Thư mục vụ GP Vĩnh Long tháng 5/2022: Vai trò của các Mục tử đối với người trẻ


THƯ MỤC VỤ GIÁO PHẬN VĨNH LONG THÁNG 5/2022
VAI TRÒ CỦA CÁC MỤC TỬ ĐỐI VỚI NGƯỜI TRẺ

 

Kính gửi: Quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ và tất cả anh chị em Giáo phận Vĩnh Long.

Thưa anh chị em, trong năm nay chúng ta sẽ chọn mười hai đề tài dựa theo chủ đề mục vụ năm 2021 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo Hội và xã hội. Giáo phận Vĩnh Long, trong Gợi ý Mục vụ lần V, sẽ nói về Vai trò của các Mục tử đối với Người trẻ được trích trong Sách Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo, Tông Huấn Chúa Kitô Đang Sống (Christus Vivit).

Giáo Hội của Chúa được thành lập ở trần gian nầy, có nhiệm vụ công bố và truyền đạt sự cứu độ trong Chúa Giêsu Kitô. Như thế, mọi người, bất kể họ là ai, người già hay người trẻ đều nằm trong kế hoạch cứu rỗi của Chúa, miễn là họ đón nhận Tin Mừng và tin vào Chúa: “Giáo Hội tự đặt mình một cách cụ thể vào vai trò phục vụ Nước Chúa trên hết mọi sự bằng cách loan báo và truyền đạt Tin Mừng cứu độ, cũng như bằng cách thiết lập những cộng đồng Kitô hữu mới” (HTXHGH số 50). Lần này và ở đây, vấn đề được đặt ra là vị trí của người trẻ trong Giáo Hội và đâu là vai trò của các Mục tử đối với người trẻ trong việc truyền tải Tin Mừng cứu độ này?

1. Vị trí của người trẻ trong Giáo Hội

Vị trí của những người trẻ trong Giáo Hội là gì? Đây là một chủ đề rất quan trọng, nhưng khó hiểu, là nguồn gốc của nhiều thất vọng và mặc cảm. Tỷ lệ người trẻ trên toàn thế giới rất cao. Thí dụ 25% dân số Pháp dưới 20 tuổi. Nói cách khác, ở Pháp, cứ bốn người thì có một người dưới 20 tuổi. Chúng ta có những viễn ảnh giống nhau trong các Giáo Hội của chúng ta không?

Nhưng trong các Giáo Hội địa phương của chúng ta, thường có cảm giác rằng các nhà lãnh đạo, những vị Mục tử không biết phải làm gì với những người trẻ của họ. Ngoài ra, các vị này không hiểu những người trẻ này thực sự muốn gì. Các vị này xếp loại người trẻ dựa trên hai tâm tính: hoặc là hoàn toàn phóng đại hoặc hoàn toàn đóng kín. Không bao giờ hạnh phúc hoặc quá bốc lửa hung hăng. Làm thế nào để gìn giữ người trẻ? Làm thế nào để nói chuyện với người trẻ? Đâu là vị trí của người trẻ? Đây là tất cả những câu hỏi mà chúng ta phải cố gắng trả lời.

Việc quản lý những người trẻ trong Giáo Hội không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, và vấn đề tương tự này cũng được tìm thấy trong giáo dục nhà trường và trong gia đình. Vì vậy, nhiều người dường như chắc chắn rằng: “chúng ta phải làm một điều gì đó …”. Nhưng rõ ràng là chủ đề này có vẻ phức tạp hơn.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng rất quan tâm đến vấn đề Mục vụ Giới trẻ. Trong Tông Huấn Chúa Kitô Đang Sống, ngài giải thích rằng Mục vụ Giới trẻ đã bị ảnh hưởng bởi những thay đổi xã hội và văn hóa: có nhiều hiệp hội và phong trào ảnh hưởng đến Giới trẻ. Vấn đề là “cần phải xem xét kỹ lưỡng cách thức các nhóm tham dự vào định hướng mục vụ tổng thể của Hội Thánh, cũng như cần có sự hiệp thông nhiều hơn nữa giữa các nhóm, và sự phối hợp tốt hơn các hoạt động của họ” (Christus Vivit số 202). Có những người trẻ nhiệt tình, nhưng cũng có những người trẻ vô tâm. Có những người trẻ tốt đi đúng đường lối của Chúa và Giáo Hội của Ngài, ngược lại, cũng có những người trẻ xấu, lầm đường lạc lối. Trách nhiệm của các Mục tử là hướng dẫn những Người trẻ này.

2. Đâu là vai trò của các Mục tử trong Giáo Hội?

Giáo Hội là một đoàn chiên có một Mục Tử Tối Cao vô hình là Chúa Kitô. Tuy nhiên, Ngài muốn một Mục tử hữu hình, Giáo Hoàng, thay thế Ngài trên thế gian nầy. Và từ đó, trên thực tế, có các Giám mục, Linh mục là những Mục tử cộng tác với Giáo Hoàng. Giáo xứ mà Chúa Giêsu đã giao phó là một đoàn chiên, và các vị trên là một trong những Mục tử. Trong đoàn chiên nầy, chúng ta đặc biệt quan tâm đến người trẻ. Người trẻ tốt, người trẻ lầm lạc, những con chiên lạc phải làm sao?

Mục tử chân chính bảo vệ con chiên của mình, bảo vệ những người trẻ, bảo vệ chống lại những tên trộm. Mỗi đoàn chiên đều bị rình rập bởi những tên trộm, những kẻ mơ ước biến đoàn chiên thành dụng cụ để khai thác theo ý muốn của họ. Nhiều người trẻ không quan tâm mấy về những tên trộm thường đến gần, cải trang thành cừu non: các ngôn sứ giả, họ đội lốt chiên mà đến với người trẻ (x. Mt 7, 15…).

Mục tử chân chính là người vị tha. Một mục tử đích thực, một mục tử nhân lành, là người không đòi hỏi điều gì, trái lại sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình vì đàn chiên của mình. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên (x. Ga 10, 11).

Mục tử đích thực biết con chiên của mình. Suy nghĩ đầu tiên của vị mục tử ấy là dành cho những chiên khác không thuộc ràn này (Jn 10, 16). Các Mục tử sẵn sàng đi tìm những con chiên lạc đường, thậm chí những con chiên không chấp nhận được đi tìm. Người mục tử tốt lành khi thả chiên ra, thì đi trước đàn chiên và chiên theo sau (x. Ga 10, 4). Các con chiên trung thành cũng rất cần sự sống thiêng liêng trong linh hồn, thức ăn tinh thần, vị Mục tử tốt lành phải làm thế nào để cho chiên được sống và sống dồi dào (x. Ga 10, 10).

Trong công tác mục vụ, người Mục tử phải cẩn thận khi đối diện với hai thái cực. Hai thái cực đều gây tổn hại không kém cho ảnh hưởng sâu sắc của vị Mục tử: đừng là bạn bè, cũng không phải là chỉ huy của họ, mà là Linh mục. Nếu vị Mục tử quá thân thiết với người trẻ, họ sẽ thiếu tôn trọng. Nếu vị Mục tử ở quá xa, quá … nhà binh, họ sẽ đóng cửa và bỏ chạy. Hãy là một Linh mục, chỉ là một Linh mục, hoàn toàn là một Linh mục, vị Mục tử sẽ xứng đáng và sẽ nhận được sự tin tưởng của người trẻ.

Linh mục là linh hồn của các nhóm trẻ, phải tạo ra bầu khí siêu nhiên, là người cố vấn, hướng dẫn: linh hướng của những người trẻ. Người trẻ nầy cần được định hướng tinh thần và đạo đức. Đó là công việc của Mục tử, bởi vì người trẻ đôi khi thiếu quyết đoán, nhiệt tình nhưng không thấy ngày mai, sở thích thất thường và sai lầm, phán đoán của họ chưa trưởng thành.

Việc linh hướng và hướng dẫn đạo đức mà vị Mục tử phải có cho những người trẻ là dạy những người trẻ học cách làm chủ bản thân theo ánh sáng của các nguyên tắc Kitô giáo.

Nhưng nên nhớ lời khuyên quí giá của ĐGH Phanxicô trong Tông Huấn Chúa Kitô Đang Sống: “Mọi người đều phải đối xử với người trẻ bằng sự hiểu biết, nhận chân giá trị và yêu thương, cũng như luôn tránh phán đoán họ hoặc đòi hỏi phải hoàn hảo vượt quá tuổi đời của họ” (Christus Vivit số 243).

Ước gì, các Mục tử phối hợp với các thành phần Dân Chúa trong đó đặc biệt là các bạn trẻ cùng nhau xây dựng Nước Chúa và truyền đạt Tin Mừng cứu độ theo ý định của Chúa trong thế giới của thế kỷ XXI nầy.

Vĩnh Long, ngày 20 tháng 04 năm 2022

+ Phêrô Huỳnh Văn Hai
Giám Mục Giáo phận Vĩnh Long

Nguồn: giaophanvinhlong.net