Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ một nhóm người bản địa tham gia Thượng hội đồng Vùng Amazon và nhìn nhận sự cần thiết phải đem Tin Mừng tới cho vùng này. (Tin Vatican)
Khoảng 3 giờ 30 chiều ngày thứ năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ khoảng 40 người dân bản địa, một số tham gia Thượng hội đồng Amazon, số khác tham gia vào các hoạt động văn hóa đang diễn ra song song với Thượng Hội đồng tại Rome. Nhóm này được Đức Hồng Y Claudio Hummes, người Brazil và Đức Tổng Giám Mục Roque Paloschi, giáo phận Porto Velho, Brazil tháp tùng
Theo tuyên cáo của ông Matteo Bruni, Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa thánh thì cuộc họp được mở đầu bằng hai bài phát biểu ngắn, được một người nữ và một người nam, đại diện cho người dân bản địa trình bầy. Họ bày tỏ lòng biết ơn đối với Đức Thánh Cha vì đã triệu tập Thượng hội đồng, và yêu cầu giúp đỡ thực hiện những ước muốn của dân bản địa, đảm bảo một nếp sống bình an và hạnh phúc cho người dân bản địa, chăm sóc vùng rừng núi của họ và bảo vệ vùng sông biển của họ cho con cháu được thừa hưởng trong tương lai!
Sau đó Đức Thánh Cha Phanxicô đáp từ ngắn cho những người hiện diện, nhấn mạnh đến cách rao giảng Tin mừng, như một hạt giống rơi xuống đất tốt làm phát sinh ra nhiều hoa trái… Liên quan đến Vùng Amazon, Văn phòng Báo chí Vatican tiếp tục thì Đức Thánh Cha đã nêu ra sự nguy hiểm của các hình thức thực dân mới.
Cuối cùng, Đức Thanh Cha Phanxicô đề cập đến nguồn gốc Kitô giáo, được phát sinh ra từ Do Thái, được phát triển trong thế giới Hy Lạp – Latinh, và sau đó lan tỏa đến các vùng đất khác như Slavic, Á Đông và Mỹ châu và Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc lại sự cần thiết phải tái truyền bá Tin Mừng. Mọi người có thể đón nhận được Tin mừng của Chúa bằng văn hóa riêng của quê hương đất nước họ sinh sống.
2. Nhận định của Đức Hồng Y Christoph Schönborn về Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon
Đức Hồng Y Christoph Schönborn của Vienna là thành viên của Ủy Ban Soạn Thảo Tài Liệu Sau Cùng của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Vùng Amazon. Ngài nói với Đài Phát Thanh Vatican về việc lên tiếng của ngài tại Thượng Hội Đồng và suy nghĩ của ngài đối với các hình thức thừa tác vụ mới.
Đức Hồng Y nói rằng ngài đã không đưa ra đề nghị “vì tôi ở đây với tư cách là một trong số ít người châu Âu trong Thượng hội đồng, và tôi nghĩ vai trò của chúng tôi chủ yếu là lắng nghe”.
Vì vậy, ngài nghĩ rằng tốt nhất là đặt câu hỏi và không đưa ra các đề nghị.
“Câu hỏi đầu tiên của tôi là: ‘Sự kiện 60% dân số Kitô giáo ở vùng Amazon ít nhiều theo phái Ngũ Tuần có nghĩa gì?’ Điều này có ý nghĩa gì đối với chúng ta, Giáo Hội Công Giáo mà rất nhiều người dân của chúng tôi đã rời khỏi Giáo Hội Công Giáo cổ truyền, nó có ý nghĩa gì đối với công việc mục vụ của chúng ta?”
Đức Hồng Y Schönborn nói, câu trả lời từ Thượng Hội Đồng là cần phải có một nền mục vụ không những chỉ viếng thăm – mà còn hiện diện nữa. Nếu những cộng đồng này, vốn phân tán trên cả hàng trăm kilômét trong vùng Amazon, được một linh mục đến thăm mỗi năm một lần, thì theo ngài, đó không phải là nền mục vụ hiện diện.
Ngài nhấn mạnh, “Phái Ngũ tuần hiện diện ở hầu hết các ngôi làng”, vì vậy thách đố không phải chủ yếu là các thừa tác vụ mới mà là sự hiện diện tốt hơn. Và hiện diện có nghĩa là ở tại chỗ, và có nghĩa là người ta sống ở đó”.
Đức Hồng Y Schönborn đã nhấn mạnh rằng có những giai đoạn cho mọi cuộc phong chức linh mục và giai đoạn đầu tiên là trở thành một phó tế.
Ngài kết luận, đã 50 năm, kể từ Vatican II, người ta đã bắt đầu với các phó tế vĩnh viễn, “vì vậy tôi nghĩ đáng đặt những câu hỏi này!”.
3. Đức Hồng Y Ấn Độ Oswald Gracias nhận xét về Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon
Đức Hồng Y Ấn Độ Oswald Gracias là một Nghị phụ Thượng hội đồng được Đức Giáo Hoàng Phanxicô bổ nhiệm. Trong một cuộc phỏng vấn với Vatican News, ngài nhìn Thượng hội đồng và các vấn đề của nó theo viễn ảnh Ấn Độ.
Là một nghị phụ, được Đức Giáo Hoàng Phanxicô bổ nhiệm, Đức Hồng Y Gracias là chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Ấn Độ (CBCI), nơi quy tụ các giám mục nghi lễ Latinh của Ấn Độ cũng như hai Giáo hội nghi thức phương Đông – Syro-Malabar và Syro Malankara.
Ngài từng là chủ tịch của Hội đồng Giám mục Công Giáo Ấn Độ (CCBI) theo nghi thức Latinh trong 3 nhiệm kỳ và cũng là cựu chủ tịch của Liên Hội đồng Giám mục Châu Á (FABC).
Lắng nghe những can thiệp khác nhau của Thượng hội đồng cho đến nay, Đức Hồng Y Gracias nói rằng ngài cảm thấy Giáo hội thực sự là một thân thể. Ngài nhận xét rằng châu Á, cũng như Ấn Độ, có những thách đố tương tự như người dân Amazon.
Đức Hồng Y bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đề cử ngài vào Thượng hội đồng vì ngài học hỏi được rất nhiều về những thách đố của người dân Amazon, hơi khác một chút nhưng như nhau về căn bản, như làm cho các giá trị Tin Mừng hiện diện và vươn tay ra với người nghèo ở các khu ngoại vi.
Một khía cạnh khác của Thượng hội đồng khiến Đức Hồng Y ngạc nhiên là sự quan tâm nhiệt tình của các giám mục Amazon dành cho những người nghèo khó đang đau khổ của các ngài. Các giám mục là tiếng nói của những người không có tiếng nói. Các ngài lắng nghe tiếng kêu than của người dân chống lại bạo lực, bóc lột, bất công và quan tâm sâu sắc đến tương lai của họ. Do đó, được hiện diện trong Thượng hội đồng là một kinh nghiệm học tập và là nguồn cảm hứng tốt đối với Đức Hồng Y Gracias.
4. Thủ tướng Abiy của nước Ethiopia giành được giải Hòa bình Nobel
Vị Thủ tướng rất linh hoạt của Ethiopia, Tiến sĩ Abiy Ahmed, đã được trao giải thưởng Nobel Hòa bình năm 2019. Qua giải thưởng này những nỗ lực của ông nhằm chấm dứt sự thù hận giữa đất nước ông với Eritrea cũng như những cải cách tích cực khác mà ông đã đề ra đã được nhìn nhận.
Ông Chủ tịch Berit Reiss-Andersen của Tổ chức trao giải Hòa bình Nobel tại Na Uy đã công bố tin ông Abiy thắng giải vào thứ Sáu tuần qua ngày 18/10/2019.
Thủ tướng Abiy, một nhà lãnh đạo trẻ nhất của Châu Phi, mới 43 tuổi, đã đề ra nhiều thay đổi tích cực đến độ đất nước này cho là họ đang phải cố gắng lắm mới bắt kịp được những viễn kiến của ông.
Các nhà phê bình và bình luận cho hay những chương trình thẳng thắn của Thủ tướng Abiy dù trên thực tế nước Eritrea đã không đáp ứng lại các thỏa thuận hòa bình của Ethiopia… Tuy nhiên ông chủ tịch Berit Reiss-Andersen cho hay hiện tại, những nỗ lực của Thủ tướng Abiy Ahmed được thừa nhận và được đem ra thực hành.
Theo Tổ chức Giải Hòa bình Nobel thì dù đất nước Ethiopia còn nhiều việc phải làm, nhưng Thủ tướng Abiy Ahmed đã có công khởi xướng những cải cách quan trọng mang lại cho dân chúng nhiều hy vọng về một cuộc sống tươi đẹp và một tương lai sáng lạn. Ông đã dành 100 ngày đầu tiên trong chức Thủ tướng của mình để cứu nguy cho đất nước, ân xá hàng ngàn tù nhân chính trị, chấm dứt nạn kiểm duyệt báo chí, hợp pháp hóa các nhóm đối lập ngoài vòng kiêm tỏa của luật pháp, bãi nhiệm chức vụ của các tướng lãnh quân sự và dân sự tham nhũng, và bảo vệ và làm thăng tiến đáng kể vai trò nữ giới trong đời sống chính trị và cộng đồng của người Ethiopia. Ông cũng cam kết dân chủ hóa chính quyền qua việc tổ chức các cuộc bầu cử tự do và công bằng.
Vào tháng Giêng năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có dịp tiếp kiến Thủ tướng Chính phủ Ethiopia.
Theo một thông báo được Văn phòng Báo chí Vatican phát hành thì vào thời điểm đó, Tòa thánh và Thủ tướng Abiy đã có những cuộc đàm phán thân thiện.
Vào ngày 7 tháng 1, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ca ngợi nước Ethiopia và Eritrea đã có những mối giao hảo tốt đẹp dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Abiy.
Đức Thánh Cha nói với các nhà ngoại giao rằng trong suốt năm qua, đã có dấu hiệu chung sống hòa bình được bảo đảm qua những thỏa thuận lịch sử giữa Ethiopia và Eritrea, nhằm chấm dứt hai mươi năm xung đột và khôi phục được mối giao hảo ngoại giao giữa hai nước.
Trước đây ngày 1 tháng 7 năm 2018, trong một buổi đọc Kinh Truyền tin tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô nói ngài đã theo dõi các sự kiện đang diễn tiến ở Ethiopia.
Trong muôn vàn người, tôi muốn nêu lên một nhân vật có nhiều viễn kiến được cho là có tính cách lịch sử, và đó là một tin tuyệt vời! Giờ đây sau 20 năm, chính phủ của Ethiopia và Eritrea đang có những đàm phán về chung sống hòa bình với nhau…
5. Cải tiến Hiệp Ước Hang Toại Đạo, ưu tiên chọn người nghèo và bảo vệ môi trường
Một nhóm Nghị Phụ Thượng Hội Đồng lặp lại “Hiệp Ước Hang Toại Đạo”. Vatican News cho hay, theo chân một số Nghị Phụ Công Đồng (Vatican II) năm 1965, một nhóm tham dự viên tại Thượng Hội Đồng Amazon đã tới Hang Toại Đạo Domitilla để tái khẳng định phương thức thời danh “ưu tiên chọn người nghèo”.
Ngày 16 tháng 11 năm 1965, chỉ mấy ngày trước khi bế mạc Công Đồng Vatican II, 42 Nghị Phụ Công đồng đã cử hành một Thánh Lễ tại Hang Toại Đạo Domitilla, khẩn xin Thiên Chúa ban ơn “trung thành với tinh thần của Chúa Giêsu” trong việc phục vụ người nghèo. Sau khi cử hành Thánh Lễ ấy, các ngài đã ký “Hiệp Ước Toại Đạo về Một Giáo Hội Nghèo và Phục Dịch”. Sau đó, hơn 500 Nghị Phụ Công Đồng đã ghi tên các ngài vào Hiệp Ước.
Hơn 50 năm sau, di sản của các Nghị Phụ Công đồng đã được nối tiếp bởi một nhóm tham dự viên tại Thượng Hội Đồng Giám Mục cho vùng Toàn-Amazon, một Thượng Hội Đồng đang tập chú vào chủ đề “Những nẻo đường mới cho Giáo hội và cho một hệ sinh thái toàn diện”. Đức Hồng Y Claudio Hummes, Tổng tường trình viên của Thượng hội đồng, đã chủ trì thánh lễ tại hang toại đạo, sau đó, các Nghị phụ Thượng hội đồng đã ký một “Hiệp ước Toại Đạo mới về Ngôi nhà chung. Về một Giáo hội có khuôn mặt Amazon, người nghèo và người phục dịch, tiên tri và Samaritanô”.
6. Các con số thống kê về đời sống Giáo Hội Công Giáo
Nhân Ngày Thế giới Truyền giáo lần thứ 93, được cử hành trong bối cảnh Tháng Truyền giáo ngoại thường tháng 10/2019, như thường lệ, hãng tin Fides đưa ra một số thống kê được chọn để cung cấp một cái nhìn toàn bộ về Giáo hội trên thế giới.
Các số liệu thống kê trích từ Niên giám Tòa Thánh và được cập nhật ngày 31/12/2017, liên quan đến các thành phần trong Giáo hội, các cơ sở mục vụ, các hoạt động trong lãnh vực y tế, từ thiện và giáo dục.
Dân số thế giới gia tăng
Theo thống kê này, cho đến ngày 31/12/2017, dân số thế giới là 7.408.374.000; tăng hơn 56 triệu người so với năm 2016 trước đó. Dân số gia tăng cao nhất là tại châu Phi, rồi đến châu Á, tiếp đến là châu Mỹ, châu Âu và châu Đại dương. Đặc biệt, sau 3 năm liên tục giảm, dân sô châu Âu tăng hơn 1 triệu người trong năm 2017.
Số tín hữu Công Giáo cũng gia tăng
Cũng vào cùng ngày cuối năm 2017, số tín hữu Công Giáo trên toàn thế giới là 1.313.278.000, tăng 14.219.000, bằng với số tín hữu gia tăng trong năm 2016. Sau 3 năm liên tục giảm, số tín hữu Công Giáo tại châu Âu tăng 259 ngàn trong năm 2017. Số tín hữu tại các châu lục khác cũng gia tăng, nổi bật là châu Phi với hơn 5,5 triêu, tiếp đến là Mỹ châu với hơn 6 triệu, và Á châu hơn 2 triệu.
Số tín hữu trung bình cho một linh mục
Với tỷ số gia tăng, tỷ lệ trung bình giáo dân mà một linh mục phải chăm sóc mục vụ cũng gia tăng; trung bình là 3.168 tín hữu cho một linh mục. Tại Mỹ châu, Âu châu và châu Đại dương, số tín hữu trung bình mỗi linh mục chăm sóc gia tăng, nhưng tại Á châu và Phi châu thì lại giảm.
Số cơ sở truyền giáo có một linh mục thường trú tăng thêm 2.659; đặc biệt tại Mỹ châu tăng thêm 460 điểm và Á châu thêm 133, trong khi tại châu Phi và châu Âu có suy giảm. Cách chung, các cơ sở truyền giáo không có linh mục thường trú giảm tại tất cả châu lục, tổng cộng giảm bớt 4.696 cơ sở.
Giám mục, linh mục
Số Giám mục trong năm 2017 là 5389 vị, tăng thêm 36 vị so với năm 2016. Số linh mục giảm 387 vị so với năm 2016, còn 414.582 vị; trong số này có 281.810 linh mục triều và 132.772 linh mục dòng. Số linh mục tại châu Âu giảm nhiều nhất, 2.946 vị, trong khi tại châu Phi và châu Á, mỗi nơi tăng hơn 1000 vị.
Số phó tế vĩnh viễn gia tăng thêm 582 vị, với tổng số là 46.894 vị; châu Mỹ có số phó tế vĩnh viễn tăng thêm nhiều nhất, 408 vị, tiếp đến là châu Âu, 142 vị.
Tu sĩ
Các nam tu sĩ không phải là linh mục giảm năm thứ năm liên tiếp; năm 2017 giảm gần 1100 vị, xuống còn 51.535 vị. Chỉ có tại châu Phi tăng 48 vị, còn tại các châu lục khác đều giảm.
Số nữ tu cũng giảm bớt 10.535 chị, xuống còn 648.910. Tại Phi châu tăng gần 1500 chị và Á châu tăng 1.118 chị, còn tại châu Âu giảm gần 8000 và châu Mỹ giảm gần 5000.
Số thành viên các tu hội đời nam còn 585, giảm nhẹ tại các châu lục. Trong khi các tu hội đời nữ cũng giảm bớt 343 thành viên, xuống còn 22.057 chị.
Số thừa sai giáo dân và giáo lý viên gia tăng
Số các thừa sai giáo dân và giáo lý viên trên toàn thế giới là 355.800, tăng 1.057, đặc biệt lại châu Âu tăng 836 và châu Mỹ tăng 691. Số giáo lý viên tổng cộng trên 5 châu lục là 3.120.321. Chỉ có châu Âu bị giảm gần 2900 người, còn tại các châu lục khác đều gia tăng, đặc biệt tại Mỹ châu tăng 22.532 và Phi châu tăng 11.405.
Số đại chủng sinh, cả triều và dòng, giảm hơn 800 trong năm 2017, tổng số còn 115.328 thầy. Châu Phi tăng 786 thầy trong khi Mỹ châu giảm 853, Âu châu 401 và Á châu 385. Số tiểu chủng sinh cũng giảm 835 người, còn 100.781.
Lĩnh vực giáo dục
Trong lĩnh vực giáo dục, Công Giáo điều hành hơn 71 ngàn trường mẫu giáo, với gần 7 triệu 304 ngàn học sinh; 101.527 trường tiểu học với hơn 34 triệu 558 ngàn học sinh; 48.560 trường trung học cơ sở với hơn 20 triệu 320 ngàn học sinh. Giáo hội còn đào tạo gần 2 triệu 346 ngàn học sinh trung học và hơn 2 triệu 945 ngàn sinh viên đại học.
Lĩnh vực bác ái và y tế
Về lĩnh vực bác ái và y tế, Giáo hội điều hành 5.269 bệnh viện, phần lớn ở châu Mỹ và châu Phi; hơn 16 ngàn trạm xã, chủ yếu tại châu Phi, châu Mỹ và châu Á; 646 cơ sở chăm soc người phong cùi, chủ yếu ở Ấ và Phi châu; hơn 15.700 nhà cho người cao niên hay khuyết tật; 9813 nhà mồ côi; hơn 13 ngàn trung tâm tư vấn hôn nhân; hơn 3100 trung tâm phục hồi và hơn 31 ngàn các loại cơ sở khác.
Các nước truyền giáo
Có 1.115 giáo phận và các cấu trúc thuộc Bộ Truyền giáo, phần lớn ở Phi và Á châu.