MÙA ĐAU KHỔ – MÙA HỒNG ÂN
Tác giả: Lưu Hành, SDB
WGPLX (29.6.2021) – Qua những bất ổn và khó khăn của nhân loại, Thiên Chúa đang từng bước đổi mới thế giới. Chúa cũng đang huấn luyện chúng ta thành những mục tử của thời đại mới.
Sinh ra làm người, chúng ta khó tránh khỏi những lúc đau khổ qua từng biến cố trong cuộc sống. Gần đây, chắc hẳn chúng ta được nghe nhiều đến đại dịch Covid – 19 đang lan tràn với tốc độ và mức độ ngày càng lớn, đang ảnh hưởng và đe dọa đến nhiều khía cạnh, trong đó có tính mạng con người. Chúng ta phải nhìn thực vào vấn đề mà nó đang để lại những hậu quả nhất định, những tổn thương lớn cả về vật chất lẫn tinh thần, một loại tổn thương khó mà chữa lành.
Thật vậy, là một người trẻ, tôi và các bạn, một thành phần không nhỏ đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch này. Chắc hẳn, các bạn cũng đang trải qua những tháng ngày lo lắng, sợ hãi trước những hậu quả của đại dịch; trong đó cũng có những sự kìm hãm, mất tự do trước sức ép của gia đình và xã hội trong việc kiểm soát dịch bệnh. Có lẽ, từ những biến cố đó, các bạn rất có thể sẽ rơi vào những thái độ tiêu cực như: phẫn nộ, oán hờn, than trách và lối sống ích kỷ. Nhưng chúng ta cũng không quên những bạn trẻ đang thật sự tích cực dấn thân để ngăn chặn dịch bệnh và chăm sóc cho những bệnh nhân đang bị nhiễm hoặc đang trong vùng cách ly. “Sự tổn thương, sự mong manh, nỗi sợ hãi và nhận thức về những giới hạn mà đại dịch gây ra, đã vang lên lời mời gọi chúng ta hãy suy xét về lối sống của mình, về các mối liên hệ của chúng ta, tổ chức xã hội của chúng ta, và trên hết, ý nghĩa sự hiện hữu của mình”[1].
Với chút suy nghĩ như thế, tôi cũng muốn nói với các bạn, những người trẻ đang tiến bước trong ngàn năm thứ ba, một vài suy tư trong Chúa, “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!“[2] Đấng mà đã giúp tôi nhận ra sự đau khổ cũng là một hồng ân và là một điều tất yếu của cuộc sống, để rồi chúng ta cùng nhau biến mùa đau khổ thành mùa hồng ân.
1/ Cầu nguyện.
Đối với đời sống của một Kitô hữu, chúng ta được mời gọi đặt việc cầu nguyện lên hàng đầu, đó phải là thái độ và nhu cầu căn bản và chính yếu nơi cuộc sống hằng ngày chứ không đơn giản chỉ là một công việc. Có lẽ các bạn đã từng cầu nguyện khi nhận ra mình đang có một nhu cầu hay nguyện vọng nào đó cần được đáp ứng; nhưng cũng có lúc, chúng ta nhận ra ngoài những nhu cầu đó, còn có cả những ơn ích thiêng liêng qua lời cầu nguyện mà chúng ta rất khó diễn tả. Trên thực tế hôm nay, chúng ta cũng cầu nguyện khi có nhiều sự sợ hãi mà dịch bệnh đang mang đến; nhưng liệu rằng qua lời cầu nguyện, nỗi thống khổ của các nạn nhân trong cơn dịch bệnh và của gia đình họ có đụng chạm đến trái tim của chúng ta hay không? Hoặc cả những khi được nỗi thống khổ ấy đụng chạm đến, chúng ta có tiếp tục nỗ lực cầu nguyện và không ngừng hy vọng không? Tôi nhớ đến lời Đức thánh cha Phanxicô nói với các bạn trẻ: “Một số thực tế trong đời sống chỉ có thể được nhìn thấy bằng đôi mắt từng đẫm lệ. Cha muốn mỗi người trong các con tự hỏi mình: Tôi có biết khóc không?… các con hãy học để biết khóc cho tấc cả những bạn trẻ kém may mắn hơn mình”[3].
Kế đến, chúng ta hãy nghe lời hướng dẫn của Thánh Phaolô: “Theo Thần Khí hướng dẫn, anh em hãy dùng mọi lời kinh và mọi tiếng van nài mà cầu nguyện luôn mãi”[4], và nhìn đến gương Chúa Giêsu, với việc làm cần thiết trước những biến cố và những giây phút quan trọng trong sứ mệnh của Ngài đó là việc cầu nguyện. Chúng ta bắt gặp Chúa Giêsu đã thức suốt đêm để cầu nguyện cùng Chúa Cha cho việc chọn 12 tông đồ, rồi chúng ta cũng thấy hình ảnh của Chúa Giêsu được Thần Khí đẩy vào hoang địa để cầu nguyện và chịu cám dỗ để chuẩn bị cho sứ mệnh Cứu Độ; và trước giờ sau hết, chúng ta cũng không quên hình ảnh Chúa Giêsu cầu nguyện khẩn thiết trong vườn cây dầu đến độ mồ hôi Chúa chảy ra nhỏ xuống đất như máu. Không chỉ lúc này, những có lẽ giờ đây khi mọi công việc và dự định của từng người đang vì đại dịch mà ngưng trệ, hẳn chúng ta đang có nhiều thời gian để sống kết hợp với Chúa hơn; và đây cũng sẽ là thời điểm cần thiết và thật thích hợp để mỗi người chúng ta cùng cầu nguyện, chắc hẳn điều ấy sẽ đẹp lòng Chúa. Chúng ta hãy để mình chìm ngập trong lời mời gọi và cảnh tỉnh của Chúa: “Sao anh em lại ngủ? Dậy mà cầu nguyện, kẻo sa trước cám dỗ.” [5]
2/ Ơn lành.
Trong sự đau khổ và chết chóc, chúng ta thường nghĩ đến hậu quả của nó, đó cũng là một lẽ thường tình; nhưng các bạn có từng nghĩ đấy còn là một ơn lành, có lẽ chưa từng. Nhưng hôm nay, tôi ước mong các bạn cũng hãy nghĩ đến điều này. Tại sao vậy? Quả thật, khi càng sống trong cùng cực của sự đau khổ, chúng ta càng hiểu rõ ngọn nguồn ân sủng và sự cần thiết của nguồn ân sủng đó. Chúng ta cũng hãy sống tín thác hoàn toàn vào Đấng đã chịu chết vì chúng ta, như cách mà thánh Phaolô đã từng làm: “Giờ đây, tôi sống trong niềm tin vào con Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương và hiến mạng vì tôi”[6].
Ngoài ra, đau khổ còn là một dấu chỉ được Thiên Chúa yêu thương. Chúa Giêsu, Đấng đã chết vì yêu, Ngài cũng phải trải qua đau khổ mới bước vào vinh quang. Chúng ta hãy nhìn sự đau khổ trong cơn dịch bệnh này với cái nhìn của tuổi trẻ trong đức tin và hy vọng, để thấy rằng đó là một cơ hội để tìm kiếm ơn lành của Chúa. Chắc hẳn các bạn đã từng nghe việc Chúa Giêsu chữa cho kẻ què được đi, kẻ điếc được nghe, kẻ mù được thấy; đó hoàn toàn là những con người được coi là bất hạnh lúc bấy giờ, nhưng họ lại hoàn toàn tin tưởng vào Chúa, và kết quả là họ đã được khỏi. Biết đâu, chúng ta cũng đang là những kẻ tật nguyền trên một phương diện nào đó và đang cần được Chúa chữa lành. Chính Người con ưu tuyển của Chúa Cha đã đến để gánh lấy phần đau khổ của con người mà từ đó chúng ta được vơi đi phần khổ đau, hình phạt và hậu quả của tội. “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”[7]. Chúng ta hãy bám víu vào Chúa, rồi Chúa sẽ cho các bạn thấy ách của Chúa êm ái và gánh của Chúa nhẹ nhàng[8].
Bên cạnh đó, thời gian đại dịch cũng là cơ hội để từng người nhận lấy thánh giá của Đức Giêsu, cùng vác với Người và cũng là để thực hiện yêu cầu trở thành mô đệ của Người; hơn thế nữa, đây cũng là một ơn huệ lớn lao mà chúng ta nhận lãnh từ Đức Giêsu. “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”[9].
3/ Thinh lặng.
Tôi và các bạn hãy cùng nhau bước vào sự thinh lặng để có đủ thời gian và không gian mà tìm kiếm và suy gẫm thánh ý Chúa, đặc biệt qua biến cố dịch bệnh mà chúng ta đang trải qua. Với tôi, có ba loại thinh lặng cần được lưu tâm, đó chính là thinh lặng trong tâm trí, thinh lặng trong lời nói và thinh lặng trong hành động. Nếu chúng ta sống trọn vẹn đời sống nội tâm, đời sống thinh lặng thì chúng ta sẽ sống và cảm nhận được lối sống của sự yêu thương và kết hợp mật thiết trong ân sủng của Chúa.
Có một nhân vật mà các bạn hẳn đã biết, đó là Đức Trinh nữ Maria, một người nữ đã dành trọn vẹn sự thinh lặng cho Chúa và để cho thánh ý Chúa được thể hiện. Học nơi Mẹ, chúng ta cũng cần dành nhiều giờ để đi vào sự thinh lặng thân tình với Chúa, đây được coi là một bước mà chỉ riêng cá nhân chúng ta với Chúa, và chỉ chính chúng ta mới thực sự cảm nếm được Chúa đang hiện diện với chúng ta. “Đức Maria, Mẹ chúng ta, coi sóc đoàn dân lữ hành này: một dân non trẻ mà ngài yêu thương, một dân kiếm tìm ngài trong cõi tâm an tĩnh của mình ở giữa muôn náo động, giữa những tiếng nói huyên thiêng và những chi trí trong cuộc hành trình. Nhưng dưới ánh nhìn của mẹ, chỉ có sự thinh lặng lấp đầy hy vọng. Vì thế đức Maria không ngừng soi sáng tuổi trẻ của chúng ta”[10].
Cuối cùng, các bạn hãy cùng tôi dành nhiều thời gian cho Chúa qua việc cầu nguyện để đại dịch mau qua, cách riêng cho những nạn nhân, cho gia đình họ, cho các bác sĩ và nhân viên y tế, và cũng không quên cầu nguyện cho chính mỗi người chúng ta, luôn sẵn sàng và tỉnh thức trước thánh ý Chúa. Tôi cũng nhớ đến lời chia sẻ của Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng, ngài viết như sau: “Chúng ta đang sống trong giai đoạn ‘bình thường mới’: sinh hoạt bình thường nhưng lại phải cảnh giác thận trọng; ngược lại, đề phòng nhưng vẫn phải sinh hoạt để phát triển cuộc sống. Bình thường rồi lại giãn cách, sau đó lại bình thường. Qua những bất ổn và khó khăn của nhân loại, Thiên Chúa đang từng bước đổi mới thế giới. Chúa cũng đang huấn luyện chúng ta thành những mục tử của thời đại mới. Nguyện xin Chúa Thánh Thần ‘yên ủi dạy dỗ chúng ta làm những việc lành’, như lời Chúa Giêsu đã hứa: ‘Chúa Thánh Thần sẽ nói lại cho anh em tất cả những gì Ngài đã nghe, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến’ (Ga 16, 13).”[11]
Chúng ta cũng hãy hết sức kiên nhẫn để đại dịch này sẽ được chính Chúa chữa lành, và hơn hết, hãy chờ đợi trong sự tín thác nơi Chúa, Đấng giàu lòng xót thương sẽ cho bạn thấy tận sâu thẳm của cội nguồn tình thương.