“Chúng tôi rất buồn khi hàng tuần nhận các báo cáo về các vụ bách hại và bạo lực tôn giáo. Các linh mục, tu sĩ và giáo dân đã bị giết hại, bắt cóc hoặc lạm dụng trong khi thi hành sứ vụ”, ông Thomas Heine-Geldern, Chủ tịch điều hành của Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ nói trong một thông điệp cuối năm, đặc biệt đề cập đến Ấn Độ, Nigeria, Mozambique và các khu vực của Sahel.
Còn ông Alessandro Monteduro, Giám đốc Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ ở Ý cho biết cụ thể hoàn cảnh của các Kitô hữu bị bách hại trên thế giới như sau:
Năm qua là một năm đau khổ đối với quyền tự do tôn giáo. Tất cả phúc trình của các tổ chức bác ái và của các chính phủ đều cho thấy rõ điều này. Ước tính có khoảng 416 triệu Kitô hữu phải sống trong các vùng đất bị bách hại, nghĩa là hàng ngày họ phải đối diện với nguy cơ bị bách hại.
Nguyên nhân của sự gia tăng các vụ bách hại tôn giáo là do các chính phủ giảm kiểm soát, hiện tượng cực đoan hoá ngày càng tăng, thánh chiến bành trướng. Vì vậy các Kitô hữu ngày càng phải chịu đau khổ nhiều hơn. Điều này có thể thấy rõ ở châu Phi. Khắp châu Phi, có ít nhất vài chục tổ chức khủng bố có tham vọng đặt vương quốc Hồi giáo trên lãnh thổ.
Nhưng dù sao theo ông Monteduro vẫn có những ánh sáng hy vọng trong năm mới. Bởi vì, trong năm qua, chuyến viếng thăm lịch sử của Đức Thánh Cha đến Iraq đã mang lại kết quả. Cuộc tông du đã truyền tải một sứ điệp về sự tha thứ và hoà giải, tình liên đới và sự gần gũi với các anh chị em chúng ta, những người mà từ năm 2014 đến năm 2016 đã phải đau khổ vì cuộc bách hại của Nhà nước Hồi giáo. Bên cạnh đó, các chính phủ như Mỹ, Anh, Đức, Hà Lan… đã đưa ra các phúc trình về tự do tôn giáo. Ngoài ra họ còn có những đại sứ về lĩnh vực này. Tất cả những điều này là dấu hiệu của niềm hy vọng.
Hướng về tương lai, cách riêng năm mới 2022, ông Monteduro cho rằng “Cần phải cẩn thận, vì nếu không tình hình sẽ khó khăn hơn. Chúng tôi hy vọng đại dịch mau chấm dứt, bởi vì cùng với đại dịch, các cuộc bách hại tôn giáo vì thù hận đức tin cũng gia tăng”.