Bầu khí chuẩn bị Noel trong các buôn làng không giống như ở các phố thị. Đối với những làng đã biết Chúa từ lâu, khoảng trên mười năm, bầu khí chuẩn bị đại lễ mừng Sinh Nhật Chúa rõ nét hơn, nhưng cũng phải chờ gần tới ngày đại lễ mới cảm nhận bầu khí tưng bừng, hân hoan… Còn những làng mới biết Chúa, dường như mọi sự vẫn bình thường. Cũng dễ hiểu thôi, một phần vì bà con chưa biết phải làm gì với những điều mới mẻ và xa lạ trong văn hoá truyền thống, một phần vì tháng mười hai cũng là tháng của người làm nông nơi vùng đất của người Tây Nguyên. Bà con còn nghèo khổ, nên chủ yếu lo việc của nhà nông, chẳng còn bận tâm những điều khác lạ nữa. Vì thế, bài viết này sẽ chủ yếu mô tả mộc mạc cảnh tượng chuẩn bị và mừng lễ Giáng Sinh nơi các buôn làng đã và đang thấm nhuần đức tin Kitô giáo, đang quen và hội nhập với các sinh hoạt đức tin của Giáo hội Phổ quát.
Đối với những làng có nhiều người đã theo Chúa lâu năm, bà con cũng dành thời gian trước Lễ Giáng Sinh khoảng hai tuần để cùng nhau làm các hang đá mộc mạc, đơn sơ, gần gũi với văn hoá của họ. Một số hang đá được trang trí bởi những con heo tộc thay cho các con bò, lừa, chiên. Ngày nay, trong các nhà dân, hang đá Bê-lem cũng được tái hiện lại cách giản dị. Giản dị vì bà con còn thiếu thốn các phương tiện vật chất. Có những hang đá chỉ có thể chiêm ngắm ban ngày, còn ban đêm thì thiếu đèn chiếu sáng. Trong nhà bà con còn thiếu điện thắp sáng thì huống chi tới hang đá ngoài sân. Chiêm ngắm hang đá Bê-lem trong các làng dân tộc, tuy mộc mạc và dung dị, nhưng lại tái hiện sống động và chân thực hơn hang đá Bê-lem cách đây hơn hai ngàn năm nơi Con Thiên Chúa giáng sinh làm người và ở giữa những con người bần cùng và nghèo khổ nhất của xã hội.
Một số chị em phụ nữ cũng tập hợp nhiều em nhỏ trong làng để dạy hát, dạy múa, và chuẩn bị một chương trình “diễn nguyện” cho đêm Noel. Gọi là “diễn nguyện” để dễ hiểu. Thực tế, đêm diễn nguyện Giáng Sinh của bà con trong các làng thường không đầy đủ bầu khí trang nghiêm và hoành tráng như ở các Giáo xứ nơi phố thị. Bà con quây quần bên nhau, hát vài bài Giáng Sinh bằng ngôn ngữ của họ, các em nhỏ lên múa và hát, đan xen những tiếng cười đùa, những tiếng khóc của trẻ nhỏ, những ánh mắt ngái ngủ của các ông bà già và trẻ em sau 9 giờ tối.
Nhiều làng cũng được các cha tổ chức một ngày Hoà Giải để bà con gặp gỡ Chúa và hoà giải với nhau. Nhu cầu hiểu và lãnh nhận Bí tích Hoà Giải và Chữa Lành nơi bà con cũng cần được cải thiện. Nhiều bà con chưa ý thức rõ về Bí tích Hoà Giải và ân sủng nhận được từ Bí tích này. Hơn nữa, việc tĩnh tâm Mùa Vọng cũng chưa thấy được thực hiện nhiều trong các làng, và vẫn còn là điều mong đợi được các cha xứ thực hiện qua các sinh hoạt đức tin trong các làng vào mỗi dịp đại lễ.
Đêm Giáng Sinh trong các làng cũng hơi đặc biệt một chút. Bởi vì Mùa Giáng Sinh gần như bị nhiều người hiểu lầm là mùa lễ hội, mùa gặp gỡ đông người… nên có thể ảnh hưởng tới trật tự trị an. Vì thế, hầu như các buôn làng đều có các chú công an xã, công an huyện tới tham gia, hoà chung niềm vui mừng đại lễ với bà con. Hơn thế nữa, bối cảnh lịch sử an ninh ở các làng dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên khá nhạy cảm, nên việc các làng được bảo vệ an ninh khá tốt cũng là điều dễ hiểu và cảm thông. Có điều nhiều khi các chú an ninh lại chưa hiểu rõ đại lễ Giáng Sinh rất thánh thiêng, nên dễ cuốn vào tiệc tùng và nhậu nhẹt, làm cho nhiều người say xỉn, vô tình phá hỏng bầu khí thánh thiêng tôn giáo của bà con.
Một số làng đã trở thành giáo xứ, có chủ chăn hiện diện giữa họ, thì có bầu khí mừng đại lễ Giáng Sinh long trọng hơn. Nhiều người góp tiền mua heo, mua gà, mua gạo, mua bánh để cùng nhau mừng lễ. Cũng có nhiều cha xứ ủng hộ bà con thêm chút rau, chút nước để ăn mừng đại lễ, thậm chí có nhiều cha cũng hoà đồng và thân thiện chung vui với bà con trong làng.
Qua những chuẩn bị bề ngoài và bề trong để mừng đại lễ Giáng Sinh của bà con trong các buôn làng, người viết nhận thấy những hoa trái thiêng liêng được sản sinh. Chẳng hạn như, bà con hiểu biết hơn về mầu nhiệm Giáng Sinh của Con Thiên Chúa. Nhiều người chưa theo Chúa cũng tham gia các sinh hoạt đức tin này như cùng làm hang đá ở nhà nguyện, cùng ăn uống vào ngày đại lễ với bà con Công giáo; và sau đó, một số người trở lại với Chúa. Nhiều người nguội lạnh đức tin cũng được ơn trở lại, ý thức trách nhiệm cộng đồng hơn và sống hạnh phúc hơn. Quả thực, Ngôi Lời Nhập Thể là “ánh sáng thật, ánh sáng đã đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1:9) để họ nhận biết Thiên Chúa yêu thương con người, để họ được hoán cải và trở thành những người thiện tâm, để người người đạt tới sự sống viên mãn nhờ tin vào Con Thiên Chúa.
Mùa Vọng Năm 2020