LỜI CHÚA HẰNG NGÀY
Suy niệm loan báo Tin Mừng (24.10.2019 – Thứ Năm Tuần 29 TN)
(Trích 31 bài giảng của uỷ ban loan báo Tin Mừng trong tháng truyền giáo ngoại thường 10/2019)
Lời Chúa:
BÀI ĐỌC I: Rm 7, 18-25a
Anh em thân mến, tôi biết rằng sự lành không ở trong tôi, nghĩa là trong huyết nhục của tôi. Vì chưng ước muốn thì tôi vẫn có, nhưng làm cho sự lành nên hoàn hảo thì không sao được. Bởi vì sự lành tôi muốn thì tôi không làm, còn sự dữ tôi không muốn thì tôi lại làm. Thực ra nếu tôi làm điều tôi không muốn, thì bấy giờ không phải chính tôi làm điều đó, nhưng là sự tội ở trong mình tôi. Thành ra khi tôi muốn làm sự lành, tôi nhận thấy trong tôi có lề luật, vì sự dữ vẫn kèm bên tôi. Theo như con người bên trong, tôi cũng ưa thích lề luật Thiên Chúa: nhưng tôi thấy trong chi thể tôi có một lề luật khác đối địch với lề luật tâm thần tôi, và giam hãm tôi dưới ách lề luật sự tội trong chi thể tôi. Tôi là con người vô phúc! Ai sẽ cứu tôi khỏi cái xác chết này? Cảm tạ Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Như thế, chính tôi lấy tâm thần mà phục vụ lề luật Thiên Chúa; còn về xác thịt, thì vâng phục lề luật của sự tội.
PHÚC ÂM: Lc 12, 54-59
Khi ấy, Chúa Giêsu phán bảo dân chúng rằng: “Khi các ngươi xem thấy đám mây nổi lên ở phía tây, lập tức các ngươi nói rằng: Trời sắp mưa; và sự thật xảy ra như thế. Và khi gió nam thổi đến, thì các ngươi nói: Trời sắp nóng nực. Và việc đã xảy ra như thế. Hỡi những kẻ giả hình, các ngươi biết tìm hiểu diện mạo của trời đất, còn về thời đại này, sao các ngươi không tìm hiểu? Tại sao các ngươi không tự mình phê phán điều gì phải lẽ? Thế nên, khi ngươi cùng với kẻ đối phương ra trước mặt quan quyền, thì đang lúc đi dọc đường, ngươi hãy cố lo liệu cho ổn thoả với nó đi, kẻo nó lôi ngươi đến trước quan toà, và quan toà trao ngươi cho lý hình và lý hình tống ngươi vào ngục. Ta bảo cho ngươi hay, ngươi sẽ không thể ra khỏi đó cho đến khi nào trả xong đồng xu cuối cùng”.
Suy niệm
Trên kia chúng ta đã nói về lời khẳng định của Phaolô rằng Lề Luật là một lý do khiến cho tội tràn lan, và những chỉ trích của các đối thủ của Phaolô chống lại ngài. Tuy nhiên mục tiêu của Thánh Tông Đồ chỉ là muốn vạch ra rằng Lề Luật tự nó không có sức biến đổi và cứu rỗi con người; nó chỉ cho thấy điều gì là đúng và điều gì là sai, và rốt cuộc chỉ nhấn mạnh vào những điều sai sót của con người. Đây là lý do tại sao Phaolô nói không một chút hoài nghi rằng Lề Luật là tốt lành và thánh thiện, nhưng vấn đề là ở chỗ vì có Lề Luật mà tội lỗi, sự vi phạm các giới luật, được tỏ lộ trong tất cả tính chất nghiêm trọng của nó. Lề Luật đặt ra trước mặt con người con đường sống và con đường chết.
Thánh Phaolô biết rất rõ tấn kịch nội tâm mà mỗi người trải qua, đặc biệt khi chúng ta cố gắng đi theo con đường trọn lành. Nhờ lý trí và ý chỉ, con người hiểu và muốn làm điều tốt, tuân theo các giới răn, nhưng họ gặp một khuynh hướng, một xung lực thúc đẩy làm điều xấu. Nó cho thấy chúng ta là nô lệ và cần một sức lực giải phóng mà chúng ta không có. Chúng ta sinh ra không có tội cá nhân, nhưng chúng ta mang những vết tích của tội và tình trạng rối loạn hoàn vũ, và chịu những hậu quả của nó. Thực vậy, Thánh Phaolô nói, “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rm 7:19). Con người trải nghiệm sự mâu thuẫn bi thảm này và tự hỏi: ai có thể giải phóng tôi khỏi cái “tôi” xác thịt yếu đuối này, để trải nghiệm cái “tôi” mới, được chữa lành và đẹp lòng Thiên Chúa? Thánh Phaolô biết Đức Giêsu là nguồn duy nhất của ân sủng và ơn cứu chuộc. Vì thế ngài mời gọi chúng ta cùng với ngài ca ngợi và tạ ơn Thiên Chúa, để chúng ta có thể cầu nguyện cùng với thánh vịnh gia: “Xin Chúa lấy tình thương mà an ủi, theo lời đã hứa với tôi tớ Ngài đây. Xin chạnh lòng thương cho con được sống” (Tv 119:76-77).
Ai trung thành giữ luật thì phải cẩn thận để khỏi rơi vào trọng tội kiêu ngạo, giống như người Pharisêu trong đền thờ khinh dể người khác, tự coi mình là công chính trước mặt Thiên Chúa, đi ngược lại lời Kinh Thánh nói: “Trước thánh nhan Ngài chẳng có người nào là công chính” (Tv 143:2). Cũng có thể là người ấy không có can đảm để đi bước tiếp theo mà chính Lề Luật dẫn đưa. Người tuân giữ các giới răn thì ở trên con đường dẫn tới sự sống đời đời, như được thấy trong câu chuyện của người thanh niên đến hỏi Đức Giêsu: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?” (Lc 18:18). Chúa xác nhận rằng chàng thanh niên này đang đi đúng đường. Điều quan trọng ở đây là con đường này đã dẫn anh ta tới gặp Đức Giêsu để tiếp tục tìm kiếm, vì Đức Giêsu là “đường” dẫn tới sự sống (x. Ga 14:6) và là “cửa” dẫn vào Nước Trời (x. Ga 14:6). Khi Phaolô nhờ ánh sáng ân sủng hiểu được điều này, ngài đã không do dự đi theo con đường của Đức Giêsu với tất cả sức lực, con tim và trí khôn. Nhưng chàng thanh niên kia vì rất giàu nên đã không có can đảm giống như Phaolô.
Khi Đức Giêsu nói với đám đông là những người biết phân biệt các dấu hiệu của thiên nhiên nhờ kinh nghiệm và trí tuệ của họ, Đức Giêsu chê trách họ hai điều: họ không biết nhận ra thời hiện tại và không biết phán đoán điều gì là đúng. Họ biết giải thích về thời giờ và thời tiết, nhưng họ không thể nhận ra sự hiện diện của thời giờ cứu rỗi. Trong bài giảng mở đầu sứ vụ của Người tại hội đường Nadarét, Người trích sách ngôn sứ Isaia và tuyên bố rằng Người đang khai mở Năm của Đức Chúa, cái “hôm nay” của ơn cứu độ, trong đó các lời hứa của Sách Thánh được ứng nghiệm (x. Lc 4). Bắt đầu từ đó, tất cả những điều Đức Giêsu nói và làm là một sứ mạng loan báo Tin Mừng không biết mỏi mệt. Nhiều người nghe Người giảng và thấy các việc Người làm thì kinh ngạc và ngợi khen Thiên Chúa, “Hôm nay, chúng ta đã thấy những chuyện lạ kỳ!” (Lc 5:26). Khi các môn đệ ông Gioan Tẩy Giả đến hỏi Người có thật là Đấng Mêsia hay họ phải đợi một vị khác, Đức Giêsu trả lời họ bằng cách chỉ ra những kết quả của công việc loan báo Tin Mừng: “Người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe tin mừng” (Lc 7:22). Và nếu một mặt, Đức Giêsu buồn phiền vì sự bách hại và chống đối bởi các giới chức quan quyền đạo và đời, bởi những người giàu sang quyền thế không chịu ăn năn sám hối và từ chối mọi cơ hội hối cải, thì mặt khác, Người vui mừng hân hoa khi nhìn thấy niềm vui và sự đơn sơ của những con người thấp hèn đón nhận ánh sáng lời của Người và trở thành những môn đệ của Người để đi vào Nước Trời. Vì vậy, hoan hỉ trong Thánh Thần, Đức Giêsu thốt lên lời ca tụng tạ ơn Cha, Đấng đã che giấu những điều này với những kẻ khôn ngoan thông thái, nhưng đã mặc khải cho những kẻ bé mọn.
Trong tình trạng có những rủi ro cao, chúng ta phải quan tâm ít hơn tới việc giải thích những hiện tượng tự nhiên, và chăm chú nhiều hơn vào việc phân định giờ của lịch sử và giờ của Thiên Chúa. Cách tiếp cận thứ hai này sẽ ít thiệt hại hơn cách tiếp cận bị Đức Giêsu chỉ trích. Vì sự mặc khải về Đấng Mêsia cơ bản là việc của ân sủng, điều cấp bách và có tính quyết định là phải chớp thời cơ tiếp nhận ngay lúc nó được tỏ lộ, mở rộng tối đa lòng mình ra cho những kết quả của nó là ơn cứu độ. Điều này chỉ có thể xảy ra bằng cách tự do và vâng phục đáp lại những lời kêu gọi đặc biệt của sự hoán cải mà Chúa đã nói trên đường đi lên Giêrusalem. Cũng cần đặc biệt chú ý tới các dấu chỉ cụ thể của thời khắc này mà sự hiện diện của Đức Kitô làm cho phong phú bằng một sự mới mẻ tuyệt đối, tạo cho nó một ý nghĩa lịch sử và quan phòng tuyệt vời cho phần rỗi của chúng ta.
Nguồn: Uỷ ban loan báo Tin Mừng