Trước hết, chính trị là một nghệ thuật gặp gỡ. Đức Thánh Cha nói rằng: “Chắc chắn, cuộc gặp gỡ này được sống bằng cách chào đón người khác và chấp nhận sự khác biệt của họ, trong một cuộc đối thoại tôn trọng. Tuy nhiên, là Kitô hữu, chúng ta còn đi xa hơn, vì Tin Mừng đòi hỏi chúng ta phải yêu kẻ thù (x. Mt 5,44). Do đó, tôi không thể hài lòng với một cuộc đối thoại hời hợt và hình thức, chẳng hạn như những cuộc đàm phán thường đối đầu giữa các đảng phái chính trị. Chúng ta được mời gọi để sống cuộc gặp gỡ chính trị như một cuộc gặp gỡ huynh đệ, đặc biệt là với những người ít đồng tình với chúng ta; và điều này có nghĩa là chúng ta phải nhìn thấy nơi người mà chúng ta đang đối thoại một người anh em đích thực, một người con yêu dấu của Thiên Chúa.”
Kế đến, theo cái nhìn Kitô giáo, chính trị cũng là sự suy tư, tạo nên một dự án chung nhằm tìm kiếm lợi ích chung, chứ không chỉ đơn giản là đối đầu với những xung đột lợi ích. Nói cách ngắn gọn, “toàn thể cao hơn bộ phận” (x. x. Evangelii gaudium, 234-237). La bàn của chúng ta để xây dựng dự án chung này là Tin Mừng, vốn mang đến cho thế giới một cái nhìn tích cực sâu xa về con người được Thiên Chúa yêu thương.
Cuối cùng, chính trị cũng là hành động. Đức Thánh Cha nói rằng: “Tôi rất vui vì Huynh đoàn của anh chị em không bằng lòng với việc trở thành một không gian để tranh luận và trao đổi, mà còn đưa đến một dấn thân cụ thể.” Ngài nhắc các thành viên của Huynh đoàn đừng quên “thực tế quan trọng hơn ý tưởng”. Và do đó, ĐTC khuyến khích họ dấn thân hỗ trợ những người di cư và chăm sóc sinh thái. (CSR_2076_2022)