TỦ QUẦN ÁO SINH THÁI: CHÚNG TA CHĂM SÓC THỤ TẠO THẬM CHÍ QUA QUẦN ÁO CHÚNG TA
Tác giả: Agata Rita Borracci (*)
Chuyển ngữ: Anthony Lai
Từ: vaticannews.va/en
WHĐ (7.2.2021) – Viện Đại học Salêdiêng tại Venice và Verona (IUSVE) đang khởi xướng một chiến dịch kéo dài 3 năm với tên gọi Green Dream (Giấc mơ Xanh), dành riêng cho việc nâng cao nhận thức về sinh thái và những thay đổi thực hành, được lấy cảm hứng từ Thông điệp Laudato si’. Ý tưởng về một “tủ quần áo sinh thái” được triển khai từ chiến dịch này – đó là một cuộc triển lãm vải, giày, và phụ kiện thời trang được sản xuất bởi các công ty muốn thay đổi các xu hướng hiện hành cả trong quá trình sản xuất lẫn trong chuỗi kinh doanh, nhằm đẩy mạnh một tác phong bền vững, đoàn kết và thích hợp.
Francesca Bonotto, giáo sư tại Phòng thí nghiệm Thời trang và Sáng tạo của IUSVE, hiện là nhà sáng tạo và quản lý của cuộc triển lãm “Tủ quần áo sinh thái”. Mối quan tâm của cô về sự bền vững của môi trường bắt nguồn từ một khóa học dành cho các cặp đôi đính hôn mà cô đã tham dự cùng với Federico Gottardo, chồng của cô, tại một trung tâm tĩnh tâm do Tu viện Dòng Phanxicô ở Camposampiero điều hành. Chồng của Francesca đang điều hành trung tâm hoạt động sinh viên của IUSVE và anh cũng là điều phối viên của cuộc triển lãm này. Việc nhận biết tinh thần Phanxicô trong quá trình chuẩn bị hôn nhân của họ đã vượt ra ngoài những lý thuyết đơn thuần và được biến đổi thành một phong cách sống chung của hai vợ chồng. Francesca giải thích: “Khóa học đó cùng với Federico, một người rất lưu tâm đến hạnh phúc của con người và phong cách sống, đã khiến tôi nhận thức rõ hơn về thiên nhiên và khơi dậy trong tôi sự quan tâm mới đối với chuỗi sản xuất”.
Cha Nicola Giacopini, Giám đốc của IUSVE, cùng với các Giáo sư Marco Sanavio, Federico Gottardo, Francesca Bonotto
Việc phát hiện ra mình mắc bệnh suy nhược đã khiến Francesca tập trung đặc biệt vào việc chọn lựa thực phẩm cùng chất lượng của nó. Điều đó đã khiến cho cặp đôi này hướng đến một phong cách sống mà trong đó họ chọn những nhà sản xuất thực phẩm địa phương, nhỏ lẻ. Do đó, quá trình thu mua thực phẩm của họ hợp đạo đức và bền vững hơn.
Francesca giải thích: “Do nỗi sợ cùng đau đớn mà căn bệnh của tôi gây ra, tôi phát hiện ra rằng con người được kết nối với thiên nhiên và thế giới theo cách vô cùng hấp dẫn. Ngoài việc điều trị y tế, tôi phối hợp việc chiêm niệm của Kitô giáo và các thực hành khác nhằm hướng tới hạnh phúc cá nhân. Những điều này cho phép tôi dành nhiều thời gian hơn cho bản thân và cho tâm hồn.” Cô chia sẻ thêm: “Chúng ta thường xuyên bị cuốn vào sự bận rộn của cuộc sống hàng ngày mà thay vào đó, chúng ta nên huấn luyện nhận thức của mình theo chiều kích toàn diện và thống nhất nơi bản thân, với nhịp điệu tự nhiên và với phong cách sống hài hòa hơn với môi trường xung quanh ”.
Các giáo sư Francesca Bonotto, Federico Gottardo
ModaPuntoCom (FashionDotCom)
Vào năm 2019, theo yêu cầu của ông Mariano Diotto, người chỉ đạo bộ phận truyền thông của IUSVE vào thời điểm đó, Francesca đã tạo ra chương trình radio ModaPuntoCom (FashionDotCom). Được sản xuất bởi đài University’s Cube Radio, chương trình này tập trung vào các hoạt động truyền thông và quảng bá của ngành công nghiệp thời trang. Được thúc đẩy bởi nhu cầu đưa tin một số khía cạnh đạo đức về quần áo và giày dép, ngay từ những số đầu tiên, Francesca đã nhấn mạnh rằng lợi nhuận là ưu tiên hàng đầu của ngành thời trang “may sẵn”, mà không chú ý đến chuỗi cung ứng hoặc chiều kích tâm linh, là điều mà theo kinh nghiệm của cô, luôn là một phần nền tảng của quá trình sáng tạo. “
Jasmine Pagliarusco, giám đốc của chương trình này giải thích rằng: “Từng bước một, ModaPuntoCom ngày càng đi sâu vào các chiều kích đạo đức và sự bền vững, nhấn mạnh đến hành vi nhân bản. Các chuyên gia mà chúng tôi đón tiếp tại studio thường chứng thực họ là những nhân chứng của các giá trị mà Laudato si’ gợi ý cho chúng tôi, như là nền tảng để giữ cho ý thức ở mức cao và làm giảm dấu chân sinh thái”.
Chủ đề của Thông điệp Laudato si’
Cho đến nay, ModaPuntoCom đã phát sóng hơn 70 số, có sẵn tại cuberadio.it . Bằng cách kể lại những câu chuyện về các kinh nghiệm kinh doanh nhỏ trong việc sản xuất mang tính bền vững và đạo đức, chủ đề của Thông điệp Laudato si’ dần dần được khám phá. Trên trang blog cá nhân của cô (francescabonotto.it), giáo sư của Phòng thí nghiệm Thời trang và Sáng tạo này đã đăng tải một loạt bài viết chuyên sâu về các công ty có hồ sơ đạo đức tốt, những người duy trì một nền kinh tế tuần hoàn.
Triển lãm “Tủ quần áo sinh thái”
Tủ quần áo sinh thái
Từ lời chứng cá nhân của nhiều khách mời trên ModaPuntoCom, chúng tôi đã nảy ra ý tưởng mở một cuộc triển lãm trưng bày một tủ quần áo mô hình cũng như một loạt các tấm panô không treo quần áo nhưng chứa đầy sự nhận thức. Từ những đôi tất không cần giặt, đến quần áo có nhãn được viết bằng chữ nổi và hoa văn nổi, đến những đôi giày do những người có hoàn cảnh khó khăn sản xuất: những món đồ được trưng bày là sự kích thích mang tính cảm nhận cho tư duy phản biện, do đó tạo ra một điểm kết nối, một liên kết với Laudato si’.
Cha Nicola Giacopini, Giám đốc của IUSVE, lưu ý rằng: “Nói chung, bạn sẽ không nghĩ rằng thời trang lại có liên quan đến ngôi nhà chung của chúng ta. Thay vào đó, mọi thứ đều được kết nối với nhau: từ vẻ đẹp, chăm sóc thụ tạo, đến con người, chất lượng công việc và các quyền của người lao động, xã hội và nền kinh tế ”.
Thậm chí trái ngược với văn hóa vứt bỏ, bố cục của triển lãm đề xuất việc tái chế và tái sử dụng quần áo như một phương thức biến đổi. Tại buổi trưng bày cũng có những ví dụ về các sản phẩm được làm bằng vải dệt tái chế.
Triển lãm “Tủ quần áo sinh thái” là một phần của chương trình đào tạo và nâng cao nhận thức kéo dài ba năm, bắt đầu từ năm học 2019-2020. Chương trình này tập trung sự chú ý vào thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô về việc chăm sóc Ngôi Nhà Chung của chúng ta. Giáo sư Lorenzo Biagi, với tư cách là Phó giám đốc dự án Hệ sinh thái toàn diện và Phong cách sống mới của IUSVE, nhấn mạnh rằng: “Thông điệp Laudato si’ đã đặt chúng ta trước hai trục quan trọng: một là nghiên cứu học thuật, cho phép chúng ta đi sâu vào hệ sinh thái toàn diện, và hai là việc thực hành nếp sống mới, mang tính định hình và giáo dục về tự nhiên”.
Học sinh Giovanna De Martino và Anna Sferruzza
Những gợi ý về giáo dục và mục vụ
Cuộc triển lãm này, đã khai mạc tại khu Mestre của thành phố Venice vào tháng 10 năm 2020, và dự kiến sẽ đến khuôn viên của IUSVE tại Verona vào mùa xuân năm sau. Kể từ khi mở cửa, hàng chục sinh viên và giáo sư đã tham quan triển lãm đồng thời tôn trọng các quy định về phòng chống dịch Covid. Một số người trong số họ cũng đến từ các khu vực xung quanh.
Giovanna De Martino và Anna Sferruzza, hai sinh viên Tâm lý học đã theo dõi triển lãm hàng tuần, xác nhận sự quan tâm cao và kinh ngạc của các người bạn của họ. Giovanna cho biết: “Nhiều sinh viên ấn tượng bởi tính thẩm mỹ cuốn hút cũng như giá tương đối cao của các mặt hàng được trưng bày. Tuy nhiên, sau những giải thích của chúng tôi về các loại vải và chất lượng của vật liệu được sử dụng, họ đã hiểu được ý nghĩa của việc phải chi trả nhiều hơn và ý thức trách nhiệm mà họ được kêu gọi đảm nhận ngay cả qua những gì họ có được ”.
Giáo sư Gottardo cho biết thêm rằng cách thức triển lãm được thiết lập đã cung cấp một môi trường trải nghiệm và cảm nhận. Ông giải thích: “Chúng tôi muốn cho phép khách tham quan có những trải nghiệm thực tế, hơn là chỉ cung cấp thông tin. Việc có thể chạm vào các loại vải và tận mắt nhìn thấy chất lượng của vật liệu tái chế sẽ giúp mọi người trong sự quyết định quy trình sản xuất phù hợp”.
Arianna Salabrin, một liên hệ viên về các công việc mục vụ tại trường đại học, giải thích: “Chúng tôi thậm chí còn có cơ hội chia sẻ với khách tham quan về quan điểm mục vụ được cung cấp thông qua triển lãm. Tôi rất ngạc nhiên về sự hấp dẫn mà đề tài này khơi gợi cũng như mong muốn thảo luận về khoảng cách giữa tầm nhìn có trong Thông điệp Laudato si’ và những gì xã hội tiêu dùng đề xuất”.