Hồng Thủy – Vatican News
Diễn đàn GLOBSEC Bratislava thường niên, một trong những hội nghị hàng đầu về an ninh toàn cầu trên thế giới, là một hoạt động đóng góp vào mục tiêu định hình cuộc tranh luận toàn cầu của tổ chức GLOBSEC. Diễn đàn năm 2021 có chủ đề “Chúng ta hãy xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn”.
Trước hết, Đức Thánh Cha cảm ơn Diễn đàn Bratislava đã tạo ra nơi chốn cho cuộc tranh luận quan trọng về việc tái thiết thế giới của chúng ta sau kinh nghiệm đại dịch, điều buộc chúng ta phải đối mặt với một loạt các vấn đề nghiêm trọng về kinh tế – xã hội, sinh thái và chính trị, và tất cả đều có mối liên hệ với nhau.
Đức Thánh Cha đưa ra một số suy tư dựa trên phương pháp xem – xét – làm.
Xem
Trước hết là xem. Đức Thánh Cha nói rằng “việc phân tích quá khứ cách nghiêm túc và chân thành, bao gồm việc thừa nhận những khiếm khuyết mang tính hệ thống, những sai lầm đã mắc phải và sự thiếu trách nhiệm đối với Đấng Sáng tạo, với tha nhân và thụ tạo, đối với tôi, dường như là điều cần thiết để phát triển một ý tưởng phục hồi không chỉ nhằm mục đích xây dựng lại những gì đã có, nhưng để sửa chữa những gì không hoạt động tốt trước khi đại dịch virus corona xảy đến”.
Từ đó, Đức Thánh Cha thấy “một thế giới đã bị lừa dối bởi cảm giác an toàn ảo tưởng dựa trên sự khao khát thu nhập”; “một mô hình của đời sống kinh tế và xã hội mang tính bất công và ích kỷ”; “một cách sống không chăm sóc môi trường đầy đủ”.
Xét
Bước thứ hai là xét, đánh giá những gì mình thấy và việc này khuyến khích chúng ta trở nên tốt hơn. Nhắc lại ý tưởng của ngài trong buổi gặp giáo triều Roma vào dịp Giáng sinh năm ngoái – Khủng hoảng mở ra những cơ hội mới, Đức Thánh Cha mời gọi “lợi dụng thời gian này để tiến bước“. Ngài nói: “Khủng hoảng mở ra con đường cho một tương lai công nhận quyền bình đẳng thực sự của mỗi người: không phải là bình đẳng trừu tượng, mà là bình đẳng cụ thể, mang lại cho mọi người và các dân tộc những cơ hội công bằng và thực sự để phát triển”.
Làm
Cuối cùng là làm. Đức Thánh Cha nói: “Ai không hành động thì bỏ phí cơ hội mà khủng hoảng mang lại”. Hành động đòi có một mô hình phát triển đặt con người ở trung tâm. Do đó, “mỗi hành động đều cần một tầm nhìn, một tầm nhìn tổng thể và hy vọng” như tầm nhìn của ngôn sứ Isaia, nhìn thấy các dân “biến gươm đao thành cuốc thành cày, ren giáo mác nên liềm nên hái” (Is 2,4). Đức Thánh Cha giải thích: “Hành động vì sự phát triển của tất cả là thực hiện công việc hoán chuyển. Và trên hết là những quyết định hoán chuyển sự chết thành sự sống, vũ khí thành lương thực”. Đức Thánh Cha cũng nhắc đến sự hoán cải sinh thái, xem công trình sáng tạo như “ngôi nhà chung” và cần hành động để bảo vệ nó. (CSR_4334_2021)