Video: Ca ngợi ơn gọi Việt Nam, nghị phụ Uruguay nói viri probati là ảo tưởng, hoang đường

Đức Hồng Y Claudio Hummes, người Brazil, được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm là Tổng Tường Trình Viên, hay chủ tịch của Thượng Hội Đồng Giám Mục kéo dài từ ngày 6 đến 27 tháng 10, là người ủng hộ nồng nhiệt cho giải pháp viri probati – nghĩa là phong chức linh mục cho những người đã kết hôn. Bất chấp đây là một trong những điểm gây tranh cãi nhất trong Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon, ngay giờ đầu tiên của phiên đầu tiên, ngài đã nêu ngay vấn đề để tranh thủ thời gian, và thúc giục các nghị phụ tán thành giải pháp mà ngài gọi là “không có con đường nào khác.”

Đức Cha Erwin Kräutler, tác giả Tài Liệu Làm Việc của Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon, cũng là một nhân vật chủ chốt hô hào viri probati. Ngài cả quyết rằng có đến hai phần ba các nghị phụ tại Thượng Hội Đồng này ủng hộ cho giải pháp viri probati. Ngài còn đi xa đến mức hô hào việc phong chức linh mục cho phụ nữ, ít nhất là các phụ nữ trong vùng Amazon.

Cứ theo hai vị này nói thì dường như Giáo Hội không còn lựa chọn nào khác hơn là viri probati. Tuy nhiên, thông tấn xã Asia News cho biết ý kiến của hai vị này đã bị phản bác quyết liệt bởi nhiều nghị phụ trong đó có một linh mục, một nhà truyền giáo nổi tiếng đến mức được đích thân Đức Giáo Hoàng mời tham dự Thượng Hội Đồng này.

Cha Martìn Lasarte, một linh mục dòng Salêsiêng, người Uruguay, đã nêu Triều tiên, Nhật bản và Việt Nam như các ví dụ cho thấy để giải quyết các vấn nạn trong vùng Amazon, Giáo Hội không cần phải tháo thứ kỷ luật của mình để phong chức linh mục cho phụ nữ và nam giới có gia đình nhưng vấn đề là xây dựng các cộng đoàn Kitô hữu để họ trở thành các nhân vật chính thực thi các nghĩa vụ nhận lãnh khi chịu phép Rửa Tội.

Ý kiến của cha Martìn Lasarte đã được đăng trên Asia News. Nội dung như sau:

Người ta nói rằng việc phong chức linh mục cho giáo dân ở các cộng đồng xa xôi là cần thiết, bởi vì những khó khăn mà những người thiểu số gặp phải trong việc tiếp cận với hàng giáo sĩ. Theo quan điểm của tôi, đặt vấn đề theo lối này cho thấy bóng dáng thấp thoáng của chủ nghĩa giáo sĩ cố hữu. Dường như nơi nào không có “linh mục” hoặc “nữ tu” thì nơi ấy không có đời sống Giáo Hội. Vấn đề cơ bản nghiêm trọng hơn rất nhiều. Một Giáo hội được tạo ra ở nơi mà giáo dân không thấy mình là nhân vật chính, và là nơi có rất ít hoặc chẳng có cảm giác thuộc về, một Giáo Hội như thế, nếu không có “linh mục”, không hoạt động được. Đây là một sai lầm lệch lạc về giáo hội học và mục vụ. Đức tin của chúng ta, như các Kitô hữu, bắt nguồn từ bí tích rửa tội, chứ không phải từ bí tích truyền chức thánh.

Đôi khi tôi có ấn tượng rằng chúng ta muốn giáo sĩ hóa giáo dân. Trước hết chúng ta cần một Giáo hội trong đó các nhân vật chính là những người đã được rửa tội, chủ động trong vai trò các môn đệ và các nhà truyền giáo. Ở nhiều vùng thuộc Mỹ Châu chúng ta, người ta có ấn tượng rằng Giáo Hội đã được bí tích hóa chứ không phải được Phúc Âm hóa, nước đã được trộn với giấm, chứ không phải là nước được pha với rượu. Tầm nhìn “chức năng” của thừa tác vụ không thể đem lại sức sống cho toàn bộ cộng đồng Kitô hữu như các nhân vật chính của việc truyền giáo. Do đó, có thêm nhiều linh mục được thụ phong sẽ không giải quyết được vấn đề, mức độ dấn thân thực thi các nghĩa vụ xuất phát từ bí tích rửa tội của các tín hữu sẽ vẫn như thế thôi.

Chúng ta cần mở rộng chân trời và nhìn vào cuộc sống và kinh nghiệm của các Giáo hội trong bối cảnh hoàn vũ. Giáo hội Hàn Quốc ra đời từ việc anh chị em giáo dân truyền giáo cho nhau. Giáo dân Yi Seung-hun, được rửa tội tại Trung Quốc, truyền bá đạo Công Giáo khắp cả nước, họ tự rửa tội cho nhau. Trong 51 năm kể từ khi thành lập (1784-1835), Giáo hội Hàn Quốc đã được truyền giáo bởi giáo dân, với sự hiện diện của một linh mục duy nhất. Cộng đồng Công Giáo đó đã phát triển mạnh mẽ và lan rộng khắp nơi, bất chấp những cuộc khủng bố khủng khiếp, nhờ vào các nhân vật chính là những người được rửa tội.

Giáo hội Nhật Bản, được thành lập bởi Thánh Phanxicô Xavier (1549), nở rộ trong ba thế kỷ ngay cả khi bị đàn áp; các nhà truyền giáo bị trục xuất và linh mục cuối cùng đã chịu tử đạo vào năm 1644. Hơn 200 năm sau đó, các linh mục (các nhà truyền giáo người Pháp) mới có thể trở lại. Và khi đó, họ đã tìm thấy một Giáo hội mới được thành lập bởi các kakure kirishitan (Kitô hữu thầm lặng). Trong các cộng đồng Kitô giáo có nhiều hình thức mục vụ khác nhau: một người phụ trách, các giáo lý viên, những người lo việc rửa tội, những nhà thuyết giáo. Các tiêu chí mà các Kitô hữu cố gắng bảo vệ cho đến khi có sự xuất hiện của các tân linh mục vào thế kỷ 19 là thú vị: Giáo Hội sẽ trở lại Nhật Bản và bạn sẽ thấy điều đó nơi ba dấu chỉ này: “các linh mục sẽ sống độc thân, sẽ có một bức tượng của Đức Maria và họ sẽ tuân theo lệnh của Đức Giáo Hoàng Rôma”.

Cho phép tôi chuyển sang một cái gì đó cá nhân hơn, với kinh nghiệm truyền giáo 25 năm của tôi ở Châu Phi (Angola). Khi cuộc nội chiến kết thúc vào năm 2002, tôi đã có thể đến thăm nhiều cộng đoàn Kitô hữu, trong suốt 30 năm qua, không có Thánh Lễ, cũng chẳng được nhìn thấy một linh mục nào, nhưng họ vẫn vững vàng trong đức tin và là cộng đồng năng động, được dẫn dắt bởi các “giáo lý viên”, đó là một thừa tác vụ cơ bản ở Châu Phi, và bởi các thừa tác viên khác: những nhà truyền giáo, những người hướng dẫn cầu nguyện, chăm sóc phụ nữ, phục vụ người nghèo. Một Giáo hội sống động trong sự thiếu vắng linh mục.

Ở Mỹ Châu Latinh không thiếu những ví dụ tích cực, như trong số những người Quetchi ở miền trung Guatemala (Verapaz), mặc dù không có linh mục nào sống trong cộng đồng, các thừa tác viên giáo dân đã dẫn dắt các cộng đồng sống động, phong phú về phương diện mục vụ, phụng vụ, giáo lý, truyền giáo, tại những nơi không có bao nhiêu các nhóm truyền giáo có thể đặt chân đến. Dù tất cả các cộng đoàn đều khan hiếm linh mục, đó là một Giáo hội địa phương phong phú các ơn gọi linh mục bản địa, nhiều nơi thậm chí tất cả các linh mục, tu sĩ nam nữ hoàn toàn là những người có nguồn gốc địa phương.

Phải chăng việc thiếu ơn gọi linh mục và tu trì ở Amazon là một thách thức mục vụ hay chẳng qua đó chỉ là hậu quả của các lựa chọn thần học – mục vụ không mang lại kết quả như mong đợi hay chỉ mang lại các kết quả nửa vời? Theo tôi, đề nghị “viri probati” như một giải pháp để loan báo Tin Mừng chỉ là một ảo tưởng, một đề xuất gần như hoang đường không đi đến đâu trong việc giải quyết các vấn đề thực sự đang tiềm ẩn.

Đức Thánh Cha Phanxicô viết trong Tông huấn Niềm Vui Phúc Âm số 107: “ Nhiều nơi đang trải qua một sự khan hiếm ơn gọi linh mục và đời sống thánh hiến. Điều này thường là do thiếu sự nhiệt thành tông đồ truyền nhiễm trong các cộng đồng dẫn đến sự hạ giảm nhiệt tình và sức lôi cuốn. Bất cứ nơi nào có sức sống, lòng nhiệt thành và mong muốn mang Chúa Kitô đến cho người khác, các ơn gọi chân chính sẽ nảy sinh. Ngay cả trong các giáo xứ nơi các linh mục không hăng hái dấn thân hay hân hoan [với thừa tác vụ của mình], cuộc sống huynh đệ và lòng nhiệt thành của cộng đồng có thể thức tỉnh nơi những người trẻ khao khát tận hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa và rao giảng Tin Mừng. Điều này đặc biệt đúng nếu như một cộng đồng sống động như thế cầu nguyện tha thiết cho ơn gọi và can đảm đề nghị những người trẻ của mình theo đuổi con đường thánh hiến chuyên biệt”.

Đức Thánh Cha đã chạm đến chìa khóa của vấn đề. Vấn đề không phải là thiếu ơn gọi, nhưng thiếu những đề nghị, thiếu lòng nhiệt thành tông đồ, thiếu tình huynh đệ và đời sống cầu nguyện; và thiếu các quá trình truyền giáo nghiêm túc và sâu sắc.

Chúng ta có thể đưa ra các ví dụ khác từ Việt Nam, Indonesia (quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới), Đông Timor, Châu Đại Dương… nhưng chắc chắn không phải từ Châu Âu bị thế tục hóa của chúng ta. Trong tất cả các khu vực địa lý này có những thách thức và khó khăn lớn lao trong các cộng đồng Kitô giáo; nhưng chúng ta thấy rằng nơi nào có một công việc truyền giáo nghiêm túc, xác thực và liên tục, thì ơn gọi đến chức tư tế không thiếu.

Câu hỏi không thể tránh khỏi là: Tại sao các dân tộc có nhiều sự phong phú về văn hóa và nhân chủng học tương đồng với các dân tộc Amazon, trong các nghi lễ, thần thoại, ý thức mạnh mẽ về cộng đồng, sự hiệp thông với vũ trụ, sự cởi mở tôn giáo sâu sắc.. lại có các cộng đồng Kitô giáo sinh động và các ơn gọi linh mục phong phú trong khi ở một số vùng của Amazon, sau 200, 400 năm, lại xảy ra sự vô sinh về giáo hội và ơn gọi? Có những giáo phận và cộng đoàn hiện diện hơn một thế kỷ mà không có được một ơn gọi bản địa nào. Phải chăng có một gen thừa thiếu nào đó, hoặc là vấn đề nằm ở chỗ khác? Phải chăng sự khác biệt văn hóa là quá lớn?

Một câu trả lời có thể được đưa ra là các dân tộc Amazon, về mặt văn hóa, không hiểu được những đòi hỏi của luật độc thân linh mục. Vấn đề này đã được nhiều người nêu ra, có lẽ xuất phát từ thiện chí, nhưng nó bị tiêm nhiễm bởi các định kiến về văn hóa quá mạnh, nếu không muốn nói là các định kiến về chủng tộc… Chính vấn đề đó cũng được đặt ra ở Ấn Độ, Châu Đại Dương và Châu Phi. Tông thư Maximum illud, mà chúng ta kỷ niệm một trăm năm trong thời gian tổ chức hội nghị này và trong khuôn khổ tháng truyền giáo ngoại thường, đưa ra câu trả lời cho vấn đề này. Tài liệu này khuyến khích và kích thích việc thúc đẩy các ơn gọi bản địa trong Giáo hội của các nước là thuộc địa của các nước Âu châu.

Ở đây, chúng ta có thể thấy, qua tấm gương của các nhà truyền giáo, công việc truyền giáo tuyệt vời của các nhà truyền giáo cộng đoàn Thánh Linh, của các linh mục Cát Minh, là những vị đã quyết liệt ủng hộ các ơn gọi địa phương khi tạo ra các chủng viện trù phú khắp Phi Châu.

Chắc chắn, cống hiến hết mình cho việc nâng đỡ ơn gọi là một thách đố cam go, nó liên quan đến việc đầu tư nguồn lực và đội ngũ giỏi nhất. Đôi khi, đời sống truyền giáo đã tránh né sứ vụ quý giá này, là điều trong thực tế có thể giúp để tạo ra một Giáo hội với khuôn mặt của người Amazon. Đôi khi một cuộc sống “anh hùng lưu động” trong các khu rừng khiến cá nhân ta hài lòng hơn là một tình yêu thương, kiên nhẫn đi kèm với một sự tân tụy đáng kính trong việc hình thành và đồng hành với các ơn gọi bản địa.


Source:Asia News