Buổi tiếp kiến chung lúc 9 giờ 15 phút của Đức Thánh cha Phanxicô, sáng thứ Tư, 16/12/2020, tiếp tục được tiến hành dưới dạng trực tuyến, từ thư viện trong dinh Giáo hoàng, với sự hiện diện của Đức Thánh cha cùng tổng cộng mười linh mục và một vài nhân viên thu hình. Vị đứng đầu trong những linh mục phụ giúp ngài, là Đức ông Sapienza, Phó chủ tịch Phủ Giáo hoàng, chuyên về các buổi tiếp kiến của Đức Thánh cha.
Tôn vinh Lời Chúa
Mở đầu, các linh mục thông dịch viên thay phiên nhau đọc đoạn Sách thánh bằng năm thứ tiếng, trích từ đoạn 6, thư thánh Phaolô gửi các tín hữu thành Êphêsô (6,18-20), trong đó thánh nhân nhắn nhủ các tín hữu: “trong mọi hoàn cảnh, anh chị em hãy cầu nguyện bằng mọi kinh nguyện và cầu xin trong Thánh Linh, và với mục đích ấy, anh chị em hãy tỉnh thức với tất cả lòng kiên trì và khẩn nguyện cho tất cả các thánh. Anh chị em cũng hãy cầu nguyện cho tôi nữa, để khi tôi mở miệng, tôi được ban lời, hầu trình bày ngay thẳng mầu nhiệm Tin mừng, vì đó tôi là sứ giả đang bị xiềng xích và để tôi có thể loan báo Tin mừng với lòng can đảm cần phải có để nói”.
Tiếp đến là huấn dụ của Đức Thánh cha qua bài giáo lý thứ 19, với tựa đề “Kinh nguyện chuyển cầu”.
Mở đầu bài huấn dụ, Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Cầu nguyện không trốn chạy thực tại
Ai cầu nguyện, thì không bao giờ quay lưng lại với thế giới. Nếu kinh nguyện không gồm tóm những vui mừng và đau khổ, hy vọng và lo âu của nhân loại, thì nó trở thành một hoạt động “trang trí”, hời hợt, duy nội tâm. Tất cả chúng ta đều cần cuộc sống nội tâm: lui vào trong một không gian và trong một thời gian dành riêng cho tương quan của chúng ta với Thiên Chúa. Nhưng điều này không có nghĩa là chạy trốn thực tại. Trong kinh nguyện, Thiên Chúa “cầm lấy chúng ta, chúc lành cho chúng ta, rồi Ngài bẻ chúng ta và phân phát chúng ta”, vì sự đói khát của mọi người. Mỗi Kitô hữu đều được kêu gọi trở thành bánh được bẻ ra trong tay Chúa và chia sẻ.
Lui vào cô tịch để nghe tiếng Chúa và mở lòng với tha nhân
Cũng thế, những người nam nữ cầu nguyện tìm kiếm sự cô tịch và thinh lặng, nhưng không phải vì không muốn bị làm phiền, nhưng để lắng nghe rõ hơn tiếng Chúa. Nhiều khi họ rút lui khỏi thế gian, trong căn phòng riêng, như chính Chúa Giêsu nhắn nhủ (Xc Mt 6,6), nhưng dù họ ở đâu, họ vẫn luôn mở toang cánh cửa tâm hồn: một cửa mở rộng cho những người cầu nguyện mà không biết cầu nguyện; mở cho những người không hề cầu nguyện nhưng đưa vào trong lòng một tiếng kêu bị bóp nghẹt, một lời khẩn cầu thầm kín; mở cho những người đã lầm lẫn và lạc đường. Bất cứ ai có thể gõ cửa một người cầu nguyện và tìm thấy nơi người ấy một tấm lòng cảm thông, cầu nguyện mà không loại trừ ai. Trong cô tịch, chúng ta tách rời khỏi mọi sự và mọi người để tìm lại tất cả mọi sự và mọi người trong Chúa. Cũng vậy, người cầu nguyện thì cầu cho toàn thế giới, gánh lấy những đau khổ và tội lỗi. Họ cầu cho tất cả và từng người: họ giống như “ăng-ten” của Thiên Chúa trong trần thế này. Nơi mỗi người nghèo gõ cửa, nơi mỗi người đã đánh mất ý nghĩa sự vật, người cầu nguyện đều nhìn thấy khuôn mặt của Chúa Kitô. Sách Giáo Lý viết: “Chuyển cầu, xin ơn cho người khác […] là một đặc điểm của một tâm hồn sống hòa hợp với lòng thương xót của Thiên Chúa. Trong thời đại của Giáo hội, sự chuyển cầu của Kitô giáo tham gia vào sự chuyển cầu của Chúa Kitô: đó là sự diễn tả sự hiệp thông của các thánh” (n.2635).
Người cầu nguyện quan tâm đến con người
Đức Thánh cha giải thích rằng: “Tâm hồn người cầu nguyện quan tâm đến con người, nguyên sự kiện là người mà thôi. Ai không yêu thương anh em mình, thì không cầu nguyện nghiêm túc. Trong Giáo hội, ai biết nỗi buồn sầu hay niềm vui của người khác thì đi sâu hơn người chỉ tìm hiểu về “những hệ thống vĩ đại nhất”. Vì thế, có một cảm nguyện về những gì là người trong mỗi kinh nguyện, vì con người, dù họ có thể phạm lầm lỗi thế nào đi nữa, không bao giờ vì thế mà ta được phủ nhận hoặc gạt bỏ họ.
Cầu nguyện cho người có tội
Khi một tín hữu, được Thánh Linh thúc đẩy, cầu nguyện cho những người có tội, thì họ không chọn lọc, không lên án: họ cầu cho tất cả mọi người và cũng cầu cho bản thân họ. Trong lúc ấy, họ biết mình cũng chẳng khác những người mà họ cầu nguyện cho. Bài học dụ ngôn người biệt phái và người thu thuế vẫn luôn sinh động và thời sự (Xc Lc 18,9-14): chúng ta không tốt đẹp hơn một ai, tất cả chúng ta đều là anh em có cùng sự dòn mỏng yếu đuối, đau khổ và là người tội lỗi. Vì thế, một kinh mà chúng ta có thể dâng lên Thiên Chúa, là: “Lạy Chúa, không ai là công chính trước mặt Chúa” (Xc Tv 143,2), tất cả chúng con đều là người mắc nợ cần phải trả; không có ai là người vô tội trước mặt Chúa. Lạy Chúa xin thương xót chúng con!”.
Những người chuyển cầu
Đức Thánh cha nhận xét rằng: “Thế giới tiến bước là nhờ chuỗi những người chuyển cầu, “cầu thay nguyện giúp” và phần lớn họ là những người vô danh. Nhưng Chúa biết họ! Có bao nhiêu tín hữu Kitô không được biết đến, trong thời bị bách hại, họ đã biết lặp lại câu Chúa chúng ta đã nói: “Lạy Cha, xin tha thứ cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).
Kinh nguyện của mục tử
Người mục tử tốt vẫn luôn trung thành, cả khi đứng trước nhận thức về tội của dân chúng: họ tiếp tục là người cha, cả khi con cái xa lìa và bỏ rơi họ. Kiên trì trong nhiệm vụ mục tử, kể cả đối với những người làm cho mục tử phải “bẩn tay”: người mục tử không khép kín tâm hồn trước cả những người làm cho họ đau khổ.
Giáo hội, nơi tất cả các chi thể của mình, có sứ mạng chuyển cầu. Đặc biệt, bất kỳ người nào có trách nhiệm làm cha mẹ, làm người giáo dục, làm thừa tác viên thánh chức, các bề trên cộng đoàn. Như Abraham và Môise, nhiều khi họ phải bênh vực trước mặt Chúa những người được ủy thác cho họ. Trong thực tế, vấn đề ở đây là nhìn những người ấy với đôi mắt và con tim của Thiên Chúa, với cùng lòng cảm thương vô song và dịu dàng.
Và Đức Thánh cha kết luận rằng: “Tất cả chúng ta là những chiếc lá của cùng một cây: mỗi chiếc lá rụng đều kêu mời chúng ta hãy có lòng từ bi thương xót sâu đậm mà chúng ta phải nuôi dưỡng, trong sự cầu nguyện cho nhau”.
Chào thăm các tín hữu
Sau bài giáo lý bằng tiếng Ý trên đây, tám linh mục thông dịch viên lần lượt tóm tắt bài huấn giáo và những lời chào thăm của Đức Thánh cha, qua các sinh ngữ chính.
Bằng tiếng Ba Lan, Đức Thánh cha nhắc nhở: “Hôm nay bắt đầu tuần cửu nhật chuẩn bị lễ Giáng sinh. Xin thánh Giuse đặc biệt đồng hành với anh chị em trên hành trình Mùa vọng năm may.
“Xin Chúa Hài Đồng Giêsu, qua đó chúng ta thấy sự dịu dàng của Thiên Chúa, làm cho anh em em được tràn đầy trong tâm hồn, nhất là trong thời kỳ khó khăn này, niềm xác tín Cha chúng ta ở trên trời là một vị Thiên Chúa dịu hiền, tốt lành với tất cả mọi người và Lòng Thương Xót của Chúa trải rộng trên tất cả mọi con cái của Người”.
Bằng tiếng Ý, Đức Thánh cha nói: “Tôi muốn nhắn nhủ tất cả anh chị em hãy tiến bước nhanh hướng về lễ Giáng sinh, lễ Giáng sinh đích thực, nghĩa là Chúa Giêsu Kitô sinh ra. Năm nay, có những hạn chế và khó khăn đang chờ đợi chúng ta, nhưng chúng ta hãy nghĩ đến lễ Giáng sinh mà Mẹ Maria và thánh Giuse đã trải qua: chẳng phải là hoa hồng và các loại hoa! Bao nhiêu là khó khăn! Bao nhiêu là lo âu. Nhưng niềm tin, cậy, mến hướng dẫn và nâng đỡ các ngài. Ước gì chúng ta cũng được như vậy. Ước gì khó khăn này giúp chúng ta thanh tẩy một chút cách mừng Giáng sinh, ra khỏi thái độ duy tiêu thụ, chân thực và phù hợp với tinh thần tôn giáo hơn.
Và Đức Thánh cha nói: “Như mọi khi, tôi ngỏ lời với những người già, người trẻ, các bệnh nhân và những đôi tân hôn. Tôi cầu chúc mỗi người biết đón nhận ơn thánh của những ngày này. Ước gì ơn thánh ấy trở thành niềm an ủi đối với anh chị em là những người già, sức mạnh cho các con là những người trẻ, ơn an ủi cho anh chị em đang chịu bệnh, và niềm tín thác nơi sự quan phòng của Thiên Chúa cho anh chị em là những đôi tân hôn.”
Buổi tiếp kiến, như thường lệ, kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành Tòa Thánh của Đức Thánh cha.