thần khởi và công giáo; hoặc họ tuyệt đối hay ngoan cố hồ nghi về chân lý đó.[4]

Còn bội giáo là người đã được rửa tội trong Giáo Hội công giáo chối bỏ toàn bộ chân lý đức tin, tức là phủ nhận những nền tảng đức tin như mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm nhập thể[5]. Tuy vậy, sự bội giáo không chỉ xảy ra khi người ta bác bỏ hoặc hồ nghi rõ ràng toàn bộ đức tin Kitô giáo, mà cả khi người ta bác bỏ hoặc nghi ngờ một số chân lý nào đó về đức tin nền tảng Kitô giáo mà nếu không có nó, các chân lý đức tin khác có lẽ sẽ không có ý nghĩa. Do đó, có thể bị coi là bội giáo khi chối bỏ hoặc hồ nghi tích cực về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, về thiên tính của Đức Kitô hoặc sự nhập thể, hay sự chết và sự phục sinh của Đức Kitô. Trên thực tế, chỉ cần phủ nhận hoặc hồ nghi một trong những chân lý này là đủ để mọi thứ khác của Kitô giáo không còn ý nghĩa nữa.[6]

Lạc giáo và bội giáo vừa là một tội nặng về mặt thần học và luân lý, và có thể trở nên là tội phạm nếu được thực hiện ra bên ngoài và đã hoàn thành, nghĩa là thực tế đã thực hiện bằng lời tuyên bố hay bộc lộ cách nào đó và đã có người nhận thức được điều đó.[7]

Ly giáo cũng là người đã được rửa tội từ chối vâng phục Đức Giáo Hoàng hoặc từ chối hiệp thông với các chi thể của Giáo Hội thuộc quyền ngài. Điều 205 xác định rằng «Những người đã được rửa tội, liên kết với Đức Kitô trong cơ cấu hữu hình của Giáo Hội công giáo bằng những dây liên kết của việc tuyên xưng đức tin, của các bí tích và của việc lãnh đạo của Giáo Hội, thì được hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội công giáo trên địa cầu này». Khoản luật này diễn tả một số yếu tố làm nên sự hiệp thông trọn vẹn của người đã được rửa tội với Giáo Hội công giáo. Sự kết hợp với Đức Kitô không tách rời với sự kết hợp với Giáo Hội. Những ai kết hợp trọn vẹn với Đức Kitô thì cũng đồng thời kết hợp trọn vẹn với Giáo Hội công giáo trong cuộc lữ hành hữu hình trên trần gian. Sự hiệp thông với Giáo Hội công giáo và sự kết hợp trọn vẹn với Đức Kitô là hai thực tại không thể tách rời. Cách nói «hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội» có nghĩa là kết hợp với Đức Kitô qua Giáo Hội với những mối dây liên kết với việc tuyên xưng đức tin, với các bí tích và với sự cai quản của Giáo Hội.

Những sự thiếu hiểu biết, cho dù đó là do lười biếng hay do ảnh hưởng khác, mà vì đó người ta không hiểu biết những gì mà Giáo Hội buộc phải tin, thì không thể coi đó là phạm tội lạc giáo, bội giáo.

1.2 Hình phạt

Điều 1364 §1. Người bội giáo, lạc giáo hay ly giáo đều bị vạ tuyệt thông tiền kết, miễn là vẫn giữ nguyên những quy định của điều 194 §1, 20, ngoài ra, giáo sĩ có thể phải chịu những hình phạt được nói đến ở điều 1336 §1, 10, 20 và 30. §2. Có thể thêm những hình phạt khác, kể cả việc sa thải khỏi bậc giáo sĩ, nếu có một sự ngoan cố kéo dài hay sự nghiêm trọng của gương xấu đòi hỏi điều đó.

Để trở thành tội phạm hình sự, phải đủ các yếu tố: đối tượng được xác định do luật; có thể quy trách (đ. 1321§1); phải thể hiện ra bên ngoài, nghĩa là đã được bộc lộ hay tuyên bố và nhiều người nhận thức (đ. 1330).

Để cấu thành tội phạm, cần có sự cảnh cáo của Tòa Thánh hay của Bản quyền sở tại.[8]

Không nhất thiết người lạc giáo, bội giáo hay ly giáo rời bỏ Giáo Hội bằng một hành vi chính thức, như ghi danh vào hiệp hội hay giáo phái lạc giáo, ly giáo, bội giáo hay không phải là Kitô giáo. Việc rời bỏ Giáo Hội bằng một hành vi chính thức có những hiệu quả đáng chú ý trong những trường hợp khác chứ không nói trong các trường hợp hình luật (đ. 1086§1; 1117; 1124).[9]

Ai mắc vạ tuyệt thông thì bị cấm không được tham dự vào một vài hoạt động của cộng đoàn Giáo Hội nhưng họ vẫn còn là phần tử của Giáo Hội. Giáo luật không dự liệu biện pháp trục xuất một phần tử ra khỏi Giáo Hội, dù họ có phạm tội ly giáo, lạc giáo, bội giáo. Giáo luật dự trù việc tín hữu tự ý bỏ Giáo Hội chứ Giáo Hội không bao giờ trục xuất họ (đ. 316§1; 1117).

Theo điều 1364 có các mức độ hình phạt như sau.[10]

a- Đối với các tín hữu: Ai phạm những tội đó sẽ bị mắc vạ tuyệt thông tiền kết (latae Sententae). Hình phạt tức thì, không cần thiết phải có ai đó tuyên phạt. Tuy vậy, nếu muốn phải chịu hình phạt ra tòa ngoài thì cần thiết phải tuyên bố.

Hình phạt này không dành riêng. Do đó, có thể được tha bởi người được luật ban năng quyền trong những trường hợp tổng quát như, Đấng bản quyền, bất cứ Giám mục nào chỉ trong tòa giải tội, bởi kinh sĩ xá giải, bất cứ linh mục nào nếu trong trường hợp nguy tử, bất cứ vị giải tội nào.

b- Đối với giáo sĩ: còn thêm những hình phạt thục tội nhiệm ý nói ở các đ. 1336§1, số 1-3.

– Cấm hay buộc phải cư ngụ tại một nơi hay một địa hạt nhất định;
– Tước đoạt một quyền bính, một giáo vụ, một nhiệm vụ, một quyền lợi, một đặc ân, một năng quyền, một ân huệ, một danh hiệu, một phù hiệu, dù chỉ là thuần tuý danh dự;
– Cấm thi hành những điều kê khai ở 20 hay cấm thi hành những điều ấy trong một nơi hay ngoài một nơi nhất định; những cấm đoán trên không bao giờ có thể trở thành vô hiệu nếu không tuân theo.
– Nếu sự cố chấp kéo dài hay có gương mù nghiêm trọng, có thể thêm những hình phạt khác nữa, chữa trị hay thục tội; có thể bị trục xuất khỏi hàng giáo sĩ (điều 194§1,20).
Hình phạt dành cho giáo sĩ vừa nói là loại ferendae sententiae, nghĩa là cần tiến hành những thủ tục cần thiết theo quy định.

c- Một số biện pháp khác

Bộ giáo luật còn nói tới những hậu quả khác dành cho các tội nầy, tự bản chất đây không phải là hình phạt hình sự, nhưng là những biện pháp cần thiết để bảo vệ sự thánh thiêng của bí tích hoặc kỷ cương của Giáo Hội.

Đ. 316§1: Người nào đã công khai chối bỏ đức tin công giáo hoặc không còn hiệp thông với Giáo Hội, hoặc bị vạ tuyệt thông đã tuyên kết hay đã tuyên bố, thì không thể được nhận vào các hiệp hội công cách thành sự. §2. Những người đã gia nhập cách hợp lệ mà rơi vào một trường hợp của §1, sau khi đã bị cảnh cáo, phải bị sa thải khỏi hiệp hội, vẫn giữ những quy chế và quyền thượng cầu lên nhà chức trách Giáo Hội được nói đến ở điều 312 §1.

Đ. 694§1,10: Phải được kể là đương nhiên bị sa thải khỏi tu hội thành viên nào đã hiển nhiên chối bỏ đức tin công giáo.

Đ. 1041,20: Những người đã mắc tội bội giáo, lạc giáo hoặc ly giáo được coi là bất hợp luật để chịu chức thánh; và bị sẽ coi là bất hợp luật để thi hành chức thánh đã lãnh nhận nếu là tội phạm công khai (điều 1044§1,20).

Đ. 1184§110: Trừ khi đã biểu lộ dấu chỉ sám hối nào đó trước khi qua đời, không được an táng theo nghi thức Giáo Hội đối với những người bội giáo, lạc giáo và ly giáo hiển nhiên.
Không coi là bội giáo, lạc giáo và ly giáo đối với các Kitô hữu nguội lạnh, bỏ thực hành tôn giáo, dững dưng nếu họ không chối bỏ hay hồ nghi tích cực niềm tin của mình.
Không được coi là những người phạm tội bội giáo, lạc giáo và ly giáo, dù họ có chối bỏ các chân lý đức tin, hoặc hồ nghi các chân lý ấy hoặc không nhìn nhận sự hiệp thông với Giáo Hội: Những người chưa được rửa tội; những người đã làm điều đó trước khi họ nhận được bí tích rửa tội.
Không áp dụng hình phạt đối những vị thành niên chưa được 16 tuổi trọn (xem điều 1324§1,40).

2. Giảng dạy học thuyết đã bị lên án

2.1 Vài khái niệm sơ lược

Những gì được gọi là «đức tin thần khởi và công giáo» và cần phải tin bằng đức tin như vậy? Giáo luật điều 750 xác định rằng, đó là «tất cả những gì hàm chứa trong Lời Chúa đã được viết ra hay được truyền lại, tức là trong kho tàng đức tin duy nhất đã được trao cho Giáo Hội, và đồng thời được trình bày như là do Chúa mạc khải hoặc bởi huấn quyền long trọng, hoặc bởi huấn quyền thông thường và phổ quát của Giáo Hội, tức là những gì được biểu lộ do sự gắn bó chung của các Kitô hữu dưới sự hướng dẫn của huấn quyền thánh; bởi thế, mọi người buộc phải tránh bất cứ học thuyết nào nghịch lại với điều ấy».

Mạc khải của Thiên Chúa có thể bằng chữ viết (Thánh Kinh) hoặc bằng lời nói (Thánh Truyền). Cả hai làm nên kho tàng đức tin được ủy thác cho Giáo Hội. Vậy có những chân lý đức tin mạc khải được truyền lại cùng Thánh Kinh và Thánh Truyền mà không có sự can thiệp của huấn quyền, ta gọi đó là đức tin thần khởi. Có những chân lý đức tin được truyền lại từ Thánh Kinh và Thánh Truyền nhưng được huấn quyền đề ra như một chân lý đức tin. Nó cũng được gọi là chân lý đức tin công giáo: tức là Đức tin thần khởi và công giáo.[11]

Không phải tất cả các chân lý mà huấn quyền đề ra đều là chân lý thần khởi và công giáo, nhưng chỉ chân lý nào đó được xác định như vậy, chẳng hạn như các tín điều. Trong thực tế, huấn quyền của Giáo Hội có thể «chính thức tuyên bố một đạo lý trong lãnh vực đức tin hay luân lý, ngay cả khi các ngài không có ý công bố học thuyết đó bằng một hành vi nhất định, các Kitô hữu không buộc phải chấp nhận bằng đức tin, nhưng phải lấy trí khôn và ý chí để ngoan ngoãn vâng phục». Tuy nhiên chỉ những chân lý được đề nghị như đạo lý phải tin mới tạo thành cơ sở để áp dụng hình phạt về bội giáo, lạc giáo.[12]

Giảng dạy những học thuyết đã bị lên án theo điều 1371,10. Những học thuyết nói ở đây hiển nhiên không phải là các chân lý đức tin thần khởi và công giáo như nói trên bởi vì nếu không như vậy sẽ áp dụng điều 1364.

Cho dù luật hình sự cần phải giải thích theo nghĩa hẹp (điều 18) đi nữa, dường như hạn từ “giảng dạy” nói ở 1371 không chỉ hiểu là những hoạt động giảng dạy theo nghĩa chặt tức là tại các trung tâm giảng dạy của Giáo Hội (như trường học và đại học của Giáo Hội, các học viện, trong chủng viện và dòng tu,…), nhưng còn là bất cứ hoạt động nào tạo nên tương quan giữa giảng viên và học viên, chẳng hạn như hoạt động giảng dạy nội bộ tại các lớp giáo lý, khóa học chuẩn bị lãnh nhận các bí tích.[13]

Liên quan đến ngoan cố khước từ giáo huấn được nói đến ở điều 750§2 hay ở điều 752, chúng ta thấy có những mức độ quan trọng khác nhau. Thật vậy, trong trường hợp thứ nhất, khước từ những chân lý được tuyên bố do đặc ân bất khả ngộ, dù không phải là chân lý thần khởi mạc khải, thì cũng cần dứt khoát «sốt sắng tuân giữ và trình bày cách trung thực kho tàng đức tin đó» (điều 750§2). Trường hợp thứ hai, từ khước những đạo lý trong lãnh vực đức tin hay luân lý, ngay cả khi Đức Giáo Hoàng hay Giám mục đoàn không có ý công bố chúng bằng một hành vi nhất định với đặc ân bất khả ngộ, các Kitô hữu dù không buộc phải chấp nhận chúng bằng đức tin, nhưng phải lấy trí khôn và ý chí để ngoan ngoãn vâng phục.

2.2 Hình phạt

Liên quan hình phạt trong hai trường hợp nói trên, giáo luật không đặt ra một sự phân biệt nào về cách thức áp dụng hình phạt cũng như về loại hình phạt.

Việc chối bỏ các đạo lý nói ở đây có thể thực hiện bằng lời nói, bằng văn bản hay bằng một cách khác nào đó mà nhiều người khác có thể nhận thức chúng (đ. 1330), chẳng hạn như thực hiện công khai trong khi giảng dạy, dạy giáo lý, giảng lễ, hay phổ biến qua các phương tiện truyền thông xã hội và đồng thời ngoan cố chối bỏ.

Việc chối bỏ đạo lý trở nên ngoan cố khi đương sự, dù đã bị người có thẩm quyền cảnh cáo, và buộc phải ngừng, vẫn tiếp tục không chấp nhận rút lại và tiếp tục phổ biến đạo lý sai lạc.

Thẩm quyền nói ở đây là Tòa Thánh và Đấng bản quyền. Đối với Tòa Thánh, cụ thể là Bộ giáo lý Đức tin. Còn đối với Đấng bản quyền, không nhất thiết là Đấng bản quyền địa phương, nhưng bất cứ bản quyền nào. Đối với các dòng tu giáo sĩ luật Giáo hoàng và tu đoàn tông đồ giáo sĩ thì đó là bề trên cấp cao.

Hình phạt được dự liệu là loại ferendae sententiae, bắt buộc nhưng không xác định.

Trong trường hợp này, hình phạt được ấn định tùy theo quyết định của các thẩm phán hay do Đấng bản quyền.

Do sự khác biệt của các loại đạo lý bị chối bỏ nên khi ra hình phạt cần chú ý đến điều này, cũng như xét đến những hoàn cảnh của chủ thể phạm tội hay sự tái phạm của đương sự nữa.

3. Bất tuân mệnh lệnh

3.1 Vài giải thích

Theo điều điều 1371,20, phải chịu một hình phạt thích đáng đối với người nào, bằng một cách nào khác, không vâng theo lệnh truyền hoặc lệnh cấm hợp pháp của Tông Toà, của Đấng Bản Quyền hay của Bề Trên, và vẫn ngoan cố không vâng phục sau khi đã bị cảnh cáo.

Ngoài sự bất tuân huấn quyền, tội phạm được dự liệu ở đây là bất tuân những lệnh truyền hay lệnh cấm hợp pháp của Tòa thánh hay của Đấng bản quyền hay của bề trên riêng.

Mệnh lệnh phải là hợp pháp, được hiểu là không những về người có thẩm quyền truyền lệnh mà còn cả về việc ban hành chúng cũng như những giới hạn và thủ tục cần thiết phải theo; nếu không thì lệnh truyền đó có thể không có giá trị, vô hiệu.

Tòa thánh nói ở đây bao gồm cả Đức Giáo Hoàng cùng các cơ quan giáo triều Rôma (đ. 361). Đấng bản quyền được hiểu theo khoản luật 134§1.

Để trở thành tội phạm, đương sự phải bị cảnh cáo và dù đã bị cảnh cáo nhưng đương sự vẫn tỏ ra ngoan cố không rút lại những sai trái và không chịu thay đổi hành vi dù đã được cảnh cáo trước đó. Nên nhớ rằng «không thể tuyên kết một vạ cách thành sự, nếu trước đó phạm nhân đã không được cảnh cáo ít là một lần để chấm dứt sự ngoan cố của mình, và nếu đã dành cho đương sự một thời gian thích hợp để hối cải» (điều 1347§1).

Quy định của luật này có thể áp dụng đối với các tín hữu, do đó cần có sự chú ý đến đối tượng vi phạm để áp dụng hình phạt vạ.

Các hình phạt vạ, là loại hình phạt chữa trị (dược hình), nên không dùng để phạt như một loại hình phạt mở rộng hay là trừng phạt chung chung.

3.2 Hình phạt

Hình phạt bắt buộc nhưng bất định.

Điều 696 dự liệu trường hợp một thành viên dòng tu có thể bị sa thải vì những lý do nghiêm trọng, bên ngoài, có thể quy trách, có bằng chứng pháp lý như:

– Ngoan cố không tuân giữ những quy định hợp pháp của Bề Trên trong vấn đề quan trọng;
– Sinh gương xấu trầm trọng do cách xử sự sai lỗi;
– Ngoan cố ủng hộ hay truyền bá các học thuyết đã bị huấn quyền Giáo Hội kết án;
– Công khai tán đồng các ý thức hệ nhiễm thuyết duy vật hay vô thần.
Quy định nầy cũng áp dụng đối với tu đoàn tông đồ (đ. 746).

KẾT LUẬN

Trong bối cảnh phức tạp hiện nay người tín hữu, nhất là các mục tử đang coi sóc đoàn chiên của mình cần quan tâm để hướng dẫn đoàn chiên không đi lạc đường.

Phải nói rằng các phương tiện truyền thông đang góp phần làm lan rộng những đạo lý sai lạc và làm cho nhiều người tín hữu bị lôi kéo và mất phương hướng trong đời sống đạo.

Những người có thẩm quyền, cách riêng là các linh mục coi xứ càng phải cập nhật các hiện tượng hay các phong trào có nguy cơ làm nguy hại đến niềm tin các tín hữu.

Một khi biết người tín hữu đang đi vào con đường sai lạc với đức tin và đang ngoan cố ở trong sai phạm của mình, người mục tử càng kiên nhẫn giải thích, tìm những cách thức thích hợp giúp họ trở về với đức tin công giáo. Kết án và trừng phạt là cách chẳng đặng đừng.

Theo giáo luật, «Đấng Bản Quyền chỉ nên xúc tiến thủ tục tư pháp hay hành chính để tuyên kết hay tuyên bố một hình phạt, khi đã chắc chắn rằng việc sửa chữa trong tình huynh đệ, việc khiển trách hay các phương thế khác trong đường lối mục vụ của ngài không thể sửa chữa gương xấu, tái lập công lý và cải thiện phạm nhân một cách đầy đủ được» (đ.1341).

Nguồn: GP Quy Nhơn