Video: Bước ngoặt mới – Đức Giáo Hoàng xin lỗi về vụ các bức tượng bản địa bị ném xuống sông Tiber


Khi khai mạc phiên họp vào chiều thứ Sáu 25 tháng Mười, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cập đến vụ đánh cắp các bức tượng vào ngày 21 tháng Mười. Ngài cho biết các bức tượng này đã được cảnh sát Ý vớt lên và có thể được trưng bày trong thánh lễ bế mạc Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon.

John Allen, ký giả kỳ cựu về Vatican của tờ Crux, có bài nhận định về biến cố này. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem ở đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt ngữ.

Pope apologizes for theft of Pachamama, says she could be back Sunday
John Allen

Đức Giáo Hoàng xin lỗi về vụ đánh cắp tượng Pachamama và nói rằng tượng ấy có thể quay lại vào hôm Chúa Nhật

Bi kịch xoay quanh vụ Pachamama – tức là vụ các bức tượng phụ nữ mang thai khỏa thân của người bản địa bị đánh cắp từ một nhà thờ ở Rôma và bị ném xuống sông Tiber – đã trở thành cốt truyện mang tính biểu tượng cho Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon năm 2019, và hôm thứ Sáu, bi kịch này lại có một khúc quanh khác nữa với một lời xin lỗi bất ngờ từ Đức Giáo Hoàng.

Khi khai mạc phiên họp vào chiều thứ Sáu 25 tháng Mười, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cập đến vụ đánh cắp các bức tượng vào ngày 21 tháng Mười.

Với tư cách là Giám mục của thành Rôma, nghĩa là người đứng đầu Giáo Hội địa phương ở Thành phố vĩnh cửu, Đức Phanxicô đã gởi lời xin lỗi đến bất kỳ ai cảm thấy bị xúc phạm bởi hành vi trộm cắp các bức tượng và ném chúng xuống sông.

Trong một đoạn video được nhanh chóng loan truyền trên các phương tiện truyền thông xã hội, Đức Phanxicô cho biết những bức tượng đã được trưng bày không có ý thờ ngẫu tượng trong Nhà thờ Santa Maria ở Traspontina, nằm ở giữa đường Đại Lộ Hòa Giải dẫn đến quảng trường Thánh Phêrô.

Đức Phanxicô cũng nói thêm rằng các quan chức thực thi pháp luật tại Rôma đã thu hồi những bức tượng bị vứt xuống sống và đang giữ chúng tại một đồn cảnh sát.

Lời xin lỗi của Đức Giáo Hoàng vào hôm Thứ Sáu là diễn biến mới nhất trong một bộ phim dài gần cả tháng xung quanh các bức tượng này. Lần đầu tiên chúng xuất hiện trong một buổi cầu nguyện của người bản địa vào ngày 4 tháng Mười được tổ chức trong khu vườn của Vatican trước sự chứng kiến của Đức Giáo Hoàng.

Các nhà phê bình truyền thống và bảo thủ ngay lập tức phản đối những gì họ cho rằng một thần tượng ngoại giáo đang được tôn kính ngay trên sân Vatican, trong khi một số người bảo vệ Đức Giáo Hoàng khẳng định rằng hình ảnh này thực sự là một mô tả của người bản địa về Đức Mẹ đi thăm bà Thánh Elizabeth, người chị họ của Mẹ, đang mang thai Thánh Gioan Tẩy Giả.

Cuối cùng, các phát ngôn viên của Vatican đã bác bỏ cả hai lời giải thích đó, nói rằng những hình ảnh chỉ cao khoảng một mét rưỡi này, chỉ đơn giản thể hiện sự tôn kính của người bản địa đối với cuộc sống và không có ý nghĩa tôn giáo hay tâm linh cụ thể nào.

Ông Paolo Ruffini, một giáo dân người Ý, là quan chức truyền thông hàng đầu của Vatican nói:

“Chúng ta biết rằng một số điều trong lịch sử có thể có nhiều cách giải thích, và ngay cả trong Giáo hội, bạn cũng có thể tìm thấy những điều như thế trong quá khứ, nhưng bức tượng chỉ đơn giản là đại diện cho sự sống, chấm hết, trong khi đó các cố gắng lùng kiếm các biểu tượng ngoại giáo là đang nhìn thấy điều ác nơi nó không có ở đó”.

Tuy nhiên, cách giải thích của ông không làm nguôi cuộc tranh cãi, và ý kiến của cả hai phía trong cuộc tranh luận gay gắt này đã bùng phát cả trên cả các phương tiện truyền thông xã hội và trên các hãng thông tấn Công Giáo.

Trong khi đó, những hình tượng này tiếp tục được cung nghinh trong cuộc rước hôm 6 tháng Mười từ Đền Thờ Thánh Phêrô đến Hội trường Thượng Hội Đồng Giám Mục của Vatican, và được trưng bày trong nhà thờ Santa Maria ở Traspontina, nơi một số giám mục tham gia Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon thường đến cử hành các thánh lễ sau khi kết thúc công việc hàng ngày của Thượng Hội Đồng.

Hôm thứ Ba, một người Ý đã công khai nhìn nhận hành vi trộm cắp và ném các ảnh tượng này xuống sông Tiber: Anh ta tên Davide Fabbri, 53 tuổi, người có biệt danh “Padre Davide”, và thường tự xưng mình là một “phó tế trừ tà”, nhưng các phương tiện truyền thông Ý nói rằng anh ta thực sự chưa được Giáo Hội Công Giáo phong chức này.

Fabbri đã đưa ra một tin nhắn video trên Youtube nói rằng anh ta là người đã lấy các bức tượng này, và tuyên bố rằng các bức tượng ấy đại diện cho giáo phái Satan.

Fabbri là một nhân vật nổi tiếng trong giới chính trị cực hữu ở Ý. Anh ta đã từng bị kết án tù treo và phạt tiền vì công khai biện minh cho chủ nghĩa phát xít, và như thế là vi phạm luật ngôn luận thù hận của Ý. Anh ta còn tuyên bố, mà không có gì xác nhận, rằng mình là họ hàng xa của Benito Mussolini. Người ta cũng thấy Fabbri mặc trang phục giáo sĩ trong các cuộc mít tinh chính trị được tổ chức bởi Matteo Salvini, lãnh đạo đảng Lega cực hữu của Ý. Ông Matteo Salvini là người nổi tiếng với lập trường chống người nhập cư cứng rắn và là cựu Phó Thủ tướng Ý.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói với các thành viên của Thượng hội đồng vào chiều thứ Sáu rằng chỉ huy hiến binh Ý ở Rôma, là người đang giữ các bức tượng, cho biết các tượng này có thể được trưng bày trong Thánh lễ bế mạc vào ngày Chúa Nhật, và ngài yêu cầu Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh trả lời.


Source:Crux