Đức Thánh Cha Phanxicô than thở rằng nhiều Kitô hữu có thói quen phán xét tất cả mọi sự “với sự nhỏ nhen trong trái tim họ”. Ngược lại, Chúa đến với con người trong mọi trạng huống với một lòng thương xót vì Ngài đến để cứu chứ không phải để lên án.
Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Ba 08 tháng Mười tại nhà nguyện Santa Marta.
Đức Thánh Cha đã trình bày các suy tư của Ngài về nhân vật Giôna trong Cựu Ước, là người đã chạy trốn khỏi Thiên Chúa, khi Chúa muốn ông trở thành tiên tri của Ngài để rao giảng sự thống hối cho dân thành Ninivê nếu không họ sẽ bị trừng phạt.
Bỏ trốn Thiên Chúa, ông đã lên tàu đến Tácsít. Nhưng Thiên Chúa cho một cơn bão nổi lên.
Những người trên thuyền bảo nhau: “Nào, chúng ta hãy bắt thăm cho biết tại ai mà chúng ta gặp tai hoạ này.” Họ gieo quẻ và quẻ rơi trúng ông Giôna. Họ hỏi ông xem ông đã làm gì. Ông giải bày mọi sự và bảo họ: “Hãy đem tôi ném xuống biển thì biển sẽ lặng đi, không còn đe doạ các ông nữa; vì tôi biết là tại tôi mà các ông gặp cơn bão lớn này.” Những người ấy cố chèo vào đất liền, nhưng không thể được vì biển mỗi lúc một động mạnh, uy hiếp họ. Cuối cùng họ đành đem ông Giôna ném xuống biển. Biển liền dừng cơn giận dữ. Một con cá voi đã nuốt lấy ông, và sau ba ngày ba đêm, nó mửa ông ra trên đất liền.
Đức Thánh Cha lưu ý rằng hình ảnh này của ông Giôna nhắc nhớ chúng ta về việc Chúa Kitô phục sinh sau ngày thứ ba.
Con người ăn năn, Chúa nguôi giận
Bài đọc trong ngày tiếp tục câu chuyện của ông Giôna, và lần này, ông Giôna vâng lời Chúa, đi rao giảng cho những người Ninivê hoán cải. Họ đã ăn năn và Chúa thôi không trừng phạt họ. Đức Thánh Cha nhận xét rằng lần này, con người cứng đầu Giôna đã làm tốt công việc của mình.
Ông Giôna bất bình trước lòng thương xót của Chúa
Đức Thánh Cha nói tiếp rằng như trong bài đọc thánh lễ ngày mai cho thấy, ông Giôna đã tỏ ra bất bình với Chúa vì Ngài quá thương xót và vì Ngài làm ngược lại với những gì Ngài đe dọa sẽ làm. Thật vậy, Thiên Chúa thấy việc họ làm, thấy họ bỏ đường gian ác mà trở lại, thì Người hối tiếc về tai hoạ Người đã tuyên bố sẽ giáng trên họ, Người tha cho họ.
Ông Giôna bực mình, bực lắm, và ông nổi giận. Ông cầu nguyện với ĐỨC CHÚA và nói: “Ôi, lạy ĐỨC CHÚA, đó chẳng phải là điều con đã nói khi còn ở quê nhà sao? Chính vì thế mà con đã vội vàng trốn đi Tácsít. Thật vậy, con biết rằng Ngài là Thiên Chúa từ bi nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương, và hối tiếc vì đã giáng hoạ. Giờ đây, lạy ĐỨC CHÚA, xin Ngài lấy mạng sống con đi, vì thà con chết còn hơn là sống!” ĐỨC CHÚA hỏi ông: “Ngươi nổi giận như thế có lý không?”
Ông Giôna ra ngoài thành và ngồi ở phía đông thành. Ở đó, ông làm một cái lều, rồi ngồi bên dưới, trong bóng mát, để xem cái gì sẽ xảy ra trong thành. ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa khiến một cây thầu dầu mọc lên ở phía trên ông Giôna để có bóng mát che đầu ông, hầu làm ông hết buồn bực. Ông Giôna vui, vui lắm vì cây thầu dầu.
Nhưng hôm sau, khi hừng đông ló rạng, Thiên Chúa khiến một con sâu cắn cây thầu dầu và cây bị héo. Khi mặt trời mọc, Thiên Chúa cho có một cơn gió đông nóng bỏng, và mặt trời giội nắng xuống đầu ông Giôna; ông ngất xỉu và xin cho mình được chết, ông nói: “Thà tôi chết còn hơn là sống.” Thiên Chúa hỏi ông Giôna: “Ngươi nổi giận vì cây thầu dầu, như thế có lý không? “ Ông trả lời: “Con có lý để nổi giận đến chết được!”
ĐỨC CHÚA phán: “Ngươi, ngươi thương hại cây thầu dầu mà ngươi đã không vất vả vì nó, và không làm cho nó lớn lên; trong một đêm nó đã sinh ra, rồi trong một đêm lại chết đi. Còn Ta, chẳng lẽ Ta lại không thương hại Ninivê, thành phố lớn, trong đó có hơn một trăm hai mươi ngàn người không phân biệt được bên phải với bên trái, và lại có rất nhiều thú vật hay sao?”
Đức Thánh Cha nhận xét rằng cuộc trao đổi nóng bỏng giữa Chúa và ông Giôna là giữa hai người cứng đầu.
Trong khi Giôna bướng bỉnh với niềm tin của mình về đức tin, thì Chúa lại ngoan cố trong lòng thương xót của Ngài. Ngài không bao giờ rời xa chúng ta, Ngài gõ cửa trái tim chúng ta đến cùng. Ngài luôn ở đó.
Giôna bướng bỉnh vì ông đặt điều kiện đối với đức tin của mình. Ông tiêu biểu cho các Kitô hữu luôn đặt điều kiện: “Tôi là Kitô hữu với điều kiện mọi việc phải được thực hiện theo cách này”.
Để kết luận, Đức Thánh Cha nói câu chuyện về ông Giôna trình bày hai hình ảnh của Giáo hội ngày nay. Một hình ảnh bắt nguồn từ ý thức hệ và hình ảnh kia cho thấy Chúa tiếp cận mọi tình huống mà không ghê tởm. Tội lỗi của chúng tôi không làm Chúa ghê tởm. Ngài đến gần và vuốt ve những người phong cùi và những người bệnh vì Ngài đến để chữa lành, Ngài đến để cứu, không phải để lên án.
2. Cây thánh giá lớn nhất thế giới nằm ở đâu
Nhiều người nghĩ rằng cây thánh giá lớn nhất trên thế giới ắt là phải ở những nơi như Rôma hay Giêrusalem. Tuy nhiên, trong số ra ngày 17 tháng 10, tờ Aleitia, nghĩa là Chân Lý Rạng Ngời cho biết cây thánh giá lớn nhất thế giới được tìm thấy giữa một khu rừng nguyên sinh ở Michigan.
Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi những lời kể của cha Anthony, linh mục chính xứ tại đây, qua lời dịch của Như Ý.
“Cross in the Woods” nghĩa là “Thập Giá giữa rừng cây” là tác phẩm của nhà điêu khắc người Mỹ Marshall Fredricks, người lắp ráp tác phẩm điêu khắc bằng gỗ và đồng rất hoành tráng này sau khi được giao nhiệm vụ tạo ra một thánh giá nhỏ hơn nhiều.
Fredricks đã được giáo xứ Indian River yêu cầu chế tác cây thánh giá cao 1.8m, sau khi Đức Giám Mục Francis James Haas của Giáo phận Grand Rapids quyết định xây một ngôi nhà thờ tại vùng nông thôn hẻo lánh này vào năm 1946.
Fredricks cảm mến ơn Đức Giám Mục vì ông là người trong vùng và mỗi ngày Chúa Nhật ông phải lái xe cả nửa ngày để đến ngôi nhà thờ gần nhất. Vì thế, ông cố gắng thuyết phục anh chị em giáo dân để ông làm một cây thánh giá hoàng tráng nhất thế giới.
Fredricks phải mất bốn năm để hoàn thành tác phẩm điêu khắc hùng vĩ, nặng bảy tấn và dài 8.6m. Ông đặc biệt muốn cho gương mặt Chúa trên thánh giá “biểu lộ sự bình an, và sức mạnh tuyệt vời và gương mặt ấy khuyến khích tất cả mọi người nhìn lên thánh giá”. Vì thế, ông phải xin Đức Giám Mục trình với Tòa Thánh để cấp giấy phép đặc biệt cho ông làm tượng Chúa Kitô trên thánh giá mà không có mão gai. Fredricks đã điêu khắc khuôn mặt của Chúa Giêsu rất bình an, truyền một cảm hứng khác lạ cho các du khách ngày nay.
Sau khi mô hình thạch cao được hoàn thành, Fredericks đã yêu cầu công ty Kristians-Kunst Metalstobori Foundry ở Oslo, Na Uy, đúc nó bằng đồng. Bức tượng nặng 7 tấn sau đó đã được chuyển qua Đại Tây Dương, khiến nó trở thành một trong những tác phẩm điêu khắc nặng nhất từng được chuyển từ Âu châu sang Mỹ châu.
Tượng của Chúa Kitô sau đó được gắn vào cây thánh giá tại giáo xứ Công Giáo Indian River ở Michigan, vào năm 1959 bằng cách sử dụng 13 bu lông mỗi cây dài 30 inches và dày 2 inches. Kể từ đó, cây thánh giá cao nhất thế giới đã giúp đưa vùng nông thôn Michigan lên bản đồ du lịch Công Giáo, thu hút hơn 300,000 du khách mỗi năm.
https://aleteia.org/2019/10/17/the-worlds-largest-crucifix-is-in-michigan/
3. Hãy học cách chỉ tay vào chính mình, để được giải thoát khỏi sự giả hình
Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng sự giả hình giết chết chúng ta và để chống lại nó chúng ta cần học cách buộc tội chính mình và mở lòng mình ra để Chúa có thể chữa trị cho chúng ta. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Ba tại nhà nguyện Santa Marta.
Ngài nhấn mạnh rằng Chúa Giêsu không dung thứ cho sự giả hình. Chúng ta phải được chữa khỏi bệnh đạo đức giả, và điều đầu tiên là ta phải học biết cách chỉ tay vào chính mình trước mặt Chúa, vì bất cứ ai không thể làm như vậy thì không phải là một tín hữu Kitô tốt.
Nói một đàng, làm một nẻo
Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu được một người Pha-ri-sêu mời đến ăn trưa nhưng rồi Người bị chủ nhà chỉ trích vì các môn đệ của Ngài không thực hiện nghi thức rửa tay trước khi ngồi vào bàn ăn.
Đức Thánh Cha giải thích rằng hành vi này không thể được dung thứ và là đạo đức giả bởi vì người Pha-ri-sêu này chỉ làm bộ mời Chúa Giêsu đến ăn trưa, còn thực tâm bên trong là nhằm phán xét Ngài, chứ không phải là muốn kết bạn với anh ta. Đây chính xác là đạo đức giả, nói một đàng, làm một nẻo.
Sự thật
Chúa Giêsu thường gọi những kẻ đạo đức giả là “mồ mả tô vôi”. Theo Đức Thánh Cha, đây không phải là một sự xúc phạm, nhưng đó là sự thật. Ngài giải thích rằng thái độ đạo đức giả luôn bắt nguồn từ kẻ nói dối trâng tráo nhất, là ma quỷ. Ngài nói rằng ma quỷ là kẻ đạo đức giả đầu tiên và tất cả những kẻ đạo đức giả khác đều là những người thừa kế của nó.
Chúa Giêsu thích lật mặt nạ những kẻ đạo đức giả, là những người sử dụng ngôn ngữ ma quỷ, vì Ngài biết rằng đây là thái độ sẽ dẫn đến cái chết đời đời của người ấy.
Đạo đức giả giết chết
Do Thái Phanxicô nói tiếp rằng bất cứ ai nghĩ rằng hình thức đạo đức giả này không tồn tại, đã bị nhầm lẫn. Mặc dù, đạo đức giả là một điều bất bình thường, nhưng đó lại là một trò phổ biến nhất trên đời khi người ta nói một đàng và làm một nẻo. Một ví dụ về điều này là trong cuộc chiến giành quyền lực. Ghen tuông khiến người ta hành động một cách tinh ranh, lịch sự bề ngoài nhưng với chất độc bên trong, chất độc để giết người khác, bởi vì đạo đức giả luôn giết chết. Nhưng chất độc ấy cũng làm hại chính mình.
Hãy mở ra lòng với Chúa
Để chữa trị cho thói giả hình này, chúng ta phải học cách chỉ tay vào chính chúng ta. Chúng ta phải mở lòng mình ra trước mặt Chúa và giải phóng những gì chúng ta có trong chúng ta. Bài tập tâm linh này, theo Đức Thánh Cha không phải là dễ học, nhưng chúng ta phải cố gắng thực hiện nó. Chúng ta phải nhìn thấy sự giả hình và xấu xa mà chúng ta có trong lòng mình.
Kết thúc bài giảng, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhớ lại lời cầu nguyện của Thánh Phêrô, “Lạy Chúa xin tránh xa con, vì con là người tội lỗi”. Điều này nhắc nhở các tín hữu về tầm quan trọng trong việc thừa nhận sai lầm của chúng ta.