“CON KHÔNG NGỜ Ở GIỮA BỆNH VIỆN DÃ CHIẾN, LẠI CÓ LINH MỤC”
Lm. Giuse Nguyễn Đình Nhu
Một chiều nọ, chuông điện thoại của tôi reo. Có lẽ cũng đã thành thói quen từ khi phục vụ ở bệnh viện, đó là cứ mỗi lúc nghe chuông điện thoại reo, trong đầu tôi thường chỉ nghĩ đến một trong ba trường hợp: bác sĩ giám đốc gọi báo công việc, hoặc có bệnh nhân gọi nhờ hỗ trợ (vì chúng tôi có cung cấp số điện thoại cho các bệnh nhân), hoặc là có một cha hay một ân nhân nào đó gọi để hỗ trợ thực phẩm cho bệnh nhân. Tôi mở điện thoại xem. Đó là số của một bệnh nhân; một bạn trẻ đã từng gọi cho tôi. Tôi đã từng nói chuyện với bạn, đã chia sẻ với bạn nhiều điều. Khẽ mỉm cười, tôi bấm nút nghe:
– Alo cha nghe nè.
+ Cha ơi! Con được về rồi ạ. Nay con gọi để cám ơn cha.
– Hihi. Vui quá. Cha chúc mừng. Ráng giữ sức khỏe cho tốt nha.
+ Dạ. Con thực sự biết ơn cha, các thầy, các bác sĩ với mọi người nhiều lắm…
– Ừ về nhà là tốt rồi. Cha tạ ơn Chúa với gia đình nha. Cha cũng vui lắm!
+ Dạ, cha ơi…
– Sao đó con ?
Cảm thấy bạn ấy muốn nói thêm điều gì, tôi mở lời để bạn chia sẻ, và thinh lặng lắng nghe. Rồi với giọng xúc động, bạn ấy kể với tôi:
“Con vẫn còn nhớ, chiều hôm đó, xe đưa con từ dưới Vĩnh Cửu lên bệnh viện số 7 ở Biên Hòa. Đường cũng xa, con bị say xe, nên rất mệt mỏi. Con vừa mệt, mà lòng cũng vừa lo vừa sợ. Là công nhân làm xa nhà, con bị nhiễm bệnh gia đình cũng không biết. Sợ ba mẹ ở dưới quê lo lắng, cho nên con đã giấu không cho gia đình biết. Khi một thân một mình đặt chân vào bệnh viện, con lo sợ rồi suy nghĩ đủ thứ chuyện tiêu cực. Con rất mất bình an. Vậy mà, hôm đó, con thực sự rất bất ngờ. Con không ngờ ở giữa một bệnh viện dã chiến toàn là F0, lại có một linh mục!”
Nghe bạn kể đến đó, tôi cười khà khà tiếp lời bạn : “Ừ, cha cũng đâu ngờ là có ngày mình vào bệnh viện, và sống giữa các anh chị em mang ‘nick-name’ là ‘ép ô’ đâu. Cha hoàn toàn không hề ngờ. Hihi”.
Bạn ấy cũng cười khoái chí, và tiếp tục kể :
“Dạ. Ngay khi con bước xuống xe để làm thủ tục nhập viện, cũng đúng vào lúc cha nói trên loa để nhắc nhở mọi người, rồi thông báo là có cha, có các thầy và các thiện nguyện viên của Giáo phận Xuân Lộc mới về đây, để cùng với các y bác sĩ giúp đỡ mọi người. Thực sự lúc đó con mừng muốn khóc. Con không hề nghĩ là trong bệnh viện dã chiến có các cha các thầy. Và lúc đó con cảm thấy lòng tràn đầy hy vọng, và rất bình an”.
Bạn ấy còn nói thêm rằng: “Thực sự là sau đó con cảm thấy khỏe hẳn”.
Ở bệnh viện dã chiến, hầu như ngày nào cũng có những bệnh nhân được khỏi và xuất viện. Và thỉnh thoảng lại có người nhắn tin hoặc gọi điện để cám ơn chúng tôi. Thế nhưng, lời cám ơn của bạn trẻ này chiều hôm đó, có lẽ là “trọng thể” nhất. Không phải vì điều gì to tát, nhưng là vì bạn ấy chia sẻ rất nhiều những tâm tình thật dễ thương và chân thành, đó là tấm lòng của một người trẻ được nâng đỡ vượt qua cơn bệnh.
Khi nghe bạn ấy tâm sự, từng câu từng chữ rất chân thành, khiến trái tim tôi đan xen nhiều dòng cảm xúc. Thấy thương đồng bào, khi hằng ngày, vẫn là những nỗi lo này đang làm khổ bao nhiêu anh chị em: lo lắng vì đã bị nhiễm bệnh, lo lắng vì rồi không biết sẽ ra sao; nỗi lo của bản thân; nỗi lo của người nhà… Những lo lắng khiến bệnh tình thêm nghiêm trọng. Hằng ngày, cùng với anh em phục vụ, chúng tôi chỉ mong mình chia sẻ một chút gánh nặng với các y bác sĩ, góp một đôi tay chăm sóc các bệnh nhân. Thỉnh thoảng cầm micrô, mở loa, nhắc các bệnh nhân giữ vệ sinh, tuân thủ các quy định cho tốt, sống lạc quan, liên đới chia sẻ với nhau; mỗi tuần vài lần qua thăm và động viên tinh thần cho mọi người; lâu lâu mang lại niềm vui các em nhỏ bằng một ít bánh kẹo mà các mạnh thường quân gửi vào,… Tất cả, chỉ ước mong tạo một bầu khí an vui lạc quan để các bệnh nhân có một tinh thần thật tốt mà dưỡng bệnh. Tôi hoàn toàn không dám nghĩ rằng chỉ cần sự hiện diện của mình, trong tư cách là một Linh mục, đã là một sự “nâng đỡ tinh thần” rất lớn cho nhiều người, đặc biệt là các tín hữu Công Giáo.
“Tạ ơn Chúa, đã cho chúng con, được là những khí cụ để Chúa xoa dịu những nỗi lo cho anh chị em con. Tạ ơn Chúa, đã cho chúng con, được là một dấu chỉ để mang lại sự bình an cho các bệnh nhân”. Vừa nghe bạn ấy kể trên điện thoại, tôi vừa thầm thĩ thưa với Chúa đôi tâm tình cầu nguyện nho nhỏ ấy. Và lòng tôi trào dâng một niềm hạnh phúc thiêng liêng sâu lắng.
Giọng bạn ấy vẫn vang vang trên điện thoại :
“Mấy năm qua, vì công việc, và cũng vì cuộc sống của con gặp đôi chút khó khăn, con đã khô khan với Chúa, và thậm chí không dám đến nhà thờ. Không phải vì con sợ Chúa đâu cha. Con muốn đến nhà thờ lắm. Con thèm cảm giác được quỳ trong nhà thờ cầu nguyện lắm. Nhưng con cảm thấy có tội, nên con không dám đến.
Con rất muốn chia sẻ để cha hướng dẫn. Ban đầu con không dám gọi điện thoại cho cha đâu, vì con sợ. Nhưng thầy Ph. trực điện thoại, nói với con là cứ gọi đi, cha giúp cho. Mãi mấy hôm sau con mới dám gọi.”
Một công việc mà tôi rất vui khi được thực hiện trong bệnh viện dã chiến, đó là được lắng nghe và chia sẻ với những người đang gặp thử thách về đức tin. Một số trường hợp thì thầy phụ trách trực điện thoại sẽ giúp cho các bệnh nhân. Một số trường hợp khác, thầy ấy sẽ chuyển qua cho tôi. Thầy nói : “Vấn đề này, để cha nói sẽ rõ hơn”. “Dạ vâng, đại ca”, tôi thường đùa với thầy như vậy. Trong gian truân và bệnh tật, các bệnh nhân được Chúa thôi thúc. Tôi đã cảm thấy rất xúc động, khi được ban Bí tích Hòa giải cho anh chị em ngay trong giữa bệnh viện dã chiến. Đối với những người không thể lãnh nhận Bí tích này vì một ngăn trở nào đó, thì tôi cũng cố gắng giúp họ tìm đến với Chúa trong cầu nguyện và sám hối. Mỗi khi chia sẻ với họ, tôi không làm gì nhiều. Tôi chỉ lắng nghe, đồng cảm, và nói với họ về Lòng Thương Xót của Chúa. Lòng Thương Xót ấy sẽ tha thứ tất cả, và hy vọng tất cả. Chỉ có Lòng Thương Xót Chúa, mới thực sự mang lại bình an cho cuộc đời. Cứ vậy, với niềm xác tín đơn sơ, tôi nhắc nhớ các bệnh nhân giữ vững niềm tin vào Chúa. Bạn trẻ đang nói chuyện qua điện thoại với tôi cũng là một trường hợp như vậy. Tôi cũng đã từng dành nhiều giờ để nghe bạn giãi bày, và đã khích lệ bạn vững tin vào tình yêu của Chúa.
Lúc này, tôi vẫn đang nghe điện thoại, bạn ấy vẫn đang kể:
“Thực sự thì hồi đó, sau khi trao đổi với cha xong, con thấy lòng mình nhẹ hơn rất nhiều. Con đã tìm lại được bình an. Bây giờ con chỉ muốn khi hết dịch, là sẽ đến nhà thờ ngay, và sẽ không sống xa Chúa nữa. Con tin, Chúa an bài cho con, và Người đang dẫn dắt con…”
Chiều hôm ấy, tôi lại tiếp tục đóng vai một người bạn, để anh chị em tôi được trải lòng. Tôi hạnh phúc vì điều đó.
Cuộc điện thoại của bạn hôm ấy, đối với tôi, là một món quà tuyệt vời. Cũng giống như tất cả những thiện nguyện viên Công Giáo khác tham gia tuyến đầu, niềm vui của tôi là sự bình an của các bệnh nhân. Sự bình an không chỉ nơi thể xác, mà còn trong tâm hồn. Chỉ cần sẻ chia được điều gì đó với các bệnh nhân, dù là rất nhỏ, thì đối với chúng tôi, đó đã là một niềm hạnh phúc thực sự. Đúng như tâm tình của Mẹ Têrêsa Calcutta năm xưa: những việc nhỏ, nhưng với tình yêu lớn, đều là những việc phi thường, và làm nên những điều phi thường. Những điều phi thường ở đây, là niềm hạnh phúc sâu xa, trong chính những điều bình dị.
Linh mục, Chủng sinh, Chiến sĩ Công An, Quý Y Bác Sĩ , các Bạn trẻ Thiện Nguyện và Anh Em Dân Quân phục vụ nơi BV Dã Chiến
Ngước mắt nhìn về một nơi xa xa, thấp thoáng trong lòng tôi, bóng hình của anh chị em tôi – các linh mục, các tu sĩ nam nữ, các thầy chủng sinh, các bạn trẻ, giáo lý viên,… đang hy sinh không quản ngại nơi tuyến đầu. Mang trong mình tình yêu của Chúa, mỗi người trong công tác phục vụ riêng của mình, đang trao gửi đến các bệnh nhân chính Chúa. Sự hiện diện âm thầm của các thiện nguyện viên bên các bệnh nhân, như một nhịp cầu cho sự hiện diện của Lòng Thương Xót Chúa giữa nơi bệnh viện dã chiến. Từ sự bất ngờ khi gặp một thiện nguyện viên Công Giáo trong bệnh viện, đến một hành trình tìm lại được bình an nơi chính Thiên Chúa, có thể nói đó là một món quà tuyệt vời mà chúng tôi đang trao tặng cho các anh chị em bị mắc covid. Chúng tôi luôn xác tín: chính Chúa đang dẫn dắt cuộc đời họ, chính Chúa sẽ mang lại bình an cho họ; và chúng tôi, các thiện nguyện viên Công Giáo, là những khí cụ tình yêu nhỏ bé trong tay Người, giữa những lắng lo và khổ đau của anh chị em…
Lạy Chúa, xin hãy dùng chúng con như khí cụ bình an của Chúa, cho anh chị em, cho quê hương, cho đồng bào con… Amen.
Nguồn: giaophanxuanloc.net