ĐỊNH HƯỚNG CHO VIỆC GIÁO DỤC GIỚI TÍNH TRONG GIA ĐÌNH, NHÀ TRƯỜNG VÀ GIÁO XỨ
Lm. Giuse Đinh Quang Vinh tổng hợp
MỤC LỤC
II. VÀI KHÁI NIỆM LUÂN LÝ CHO VIỆC GIÁO DỤC GIỚI TÍNH
7. Thử nghiệm “tình yêu” qua việc sống chung, sống thử, quan hệ trước và ngoài hôn nhân
8. Xung lực tính dục và tính gây hấn
III. MỘT VÀI LƯU Ý TRONG CÁC GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN
WHĐ (07.03.2021) – Giáo dục giới tính là một thuật ngữ rộng miêu tả việc giáo dục về giải phẫu sinh dục, sinh sản, quan hệ tình dục, sức khoẻ sinh sản, các quan hệ tình cảm, quyền sinh sản và các trách nhiệm, tránh thai, và các khía cạnh khác của thái độ tình dục loài người.[1] Giáo dục người nam và người nữ về giá trị của tính dục phải là một chiều kích cơ bản trong cuộc sống cá nhân và xã hội. Như bất cứ một giá trị nào khác, giá trị tương giao của tính dục[2] không tự nhiên mà có nhưng phải được giáo dục trong một khung cảnh luân lý đạo đức nhất định.
Tông huấn Gia Đình xác định: “Tính dục là một sự phong phú của toàn thể ngôi vị – thể xác, tình cảm, linh hồn – và biểu lộ ý nghĩa thâm sâu của nó bằng cách đưa ngôi vị ấy đến chỗ tự hiến mình trong tình yêu. Là quyền lợi và bổn phận căn bản của cha mẹ, việc giáo dục tính dục phải luôn luôn được thực hiện dưới sự hướng dẫn chu đáo của cha mẹ, tại gia đình cũng như ở các trung tâm giáo dục được cha mẹ chọn lựa và kiểm soát…Trong bối cảnh ấy, không thể nào chối bỏ việc giáo dục đức khiết tịnh, là nhân đức làm phát triển sự trưởng thành đích thực của ngôi vị, làm cho ngôi vị có khả năng kính trọng và nâng cao ý nghĩa hôn nhân của thân xác” (FC 37).
“Tùy từng lứa tuổi, con trẻ cần được cung cấp một nền giáo dục tích cực và khôn ngoan về tính dục”.[3] Việc giáo dục tính dục trong gia đình phải đóng vai trò chủ đạo, nơi giáo xứ và nhà trường có vai trò hỗ trợ. Dù trong môi trường giáo dục nào, cha mẹ và các nhà giáo dục phải chủ động; đừng để con em tự tìm hiểu qua những thông tin sai lệch và nguy hiểm.
I. GIÁO DỤC VỀ ĐỨC KHIẾT TỊNH
Con người có khả năng để thực hiện một tình yêu cao hơn, được mời gọi bước vào tình bạn chân tình và biết sẵn sàng hy sinh. Tính dục được ví như một dòng thác mạnh mẽ. Nếu dòng thác đó có được một định hướng đúng đắn, nó sẽ làm phát sinh nguồn năng lượng cho cuộc sống; ngược lại, nó bị lãng phí và thậm chí chỉ đem lại băng hoại: “Tính dục phải được tình yêu định hướng, giáo dục và bổ túc, vì chỉ có tình yêu mới giúp cho tính dục mang tính nhân bản” (TD 11).[4] Như vậy, mục đích chính của giới tính là tình yêu. Giáo dục giới tính rõ ràng và tế nhị chính là giúp cho con người đạt được mục đích đó. Chỉ khi đạt được mục đích đó, con người mới có thể đáp ứng lời mời gọi nên thánh.
Người ta không thể lấy dầu để chữa lửa. Cũng vậy : ” Để có thể sống vui và tránh gây bạo động nhau, con người không thể cậy dựa vào một thứ điều hoà tính dục cách giả tạo là lấy tính dục điều hoà tính dục, thật vậy, để sử dụng tính dục cho có giá trị nhân bản, luôn luôn cần nhớ tới sự điều hoà của khoa đạo đức”.[5] Quan trọng cách riêng là mọi người nên đánh giá cao nhân đức khiết tịnh, vẻ đẹp và sức mạnh hấp dẫn của nhân đức này. Nhân đức này làm gia tăng phẩm giá con người và làm cho con người có khả năng yêu mến thật sự, vô vị lợi, không ích kỷ và lòng tôn trọng người khác.[6]
Con người được mời gọi để sống yêu thương trong toàn thể tính thống nhất của nó (FC 11). Vì vậy, “Tính dục là nơi biểu lộ sự tùy thuộc của con người vào thế giới vật chất và sinh học ; nó trở thành cá vị và thật sự nhân bản khi gắn với tương quan giữa người với người, trong việc hiến thân cho nhau trọn vẹn và vĩnh viễn giữa người nam và người nữ” (SGL 2337).
Chính sự trao ban vô vị lợi trong tình yêu đòi hỏi người trao ban phải coi trọng đức khiết tịnh, biết tự chủ trước những xung lực bản năng tự nhiên. Nhân đức khiết tịnh nhắm đạt đến các mục tiêu cao hơn và tích cực hơn. Đó là một nhân đức liên quan đến toàn thể nhân cách, cả về nội tâm và hành vi bên ngoài.[7] Đức khiết tịnh là nhân đức dành cho mọi bậc sống, từ bậc phu phụ, người góa bụa đến kẻ đồng trinh (SGL 2349). Vì vậy, ngay trong gia đình, con cái phải được hun đúc đời sống khiết tịnh qua bầu khí yêu thương, đạo đức và quý trọng sự sống do Thiên Chúa ban tặng. Làm sao để con cái dần dà hiểu được giá trị của tính dục và đức khiết tịnh, khám phá ra ơn gọi của mình, sống ơn gọi đó với sự sung mãn của ơn Chúa Thánh Thần.
Đây là các phương thế để sống đời khiết tịnh: “Kỷ luật của giác quan và tâm trí, tỉnh thức và thận trọng tránh dịp tội, tuân giữ đức khiêm tốn giản dị, điều độ trong giải trí, nghề nghiệp lành mạnh, chuyên cần cầu nguyện, và thường xuyên đón nhận bí tích Hòa Giải và Thánh Thể. Người trẻ một cách đặc biệt nên nhiệt tình thúc đẩy sự dâng hiến cho Mẹ Thiên Chúa Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội, và noi gương đời sống của các Thánh, của cả những tín hữu khác, cách riêng những người trẻ, những ai thực hành nhân đức khiết tịnh”.[8]
II. VÀI KHÁI NIỆM LUÂN LÝ CHO VIỆC GIÁO DỤC GIỚI TÍNH
Trở nên hạnh phúc hơn và trở nên người hơn chính là mục tiêu của luân lý. Nhưng luân lý Kitô giáo xác tín rằng hành trình đi tìm hạnh phúc sẽ được thuận lợi hơn nhờ nhìn nhận Thiên Chúa, Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô : “Bất cứ ai theo Đức Kitô cũng sẽ trở nên người hơn”(MV 41). Những xác tín của đức tin Kitô giáo liên quan đến tính dục xác định rằng : tính dục là một chiều kích cơ bản trong cuộc sống cá nhân và xã hội, là một thực tại mở ra chứ không chỉ khép kín trong gia đình, là phương tiện để vợ chồng sống yêu thương, hoan lạc và đón nhận con cái.
1. Giới tính
Giới tính là nam hay là nữ. Có giới tính nghĩa là có một thân xác với những ước muốn vây quanh. Giới tính là con đường để con người đến gần kẻ khác và tự bộc lộ mình ra cho kẻ khác và như thể mục đích chính của nó là tình yêu.[9] Thế nhưng : “Nhận ra mình có giới tính là một cách rõ nhất để phủ nhận ước mơ muốn được toàn năng”.[10] Chính sự khác biệt giới tính là nhân tố thúc đẩy người nam và người nữ thu hút nhau. Cũng như tính dục, “Giới tính không phải là một vấn đề mà người ta có thể khảo sát được, nhưng là một mầu nhiệm cuốn hút lấy người nam và người nữ trong gốc rễ sâu xa của họ”.[11] Giới tính ngầm chứa bản năng tính dục và nhân tố không thể thiếu trong tương giao tính dục.
2. Tính dục
Tính dục của con người không chỉ là sinh dục. Không hề có bản năng tính dục mang tính toàn bộ, thuần túy sinh lý. Nó là chiều kích nam giới hay nữ giới mà toàn thể con người cá thể đã được quy định ngay từ giây phút thụ thai. Tính dục của một người là một tổ chức tương đối ổn định gồm các xung lực khác nhau nhắm tới những đối tượng cục bộ của thân thể. Tình trạng tính dục bình thường nào cũng là kết quả của một mớ ham muốn rất phức tạp, mà nếu tách riêng từng ham muốn một, ta sẽ thấy nó thật bất bình thường. Mối tương quan của con người với thân xác mình là một tương quan vừa sâu kín vừa phức tạp. Người ta không có nam tính hay nữ tính mà nó là nam tính hay nữ tính của họ.[12] Xavier Thévenot nhận xét : “Tính dục là một chiều kích thiết yếu của con ngươi”[13], tuy nhiên, “Tính dục không bao giờ là một vấn đề mà ta có thể giải quyết thấu đáo, nhưng đó chính là một mầu nhiệm lôi kéo chúng ta vào cuộc”.[14]
3. Khiết tịnh
Khiết tịnh không phải chỉ là cầm giữ những xung lực tính dục của mình mà là đảm nhận tính dục của mình một cách trưởng thành, làm cho cá nhân trở nên tự do nhiều hơn, làm cho con người có khả năng để yêu thương nhiều hơn. Muốn như vậy, con người phải biết từ khước những gì làm cho con người ít là người hơn. Như vậy, khiết tịnh là một công việc phải làm để mình là mình hơn chứ không phải là một tình trạng phải giữ. Tình trạng « trinh khiết » không bao giờ là kết quả tự phát hay có được một lần cho tất cả. Muốn yêu thương cho hợp với tinh thần của Đức Kitô, đòi hỏi ai cũng phải có một sự khổ chế nhất định nào đó trong những tình cảm và những thèm muốn tính dục.
4. Điều hòa sinh sản
Đó là một việc làm liên lụy đến nhân cách con người một cách rất sâu xa, một việc hết sức phức tạp về mặt tâm lý. Một việc làm không chỉ âm thầm trong đời sống cá nhân mà bị lôi kéo vào chiều kích xã hội khi việc thực hành mang tính phổ biến. Nó đang làm cho xáo trộn nhiều quan niệm có ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống cá nhân và xã hội. Chẳng có phương pháp điều hòa sinh sản nào là hoàn hảo về mặt tâm sinh lý. Vợ chồng thực hành điều hòa sinh sản phải có động cơ phù hợp với những đòi hỏi của Tin Mừng, trao đổi bàn bạc với nhau về phương pháp nào phù hợp với luân lý và Huấn quyền của Hội thánh.
5. Đồng tính luyến ái
Đồng tính luyến ái là khuynh hướng tính dục chi phối cách sống của một con người nhưng không chỉ toàn bộ nhân cách của một con người. Giáo Hội mời gọi vì đức ái phải tiếp nhận người đồng tính luyến ái với lòng thông cảm và mời gọi người đồng tính luyến ái cũng phải sống khiết tịnh. Người đồng tính luyến ái khó tiết dục hơn người dị tính luyến ái nhưng không phải vì thế mà họ có quyền để sống buông thả.
6. Vấn đề đổi giới tính
Các nguyên nhân giáo dục là một trong những nguyên do chủ yếu dẫn đến việc chuyển đổi giới tính. Người ta trở thành kẻ thích đổi giới tính là vì hồi còn nhỏ đã có những ước muốn với mẹ mình nhưng không được đảm nhận một cách tốt đẹp mà mình không biết. Người thay đổi giới tính làm rối loạn cuộc sống của mình cách sâu xa, vì là một sự thay đổi giả tạo nên đương sự luôn cảm thấy bực dọc. Con người chỉ là kẻ thừa hưởng sự sống chứ không phải là chủ nhân ông qua phẫu thuật và hormone mà có thể thay đổi cả hữu thể của mình. Người thay đổi giới tính nên nhớ : “Phẫu thuật thay đổi bộ phận tính dục không làm thay đổi giới tính”.[15] Người phẫu thuật sinh dục không thể kết hôn thành sự, không thể là ứng viên cho chức thánh hay dòng tu.[16]
7. Thử nghiệm “tình yêu” qua việc sống chung, sống thử, quan hệ trước và ngoài hôn nhân
Tất cả đều cho thấy triệu chứng của tình trạng sợ dấn thân và mâu thuẫn nội tại. Cá nhân người trong cuộc chỉ sống theo những gì mà người kia đang chờ đợi mình hơn là tìm biết những khát vọng và biết chính mình. Khoái cảm ở đây không xua tan nỗi sợ hãi. Tình yêu đòi hỏi cả hai phải nên một thân xác, thế nhưng ở đây thì không. Càng dấn sâu, người ta càng khó tha thứ cho chính mình và cho người khác. Cuộc sống của họ đang bị đặt trên sự nghi ngờ tha nhân và bất tín với bản thân, vì thế trong hiện tại hay tương lai họ khó có thể xây dựng một quan hệ nhân bản tròn đầy. Vì lẽ đó, sự đổ vỡ hay việc tẩy chay sự sống (chống thụ thai, phá thai…) là ngấm ngầm hay tỏ lộ. Trong hoàn cảnh đó thật khó mà tiếp nhận con cái là hoa trái của tình yêu. Làm sao có thể xây dựng tình người khi mà người ta chưa thể xác định được vị trí nhân vị của mình.
8. Xung lực tính dục và tính gây hấn
Theo Freud, toàn bộ thân xác chúng ta đều bị chi phối bởi những xung lực muốn được thoả mãn (libido).[17] Theo Reich, mọi lo lắng và khó khăn bắt nguồn từ các xung lực tình dục không được thoả mãn.[18] Nhưng các ông chưa biết rằng những xung lực này có tính cục bộ là những bộ phận của thân thể, hay những gì mang nghĩa biểu tượng tương đương. Các Kitô hữu cần biết rằng dù có được tổ chức một cách gọi là bình thường đi nữa các xung lực tính dục vẫn tiếp tục gây áp lực trên ta. Quả vậy, xung lực tính dục và xung lực gây hấn ban đầu không hề hướng tới điều tốt một cách tự nhiên. Nguyên tắc duy nhất mà hoạt động của bộ máy tâm lý tuân theo lúc ban đầu chính là đi tìm khoái lạc, không hề đặt vấn đề tốt hay xấu mà chỉ bận tâm làm sao giảm bớt sự căng thẳng nơi mình bằng cách thoả mãn các xung lực tính dục và gây hấn. Vì vậy, tính dục luôn luôn có vấn đề với bạo lực. Nói cách khác, các xung lực tính dục luôn luôn hoà lẫn với các xung lực gây hấn. Bất cứ quan hệ xác thịt và quan hệ nào của con người cũng huy động và tiềm tàng các chiều kích gây hấn tính gây hấn khá quan trọng.
9. Sự hữu hạn của tính dục
Sự khác biệt giới tính cho người nam và người nữ cảm giác bất toàn nơi mình. Nó thúc đẩy con người tìm kiếm một ai đó bù lấp vào sự thiếu thốn nơi hữu thể của mình, giúp bổ túc và làm phong phú cho nhau. Cho dù tính dục có là một thứ ngôn ngữ đặc biệt của tình yêu hay là một chiều kích thiết yếu của con người thì đó cũng chỉ là một thứ ngôn ngữ giới hạn mang tính hai mặt. Tính dục của con người thật mỏng manh như chính thân phận con người. Người ta có thể tuyệt đối hóa khoái lạc, tìm nó chỉ vì nó và thất vọng cũng vì nó. Có thể nói, tính dục của con người là một tổ chức hay một trạng thái luôn còn đó những dang dở đang được hình thành (J.Pohier)[19], thoái hóa hay tiến bộ. Khi tính dục không nhằm mục tiêu là tình yêu, nó sẽ hủy hoại nhân cách của con người. Vì vậy, luân lý Kitô giáo đặt tình yêu làm tiêu chuẩn cao nhất để đánh giá đời sống tính dục.
III. MỘT VÀI LƯU Ý TRONG CÁC GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN
Tài liệu Tính Dục Con Người: Sự Thật và Ý Nghĩa ; Những định hướng giáo dục trong gia đình do Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình xuất bản phải là thủ bản tham khảo của các bậc cha mẹ.[20] Ở đây chúng ta trình bày một số lưu ý.
1. Từ 5 tuổi đến tuổi dậy thì
Cha mẹ đừng làm xáo trộn thời gian yên lặng và ngây thơ này của các em bằng những hướng dẫn tính dục. Cha mẹ chỉ có thể gián tiếp giáo dục tình yêu thanh khiết cho các em. Trong bầu khí thanh thản của gia đình, cha mẹ dạy cho con cái biết sự khác biệt giới tính là điều tự nhiên ; sự khác biệt đó nhằm thích ứng với những trách nhiệm khác nhau trong gia đình. Cha mẹ hãy cố gắng giúp các bé gái nhận ra giá trị nữ tính đặc thù của mình qua mẫu gương làm mẹ của Đức Trinh Nữ Maria ; hãy giúp các bé trai nhận biết nam tính của mình như một quà tặng của Thiên Chúa, nam tính bình đẳng với nữ tính và đừng quá hung hăng bộc lộ nam tính qua những hành động anh hùng. Hoạt động trí thức sẽ giúp các em đạt được sức mạnh và khả năng kiểm soát.
2. Tuổi dậy thì
“Rõ ràng, việc giáo dục giới tính cho thanh thiếu niên ở tuổi dậy thì là một nhu cầu thiết yếu của cả gia đình và xã hội, để các cháu có cuộc sống lành mạnh, học tập tốt hơn và một tương lai lành mạnh”.[21] Đây là giai đoạn cha mẹ được mời gọi để chú tâm giáo dục về giá trị đức khiết tịnh cho con cái theo tinh thần Kitô giáo, cách thức để hướng dẫn về tính dục cũng phải liên hệ đến giáo dục đức khiết tịnh. Cha mẹ cần phải hướng dẫn về đời sống, hành vi tính dục, cơ quan sinh dục và vệ sinh ; cần giải thích trên bình diện giá trị cũng như trên bình diện thực tế, liên kết với việc sinh sản, hôn nhân và gia đình. Trong tình thân hữu tin tưởng, người mẹ giải thích cho con gái, và người cha cho con trai cách tỉ mỉ về tính dục. Cha mẹ phải theo sát những phát triển sinh lý của con gái để giúp các em vui vẻ đón nhận việc triển nở nữ tính về mặt thể xác, tâm hồn và tinh thần. Cũng phải nói với các em gái về chu kỳ kinh nguyệt và ý nghĩa của hiện tượng này trong giới hạn cần thiết. Phải nói với các em trai về những giai đoạn phát triển thể lý và sinh lý của cơ quan sinh dục với giọng điệu trang nghiêm, tích cực và dè dặt trong phạm vi hôn nhân, gia đình và quyền làm cha. Cha mẹ hãy chỉ dẫn cách tỉ mỉ về những đặc tính thể lý và tâm lý của giới khác. Để giúp thanh niên, thiếu nữ chống não trạng hưởng thụ rơi vào thói tục “chống thụ thai”, cha mẹ cần chỉ dạy để họ nhận ra điều cao đẹp của thiên chức làm mẹ và thực tế kỳ diệu của việc sinh sản cũng như ý nghĩa sâu xa của sự khiết trinh, sự nết na trong cách ăn mặc. Trong thời phát triển tâm lý và tình cảm của tuổi dậy thì, thiếu niên dễ rơi vào tưởng tượng tình dục và đi tìm kinh nghiệm tình dục. Cha mẹ phải nhắc nhở cho con cái tính dục là quà tặng của Thiên Chúa giúp con người tham gia vào sức sáng tạo của Ngài, cách riêng trong hành động truyền sinh và con cái là kết quả và là dấu chỉ của tình yêu trao hiến trọn vẹn giữa vợ chồng (FC 28). Nhờ cách này, các thiếu niên học hỏi để biết tôn trọng phụ nữ. Trên bình diện đạo đức, cần trình bày các giới răn của Thiên Chúa như là con đường để đạt tới sự sống và giáo dục lương tâm ngay thẳng. Giúp các em vượt thoát con người ích kỷ của mình để hướng về Thiên Chúa và tha nhân.
3. Tuổi thiếu niên
Đây là thời gian hoạch định cho bản thân và là thời gian khám phá về ơn gọi cá nhân mình, sống đời hôn nhân gia đình hay độc thân vì Nước Trời. Vì thế cha mẹ cùng với những nhà giáo dục khác tích cực giúp con cái sống trọn vẹn ơn gọi từ nơi Thiên Chúa, ơn gọi nên thánh trong bậc sống của mình. Thiên Chúa mời gọi mọi người nên thánh và có chương trình riêng tư cho từng người : một ơn gọi cá nhân mà mỗi người phải nhận ra, đón nhận và phát huy. Không thể có giáo dục nếu không có các gương mẫu. Bởi vậy, chính cha mẹ phải là mẫu gương sống động và bền bỉ về sự trung thành với Thiên Chúa và với nhau trong khế ước hôn nhân. Vượt lên trên quan niệm hưởng thụ, vẻ đẹp và sức mạnh của đức khiết tịnh chính là kim chỉ nam cho những vấn đề liên quan đến tính dục, sự bất khả phân ly của hôn nhân, liên hệ giữa tình yêu và sinh sản, quan hệ trước hôn nhân, phá thai, ngừa thai, thủ dâm, đồng tính luyến ái…Một sự hưởng thụ tính dục sái trật tự có nguy cơ tác hại dần dần khả năng yêu thương của con người, biến con người thành đối tượng cho sự thỏa mãn ích kỷ, khinh rẻ sự sống, hạ giá đời sống con người.[22] Trong giai đoạn này, cha mẹ cần lưu tâm đến bạn bè của con cái ; phải dứt khoát khi cần thiết.
4. Hướng về tuổi trưởng thành
Dù con cái đã lớn khôn và có một khoảng không gian tự do cần thiết, cha mẹ vẫn phải luôn là điểm tựa nhờ các lời khuyên bảo thân tình và gương sống về đức tin, đức ái, lòng chung thủy…Cả con trai và con gái phải được khuyên nhủ tuân giữ đức khiết trinh như nhau. Để gìn giữ sự khiết tịnh cho nhau, người nam và người nữ cần biết những cơ chế lôi cuốn nhau đến quan hệ tình dục mà né tránh, nết na trong cách ăn mặc, tránh nơi vắng vẻ, bóng đêm đồng lõa với tội lỗi, “rượu và sự thánh thiện không đi đôi với nhau”(Don Bosco)…
IV. KẾT LUẬN
Như bất cứ một việc giáo dục nào khác, giáo dục giới tính luôn luôn mời gọi, cha mẹ, thầy cô và các anh chị giáo lý viên tìm một con đường phù hợp để chính mình và con em đến gặp gỡ Thiên Chúa và gặp gỡ nhau. Để làm công việc giáo dục giới tính cho con em một cách trong sáng, thích hợp và hiệu quả, đòi hỏi một sự tinh tế và bén nhạy trong cách tiếp cận vấn đề sao cho khi trình bày phù hợp với tâm lý lứa tuổi, mang tính tiệm tiến và tính toàn diện.[23] Không quá phóng khoáng với điều cấm kỵ cũng chẳng nên cấm chỉ những điều hợp lẽ. Giáo dục không chỉ là cung cấp thông tin mà là xử lý thông tin đó dưới cái nhìn phù hợp với tinh thần của Kitô giáo. Tính dục không phải là một thứ tri thức khoa học có thể lĩnh hội qua thông tin, nó là một “bí ẩn”, một “mầu nhiệm” mà toàn bộ con người bị lôi kéo vào, để khám phá, để sống, để cảm nghiệm sự hữu hạn giữa sự sống và cái chết trong kiếp người. Dưới cái nhìn Kitô giáo, tính dục vừa là một công trình của sáng tạo, vừa tham dự vào việc sáng tạo, vừa được ơn cứu độ của Đức Kitô kiện toàn. Một quan niệm bẩn thỉu về tính dục (điều cấm kỵ) và một cái nhìn tôn sùng tính dục (thần tượng) đều không phù hợp với giáo lý Công Giáo.
SÁCH THAM KHẢO
Bộ Giáo Lý Đức Tin, Tuyên ngôn “Persona Humana” – Về một số vấn đề liên quan đến đạo đức tính dục, ban hành ngày 7.1.1975.
Guido Gatti, Giáo trình về thần học luân lý – Manual di teologia morale, Elledici, Torino – 2001.
Hội Đồng Giáo Hoàng về Gia Đình, Tính dục con người, sự thật và ý nghĩa, ban hành 08.12.1995.
Jean-Louis Bruguès, Từ Điển Luân Lý Công Giáo.
Nhóm Notre-Dame Italia – Lm. Luy Nguyễn Anh Tuấn chuyển ngữ, Tình yêu và Hôn nhân, NXB Phương Đông, 2008.
Xavier Thévenot , Để xây dựng một nền luân lý cho thế giới mới.
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 78 (Tháng 09 & 10 năm 2013)