VÌ SAO CẦN TẬP THỂ DỤC
Có thể bạn đã biết việc tập thể dục hằng ngày rất tốt cho sức khỏe, rằng nó giúp bạn phòng bệnh và làm cho bạn cảm thấy sảng khoái hơn. Tuy nhiên có khi vì các lý do như thời tiết, địa điểm tập luyện không thuận lợi, bận công việc… làm cho bạn ngại tập. Khi đó bạn cần có lý lẽ thuyết phục để vượt lên chính mình. Bài viết dưới đây sẽ giúp ích nhiều cho bạn.
Cơ và xương chắc khỏe hơn
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, khối lượng xương tỷ lệ thuận với hoạt động thể lực. Ở người năng tập luyện có mật độ chất khoáng cao ở xương đùi, xương cánh tay, xương gót, xương sống và xương bàn chân hơn hẳn so với người bình thường. Vận động viên chạy cự ly dài có hàm lượng chất khoáng trong xương cao hơn tới 20% so với những người bình thường. Nữ vận động viên và nữ sinh đều có nhiều chất khoáng trong xương cao hơn là phụ nữ không luyện tập.
Phụ nữ sau tuổi mãn kinh mà tập thể dục đều thì mật độ xương chắc hơn nhiều so với phụ nữ mãn kinh ít hoạt động. Người trên 50 tuổi các hoạt động thể lực có tác dụng lên bộ xương càng lớn, dù đó là liều lượng hoạt động thấp như đi bộ và tập 1 giờ, với 2-3 lần một tuần. Ở xương chày của người cao tuổi, chỉ sau 16 tháng tập luyện, chất khoáng trong xương tăng cao hơn khoảng 5 – 10% so với trước lúc tập luyện hoặc so với người không tập luyện. Luyện tập thường xuyên có thể giúp ngăn ngừa bệnh loãng xương. Tập luyện giúp hệ cơ rắn chắc, nở nang. Bạn hãy nhìn các lực sĩ cử tạ, ở họ sự luyện tập đã được trả một kết quả là toàn bộ khối lượng cơ rất nở nang rắn chắc.
Tương tự như vậy, khi bạn tập thể dục thường xuyên, khối lượng cơ của bạn vẫn được duy trì và phát triển. Những người năng tập luyện ít bị teo cơ hơn nhiều so với người không tập luyện cùng độ tuổi và cân nặng. Nhờ tăng cường sức mạnh cơ và xương, bạn cũng có thể cải thiện thăng bằng và phối hợp động tác, giảm nguy cơ bị ngã, làm việc dẻo dai hơn, nếu mệt mỏi thì nhanh bình phục hơn. Luyện tập giúp bạn duy trì cân nặng bình thường nhờ thường xuyên tiêu thụ năng lượng. Nhờ đó bạn có thể giảm lượng mỡ thừa, mang lại cho bạn một cơ thể khỏe mạnh hơn, giảm áp lực đè lên xương và khớp, giúp phòng chống các bệnh xương khớp.
Tập thể dục làm giảm nguy cơ mắc bệnh
Đối với tim mạch, khi bạn luyện tập thường xuyên, toàn bộ hệ tim mạch đều được lợi, bởi tác dụng của luyện tập là: ngăn ngừa tăng huyết áp, làm giảm huyết áp nếu bạn đã bị tăng huyết áp, làm tăng nồng độ cholesterol tỷ trọng cao – HDL được coi là “tốt” vì chúng có thể quét bỏ các chất béo khác kết dính ở thành động mạch, làm cho tim khỏe hơn để bơm máu hiệu quả hơn và mang nhiều ôxy và dưỡng chất cần thiết đi nuôi cơ thể, điều này lý giải vì sao bạn thường cảm thấy khỏe khoắn hơn và sung sức hơn sau khi luyện tập. Luyện tập thường xuyên giúp bạn thở sâu và đều, phổi giãn nở với dung tích lớn hơn, nhờ đó có thể hấp thu được nhiều ôxy để nuôi dưỡng tế bào. Như vậy việc luyện tập làm giảm nguy cơ mắc bệnh và tử vong do bệnh tim mạch.
Đối với bệnh tiểu đường: luyện tập thường xuyên cùng với chế độ ăn lành mạnh là cách tốt nhất để ngăn ngừa và kiểm soát bệnh. Nhờ luyện tập có thể giúp insulin hoạt động tốt hơn và làm giảm đường huyết. Khi vận động cơ bắp trong quá trình luyện tập, chúng sử dụng đường để tạo năng lượng. Bù đắp nhu cầu năng lượng này, đường được lấy ra khỏi máu trong và sau khi tập, điều này làm giảm nồng độ đường máu. Luyện tập cũng làm giảm đường huyết nhờ làm tăng độ nhạy cảm với insulin, giúp cơ thể sử dụng hiệu quả hơn insulin có sẵn để chuyển hóa đường.
Luyện tập còn giúp chống lại bệnh trầm cảm nhờ hoạt hóa các chất dẫn truyền thần kinh serotonin và norepinephrin. Nồng độ của các chất này và sự cân bằng giữa chúng ảnh hưởng đến cách bạn ứng xử với các sự kiện hằng ngày. Khi bị trầm cảm, nồng độ serotonin và norepinephrin có thể không đồng bộ hóa. Luyện tập thể dục giúp đồng bộ hóa các hóa chất này của não, nên giúp chống bệnh trầm cảm. Luyện tập còn kích thích sản sinh các endorphin là chất dẫn truyền thần kinh tạo ra cảm giác sảng khoái hay gọi là sự hưng phấn của vận động viên.
Luyện tập cũng làm giảm nguy cơ ung thư. Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến cáo, mọi người nên vận động để tránh ung thư đại tràng bởi vì vận động giúp đưa cặn bã tiêu hóa ra khỏi cơ thể mau hơn và chất có hại trong thực phẩm không có thời gian gây tác hại. Theo BS. Edward R. Eichner, Đại học Oklahoma, sự vận động ngừa ung thư vú gián tiếp bằng cách làm giảm béo, tăng sự miễn dịch và thúc đẩy mọi người sống lành mạnh với ít thói quen xấu như uống rượu, hút thuốc lá cũng như ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng hơn.