Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ và thần học Bí tích, Giám đốc Viện Sacerdos tại Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.
Hỏi: Con hiểu rằng một nhà thờ (nhà thờ chánh tòa và nhà thờ giáo xứ) phải được cung hiến vì mục đích là nhà thờ phượng của dân Chúa. Thưa cha, việc cung hiến có được áp dụng cho nhà nguyện không? Chúng con đã có được một loạt vật phẩm thánh mới cho nhà nguyện chủng viện: bàn thờ, giảng đài và thánh giá. Ngoài ra còn có sửa chữa nhà tạm và tân trang cung thánh. Chúng con dự định sẽ thánh hiến bàn thờ. Chúng con phát hiện ra rằng trước đây nhà thờ này đã không được làm phép hoặc cung hiến. Vì bàn thờ sẽ phải được thánh hiến, liệu chúng con có cần cung hiến toàn bộ cấu trúc không? Nhà nguyện cử hành Thánh lễ mỗi ngày cho các chủng sinh và một nhóm đông tín hữu: ân nhân và người dân xung quanh chủng viện. Ngày Chúa Nhật, có hai Thánh lễ được cử hành cho các tín hữu, và nhà nguyện đầy người. – G. A., Iligan, Philippines.
Đáp: Chắc ở đây chúng ta đang xử lý trường hợp của một nhà nguyện. Bộ Giáo luật quy định như sau:
“Ðiều 1223: Danh từ Nhà nguyện được hiểu là một nơi được Bản Quyền ban phép dành vào việc phụng thờ Thiên Chúa, vì ích lợi của một cộng đoàn hay một nhóm giáo dân lui tới đó và, với sự đồng ý của Bề Trên có thẩm quyền, các giáo dân khác cũng có thể lui tới.
“Ðiều 1224: §1. Bản Quyền chỉ được cho phép lập nhà nguyện sau khi đã đích thân hay nhờ người khác đến thị sát nơi muốn dành làm nhà nguyện, và thấy nơi ấy xứng đáng.
“§2. Khi đã xin được phép rồi, nhà nguyện không được xử dụng vào công việc phàm tục nữa, nếu không có phép của chính Bản Quyền ấy.
“Ðiều 1225: Trong nhà nguyện đã thiết lập hợp lệ, có thể cử hành mọi nghi lễ phụng vụ, trừ những gì mà giáo luật hay chỉ thị của Bản Quyền địa phương hạn chế, hay trái với quy luật phụng vụ.
“Ðiều 1229: Nên làm phép nhà nguyện và phòng nguyện riêng theo nghi thức đã định trong sách phụng vụ; và phải dành riêng vào việc phụng tự, tránh xử dụng vào bất cứ công việc thường khác trong nhà.” (Bản dịch Việt ngữ của các Linh Mục: Nguyễn Văn Phương, Phan Tấn Thành, Vũ Văn Thiện, Mai Ðức Vinh)
Do đó, theo Điều 1229, thật là phù hợp để làm phép toàn bộ nhà nguyện và các vật phẩm phụng vụ của nó. Việc này có thể được thực hiện theo các quy chế được tìm thấy trong Sách Phụng Vụ Rôma, Sách Các Phép và Sách Nghi Thức Giám Mục.
Tuy nhiên, vì nhà nguyện cũng được sử dụng cho các tín hữu, nó thuộc quyền của Giám Mục để chỉ định nó như một nhà thờ và cung hiến nó. Chắc chắn đó sẽ là một nhà thờ, mà các tín hữu không đến thường xuyên, ngoại trừ trong các buổi lễ trọng công khai, nhưng khả năng này là được tiên liệu. Trong trường hợp này, các Điều sau đây có thể được áp dụng:
“Ðiều 1214: Danh từ nhà thờ được hiểu là một tòa nhà thánh dành riêng cho việc thờ phượng Thiên Chúa, và mọi tín hữu có quyền đến đó để làm việc thờ phượng Chúa, nhất là phụng tự công.
“Ðiều 1215: §1. Nhà thờ chỉ được xây cất khi có sự đồng ý minh thị bằng giấy tờ của Giám Mục giáo phận.
“§2. Giám Mục giáo phận chỉ nên ban phép sau khi đã tham khảo ý kiến Hội Ðồng Linh Mục và các linh mục quản đốc các nhà thờ kế cận, và Ngài xét thấy rằng nhà thờ mới sẽ sinh ích cho các linh hồn, cũng như không lo thiếu phương tiện xây cất nhà thờ và những sự cần thiết khác cho việc phượng tự.
“§3. Các dòng tu, dù đã được Giám Mục giáo phận đồng ý cho lập tu việc trong giáo phận, cũng còn phải có sự đồng ý của Ngài trước khi xây nhà thờ trong một địa điểm chắc chắn và xác định.
“1216: Khi xây và sửa nhà thờ, ngoài việc hỏi ý các nhà chuyên môn, cần phải tuân giữ những nguyên tắc và những quy luật của phụng vụ và nghệ thuật thánh nữa.
“Ðiều 1217: §1. Khi đã hoàn tất việc xây cất, nhà thờ mới phải được cung hiến hay làm phép theo quy luật phụng vụ thánh càng sớm càng tốt.
“§2. Các nhà thờ, đặc biệt nhà thờ chính tòa và nhà thờ giáo xứ, phải được cung hiến với nghi lễ trọng thể.
“Ðiều 1218: Mỗi nhà thờ phải mang một tước hiệu riêng, và một khi đã cung hiến, không thể thay đổi tước hiệu nữa.
“Ðiều 1219: Trong nhà thờ đã cung hiến hay làm phép hợp lệ, có thể cử hành tất cả các sinh hoạt phụng tự, nhưng phải tôn trọng các quyền lợi của giáo xứ.
“Ðiều 1220: §1. Những người có trách nhiệm coi sóc nhà thờ phải lo giữ nhà thờ sạch sẽ và trang nghiêm, xứng đáng là nhà của Chúa, cùng ngăn cản tất cả những gì nghịch với sự thánh thiện của nơi ấy.
“§2. Ðể giữ gìn các đồ vật thánh và quý giá, cần phải xử dụng những phương tiện bảo trì thường lệ và những biện pháp an ninh thích hợp.
“Ðiều 1221: Việc lui tới nhà thờ trong giờ cử hành phụng tự phải được tự do và miễn phí.” (Bản dịch, như trên).
Dường như trong trường hợp ban đọc nói ra, số lượng tín hữu đến nhà thờ ấy là được bảo đảm đủ. Tuy nhiên, để chỉ định nhà nguyện chủng viện là một nhà thờ, nó sẽ phải nhận một tước hiệu dứt khoát theo các quy chế, vốn ngoài Điều 2018 ở trên, còn phải tính đến Nghi thức Cung Hiến một nhà thờ (4), và Sách Nghi Thức Giám Mục, số 865. Tước hiệu được trao cho nhà thờ vào thời điểm cung hiến với một sắc lệnh của Giám Mục.
Để làm rõ thêm các quy chế này và giải quyết một số tình huống mục vụ mới, Thánh Bộ Phụng Tự và Kỷ luật Bí Tích đã ban hành một thông báo, “Omnis ecclesia titulum” vào ngày 10-2-1999, “Liên quan đến việc đặt tên thánh bổn mạng cho các giáo phận và giáo xứ”. Tài liệu viết:
“1. Mỗi nhà thờ phải có một tước hiệu được chỉ định trong một buổi phụng vụ, hoặc lễ cung hiến hoặc làm phép.
“2. Trong tước hiệu, các nhà thờ có thể dùng danh thánh Ba Ngôi Cực thánh; Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, được gợi ra dưới một mầu nhiệm cuộc đời Ngài hay dưới thánh danh của Ngài như đã sử dụng trong phụng vụ; Chúa Thánh Thần; Đức Trinh Nữ Maria dưới một tước hiệu đã có trong phụng vụ; các thiên thần, hay một vị Chân phước hay vị Thánh có tên trong Sổ Các Thánh Rôma.
“3. Có lẽ nên chỉ có một tước hiệu cho một nhà thờ, trừ khi nó được bắt nguồn từ các Thánh được ghi tên chung trong một Lịch phụng vụ riêng.
“4. Bất kỳ vị Chân phước nào, mà việc kính nhớ Ngài chưa được ghi trong Lịch giáo phận hợp pháp, thì không thể được chọn làm tước hiệu của một nhà thờ, mà không có đặc miễn của Tòa Thánh.
“5. Một khi tước hiệu đã được đặt trong việc cung hiến một nhà thờ, tước hiệu này không thể được thay đổi (Giáo luật Điều 1218), trừ khi, vì các lý do nghiêm trọng, nó được cho phép rõ ràng bởi một đặc miễn của Tòa Thánh.
“6. Tuy nhiên, nếu một tước hiệu đã được chỉ định như một phần của việc làm phép nhà thờ, theo Ordo Benedictionis Ecclesiae (nghi thức làm phép nhà thờ), nó có thể được thay đổi bởi Giám mục giáo phận (xem điều luật 381, 1) vì một lý do nghiêm trọng, và với tất cả các yếu tố được xem xét hợp lệ.
“7. Tên của một giáo xứ thường có thể giống với tước hiệu của nhà thờ giáo xứ.
“8. Là vị trung gian hoặc đấng bầu chữa trước mặt Thiên Chúa, thánh bổn mạng là con người được tạo thành, chẳng hạn Đức Trinh Nữ Maria, các Thiên thần, một vị Thánh hay Chân phước. Vì cùng một lý do, Ba Ngôi Chí Thánh và mỗi Ngôi luôn bị loại ra như là vị bổn mạng.
“9. Vị bổn mạng phải được chọn lựa bởi hàng giáo sĩ và tín hữu, và sự lựa chọn của họ phải được chấp thuận bởi giáo quyền có thẩm quyền. Để cho việc đặt tên có thể mang lại hiệu quả phụng vụ, sự chọn lựa và tán thành cần phải có sự xác nhận của Thánh Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, và sự xác nhận được ban hành bởi sắc lệnh của Thánh Bộ này.
“10. Thánh bảo mạng của một địa điểm được phân biệt với tước hiệu của một nhà thờ; hai cái có thể là giống nhau, nhưng không nhất thiết là như vậy.
“11. Khi một giáo xứ mới được xây dựng thay cho một số giáo xứ hủy bỏ, giáo xứ mới có thể có nhà thờ riêng, vốn giữ lại tước hiệu hiện tại, trừ khi đó là một tòa nhà mới xây. Hơn nữa, các nhà thờ của các giáo xứ hủy bỏ, bất cứ khi nào các giáo xứ này được coi là ‘đồng giáo xứ’ (co-parish), vẫn giữ các tước hiệu riêng của họ.
“12. Nếu một số giáo xứ được kết hợp với nhau để thành một giáo xứ mới, thì vì lý do mục vụ, được phép thiết lập một tước hiệu mới khác với tước hiệu của nhà thờ giáo xứ “.
Nghi thức cung hiến của một nhà thờ có lẽ bắt nguồn từ thời Hoàng đế Constantine (272-337) khi các Kitô hữu nhận được sự tự do thờ phượng. Trong nhiều thế kỷ, nó bao gồm buổi cử hành Thánh lễ trọng thể lần đầu tiên. Ở giai đoạn sau, có thêm nghi thức đặt các thánh tích. Hạt nhân của nghi thức hiện tại với các việc xức dầu khác nhau bắt nguồn từ thời Trung Cổ. (Zenit.org 10-9-2019)
Nguyễn Trọng Đa