Linh mục và chủ nghĩa giáo sĩ trị


LINH MỤC VÀ CHỦ NGHĨA GIÁO SĨ TRỊ

Linh mục Phêrô Huỳnh Thế Vinh

WHĐ (07.4.2022) – Trước Công đồng Vatican II, người ta thường coi linh mục thuộc một tầng lớp đặc biệt, nếu không muốn nói là một giai cấp nổi bật, với những hình ảnh và những trách vụ chuyên biệt được xác định rõ trong Giáo hội. Nhưng sau khi giáo lý của Công đồng Vatican II về giáo dân trở nên phổ biến, dân chúng bắt đầu tái khám phá chân lý truyền thống: hết thảy mọi thành phần của Giáo hội đều chia sẻ tư cách linh mục vương giả của Đức Kitô, mỗi phần tử có một đặc sủng riêng biệt, nhờ đó họ phải góp phần vào việc xây dựng Giáo hội. Và từ đây, trong hàng ngũ linh mục xuất hiện hai hình thức thái quá. Hình thức thứ nhất thuộc về những người không nhận biết hoặc không đón nhận tinh thần của Công đồng, họ hành xử cách chuyên chế theo chủ nghĩa giáo sĩ trị. Hình thức thứ hai thuộc về những người do hiểu sai những đòi hỏi của Công đồng, họ bỏ mặc nguyên lý về một người chịu trách nhiệm và cho phép các cộng tác viên trong giáo xứ đi theo đường lối riêng rẻ, mà chẳng cung cấp cho họ những chỉ dẫn và phương hướng nào.

Cả hai hình thức này đã và đang tàn phá Giáo hội. Nhưng có lẽ mức độ tàn phá của chủ nghĩa giáo sĩ trị thì trầm trọng và phổ quát hơn. Đức Giáo hoàng Phanxicô nói: “Thái độ giáo sĩ trị không chỉ huỷ đi đặc tính của người Kitô hữu, nhưng còn dẫn đến việc giảm thiểu và hạ thấp ơn bí tích Rửa Tội mà Chúa Thánh Thần đã đặt vào con tim của người tín hữu. Giáo sĩ trị dẫn đến việc áp đặt chuẩn mực cho giáo dân, bằng cách đối xử với họ như những “kẻ thừa hành”. Giáo sĩ trị hạn chế những cố gắng và sáng kiến phong phú để mang Tin Mừng vào những lãnh vực khác nhau của hoạt động xã hội. Giáo sĩ trị còn lâu mới tạo ra xung lực cho những đóng góp và sáng kiến khác nhau, đồng thời nó dập tắt dần ngọn lửa tiên tri mà toàn thể Giáo hội được mời gọi làm chứng trong tim người tín hữu. Giáo sĩ trị quên rằng tính hữu hình và tính bí tích của Giáo hội thuộc về toàn thể dân Chúa (x. Lumen Gentium, 9-14), chứ không chỉ thuộc về những người được tuyển chọn và những người thông thái.”

Vào năm 2018, giữa lúc Giáo hội bị bao phủ bởi các vụ lạm dụng tình dục và bê bối tài chính, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã viết Thư gửi dân Chúa và chỉ rõ một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này chính là giáo sĩ trị: “Giáo sĩ trị, dù được dung dưỡng bởi chính các linh mục hay bởi những người giáo dân, đều gây ra sự chia tách trong thân thể Giáo hội; sự chia tách này vừa tạo điều kiện vừa dung dưỡng nhiều sự ác mà ngày nay chúng ta đang tố giác. Nói ‘không’ với những lạm dụng là dứt khoát nói ‘không’ với mọi hình thái giáo sĩ trị”.

Cho nên, để canh tân Giáo hội và để Giáo hội tiến bước trong sứ mạng loan báo Tin Mừng thì người linh mục cần phải “giải gỡ gánh nặng của nền văn hóa thấm nhiễm chủ nghĩa giáo sĩ trị do lịch sử để lại, cũng như giải gỡ những thói tục thi hành quyền bính mà từ đó mọi thứ lạm dụng khác như quyền lực, tiền bạc, lương tâm, và tình dục… có cơ hội bám vào.

I. ĐỊNH NGHĨA VÀ BIỂU HIỆN

Đức Giáo hoàng Phanxicô định nghĩa: “Chủ nghĩa giáo sĩ trị phát xuất từ cái nhìn đặc quyền và ưu tuyển về ơn gọi, theo đó chức vụ được nhận lãnh bị xem như là một quyền lực để hành xử, hơn là một ân sủng nhưng không và quảng đại để phục vụ và trao ban. Chủ nghĩa giáo sĩ trị khiến chúng ta tin rằng chúng ta thuộc về một tầng lớp cao cấp, có tất cả các câu trả lời cho mọi vấn đề và không còn cần phải lắng nghe hoặc học hỏi bất cứ điều gì. Chủ nghĩa giáo sĩ là một sự sa đọa của hàng giáo sĩ.”

Chủ nghĩa giáo sĩ trị biểu hiện rõ nơi hai chủ thuyết nguy hiểm được nhắc đến trong Tông huấn Vui Mừng Hân Hoan (Gaudete et exsultate), đó là: Thuyết Tân Ngộ Đạo và Thuyết Tân Pêlagiô:

– Thuyết Tân Ngộ Đạo đề cao tri thức và kinh nghiệm cá nhân đến mức cho rằng chỉ có tri thức và kinh nghiệm của mình là đúng với thực tại. Những người theo chủ thuyết này tin rằng nhờ kiến thức có được, họ sẽ làm cho mọi sự được sáng tỏ và rõ ràng. Nói cách khác, họ muốn “làm chủ” kể cả các mầu nhiệm về Thiên Chúa, về ân sủng và về các bí ẩn của con người.
  Còn thuyết Tân Pêlagiô thì đề cao kinh nghiệm thực tế và cơ cấu tổ chức. Nó khiến cho con người chỉ biết tin vào sức mạnh của mình, tin vào thành công nhờ tài năng cá nhân, và luôn khẳng định con người có thể đạt tới mọi sự nhờ ý chí và nỗ lực cá nhân, còn ơn Chúa chỉ là tùy phụ[7]. Đôi khi nó làm cho người ta tự nhận mình trên người khác, tốt hơn người khác vì đã nghiêm túc tuân giữ luật lệ hoặc vẫn trung thành với một kiểu sống đạo đặc thù nào đó.Rõ ràng, trong cả hai trường hợp, người ta không thực sự quan tâm đến Thiên Chúa hay tha nhân, mà chỉ quan tâm tới chính mình và tin tưởng vào lý trí, ý chí và sức mạnh của bản thân.

Sau đây là một số điều xem ra tiêu cực nhưng có lẽ hữu ích và thực tế để giúp mỗi người suy nghĩ và phân định trước mặt Chúa, xem mình có đang bị rơi vào chủ nghĩa giáo sĩ trị với những biểu hiện nơi hai chủ thuyết trên hay không?

1- Linh mục chỉ quan tâm đến sự hiểu biết, thường muốn nắm bắt nhiều thông tin kể cả thông tin riêng tư của người giáo dân, chỉ để điều khiển họ, nhưng lại dửng dưng trước nỗi đau khổ của họ, tức là “không có khả năng chạm đến xác thịt đau khổ của Đức Kitô nơi tha nhân”

2- Linh mục đề cao sự hiểu biết và kinh nghiệm của bản thân, có khi coi thường giáo dân vì họ không được học, được huấn luyện như mình, rồi cho rằng mình ở giai tầng cao hơn vì “được gọi, chọn và sai đi” tức là thuộc về tầng lớp ưu tuyển. Cụ thể, bản thân cho rằng bởi vì mình biết một điều gì đó, hoặc có thể giải thích nó một cách rõ ràng hơn, nên mình đã hoàn hảo và tốt hơn đa số người thiếu hiểu biết. Thánh Gioan Phaolô II đã cảnh báo về cám dỗ của những người có học thức cao trong Giáo hội: “Họ rất dễ cảm thấy một cách nào đó mình ở trên các thành phần tín hữu khác.”

3- Linh mục nghĩ rằng bản thân luôn có thể đưa ra những giải pháp hoàn hảo cho mọi vấn đề ở mọi khía cạnh, kể cả các mầu nhiệm về Thiên Chúa, đời sống thiêng liêng, hay về bí mật lương tâm của người khác. Để giải quyết một vấn đề thì giải pháp được linh mục ưu tiên tìm kiếm và áp dụng luôn là giải pháp cậy dựa vào trí năng, kinh nghiệm, cơ cấu tổ chức, chứ không là các giải pháp cậy dựa vào ơn Chúa, mang tính thiêng liêng, đạo đức và bác ái Kitô giáo.

4- Linh mục áp dụng Lời Chúa hay sự hiểu biết của mình về chân lý mạc khải một cách máy móc, lạnh lùng và khắt khe nhằm để răn đe và hăm dọa, để chế ngự và điều khiển giáo dân theo ý mình hoặc muốn giám sát chặt chẽ cuộc sống của họ. Đối với hàng giáo sĩ “khi thiếu chiều kích hiến tế trong tình yêu, người ta rất dễ rơi vào cám dỗ muốn thống trị giáo dân, điều này luôn gây ra sự đối kháng giữa người có chức thánh với dân chúng.”

5- Linh mục nhìn nhận và đánh giá về một người hay về một thực tại nào đó chỉ hoàn toàn dựa trên dư luận, kinh nghiệm hay sự hiểu biết cá nhân mà thôi.

6- Linh mục bị ám ảnh về lề luật, giữ luật chi li, quá coi trọng luật lệ đến mức nô lệ cho luật, xem xét và áp dụng luật một cách khắc khe, cứng nhắc đối với giáo dân.

7- Linh mục quá bận tâm đến những ưu thế trong tương quan về mặt chính trị và xã hội; chẳng hạn ưu tiên tìm kiếm những sự ưu đãi hay hậu thuẫn từ chính quyền, từ các tổ chức xã hội, hoặc săn lùng và sẵn sàng nhận những trợ giúp cho dù những trợ giúp đó luôn kèm theo các điều kiện không phù hợp với tinh thần công bằng và bác ái của người Kitô hữu.

8- Linh mục bận tâm quá mức về những chương trình tự lực, cậy dựa vào những chương trình đã được lên chi tiết, rồi áp dụng chúng một cách máy móc, thiếu tính uyển chuyển và thiếu niềm tin vào hoạt động của Chúa Thánh Thần.

9- Linh mục tự hào về năng lực xử lý những vấn đề thực tiễn của mình. Nhưng một khi quá tin tưởng vào khả năng của mình, thì người linh mục không còn thấy nhu cầu cần cầu nguyện, nói rộng hơn là không còn thấy sự hiện diện của Thiên Chúa nơi cuộc đời mình, nơi tha nhân… Trong thực tế, đời sống của linh mục không đi đôi với lời linh mục giảng về tầm quan trọng của ân sủng, và khi gặp những khó khăn cụ thể thì linh mục không đặt niềm tin vào ân sủng của Chúa.

10- Linh mục chú ý quá nhiều đến các thành tựu cá nhân, tìm kiếm những thành công mục vụ theo kiểu cá nhân. Nhưng, sự thật thì “bất cứ điều gì được thực hiện từ sự lo âu, tự hào hoặc nhu cầu gây ấn tượng với những người khác sẽ không dẫn đến sự thánh thiện”

II. NGUYÊN NHÂN

1. Về mặt Triết học

Chủ nghĩa giáo sĩ trị có thể được coi là con đẻ của chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tương đối đang rất thịnh hành trong lối suy nghĩ của con người ngày nay.

Chủ nghĩa cá nhân một mặt giúp người ta ý thức hơn về vị trí ưu việt của con người; nhưng mặt khác, nó khiến con người dễ bị đóng kín với những tư lợi, suy tôn cá nhân lên mức tuyệt đối và làm suy yếu những mối dây liên hệ giữa người với người[16]. Đức Giáo hoàng Phanxicô đã chỉ ra ba gương mặt độc hại luôn song hành với chủ nghĩa cá nhân, đó là chủ nghĩa tiêu thụ, tinh thần thế tục và chủ nghĩa duy vật chất. Ba gương mặt này khiến người linh mục thèm khát sở hữu, hưởng thụ và quên đi các lời khuyên Phúc Âm.

Chủ nghĩa tương đối cho rằng “những chân lý về mặt đạo đức tùy thuộc vào các cá nhân và các nhóm tuân giữ”[18]. Nói cách khác, triết thuyết này chủ trương không có chân lý phổ quát, chỉ có những chân lý khác nhau, có bao nhiêu dân tộc, xã hội, văn hóa, thì có bấy nhiêu ‘chân lý’.[19] Trong trật tự giá trị của thế giới, cũng như trong nhận thức về thế giới thì tính cá nhân của mỗi người như cảm giác, ý tưởng, thái độ, cảm xúc, và niềm tin luôn chiếm vị thế ưu tiên. Họ tự đặt ra cho mình chân lý đạo đức và chuẩn mực riêng, rồi có khi họ buộc người khác phải theo, như kiểu: “Tụi tôi thổi sáo cho các anh, mà sao các anh không nhảy múa; tụi tôi hát bài đưa đám, mà sao các anh không đấm ngực khóc than.” (Mt 11,17). Theo Đức Bênêđictô XVI, vì triết thuyết này không nhìn nhận điều gì là phổ quát và bền vững, nên cuối cùng tiêu chuẩn tối thượng duy nhất chính là cái tôi và những ước muốn của nó. Và ẩn dưới dáng vẻ của tự do, nó lại biến thành ngục thất cho mỗi người vì nó ngăn cách con người với nhau, khóa chặt mỗi người trong cái tôi ích kỷ của mình.

Suy tôn cá nhân quá mức, xem mình là chân lý và không chấp nhận chân lý phổ quát thì chắc chắn sẽ sinh ra thái độ giáo sĩ trị.

2. Về mặt Thần học

Chủ nghĩa giáo sĩ trị có thể xuất phát từ sự hiểu lầm trong cái nhìn về căn tính linh mục. Trong giáo huấn truyền thống, linh mục thường được định nghĩa với hai cụm từ “tôi tớ của Chúa Kitô – doulos Jesou Christou” và “Chúa Kitô khác – alter Christus”. Hai định nghĩa này cần được bổ sung cho nhau, nếu bị tách biệt sẽ đưa đến sự thiếu sót và hiểu lầm.

Linh mục là tôi tớ của Chúa Kitô, một định nghĩa mà ngày nay ít được quan tâm. Trong khi thi hành sứ vụ, linh mục không mang trong mình tâm thế thống trị, nhưng là tâm thế của một người tôi tớ phục vụ. Chúa Kitô dạy bảo các tông đồ: “Khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.” (Lc 17,10). Đồng thời, linh mục cũng nhìn ơn gọi của mình theo cách của thánh Phaolô và các tông đồ: “Chúng tôi không rao giảng chính mình, nhưng rao giảng Đức Giêsu Kitô là Chúa, và chính chúng tôi là nô lệ của anh chị em vì Đức Giêsu.” (2 Cr 4:5). Vậy, chức linh mục là sự phục vụ lưỡng diện. Linh mục phục vụ Chúa Kitô bằng cách rao giảng Chúa Kitô, hơn là chính mình, và phục vụ dân chúng vì Chúa Kitô.

Điều này đúng, nhưng chưa đủ. Bởi vì nó không cho thấy sự nối kết nội tại mang tính bí tích giữa người linh mục và Chúa Kitô; không cho thấy sức mạnh của ân sủng và của chính Chúa Kitô hành động qua con người linh mục. Linh mục còn là alter Christus. Linh mục hành động trong cương vị của Chúa Kitô là đầu (In persona Christi capitis). Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II giải thích: cụm từ “in persona Christi” không chỉ có nghĩa là việc hành động ‘trong cương vị’ của Chúa Kitô, mà còn có nghĩa là sự đồng nhất hóa biệt loại có tính bí tích giữa người linh mục với Chúa Kitô. Qua con người linh mục, Chúa Kitô thật sự là tác giả và chủ thể chính của hy tế Thánh Thể, một hy tế trong đó không ai có thể lấy chỗ của Người.

Nếu linh mục chỉ là một tôi tớ được Chúa Kitô ủy quyền, thì Chúa Kitô có thể không phải là “chủ thể chính” của hành vi bí tích mà linh mục cử hành, bởi lẽ chỉ có một mình linh mục hiện diện mà thôi. Đang khi đó “sự đồng nhất hóa biệt loại của bí tích” có nghĩa rằng linh mục không chỉ hành động như một đại diện của Chúa Kitô, mà linh mục còn tự do để cho Chúa Kitô chiếm hữu những hành vi bí tích của mình theo một cách thức đến nỗi chính Chúa Kitô hành động qua linh mục. Linh mục trở thành một alter Christus.

Nhưng ngày nay, từ alter Christus đã bị hiểu lầm cách nguy hiểm. Linh mục thường lầm tưởng mình là Chúa Kitô. Không! điều này không đúng, linh mục không nhân bội Chúa Kitô; linh mục chỉ là những ‘khí cụ’ sống động và tự do của một Chúa Kitô duy nhất, đấng hiện diện như “chủ thể chính của những hành động của linh mục.” Linh mục là alter Christus không có nghĩa linh mục là Chúa Kitô, nhưng có nghĩa linh mục là khí cụ để Chúa Kitô hành động và thực hiện công trình cứu độ của Người qua linh mục.

Là alter Christus, linh mục phải ý thức nỗ lực để Chúa Kitô sống và chiếu sáng qua con người và đời sống hằng ngày của mình; nhưng đồng thời, linh mục phải chống lại cám dỗ liên lỉ là lẫn lộn chính mình với Chúa Kitô. Cám dỗ nghĩ mình là Chúa Kitô lớn mạnh lên cùng với những sự thành công trong việc rao giảng, mục vụ, và kể cả việc “làm phép lạ” hay “trừ quỷ”… Cám dỗ nghĩ mình là Chúa Kitô, nghĩ rằng quyền lực, sức mạnh và thành công có được là do mình sẽ khiến linh mục đi đến thái độ độc tài, giáo sĩ trị. Họ dễ dàng bất tuân Đấng bản quyền, rồi rời khỏi Giáo hội, và lập ra những nhóm hay giáo phái mà chúng ta thường thấy ngày nay.

Thánh Bênađô thuật lại câu chuyện về con ngựa chở vị hoàng tử. Con ngựa nghĩ rằng tất cả danh dự và vinh quang dân chúng đang tung hô đều được nhắm đến mình. Và thánh nhân giải thích: linh mục nào nghĩ rằng sự hoan hô và kính trọng được nhắm đến cá nhân mình, hơn là đến Chúa Kitô thì cũng chính là con ngựa khờ dại đó vậy. Ngoài ra, Thánh Bênađô còn so sánh: ơn gọi của linh mục cũng tương tự như ơn gọi của Gioan Tẩy giả. Linh mục chuẩn bị và dẫn các linh hồn đến với Chúa Kitô, và hân hoan vì Chúa Kitô và các tâm hồn gặp gỡ nhau, chớ không để mình trở thành chướng ngại vật cho mối tương quan này.

III. LINH MỤC HIỆP HÀNH: HIỆP THÔNG, THAM GIA VÀ SỨ VỤ

Để cải tạo một mảnh vườn hay canh tân đời sống linh mục, chúng ta không chỉ ra sức nhổ cỏ dại là những thói xấu nơi chủ nghĩa giáo sĩ trị, mà còn cố gắng vun trồng những cây hoa xinh đẹp là những chiều kích của tinh thần hiệp hành. Hiệp thông, tham gia và sứ vụ là ba chiều kích để tạo nên một linh mục hiệp hành.

1. Hiệp thông

Giáo sĩ trị là hình thức tự tách mình ra khỏi mối hiệp thông với Thiên Chúa và tự suy tôn mình làm Chúa. Cho nên, để chống lại chủ nghĩa giáo sĩ trị, Bộ giáo sĩ và Ban thư ký Thượng Hội đồng đã viết thư gửi các linh mục và khuyên các linh mục “hãy làm mọi thứ có thể để cuộc đời mình luôn dựa trên việc lắng nghe và thi hành Lời Chúa.”[25] Nếu đời sống linh mục không có nền tảng của Lời Chúa, thì linh mục có nguy cơ bước đi trong tối tăm và những suy tư của linh mục có thể trở thành một ý thức hệ.

2. Tham gia

Công đồng Vatican II đã đề cao vai trò của người giáo dân trong việc tham gia xây dựng Giáo hội. Sự tham gia tích cực và đa dạng của giáo dân trong giáo xứ không khiến cho vai trò lãnh đạo của linh mục suy giảm, nhưng còn làm cho vai trò và trách nhiệm đó trở nên quan trọng và nặng nề hơn. Linh mục vừa phải tranh thủ sự cộng tác tích cực của giáo dân, vừa điều phối những hoạt động của họ; cũng như góp ý, phê bình và khuyến khích họ. Thách đố lãnh đạo của linh mục ngày nay lớn hơn nhiều so với thời xưa.[27] Để thi hành sứ vụ của mình trong chiều kính tham gia này, Bộ giáo sĩ và Thượng hội đồng mời gọi các linh mục hãy đào luyện cho mình khả năng lắng nghe.

Trong thực tế, các cá nhân và các nhóm trong giáo xứ rất thường xuyên có nguy cơ rơi vào chủ nghĩa cá nhân và tự quy chiếu về mình. Với khả năng lắng nghe, linh mục có thể làm rất nhiều điều tốt lành để hàn gắn các mối tương giao và chữa lành những vết thương trong giáo xứ.[29] Thế nhưng, trong mục vụ, linh mục thường có xu hướng nóng vội, muốn đưa ra lời khuyên ngay lập tức để giải quyết vấn đề. Việc này cũng giống như trường hợp bác sĩ “kê toa” trước khi “khám bệnh”. Chắc chắn toa thuốc sẽ không chính xác và đặc biệt người bệnh sẽ mất lòng tin nơi vị bác sĩ. Họ sẽ chẳng dám uống thuốc của bác sĩ và cũng không bao giờ đến với vị bác sĩ đó nữa. Linh mục không biết lắng nghe thì không chỉ làm mất lòng tin nơi giáo dân mà còn đẩy họ ra xa mình.

3. Sứ vụ

Đa số chúng ta đều quen thuộc với câu nói của Đức Phanxicô, theo đó ngày nay Giáo hội phải là “bệnh viện dã chiến”.[30] Thế giới hiện nay được xem như là một chiến trường, nơi đó diễn ra các cuộc chiến đấu, tranh giành của các cá nhân, phe nhóm, đảng phái, … và các cuộc chiến đó luôn để lại vô số những nạn nhân.[31] Trong bối cảnh này, Giáo hội không thể nhác đảm đóng cửa, rút lui khỏi cuộc chiến. Giáo hội cần mở tung cửa, can đảm đi ra khỏi vùng an toàn của mình, dấn thân đến tuyến đầu của trận chiến, nhưng không phải tham gia vào trận chiến để gây thêm đau khổ và chết chóc, mà là để gặp gỡ, cứu giúp những nạn nhân đau khổ của cuộc chiến. Mỗi nhóm, mỗi cộng đoàn và mỗi giáo xứ sẽ là một “bệnh viện dã chiến”, một “quán trọ” để cứu chữa những anh chị em bị tổn thương đang nằm bên lề xã hội.

Giáo hội là bệnh viện dã chiến không phải là một ý tưởng mới, nhưng là một hình ảnh rõ nét ngay từ thời Giáo hội sơ khai. Giáo hội lúc đó được miêu tả là nơi đón nhận những người yếu đuối nhất: người bệnh, người đau khổ, người nghèo… (x. Cv 5, 15-16). Nỗi đau đớn của họ đã thu hút sự chú ý của các Tông đồ, những người không có vàng bạc (Cv 3,6) nhưng họ trở nên mạnh mẽ nhờ danh Chúa Giêsu. Đối với các Tông đồ, các bệnh nhân, những người đau khổ luôn là đối tượng ưu tiên của Tin Mừng Nước Trời, là những anh chị em mà Chúa Giêsu hiện diện trong họ cách đặc biệt (xem Mt 25,36.40). Và chắc chắn đó cũng phải là đối tượng ưu tiên trong sứ vụ của linh mục ngày nay.

IV. TẠM KẾT

Cám dỗ thi hành sứ mạng cứu độ bằng con đường quyền lực, vinh quang và vật chất là cám dỗ Chúa Giêsu đã phải đối diện khi công khai rao giảng Nước Trời[34] (x. Mt 4,1-11). Và đó cũng là cám dỗ nguy hiểm và thường xuyên của các tông đồ và những người bước theo Chúa (x. Lc 9, 54; Mc 10,35-45; …). Tất cả những gì thế gian khao khát sẽ chẳng thể tìm thấy được nơi hình ảnh Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Vì quyền lực gì đối với một người mà đôi tay bị đóng vào thập giá; và vinh quang, giàu sang gì đối với một người bị chết treo trần truồng, không một mảnh vải che thân… Thập giá dường như là một sự thất bại, một sự điên rồ (x. 1Cr 1,22-24). Nơi Chúa Giêsu chịu đóng đinh, con người chỉ có thể nhìn thấy được một sự chiến thắng, đó là chiến thắng của tình yêu. Bị ghét bỏ, nhưng Chúa Giêsu không ghét bỏ ai; bị căm giận và bị giết, nhưng Ngài không căm giận lại. Ngài đã chịu trọn cơn giận dữ giết người, ghen ghét, xúc phạm… và Ngài chịu đựng chúng đủ lâu để có thể chuyển hóa chúng thành yêu thương, tha thứ, và trắc ẩn. Và chính trong tình yêu đó mà con người được chữa lành. Các Giáo Phụ đã áp dụng hình ảnh Kinh Thánh nước đắng ở Mara cho Chúa Giêsu trên thập giá. Nước đắng trở nên ngọt nhờ cây gỗ mà ông Môsê thả xuống nước đó (x. Xh 15,23-25). Trên cây gỗ thập giá, chính Đức Giêsu đã uống nước đắng của mọi tội lỗi và biến nó thành nước “ngọt” của Thần Khí Ngài, được biểu thị bằng nước từ cạnh sườn Ngài chảy ra…

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã dùng con đường tình yêu để cứu độ chúng con, xin cho anh em linh mục chúng con cũng dùng con đường ấy mà đem ơn cứu độ đến cho muôn người. Và xin cho chúng con không tìm chiến thắng nào khác hơn, ngoài chiến thắng của tình yêu. Amen.

V. VẤN TÂM

1. Hiệp thông

Nhà Thần học Henri Nouwen nhận xét: Ngày nay, khi phẩm giá con người bị định giá bằng các thành tựu, người ta không còn coi trọng đời sống cầu nguyện, đời sống nội tâm, họ thường làm việc và mong chờ tiếng vỗ tay cùng với lời hoan hô của mọi người. Khi đó, họ trở thành những diễn viên xiếc trong sân khấu cuộc đời.[37] Chúa Giêsu bảo: “Những người như thế đã được trả công rồi” (x. Mt 6). Nuôi dưỡng chủ nghĩa giáo sĩ trị, người linh mục sẽ tự tách mình ra khỏi sự hiệp thông với Chúa và tất nhiên là với giáo dân, khi đó, đời sống của linh mục sẽ trở nên khô héo như cành nho tách lìa khỏi cây nho (x. Ga 15,6).

Cộng đoàn giáo xứ chỉ có thể “cùng nhau cất bước hành trình” khi cộng đoàn lắng nghe Lời Chúa và cử hành Thánh Thể. Vậy, việc cầu nguyện và việc cử hành phụng vụ của chúng ta đang diễn ra như thế nào? Chúng có thúc đẩy và hướng dẫn đời sống và sứ vụ của chúng ta không? Các tín hữu được khích lệ ra sao khi tham dự phụng vụ do chúng ta cử hành? Việc cầu nguyện và tìm hiểu ý Chúa có trở thành nguồn chính để giúp chúng ta đưa ra các quyết định quan trọng trong sứ vụ của mình?

2. Lắng nghe

“Chủ nghĩa giáo sĩ trị khiến chúng ta tin rằng chúng ta thuộc về một tầng lớp cao cấp, có tất cả các câu trả lời cho mọi vấn đề và không còn cần phải lắng nghe hoặc học hỏi bất cứ điều gì.”

Trong tiến trình hiệp hành, lắng nghe là bước đầu tiên, đòi hỏi một khối óc và con tim rộng mở, không thành kiến. Vậy Thiên Chúa ngỏ lời với chúng ta qua những tiếng nói mà đôi khi chúng ta không nhận ra như thế nào? Giáo dân, đặc biệt là phụ nữ và giới trẻ, được chúng ta lắng nghe ra sao? Điều gì làm chúng ta dễ lắng nghe hoặc ngăn cản chúng ta lắng nghe? Chúng ta lắng nghe những người ở vùng ngoại biên như thế nào? Những đóng góp của những người sống đời thánh hiến được chúng ta đón nhận ra sao? Khả năng lắng nghe của chúng ta có những hạn chế nào, đặc biệt là lắng nghe những người có quan điểm khác với chúng ta?

3. Sứ vụ

Hội thánh hiệp hành là Hội thánh tham gia và đồng trách nhiệm. Mọi thành viên trong Hội thánh đều được mời gọi tham gia vào sứ vụ của Hội thánh.

Cách hành xử uy quyền hay cai quản trong giáo xứ của chúng ta thế nào? Việc thực hiện cách làm việc theo nhóm và tinh thần đồng trách nhiệm thì ra sao? Các thừa tác vụ và trách nhiệm của giáo dân được quan tâm khích lệ thế nào? Những lĩnh vực mục vụ và truyền giáo nào trong giáo xứ mà chúng ta còn đang bỏ mặc? Điều gì cản trở người giáo dân tham gia tích cực sứ vụ của giáo xứ?


(Trích: Suy niệm tĩnh tâm linh mục Giáo phận Phú Cường, tháng 4/2022)