GIÁO DỤC HƯỚNG ĐẾN VĨNH CỬU[1]
Thiên Chúa đã gọi các bạn ra khỏi hư vô không chỉ để có thể hiện hữu, mà còn để hiện hữu trong sự thánh thiện. Nói cách khác, Thiên Chúa đã gọi các bạn hiện hữu để các bạn nên thánh thiện.
Tác giả: Cha Jared Ortiz
Chuyển ngữ: Lm. Giuse Nguyễn Thanh Phong
Nguồn: catholicworldreport.com (29.05.2021)
WGPNT (05.9.2021) – GIÁO DỤC LÀ GÌ ? Đâu là mục đích của nó? Làm thế nào để biết mình đã đón nhận nền giáo dục tại trường không chỉ là bằng cấp, mà còn là một nền giáo dục? Và, việc giáo dục của chúng ta đã kết thúc chưa?
Để bắt đầu đề cập đến những câu hỏi này, chúng ta hãy bắt đầu nhìn vào hạn từ “giáo dục”. Từ “giáo dục” đến từ e-ducere* trong tiếng Latinh, nghĩa là “dẫn ra hay vượt ra”. Và chúng ta nên hỏi, “dẫn ra khỏi cái gì?” Nhìn chung, điều này có thể được hiểu là vượt khỏi thời thơ ấu để vươn đến trưởng thành; từ dốt nát đến hiểu biết; từ hỗn độn đến trật tự; hoặc, như ngụ ngôn về cái hang trong tác phẩm Cộng hòa của Plato, vượt khỏi bóng tối của quan điểm để vươn đến ánh sáng của chân lý. Từ này cũng có thể có nghĩa là “triệu tập” hoặc “gọi ra”. Trong ý nghĩa này, chúng ta có thể nhắc đến cuộc tranh luận của Plato về “nhớ lại”: có những chân lý bên trong tâm hồn chúng ta được gợi lên nhờ một người thầy giỏi, khi làm như thế, họ cũng tạo nên tâm hồn chúng ta. Là Kitô hữu, chúng ta cũng có thể nghe thấy tiếng vọng ơn gọi của mình, là việc Thiên Chúa “kêu gọi” chúng ta để trở nên điều Ngài muốn khi dựng nên chúng ta.
(*Có hai gốc từ Latin khác nhau của hạn từ “education”: educare với nghĩa đào tạo, uốn nắn và educere với nghĩa dẫn ra, vượt ra như tác giả diễn giải.)
Người Hy Lạp cổ đại sử dụng từ παιδεια (paideia) cho “giáo dục”. Thuật ngữ này không dễ có hạn từ tương đương trong tiếng Anh. Đôi khi nó được dịch là “văn hóa” như trong cụm từ “một người có văn hóa”, nghĩa là một người có học thức, ăn nói rõ ràng, có khiếu thẩm mỹ tốt và phong thái chững chạc. Có lẽ người Rôma đã làm một điều đáng yêu khi dịch paideia sang tiếng Latinh là huminitas. Mục tiêu của paideia, mục tiêu của giáo dục là con người, tức là tạo nên một con người toàn diện, có sức mạnh tâm trí hoàn toàn sinh động và đúng đắn. Giáo dục có nghĩa là tạo nên một con người toàn diện. Người xưa tin rằng chúng ta được tạo ra để sống trong chân, thiện, mỹ; để sống đúng với phẩm giá trọn vẹn của chúng ta như những sinh vật có lý trí. Như thế, giáo dục được hiểu là con đường thành nhân và dẫn đến khôn ngoan đích thực (Cf. Stratford Caldecott, Beauty for Truth’s Sake).
GIÁO DỤC BẮT ĐẦU VỚI CÔNG TRÌNH TẠO DỰNG
Nếu giáo dục là tạo nên con người toàn diện, là con đường dẫn đến thành nhân và khôn ngoan đích thực, thì hành trình này bắt đầu từ khi nào? Hành trình này bắt đầu khi Chúa gọi các bạn hiện hữu từ hư vô. Nó bắt đầu khi Thiên Chúa cấu tạo nên hữu thể thâm sâu và dệt nên hình hài các bạn trong bụng mẹ (Tv 139, 13). Và Thiên Chúa không tạo ra các bạn như một tấm bảng trắng để được viết đầy bởi xã hội hay sở thích, nhưng Ngài đã tạo thành mỗi và từng người trong các bạn với một định mệnh, một mục đích, với mục tiêu là kết hợp với Ngài trong một mối dây liên kết bền chặt của tình yêu và biến đổi thành Ngài mãi mãi.
Điều đó làm chúng ta nên khiêm tốn biết rằng, nguồn gốc cuộc sống hoàn toàn mầu nhiệm với chúng ta. Chúng ta đã không tạo ra chính mình và cũng không có ký ức về sự tồn tại ban đầu của mình. Việc chúng ta hiện hữu phụ thuộc vào lựa chọn vĩnh cửu của Thiên Chúa là chúng ta hiện hữu và gần hơn là sự hiện hữu của chúng ta tùy thuộc vào tình yêu của cha mẹ, những người đã đưa chúng ta vào thế giới này. Sự trao ban cuộc sống này sẽ dạy chúng ta rằng mình không phải là chủ nhân của cuộc đời, nhưng cuộc sống này giống như một món quà mà chúng ta hoàn toàn không xứng đáng nhận lãnh. Đây là chân lý nền tảng về thực tại: sự hiện hữu của chúng ta cũng như của vạn vật là một quà tặng.
GIÁO DỤC GIA ĐÌNH
Vì vậy, sự hình thành con người của các bạn, việc giáo dục của các bạn bắt đầu khi Chúa tạo thành và ban cho các bạn một định mệnh. Nhưng trực tiếp hơn, cha mẹ của các bạn chắc chắn là những nhà giáo dục đầu tiên. Và họ đã dạy các bạn những gì? Trước hết, họ dạy về tình yêu vô điều kiện. Hãy tưởng tượng các bạn là một đứa trẻ sơ sinh: các bạn đã từng làm gì cho cha mẹ mình? Những đêm mất ngủ, quần áo lấm lem, khóc lóc nghiến răng nghiến lợi. Chưa hết, cha mẹ của các bạn đã dành cả cuộc đời của họ để chăm sóc bạn – một thụ tạo quý giá và yếu đuối. Đó không phải bởi vì các bạn đã làm điều gì cho họ, mà vì sự hiện hữu của các bạn là một thiện hảo. Một sự thiện tự thân. Sự hiện hữu của các bạn là một món quà, và cha mẹ yêu thương các bạn vì các bạn là của họ. Vậy nên, đối với các bạn, cha mẹ chính là hình ảnh đầu tiên về Thiên Chúa.
Cha mẹ các bạn không chỉ thể hiện tình yêu thương vị tha này mà còn dạy các bạn biết yêu thương. Họ thủ thỉ với bạn, ngoáy mũi và chơi đùa với những ngón chân cho đến khi các bạn lần đầu mỉm cười, phá lên cười và nhận ra một khuôn mặt khác. Cha mẹ đã “gợi lên” tình yêu từ nơi các bạn.
Họ đã dạy các bạn nói, gọi tên đồ vật, và biết phân biệt trong thế giới. Nghĩa là, họ đã dạy các bạn sử dụng lý trí, khả năng khiến con người khác với các loài vật khác. Họ đã dạy các bạn bước đi. Nghĩa là, dạy các bạn phải đứng thẳng, tư thế phù hợp nhất với một sinh vật có lý trí. Họ đã tập đi cho các bạn bằng cách nắm tay và đỡ lấy khi các bạn vấp ngã. Nhiều dấu hiệu hơn cho thấy tình yêu và sự chăm sóc của cha mẹ dành cho các bạn. Cha mẹ đã dùng nhiều cách thức để bày tỏ dung mạo của Thiên Chúa cho các bạn.
Cha mẹ đã dạy các bạn nói “làm ơn” và “cảm ơn”. Đây không chỉ là vấn đề cư xử tử tế, mà còn là sự giáo dục về lòng nhân ái và biết ơn, cũng như phản ánh một chân lý nền tảng về sự hiện hữu của chúng ta. Nói “làm ơn” là thừa nhận rằng tham lam và chiếm đoạt không phải là cách phù hợp với thế giới. Chúng ta không phải là bạo chúa, mà là “những người nhận” vốn phụ thuộc vào lòng hảo tâm của người khác. Nói “cảm ơn” là nhìn nhận bản chất quà tặng của thực tại. Tất cả là quà tặng. Và, như cha mẹ đã dạy các bạn, lời đáp trả cân xứng đối với quà tặng chính là lòng biết ơn. Điều này được khắc ghi vào chính con người của chúng ta. (Cf. D.C. Schindler)
Vì vậy, những gì cha mẹ làm, tự nhiên dạy chúng ta một số chân lý siêu nhiên. Nhưng, chúng ta cũng có thể xoay chuyển điều này một chút: sự hiện hữu của các bạn cũng là bài học đối với cha mẹ, khiến họ trở nên nhân bản hơn. Nhiều bậc cha mẹ đã nói rằng, khi có con cái, họ bớt ích kỷ, biết hy sinh, trách nhiệm, sống nghiêm túc, đạo đức và biết trân trọng cha mẹ của mình hơn. Một lần nữa, con cái không đặt ra mục tiêu dạy cho cha mẹ thành nhân và trở nên khôn ngoan, nhưng Chúa đã khắc ghi đường lối sư phạm này vào cấu trúc cuộc sống con người (the fabric of existence).
GIÁO DỤC HỌC ĐƯỜNG
Giờ là lúc thích hợp để đề cập đến việc học chính quy của các bạn! Bởi vì giáo dục là đào tạo con người toàn diện và là con đường dẫn đến thành nhân và khôn ngoan đích thực, giáo dục chân chính bắt đầu trước khi chúng ta chính thức đến trường cũng như sẽ tiếp tục kéo dài sau đó. Và, thành thật mà nói, nhiều người trong chúng ta từng trải nghiệm thời đi học, ít là từ mẫu giáo đến lớp 12, không phải như là những gì phát triển bản tính con người và khôn ngoan, nhưng là ngược lại. Tuy nhiên, sâu xa hơn, việc giáo dục của chúng ta kéo dài suốt đời vì như Đức Giêsu đã nói, chúng ta chỉ có một người Thầy duy nhất là chính Đức Kitô (Mt 23, 8).
Giờ đây chúng ta nên đề cập đến việc giáo dục học đường, nhất là giáo dục khai phóng (liberal arts: chỉ những môn ở trường đại học hay cao đẳng như lịch sử, khoa học, văn chương, nhắm đến việc nâng cao kiến thức tổng quát (đại cương) cho sinh viên hơn là một chuyên ngành riêng biệt nào đó). Khai phóng là gì? Khai phóng ở đây không phải là một thuật ngữ chính trị – không phải là khai phóng đối lập với bảo thủ. Ngành khoa học nhân văn (Liberal arts) có thể tương phản với ngành thực tiễn, chẳng hạn như ngành thợ rèn, thợ đóng giày hoặc thợ máy, những nghề thủ công này cung cấp nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. “Khai phóng/Liberal” có nghĩa là tự do. Từ “arts” xuất phát từ tiếng Latinh ‘ars’ có nghĩa là “nhân đức” (một nhầm lẫn từ cùng gốc từ trong tiếng Hy Lạp là arete). Vậy thì, liberal arts là những nhân đức của con người tự do. Đó là những kỹ năng và thói quen của trí óc, trái tim và cơ thể cho phép chúng ta trở thành con người hoàn toàn tự do và phát triển; chúng là những phẩm chất của tâm hồn giúp chúng ta thực sự sống động.
Theo người Hy Lạp và Rôma cổ đại, tự do nghĩa là phải có kỷ luật. Tâm trí phải được rèn luyện, nhưng cả cơ thể và linh hồn cũng thế. Cơ thể phải rèn luyện tính ôn hòa, kẻo sinh viên/học sinh hành động như dã thú. Cảm xúc và ước muốn phải được huấn luyện để chúng phản ứng thích hợp trong những tình huống khác nhau. Tâm trí phải có kỷ luật để có thể theo đuổi sự thật và đi vào chiều sâu của thực tại.
Tự do có được là nhờ kỷ luật mặc dù điều này thoạt nghe có vẻ trái ngược, nhưng tất cả chúng ta đều biết điều này là chân lý. Hãy nghĩ về kỷ luật cần thiết để chơi thành thạo piano hoặc một môn thể thao. Có kỷ luật cho phép chúng ta tự do, tự do chơi nhạc Mozart hoặc Chopin. Tự do để chơi bóng xuất sắc. Tự do để chơi giỏi và phù hợp với những gì tốt nhất trong âm nhạc hoặc thể thao. Điều gì đúng với âm nhạc và thể thao thì càng đúng về đời sống đạo đức và trí thức.
Khi các Kitô hữu xuất hiện, họ đã đón nhận viễn cảnh giáo dục này nhưng cũng đã biến đổi nó. Họ hiểu rằng, con người tự mình không phải là cùng đích vì đây là một chân trời quá giới hạn. Các Kitô hữu nhận ra rằng chỉ có một cùng đích siêu việt mới thực sự có thể đưa con người đến tầm vóc viên mãn. Thánh Augustine đã có một câu nói nổi tiếng “Chúa đã dựng nên con cho Chúa và tâm hồn con sẽ khoắc khoải không yên cho đến khi an nghỉ trong Ngài” (Cf. Tự thuật, 1.1.1). Thiên Chúa là cùng đích và bằng cách hướng tới Ngài, con người có thể đạt đến sự thành toàn đích thực, người ấy có thể được hoàn thiện, và phát huy tối đa tất cả năng lực. Các Kitô hữu đã chấp nhận định nghĩa về giáo dục được đưa ra ở trên: giáo dục là con đường thành nhân và dẫn đến khôn ngoan đích thực, nhưng giờ đây, trong Đức Kitô, giáo dục mang một chiều kích hoàn toàn mới. Đức Kitô là Ađam mới, là người đứng đầu một nhân loại mới, và Ngài cho chúng ta thấy đâu là nhân tính đích thực và khôn ngoan thần linh.
Nếu đã hoàn thành việc học tại trường, thì các bạn đã được chuẩn bị không chỉ cho một sự nghiệp sinh lợi nào đó, nhưng còn đào luyện được cơ thể, trái tim và khối óc của mình. Các bạn đã yêu mến Chân, Thiện, Mỹ và nhận ra rằng Đức Kitô là trung tâm của mọi sự.
GIÁO DỤC SAU TỐT NGHIỆP
Tất cả các bạn hiện tại đều đang ở một vị trí thuận tiện để nhận ra viễn cảnh này đã được thực hiện đến mức nào nơi việc học của các bạn cho đến nay và bản thân các bạn còn cần phải học bao nhiêu nữa. Việc học tập vẫn tiếp tục và Đức Kitô là Thầy của các bạn. Việc đào tạo con người các bạn sẽ không hoàn thiện cho đến khi sống lại. Nhưng, chúng ta giờ đây có thể sống phù hợp với vận mệnh cuối cùng của chúng ta.
Vậy thì chúng ta làm thế nào để sống như thế? Làm thế nào để chúng ta tiến bước trên con đường thành nhân và dẫn đến khôn ngoan đích thực sau khi học đại học? Chúng ta cần thực hành những gì để được thực sự tự do? Xin được đưa ra ba gợi ý: trung thành, thinh lặng và nhận ra điểm yếu.
Một: Vun trồng lòng trung thành. Nếu các bạn không thích từ “trung thành”, hãy sử dụng từ “cam kết”. Hãy tập luyện cam kết! Thế hệ của các bạn sợ cam kết. Các bạn đã thừa hưởng một thế giới rất bấp bênh và đã có những áp lực nặng nề đè lên các bạn kể từ khi còn trẻ. Nhiều người trong số các bạn đến từ những gia đình đổ vỡ. Trong khi những điều này không phải là lỗi của các bạn nhưng giờ đây các bạn phải có trách nhiệm đối với chúng.
Chúng ta sợ: là cam kết thì phải lệ thuộc. Nhưng cam kết không phải là lệ thuộc, sợ hãi mới là lệ thuộc. Sợ hãi ràng buộc và ảnh hưởng đến việc ra quyết định của chúng ta. Lòng trung thành giải thoát chúng ta. Cam kết giúp chúng ta tự do hơn. Các bạn biết điều này từ kinh nghiệm của mình trong âm nhạc và thể thao. Bạn càng cam kết, bạn càng trở nên xuất sắc và tự do hơn. Điều này cũng đúng trong cuộc sống. Bạn phải cam kết với bạn bè để trở thành một người bạn tuyệt vời, bạn phải cam kết với vợ/chồng để trở thành một bạn đời tuyệt vời, bạn phải cam kết với Chúa để trở thành một Kitô hữu xuất sắc. Chúng ta không tự do bằng cách bỏ ngỏ các lựa chọn của bản thân. Điều đó chỉ làm chúng ta tê liệt và khiến bản thân lo lắng. Chúng ta tự do bằng cách cam kết và bền chí đến cùng.
Vậy các bạn nên làm gì? Trước hết, hãy mời Chúa đến. Hãy cầu nguyện để Chúa chữa lành mình từ trong ra ngoài. Thứ hai, hãy bắt đầu từ những điều nhỏ bé. Thứ ba, hãy cam kết với Chúa rằng, sẽ cầu nguyện mỗi ngày và đi lễ mỗi tuần.
Thứ tư, và có lẽ là thách thức và gây tranh cãi nhiều nhất: kết hôn và sinh con. Có thật nhiều con cái. Và ổn định. Kết hôn là quyết định quan trọng nhất mà bạn từng làm. Và, hôn nhân, đặc biệt là hôn nhân Kitô giáo, là một điều tốt đẹp. Đó là hình ảnh về tình yêu của Đức Kitô đối với Giáo hội, mặc dù không chỉ đơn thuần là một hình ảnh, nhưng là sự tham dự vào chính tình yêu đó. Mọi người sẽ nói với các bạn rằng, hôn nhân đã khó, có con càng khó hơn. Nhưng tất cả những gì đáng làm đều khó cả. Các bạn chưa bao giờ sẵn sàng kết hôn và sinh con, nhưng trở nên sẵn sàng bằng cách thực hiện nó. Nơi người bạn đời và con cái, các bạn sẽ tìm thấy con đường dẫn đến thành nhân và khôn ngoan đích thực. Hãy tìm một người tin những điều này và có thể các bạn sẽ có một lựa chọn sáng suốt. Đừng lo lắng về việc phải tìm thấy “chân ái” cuộc đời. Chỉ cần tìm được một người. Hai bạn sẽ cùng nhau tận hưởng những điều tốt đẹp của cuộc sống này và chuẩn bị tinh thần cho cuộc sống tiếp theo.
Hai: Thực hành thinh lặng. Chúng ta đang sống trong một thế giới với mức độ ồn ào và mất tập trung ghê rợn. Như Đức Hồng Y Robert Sarah nói, chúng ta đang sống trong “sự thống trị của tiếng ồn”. Tiếng ồn này đến từ bên ngoài lẫn bên trong. Tiếng ồn của thế giới kéo chúng ta vào thế giới. Nó không chỉ phân tán sự chú ý, mà còn phân tán tình cảm và tình yêu của chúng ta. Chúng ta trở nên mỏng manh và dễ vỡ. Trong tiếng ồn ào, chúng ta không còn nghe được tiếng Chúa. Thật vậy, ngay cả chúng ta vẫn thường không thể nghe được những gì của chính mình.
Vì vậy, chúng ta cần tập thinh lặng, để tạo ra “vùng thinh lặng” (Sertillanges, The Intellectual Life), là nơi chúng ta trải nghiệm thinh lặng bên ngoài và học cách nhận ra thinh lặng bên trong. Vì, tất cả những điều thực sự tuyệt vời đều được chuẩn bị trong thinh lặng. Trước khi Đức Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai, ngài đã vào sa mạc trong bốn mươi ngày. Trước khi bị đóng đinh, Ngài đã đến Vườn Giêtsemani. Ơn cứu độ thế gian đã được chuẩn bị trong thinh lặng (Sertillanges, ibid.). Khi Êlia lên núi, ông không nghe thấy tiếng Chúa trong cơn gió, trận động đất hay lửa, nhưng trong một giọng nói nhẹ nhàng. Chúng ta cần phải là con người của thinh lặng nếu muốn nghe được giọng nói này. Chúng ta cần học cách tĩnh lặng và biết rằng Ngài là Thiên Chúa. Chúng ta sợ rằng thinh lặng đồng nghĩa với sự vắng mặt, hư vô. Nhưng im lặng không phải là vắng mặt, nó là sự hiện diện (Robert Cardinal Sarah, The Power of Silence). Chúng ta hiện diện với Thiên Chúa và Người hiện diện với chúng ta, và sự hiện diện của Người biến đổi chúng ta.
Một cách để làm điều này là giữ ngày Sa-bát. Dù gì thì đây cũng là một trong Mười Điều Răn, nên có lẽ nó rất quan trọng. Chúng ta, những người hiện đại làm cho ngày Sa-bát hoàn toàn lạc hậu: chúng ta nghỉ ngơi vào cuối tuần để có thể đi làm thêm, nhưng chúng ta nên làm việc để có thể nghỉ ngơi. Chúng ta là một quốc gia (Hoa Kỳ) của những người làm việc và chúng ta nghĩ rằng làm việc là điều quan trọng nhất. Nhưng hiện hữu quan trọng hơn làm việc (Henri Nouwen). Và sự hiện diện của Thiên Chúa là điều quan trọng nhất. Ngày Sa-bát là chóp đỉnh của tạo dựng, là sự hiện diện của Thiên Chúa được khắc ghi vào nhịp điệu của thời gian; đó là ngày Thiên Chúa ban cho chúng ta để đi vào sự thánh khiết và nghỉ ngơi của Ngài. Trong bảy ngày của tạo dựng, Thiên Chúa tạo thành con người giữa các ngày tạo nên mãnh thú và ngày Sa-bát. Đây là hai vận mệnh của con người và chúng ta chỉ có thể chọn một.
Ba: Tìm ra điểm yếu của bản thân. Tất cả các bạn tốt nghiệp đều đã làm bài kiểm tra StrengthsFinder (công cụ khám phá ưu điểm bản thân) khi còn học tại trường. Nhưng có lẽ các bạn sẽ được lợi hơn nếu được cung cấp một WeaknessFinder (công cụ tìm ra khuyết điểm bản thân). Có một cuộc tranh luận đáng chú ý nơi chương 12 trong thư thứ 2 gửi cho giáo đoàn Corintho, trong đó thánh Phaolô cầu xin Thiên Chúa cất đi một cái gai bên trong mình. Nhưng Chúa lại phán: “Ơn của Thầy đủ cho con, vì quyền năng của Thầy được tỏ lộ trong sự yếu đuối” (2 Cr 12, 9). Chúng ta khó tin rằng Thiên Chúa muốn sử dụng những điểm yếu của chúng ta. Nhưng cách Thiên Chúa hoạt động là dùng sự yếu đuối.
Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa quyền năng, tuy nhiên Ngài đến thế gian không phải trong uy nghi, nhưng trong sự nghèo khó. Ngài đến không phải như siêu nhân, nhưng như một phôi thai bất lực. Ngài được sinh ra bởi một thiếu nữ thôn quê trong một dân tộc bị trị. Ngài là một người tị nạn và là một người nhập cư. Ngài đã bị bách hại bởi chính người dân của mình. Ngài không lãnh đạo quân đội, nhưng giống như một con chiên bị dẫn đi giết. Đức Kitô thực sự yếu đuối. Tuy nhiên, điểm yếu của Ngài lại là nguồn sức mạnh lớn nhất, từ sự yếu đuối của Đức Kitô, Thiên Chúa đã biến đổi cả thế giới.
Đây cũng là cách Thiên Chúa muốn hoạt động trong cuộc sống của các bạn: Ngài muốn gặp các bạn khi có vấn đề sức khỏe tâm thần, lúc chán nản, khi mắc thói quen tội lỗi, bệnh mãn tính, thói nghiện của bạn và Ngài muốn những vấn đề cuộc sống này là nơi Ngài chuyển ban ân sủng. Vì vậy, hãy tìm ra những điểm yếu của mình, mời Chúa đến và để quyền năng của Ngài biến đổi mình và những người khác thông qua những vấn đề của con người.
KẾT LUẬN
Một số trong các bạn sẽ chu du thế giới, tạo dựng tên tuổi, giải quyết những vấn đề lớn, thay đổi thế giới và trở thành những nhà lãnh đạo trong xã hội. Hay một số sẽ theo tiếng gọi của Chúa, trở nên linh mục, nam nữ tu sĩ. Nhưng đa phần các bạn sẽ giống như hầu hết những người khác: sẽ sống một cuộc sống êm đềm với gia đình và có một công việc tử tế. Điều này nghe có vẻ khá tầm thường và không hứng thú. Tuy nhiên, các bạn hãy nhớ rằng, lòng trung thành là một cuộc phiêu lưu cao độ và không có công việc nào quan trọng hơn việc yêu thương vợ/chồng mình và nuôi dạy con cái thật tốt. Khi kết hôn, các bạn sẽ lập một giao ước là dấu hiệu cho thế giới về tình yêu của Đức Kitô dành cho dân của Ngài. Khi có con, các bạn sẽ làm cho những linh hồn bất tử hiện hữu. Các bạn sẽ giúp gia đình mình nhận biết và yêu mến Thiên Chúa và sẽ giúp họ lên thiên đàng. Cuộc sống yên lành không phải là điều tệ.
Vì vậy, đối với đa số các bạn, cuộc sống sẽ không có gì nổi bật. Nhưng hãy nhớ rằng: chính Đức Giêsu đã sống một cuộc đời ẩn dật. Trong ba mươi năm, Đức Giêsu sống ở nhà với mẹ (Ngài giống như một Millennial theo cách này [Millenial: hay còn gọi là thế hệ Y (Gen Y), tức là sinh từ 1981 – 1996] ). Ngài chỉ sống cuộc đời công khai trong ba năm. Điều này sẽ đảm bảo với chúng ta rằng, những mong muốn về hôn nhân, gia đình và tổ ấm không phải là dấu hiệu của sự giảm bớt hoặc thiếu tham vọng. Những hy sinh hàng ngày và những hành động yêu thương của các bạn, người khác có thể không thấy nhưng Thiên Chúa thì thấy tất cả. Những hành động ấy có thể không vĩ đại trong mắt người đời, nhưng sẽ cao cả trong đôi mắt Chúa. Cuối cùng, chỉ có đôi mắt của Ngài là quan trọng. Trong đôi mắt Thiên Chúa, những điều nhỏ bé được thực hiện với tình yêu thương lớn lao đều rất vĩ đại.
Thiên Chúa đã gọi các bạn ra khỏi hư vô không chỉ để bạn có thể hiện hữu, mà còn để các bạn có thể hiện hữu trong sự thánh thiện. Nói cách khác, Thiên Chúa đã gọi các bạn hiện hữu để trở nên thánh thiện. Giống như Đức Giêsu trên núi Tabor, các bạn sẽ được biến hình. Bằng cách bước đi trên con đường hẹp của việc cam kết, hiện diện trước nhan Chúa trong thinh lặng, và để cho Chúa hoàn thiện quyền năng của Ngài trong sự yếu đuối của mình, các bạn sẽ liên kết với Ngài đến nỗi sự sống thần linh sẽ thấm nhuần và biến đổi các bạn cho đến khi các bạn “sẽ chói lọi như mặt trời trong Nước của Cha anh em”(Mt 13,43).
Việc giáo dục của các bạn có một chân trời vĩnh cửu. Từ khi các bạn được thành hình trong dạ mẹ với tình yêu thương của cha mẹ cho đến thời gian tại trường và hơn thế nữa, việc giáo dục của bạn đã định hình các bạn trở thành con người mà Chúa muốn các bạn trở nên. Và, nếu các bạn mở lòng đón nhận những ân sủng của Chúa, thì chắc chắn rằng “Đấng đã bắt đầu thực hiện nơi anh em một công việc tốt lành như thế, cũng sẽ đưa công việc đó tới chỗ hoàn thành cho đến ngày Đức Kitô Giêsu quang lâm” (Pl 1, 6).
[1] Đây là diễn văn của cha Jared Ortiz dành cho lớp tốt nghiệp năm 2020 tại Hope College, USA trong lễ trao bằng năm 2021 (bị hoãn lại một năm do dịch). Phần chuyển ngữ đã lượt bỏ vài chi tiết.
Tác giả: Sao Bien
Nguồn: giaophannhatrang.org/