Từ hơn mười năm qua, các nữ tu đã phục vụ hàng trăm trẻ em nghèo Campuchia qua hoạt động giáo dục và hỗ trợ ngoại khóa. Tất cả bắt đầu từ một cuộc viếng thăm của sơ Kim tại một ngôi làng ở tỉnh Pursat, miền tây Campuchia. Sơ đã cảm thấy sốc khi các ngôi nhà vắng bóng trẻ em, bởi vì các em phải làm việc cùng với cha mẹ trên các cánh đồng hay đang làm lao động hàng ngày.
Sơ Kim cho biết: “Cha mẹ đưa con cái đi làm. Ở đây, cha mẹ ưu tiên việc nhà hơn việc học hành của con cái. Thật đáng buồn nhưng đó là một thực tế khó tránh khỏi vì họ quá nghèo.”
Một giáo viên người Campuchia chở sơ Kim bằng xe gắn máy đi từ nhà này sang nhà khác. Sơ đã gặp được Mooney, một cậu bé người Campuchia. Cậu bé phải lo việc nhà bởi vì cha mẹ của cậu quá nghèo và không quan tâm đến việc cho cậu đến trường học. Khi sơ Kim hỏi Mooney có muốn đến trường học không, trước mặt cha mẹ, cậu bé vui vẻ trả lời: “Dạ có. Dạ có”.
Dù rằng lần viếng thăm trước đây sơ đã cho Mooney một số sách giáo khoa nhưng lần này sơ không nhìn thấy những cuốn sách đó. Sơ lại cho cậu một sách giáo khoa khác và khuyến khích cậu học trước khi đến trường.
Campuchia đã có những tiến bộ đáng khen ngợi trong giáo dục với tỷ lệ đi học cao trong thời gian gần đây. Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp quốc, khoảng 97% trẻ em Campuchia đi học tiểu học trong năm học 2017-2018. Tuy nhiên, cơ quan này báo cáo rằng nhiều trẻ em sa sút trong học tập và cuối cùng bỏ học vì nhiều nguyên nhân như không được chuẩn bị đầy đủ để đến trường vì nghèo đói, thiếu dinh dưỡng và môi trường học tập, dạy và học kém, đi học không thường xuyên. Kết quả là nhiều trẻ em không đạt được các tiêu chuẩn học tập phù hợp với lứa tuổi của chúng. Ở cấp tiểu học, gần 25% trẻ em lớp 3 không thể viết một từ nào trong bài kiểm tra chính tả, và đến năm 17 tuổi, khoảng 55% thanh thiếu niên sẽ bỏ học.
Nhận thức được những khó khăn này, các nữ tu Hàn Quốc đã điều hành trường mẫu giáo Đức Mẹ Thương Xót cho hàng chục trẻ em ở giáo xứ Pursat và một phòng học ngoài giờ cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông ở bảy ngôi làng, giúp cho khoảng 800 trẻ em mỗi tuần.
Bên cạnh giáo dục phổ thông, các nữ tu cũng tổ chức đọc sách dành cho trẻ em và dạy tiếng Anh, ca hát, khiêu vũ, hoạt động nghệ thuật và thể dục. Các sơ cũng hỗ trợ cha sở ở giáo xứ Pursat trong các hoạt động thiêng liêng và mục vụ cho cộng đồng Công giáo.
Trước khi các nữ tu đến Pursat, nhiều trẻ em không được đến trường. Nhiều phụ huynh không biết chữ, thiếu nhiệt tình cho con đi học. Cha mẹ tiếp tục ưu tiên công việc hơn học hành, vì vậy việc con cái làm việc ở các cây xăng hoặc bán rau ở chợ là điều thường thấy.
Sơ Kwak cho biết sơ cảm thấy buồn mỗi khi một đứa trẻ bỏ học: “Tôi rất đau lòng mỗi khi nhìn thấy những đứa trẻ phải bỏ học vì nghèo. Khi tôi nhìn vào mắt những đứa trẻ, chúng thực sự rõ ràng và xinh đẹp. Tôi mong muốn được phục vụ các trẻ em của mình để chúng có thể lớn lên với phẩm giá Chúa ban cho”. Sơ rất vui khi được sống với người dân địa phương và cảm thấy rằng “đây là nơi có Chúa”. Sơ thích nhìn thấy các em học tập mặc dù phải đối mặt với những khó khăn trong một môi trường không thuận lợi.
Sơ cho biết, khủng hoảng tài chính là trở ngại lớn nhất đối với việc phục vụ của các sơ. Các hoạt động của các sơ dành cho trẻ em hầu hết phụ thuộc vào sự tài trợ của các nhà tài trợ hảo tâm. Do đại dịch Covid-19, nguồn tài trợ đã giảm đáng kể, khiến sứ vụ của các sơ rơi vào tình thế khó khăn. Sơ nói: “Các trẻ em của chúng tôi cần được hỗ trợ khẩn cấp. Thật đau lòng khi nhìn thấy trẻ em bỏ học vì nghèo. Chúng tôi giúp đỡ các em nhiều nhất có thể, nhưng khả năng của chúng tôi có giới hạn, vì vậy tôi cảm thấy bất lực.”
Các Kitô hữu ở Campuchia là một cộng đoàn thiểu số nhỏ bé, khoảng 2% dân số trong tổng số hơn 16 triệu với đa số theo Phật giáo. Số tín hữu Công giáo khoảng 20.000. Công giáo hầu như biến mất sau những biến loạn chính trị, nội chiến và chế độ diệt chủng Khơ-me Đỏ. Các nhà truyền giáo đã tái thiết Giáo hội từ đống tro đàn khi họ trở lại Campuchia vào những năm 1990 sau Hiệp định Paris.
Sự tái sinh của Giáo hội ở Campuchia cho phép các nhà truyền giáo như các nữ tu Hàn Quốc đến nước này để đóng góp sự hỗ trợ quan trọng cho các cộng đồng nghèo và dễ bị tổn thương.
Trở lại Pursat, Sơ Kwak vẫn kiên định tiếp tục sứ mạng giáo dục trẻ em nghèo của các nữ tu. Sơ nói: “Tôi tha thiết kêu gọi nhiều người tham gia chương trình tài trợ để đôi mắt trong sáng và ước mơ của các em được bảo vệ.” (Ucanews 30/11/2021)