Vào lúc 12 giờ trưa Chúa Nhật 26/6/2022, như thường lệ, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin với các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô.
Trước khi chủ sự giờ kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha đã chia sẻ với các tín hữu về bài Tin Mừng Chúa Nhật; ngài nhấn mạnh sức mạnh nội tâm của Chúa Giêsu, điều giúp Chúa kiên định, bình thản, kiên trì trong việc thực thi điều tốt, chứ không nóng giận và muốn trả thù khi bị chối từ. Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu cầu nguyện xin Chúa ban cho chúng ta sức mạnh để có sự kiên định khi thực thi ý Chúa, chứ không tìm cách làm hài lòng con người.
Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha
Mở đầu bài huấn dụ ngắn Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến sự kiên định của Chúa Giêsu khi quyết định lên Giêrusalem để thực hiện chương trình cứu độ. Đức Thánh Cha nói: Bài Tin Mừng trong Phụng vụ Chúa Nhật này cho chúng ta biết về một bước ngoặt: “Khi đã tới ngày Đức Giêsu được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giêrusalem” (x. Lc 9,51). Người bắt đầu “cuộc hành trình quan trọng” lên Thành Thánh; cuộc hành trình này đòi có một quyết định đặc biệt bởi vì đây là hành trình cuối cùng của Người.
Quyết định kiên quyết
Đức Thánh Cha nhận xét rằng các môn đệ, tuy tràn đầy nhiệt huyết nhưng vẫn còn tinh thần thế gian quá, họ mơ rằng Thầy sẽ khải hoàn. Ngược lại, Chúa Giêsu biết rằng sự chối từ và cái chết đang chờ đợi Người ở Giêrusalem (x. Lc 9,22, 43b-45); Người biết mình sẽ phải chịu đau khổ rất nhiều. Đây là những gì đòi hỏi một quyết định kiên quyết. Đây chính là điều chúng ta cũng phải làm nếu muốn trở thành môn đệ của Chúa Giêsu. Quyết định này bao gồm những gì? Sự kiện Thánh sử Luca thuật lại ngay sau đây giúp chúng ta hiểu rõ điều này.
Khi biết rằng Chúa Giêsu đang tiến về Giêrusalem – thành phố của những kẻ thù – một làng người Samaria không chào đón Người. Bị xúc phạm, hai tông đồ Giacôbê và Gioan đề nghị Chúa Giêsu trừng phạt những người đó bằng cách cho lửa từ trời mưa xuống trên họ. Không những không chấp nhận đề nghị này, Chúa Giêsu còn quở trách hai anh em.
Đáp lại sự chống đối bằng cách thực hiện điều tốt
Đức Thánh Cha giải thích về hành động của hai anh em Giacôbê và Gioan, điều trái ngược với cách cư xử của Chúa Giêsu: Họ muốn Chúa Giêsu tham gia vào ước muốn trả thù của họ và Người sẽ không làm điều đó (xem cc. 52-55). “Ngọn lửa” mà Chúa Giêsu đến để mang đến trên mặt đất (x. Lc 12,49) là Tình yêu thương xót của Chúa Cha. Ngược lại, Giacôbê và Gioan để cho sự giận dữ chế ngự mình.
Áp dụng vào chính chúng ta, Đức Thánh Cha nhận xét: “Điều này cũng xảy ra với chúng ta khi chúng ta đang làm điều tốt, thậm chí có thể bằng cả sự hy sinh, nhưng thay vì được chào đón, chúng ta lại gặp thấy một cánh cửa đóng kín. Vì vậy, chúng ta tức giận. Chúng ta thậm chí cố gắng lôi Thiên Chúa vào, bằng cách đe dọa các hình phạt từ trời. Ngược lại, Chúa Giêsu đi theo một lộ trình khác, đó là con đường của quyết định chắc chắn, khác xa với việc trở thành cứng cỏi khắc nghiệt; đó là điềm tĩnh, kiên nhẫn, kiên trì, không chểnh mảng dù chỉ một chút trong việc làm điều tốt.”
Cách sống này, theo Đức Thánh Cha, không ám chỉ sự yếu đuối, mà ngược lại, là một sức mạnh nội tâm to lớn. Ngài giải thích: “Khi đối mặt với sự chống đối, việc để cho mình bị khuất phục bởi sự tức giận là điều dễ dàng. Ngược lại, làm chủ chính mình, làm như Chúa Giêsu đã làm, như Phúc âm đã nói, ‘Người đi đến một làng khác’ (câu 56), mới là điều khó. Điều này có nghĩa là khi gặp phải sự chống đối, chúng ta phải quay sang làm điều tốt ở nơi khác, không phản kháng. Bằng cách này, Chúa Giêsu giúp chúng ta trở thành những người điềm tĩnh thanh thản, hài lòng với những việc tốt đã thực hiện, và không tìm kiếm sự hài lòng của con người.”
Chúng ta có hướng về Chúa khi gặp chống đối hiểu lầm không?
Đức Thánh Cha mời các tín hữu tự xét xem chúng ta đang ở điểm nào? Trước sự chống đối, hiểu lầm, chúng ta có hướng về Chúa không? Chúng ta có xin Người ban cho chúng ta sự kiên định của Người khi làm điều tốt không? Hay ngược lại chúng ta tìm kiếm sự xác nhận thông qua những tiếng vỗ tay, để rồi trở nên cay đắng và bực bội khi không nghe thấy điều đó? Có bao nhiêu lần, cách ý thức hay không ý thức, chúng ta tìm kiếm sự tán thưởng, tán thành của người khác? Và chúng ta làm điều đó vì một tràng pháo tay? Không. Chúng ta phải làm điều tốt vì phục vụ và không tìm kiếm sự tán thưởng.
Ngài lưu ý: “Đôi khi chúng ta nghĩ rằng sự nhiệt thành của chúng ta là do ý thức công bằng vì một mục đích chính đáng. Nhưng trên thực tế, nhiều lần nó không gì khác hơn là sự kiêu hãnh, kết hợp với sự yếu đuối, nhạy cảm và thiếu kiên nhẫn. Vì vậy, chúng ta hãy cầu xin Chúa Giêsu sức mạnh để được giống như Người, theo Người với một quyết định kiên quyết, không thù hận và cố chấp khi gặp khó khăn, khi chúng ta hy sinh bản thân để làm điều tốt và người khác không hiểu điều này.”
Cuối cùng, Đức Thánh Cha cầu xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta đưa ra quyết định chắc chắn mà Chúa Giêsu đã làm để tiếp tục yêu cho đến cùng.
Kêu gọi đối thoại hoà bình cho Ecuador
Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha cho biết ngài đang theo dõi với sự lo lắng về những gì đang xảy ra ở Ecuador. Ngài bày tỏ sự gần gũi với dân nước này và khuyến khích tất cả các bên từ bỏ bạo lực và lập trường cực đoan. Ngài mời gọi: “Chúng ta hãy học: chỉ thông qua đối thoại, chúng ta mới có thể tìm thấy, tôi hy vọng là sẽ sớm, hòa bình xã hội, với sự quan tâm đặc biệt đến những nhóm dân cư bị gạt ra ngoài lề và những người nghèo nhất, nhưng luôn tôn trọng quyền của tất cả mọi người và các thể chế của đất nước.”
Chia buồn về cái chết của sơ Luisa Dell’Orto
Tiếp đến Đức Thánh Cha bày tỏ sự gần gũi của mình với các thành viên trong gia đình và các nữ tu cùng dòng của sơ Luisa Dell’Orto, một nữ tu dòng Tiểu muội Tin Mừng của thánh Charles de Foucauld, bị sát hại ngày hôm qua tại Port-au-Prince, thủ đô của Haiti. Đức Thánh Cha nói: “Trong hai mươi năm, Sơ Lucia đã sống ở đó, cống hiến trên hết cho việc phục vụ trẻ em đường phố. Tôi phó thác linh hồn của sơ cho Chúa và tôi cầu nguyện cho người dân Haiti, đặc biệt là cho những trẻ em, để họ có một tương lai hòa bình hơn, không đau khổ và không bạo lực. Sơ Luisa đã biến cuộc đời mình thành một món quà cho người khác, cho đến tử đạo.”
Cuối cùng, Đức Thánh Cha chào các tín hữu hành hương đến từ nhiều nước và các tín hữu Roma. Ngài xin mọi người đừng quên cầu nguyện cho ngài và cầu chúc mọi người một Chúa Nhật an lành.