Sứ điệp của Đức thánh cha Phanxicô
gửi những người
tham dự hội luận trực tuyến “Tình yêu hằng ngày của chúng ta”,
nhân dịp khai mạc Năm “Gia đình Amoris laetitia”
Anh chị em thân mến!
Tôi chào mừng tất cả các tham dự viên của cuộc Hội nghị nghiên cứu về chủ đề “Tình yêu hằng ngày của chúng ta”. Đặc biệt, xin chào mừng Đức Hồng y Kevin Joseph Farrell, Bộ trưởng Bộ giáo dân, gia đình và sự sống, cùng Đức Hồng y Angelo De Donatis, Giám quản Roma, và Đức Tổng giám mục Vincenzo Paglia, Đại chưởng ấn Giáo hoàng Học viện Gioan Phaolô II về hôn nhân và gia đình.
Tông huấn hậu Thượng Hội đồng Giám mục Amoris laetitia về vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu hôn nhân và gia đình đã được ban hành cách đây năm năm. Nhân kỷ niệm này, tôi muốn mời gọi anh chị em dành một năm đọc lại tài liệu và suy tư về chủ đề này cho đến dịp Đại hội Gia đình Thế giới lần thứ 10, nếu Chúa muốn, sẽ được tổ chức tại Roma ngày 26 tháng Sáu năm 2022. Tôi biết ơn anh chị em vì những sáng kiến mà anh chị em đã thực hiện cho mục đích đó và vì những cống hiến mà mỗi anh chị em đã góp phần trong chính lĩnh vực công việc của mình.
Năm năm qua, Amoris laetitia đã ghi dấu khởi đầu của hành trình cổ vũ cho phương cách tiếp cận mục vụ mới đối với thực tại gia đình. Quan tâm chính của tài liệu là chuyển tải thông điệp rằng, trong thời đại và trong nền văn hóa biến đổi sâu xa ngày nay, Hội Thánh cần phải có một cái nhìn mới về gia đình. Thật vậy, sẽ thật thiếu sót nếu chúng ta chỉ tái khẳng định giá trị và tầm quan trọng của đạo lý về gia đình, mà không bảo tồn vẻ đẹp của gia đình và không có lòng thương cảm để lưu tâm đến những đổ vỡ và thương tích của gia đình.
Hai khía cạnh chính yếu của mọi công tác mục vụ gia đình là thẳng thắn trong việc loan báo Tin Mừng và dịu dàng đồng hành với các gia đình.
Thật vậy, một mặt, chúng ta loan báo cho các đôi bạn, các cặp vợ chồng và các gia đình một Lời giúp họ hiểu ý nghĩa đích thực về sự kết hợp và tình yêu của họ, là dấu chỉ và hình ảnh của tình yêu Ba Ngôi và của giao ước giữa Chúa Kitô và Hội Thánh. Lời đó luôn là Lời mới mẻ của Tin Mừng mà từ đó có thể hình thành mọi đạo lý, kể cả đạo lý gia đình. Và đó là Lời mang tính đòi hỏi, muốn giải thoát các tương quan nhân loại khỏi tình trạng nô lệ như sự độc đoán của các cảm xúc, việc tán dương tính tạm thời làm bại hoại những cam kết sống trọn đời, sự thống lĩnh của chủ nghĩa cá nhân, nỗi sợ tương lai. Các tình trạng nô lệ này thường làm biến dạng và lung lay các mối tương quan đó. Đứng trước những khó khăn này, Hội Thánh xác định lại cho các cặp vợ chồng Kitô hữu giá trị của hôn nhân: hôn nhân là dự phóng của Thiên Chúa, là thành quả của ơn thánh Chúa và là lời mời gọi toàn tâm toàn ý sống trung thành và không đòi đền đáp. Đây là con đường để những tương quan nhân loại đó, dù có lúc thất bại, vấp ngã và đổi thay, vẫn cởi mở đón nhận niềm vui sung mãn và sự thành toàn của con người, cũng như trở nên muối men khơi dậy tình huynh đệ và yêu thương trong môi trường xã hội.
Mặt khác, lời loan báo này không thể và không bao giờ theo kiểu phán truyền từ trên cao và từ bên ngoài. Học theo Thầy, Hội Thánh cũng nhập thể vào thực tại lịch sử, và cả khi loan báo Tin Mừng về gia đình, Hội Thánh cũng hòa nhập vào cuộc sống thực tại, hiểu tường tận những nỗi vất vả hằng ngày của các cặp vợ chồng và các bậc cha mẹ, hiểu rõ những vấn đề, các tình huống lớn nhỏ đè nặng và đôi khi cản trở bước đường của họ. Đó chính là bối cảnh thực tế nơi hằng ngày tình yêu được tỏ hiện. Thế nên, hội nghị này có tên gọi là “Tình yêu hằng ngày của chúng ta”. Đây là một chọn lựa đầy ý nghĩa. Tình yêu này phát sinh từ những việc đơn sơ thầm lặng trong cuộc sống lứa đôi, từ các bổn phận hằng ngày, đôi khi có mệt nhọc, được vợ chồng, cha, mẹ và con cái thực hiện. Nếu trình bày Tin Mừng như một học thuyết từ trời rơi xuống và không đi vào “xác thịt” của cuộc sống thường ngày, thì Tin Mừng có nguy cơ vẫn mãi chỉ là một lý thuyết đẹp và đôi khi, bị xem như những bó buộc luân lý. Chúng ta được mời gọi đồng hành, lắng nghe và chúc lành cho hành trình của các gia đình; không chỉ vạch kẻ hướng đi mà là cùng họ thực hiện hành trình đó; bước vào các mái gia đình với sự phân định và tình yêu, để nói với các cặp vợ chồng rằng Hội Thánh ở với các bạn, Chúa ở gần bên các bạn, chúng tôi muốn giúp các bạn bảo vệ ân huệ đã nhận được.
Loan báo Tin Mừng bằng cách đồng hành với con người và dấn thân phục vụ cho hạnh phúc con người. Khi làm thế, chúng ta có thể giúp các gia đình tiến bước bằng cách đáp ứng ơn gọi và sứ mạng của họ, ý thức vẻ đẹp của các mối liên hệ và nền tảng của chúng trong tình yêu của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
Khi gia đình sống trong dấu chỉ của sự hiệp thông thánh thiêng này, sự hiệp thông mà tôi muốn giải thích cả nơi những khía cạnh chủ yếu của chúng trong Amoris laetitia, gia đình trở thành lời sống động của Thiên Chúa Tình yêu, được loan báo cho thế giới và bởi thế giới. Thật vậy, ngữ pháp của các mối tương quan gia đình – nghĩa là của đời sống vợ chồng, của tình cha, của nghĩa mẹ, của lòng hiếu thảo và tình huynh đệ – là con đường qua đó chuyển tải ngôn ngữ tình yêu, là loại ngôn ngữ mang lại ý nghĩa cho cuộc sống và mang lại phẩm chất nhân văn cho mỗi tương quan. Đó là thứ ngôn ngữ được cấu thành không chỉ bằng lời mà còn bằng cách sống, cách nói năng, cách nhìn, bằng các cử chỉ, bằng thời gian và không gian trong các mối quan hệ của chúng ta với người khác. Các cặp vợ chồng biết rõ ngôn ngữ này, các bậc cha mẹ và con cái hằng ngày học ngôn ngữ này tại trường học yêu thương là chính gia đình. Cũng chính trong bầu khí gia đình, đức tin của thế hệ này được truyền trao cho thế hệ khác: đức tin thông truyền cách riêng qua ngôn ngữ của các mối tương quan tốt đẹp và lành mạnh, là mối tương quan mỗi ngày sống động trong gia đình, đặc biệt là khi cùng nhau giải quyết những bất đồng và khó khăn.
Trong thời điểm đại dịch này, giữa biết bao khó khăn tâm lý, cả về kinh tế và y tế, tất cả những điều này trở nên hiển nhiên: mối dây liên kết gia đình đã và đang bị thử thách nặng nề nhưng đồng thời vẫn là điểm quy chiếu vững bền nhất, là sức hỗ trợ mạnh mẽ nhất, là thành trì không thể thay thế để duy trì toàn thể cộng đồng nhân loại và xã hội.
Vì thế chúng ta hãy hậu thuẫn gia đình! Hãy bảo vệ gia đình khỏi những gì làm tổn hại vẻ đẹp của nó. Hãy tiếp cận mầu nhiệm tình yêu này với sự ngạc nhiên, thận trọng và dịu dàng. Hãy cam kết gìn giữ mối liên kết quý giá và mong manh của gia đình: con cái, cha mẹ, ông bà… Cần thắt chặt những mối dây liên kết này để sống và sống tốt, để làm cho nhân loại thêm tình huynh đệ.
Do đó, năm dành riêng cho gia đình, bắt đầu từ hôm nay, sẽ là thời điểm thích đáng để suy tư hơn nữa về Amoris laetitia. Chính vì thế tôi hết lòng cám ơn anh chị em khi biết rằng Học viện Gioan Phaolô II đã góp phần về nhiều mặt, trong việc đối thoại với các thiết chế học thuật và mục vụ khác, về việc gia tăng sự chăm sóc về mặt nhân sinh, tinh thần và mục vụ để nâng đỡ gia đình. Tôi phó thác anh chị em và công cuộc của anh chị em cho Thánh Gia Nazaret, xin anh chị em cũng phó thác tôi và sứ vụ của tôi cho Thánh Gia.
Roma, Đền thờ thánh Gioan Latêranô, ngày 19 tháng Ba năm 2021
Lễ trọng kính thánh Giuse, khởi đầu Năm Gia đình Amoris laetitia
PHANXICÔ
WHĐ (14.04.2021)
Chuyển ngữ: Lm. Phaolô Nguyễn Quốc Hưng