GÓC SUY TƯ: VĂN HOÁ ĐỌC TRONG THỜI GIAN GIÃN CÁCH XÃ HỘI


VĂN HOÁ ĐỌC TRONG THỜI GIAN GIÃN CÁCH XÃ HỘI

Xuân Giang

 WGPBC (26.8.2021) – Giữa lúc thế giới đang phải lựa chọn đâu là ưu tiên trong thời kỳ đại dịch, một số quốc gia vẫn kiên định coi sách là mặt hàng thiết yếu. Ở Việt Nam, nhiều nhà xuất bản, đơn vị phát hành đề nghị đưa sách vào danh mục hàng hoá thiết yếu để phục vụ đời sống tinh thần người dân trong lúc giãn cách xã hội, nhất là trong thời điểm chuẩn bị bước vào năm học mới.

Đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại Việt Nam. Nhiều địa phương vẫn phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội trong thời gian dài. Điều ấy cũng đồng nghĩa với việc hầu hết mọi người được kêu gọi ở nhà thường xuyên và có nhiều thời gian rảnh rỗi. Dĩ nhiên, đây là thực tế bắt buộc không ai mong muốn nhưng vấn đề là cần làm gì trong thời gian này[1], để giãn cách, phong toả không phải là thời gian chỉ để ngủ[2]. Đây có thể là khoảng thời gian quý báu dành cho gia đình, cùng nhau nấu nướng và làm việc nhà; học cách quan tâm những người thân; tham dự Thánh lễ trực tuyến hay cầu nguyện với Chúa. Và trong rất nhiều việc tốt đẹp có thể làm, đọc sách là một gợi ý đơn giản mà hữu ích.

Đọc sách là một việc tương đối dễ mà lại rất cần thiết. Hầu như ai biết chữ đều có thể đọc được sách. Bàn về vai trò của sách, Barbara Tuchman nói: “Sách là nơi lưu giữ nền văn minh. Không có sách, lịch sử trầm lặng, văn chương buồn chán, khoa học khập khiễng, suy nghĩ và phán đoán đứng yên”. Trong tác phẩm Đọc sách và con đường gian nan vạn dặm, tác giả Nguyễn Quốc Vương chỉ ra rằng sự mở rộng của văn hoá đọc có liên hệ mật thiết với sự phát triển của một quốc gia. Một đất nước sẽ gặp phải trở lực không thể vượt qua nếu như mỗi công dân không tích cực trau dồi hiểu biết, tăng cường kỹ năng sống, làm phong phú đời sống tinh thần thông qua việc đọc và vận dụng tri thức từ sách[3].

Thực tế cũng chứng minh, tỉ lệ những người giàu nhờ vào năng lực, học thức nhiều hơn những người thành công nhờ vào may mắn hay làm ăn bất chính. Không phải ngẫu nhiên mà ông chủ Facebook Mark Zuckerberg nói rằng: “Tôi thấy việc đọc sách là để hoàn thiện trí tuệ. Sách giúp bạn khám phá toàn diện một chủ đề và đắm mình sâu hơn hầu hết các phương tiện truyền thông hiện đại. Tôi mong chờ mọi người sẽ đọc sách nhiều hơn thay vì cắm cúi vào phương tiện truyền thông của tôi”[4]. Vào năm 2015, tỷ phú trẻ người Mỹ này đã lập một trang Facebook có tên “A Year of Book”, sau đó mời mọi người tham gia vào việc đọc một cuốn sách mới mỗi tuần.

Xưa nay chúng ta vẫn thường nghe phàn nàn về văn hoá đọc của người Việt. Vai trò của sách là không thể bàn cãi, việc tiếp cận sách đã trở nên rất dễ dàng nhưng tại sao người Việt vẫn chưa có thói quen đọc sách, thậm chí là coi thường và thờ ơ với sách. Nhất là ngày nay, văn hoá đọc đang bị văn hoá nghe nhìn lấn át. Dường như người ta chỉ đang cố gắng nhồi nhét cho đầy đôi mắt và đôi tai. Ở nhiều quốc gia, không quá khó để bắt gặp hình ảnh mọi người đọc sách ở công viên, nhà ga, trên xe buýt, tàu điện hay trong thư viện… nhưng ở Việt Nam lại rất hoạ hiếm. Nếu như số sách trung bình một người Nhật đọc trong một năm là gần 20 cuốn thì người Việt Nam mình vẫn mang nặng tư duy thực dụng theo kiểu “không đọc sách vẫn sống như thường” hay “đọc sách đâu có ra tiền”[5].

Sống thời đại dịch Covid-19, điều mọi người quan tâm nhiều nhất là sức khoẻ. Nếu như ai cũng biết đến chuyện tích trữ lương thực, tập luyện thể lực để tăng cường sức đề kháng chống dịch thì việc chăm sóc sức khoẻ tinh thần cũng cần được xem trọng. Một trong các biện pháp nhằm nâng cao sức khoẻ tinh thần là đọc sách. Ngoài những giá trị về mặt trí tuệ, sách còn góp phần giúp mọi người vượt qua nỗi cô đơn và khó khăn. Đọc sách kéo con người ra khỏi vùng lo lắng của những tin tức còn sai lệch trên mạng xã hội, những tin tức gây cảm giác tiêu cực, căng thẳng tâm lý, hoang mang tinh thần dẫn đến việc mất phương hướng. Thật vậy, sách là nhu cầu cần thiết để ổn định tâm lý người dân giữa cơ man thông tin phần nhiều là tiêu cực liên quan đến dịch bệnh. Câu nói của Montesquieu (1689-1755) thật là trùng hợp: “Thích đọc sách là biết đánh đổi những giờ phút buồn tẻ không thể tránh được trong cuộc đời lấy những giờ phút kỳ thú”.

Trước kia người ta thường viện dẫn đến những lý do bộn bề của cuộc sống và bận rộn của công việc để sao nhãng việc đọc sách thì nay, khi đã có thời gian rảnh rỗi, vẫn có đủ thú vui khác chiếm chỗ để từ chối sách. Với rất nhiều người, những ngày sống trong hoàn cảnh giãn cách, phong toả chỉ luẩn quẩn trong vòng xoáy ăn, ngủ, lướt web. Đôi khi cảm thấy hào hứng thích thú theo dõi những “thầy cô giáo tự xưng”, “thánh chửi” hay mất thời giờ chăm chú ngồi “nghe giang hồ giảng đạo lý” nhưng lại quá khó khăn để cầm một cuốn sách lên đọc. Nhiều lúc miên man quan tâm đến những lùm xùm chẳng đi đến đâu của các “sao” mà đánh mất cơ hội bổ sung tri thức, vốn sống trong cuộc đời. Chưa bàn đến chuyện chọn sách gì để đọc hay phương pháp đọc sách thế nào cho hiệu quả thì ít ra cũng cần có trong mình tình yêu đối với sách. Thay vì cứ mãi loanh quanh trong mớ thông tin nhảm nhí, vô bổ, gây hoang mang thì hoàn toàn có thể đọc một cuốn sách truyền cảm hứng. Nếu như không thể có được sách in thì ta vẫn có thể tiếp cận được sách điện tử ebook hay audio book. Nhiều đơn vị xuất bản còn có sáng kiến tặng sách đến tận tay những người sống trong các khu cách ly, phong toả. Quả thật, trong không gian chật hẹp của bốn bức tường, sách là người bạn tinh thần quan trọng.

Người Công giáo có thể lựa chọn cho mình những cuốn sách hay để đọc, nhưng một địa chỉ thiết thân mà người tín hữu cần tìm đến, đó là Kinh Thánh. Đây là cơ hội để các Kitô hữu tiếp cận trực tiếp với bản văn Thánh Kinh. Đọc Sách Thánh không chỉ nhằm mục đích làm giàu kiến thức Thánh Kinh nhưng quan trọng hơn là một cuộc gặp gỡ Lời Hằng Sống, Lời có quyền năng biến đổi và chữa lành. Lời Chúa sẽ trở nên ngọn đèn soi bước, là ánh sáng chỉ đường đi (x. Tv 118,105) giữa đêm tối thử thách của dịch bệnh. Thật hợp lý khi dùng thời gian giãn cách này để một lần trong đời đọc trọn vẹn một cuốn sách Phúc Âm hay ít là trình thuật Khổ Nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu. Chiêm ngắm cuộc đời Đức Giêsu Kitô, nhất là nhìn lên Thập giá là gặp được suối nguồn ơn cứu độ.

Nên đọc Thánh Kinh chậm rãi từng câu chữ, thinh lặng dừng lại suy gẫm xem sứ điệp Lời Chúa nói gì với mình trong hoàn cảnh đại dịch này. Nhờ kinh nghiệm gặp gỡ Ngôi Lời, Đấng là đường, là sự thật và là sự sống (x. Ga 14,6), chắc chắn người tín hữu sẽ tìm được ý nghĩa cho cuộc sống khó khăn hiện tại, thêm tín thác vào tình yêu quan phòng của Thiên Chúa, thắp lên niềm hy vọng giữa những biến cố đau thương, tìm thấy nguồn an ủi trong cơn hoang mang và đem lại sự bình an nơi tâm hồn.

Đại dịch chưa biết bao giờ mới chấm dứt. Thế giới còn đang phải chứng kiến nhiều hậu quả đau thương. Tuy nhiên, nếu biết tỉnh thức nhìn nhận, thời gian đại dịch lại cũng là cơ hội để nâng cao văn hoá đọc. Hơn hết, người Công giáo cũng có thể tận dụng khoảng thời gian giãn cách xã hội để gặp gỡ Lời, nhờ đó tìm được sức mạnh nâng đỡ, ủi an để vượt qua những khủng hoảng mà đại dịch mang đến.

Nguồn:gpbuichu.org