Đức Thánh Cha đã khởi hành lúc 8 giờ sáng từ Vatican và đến Aquila sau 25 phút bay bằng trực thăng. Ngài đã có cuộc gặp với các gia đình nạn nhân và giới chức chính quyền của thành phố. Sau đó, ngài đến Vương cung thánh đường Collemaggio để dâng thánh lễ và sau đó mở Cửa Thánh.
Bài giảng Thánh Lễ của Đức Thánh Cha
Các Thánh là những minh hoạ sống động của Tin Mừng. Cuộc đời của họ là điểm quy chiếu đặc biệt giúp chúng ta nhìn ra Tin Mừng mà Đức Giêsu đã đến để loan báo, đó là: Thiên Chúa là Cha của chúng ta và mỗi người chúng ta đều được Thiên Chúa yêu thương. Đây chính là tâm điểm của Tin Mừng. Chính cuộc Nhập Thể và dung mạo của Đức Giêsu là minh chứng hữu hình của tình yêu ấy.
Hôm nay, chúng ta cử hành Thánh Lễ trong một ngày đặc biệt của thành phố này và Giáo Hội nơi đây: Ngày Lễ Xá Giải (hoặc Ngày Xá Tội) được thành lập bởi Đức Giáo Hoàng Celestino V. Nơi đây có lưu giữ thánh tích của vị Giáo Hoàng này. Ngài là hiện thân tròn đầy của những gì chúng ta nghe trong bài đọc I hôm nay: “Càng làm lớn con càng phải khiêm hạ, như thế con sẽ được ân nghĩa trước mặt Chúa” (Cn 3,8). Chúng ta thường sai khi nhớ đến Đức Celestino V, như một “kẻ từ chối vĩ đại”, theo như một kiểu nói trong tác phẩm Thần Khúc của Đan-tê. Thật ra, Đức Celestino V không phải là kẻ từ chối (khi Ngài từ nhiệm ngôi vị Giáo Hoàng). Ngài không phải là người nói không, nhưng là con người của lời đáp “xin vâng”.
Thật ra, chẳng có cách nào để thực thi Thánh Ý của Thiên Chúa nếu không phải là khởi đi từ nỗ lực của con người: không có con đường khác. Dưới mắt của người đời, có những người bị xem là yếu đuối và thất bại, nhưng họ mới là những người chiến thắng thật sự, bởi vì họ là những kẻ cuối cùng đặt trọn vẹn niềm tin vào Thiên Chúa và nhìn nhận Thánh Ý của Người. “Thiên Chúa mặc khải những mầu nhiệm của Người cho những kẻ hiền lành… Người được tôn vinh nơi những người khiêm hạ” (Cn 3,19-20). Trước tinh thần thế gian nhuốm đầy mùi kiêu căng, Lời Chúa hôm nay mời chúng ta trở nên hiền lành và khiêm hạ. Khiêm nhường không có nghĩa là hoàn toàn phủ nhận chính mình, nhưng là nhìn nhận một cách đúng đắn những giá trị của chúng ta cũng như những thiếu hụt và yếu kém của chúng ta. Khởi đi từ những thiếu hụt yếu kém của mình, sự khiêm hạ dạy chúng ta không tập trung nhìn vào chính mình nhưng là hướng mắt về Thiên Chúa, Đấng có thể làm mọi sự và là Đấng sở hữu trọn vẹn chúng ta ngay cả khi tự sức mình chúng ta chẳng thể sở hữu được gì. “Mọi sự đều có thể đối với những ai có lòng tin” (Mc 9,23).
Sức mạnh của những người khiêm hạ là chính Thiên Chúa, chứ không phải là những chiến thuật, những phương tiện nhân loại theo lẽ khôn ngoan của thế gian này. Theo nghĩa ấy, Đức Celestino V là một chứng nhân can đảm của Tin Mừng, một người không để cho mình bị tù hãm hay lèo lái bởi thúc đẩy của quyền lực. Nơi Ngài, chúng ta ngưỡng mộ một Giáo Hội tự do, được giải phóng khỏi những suy nghĩ kiểu trần thế và là một chứng nhân trọn vẹn cho Danh của Thiên Chúa, là Đấng Thương Xót. Đây chính là tâm điểm của Tin Mừng, bởi vì thương xót nghĩa là nhận ra chúng ta là những kẻ được yêu thương ngay chính trong tình trạng khốn cùng của chúng ta: hai điều này đi với nhau. Không thể hiểu lòng thương xót nếu chúng ta không hiểu chính nỗi khốn cùng của chính mình. Làm một người tín hữu không phải là bước theo một Thiên Chúa mù mờ và khiến chúng ta sợ hãi. Thư gởi tín hữu Do-thái đã nhắc chúng ta về điều này: “Anh em đã chẳng đến gần một điều gì đó có thể sờ thấy được, có lửa đang cháy, có mây mù, có bóng tối, có tiếng kèn vang dậy, có tiếng nói gầm thét đến độ khiến cho những ai nghe thấy phải van xin Chúa đừng nói với họ nữa”. Không, thưa anh chị em, chúng ta đến gần Đức Giêsu, là con một của Thiên Chúa, là Lòng Thương Xót của Chúa Cha, là Tình Yêu cứu độ chúng ta. Chính Người là lòng thương xót: chỉ với lòng thương xót, chúng ta mới có thể nói về nỗi khốn cùng của mình. Nếu ai muốn đến với lòng thương xót bằng một lối khác thì người ấy đã lạc đường. Vì vậy, điều quan trọng là hiểu thực tại của mình.
Trải qua hàng thế kỷ, thành phố Aquila đã gìn giữ sống động món quà mà Đức Thánh Giáo Hoàng Celestino V đã để lại cho mình. Tôi được vinh dự nhắc nhở tất cả mọi người rằng nhờ Lòng Thương Xót, và chỉ có nhờ Lòng Thương Xót mà thôi, mỗi người chúng ta mới có thể sống cuộc sống của mình trong niềm vui. Thương Xót là kinh nghiệm nhận ra mình được đón nhận, được phục hồi, được tăng sức, được chữa lành, được khích lệ. Kinh nghiệm về ơn được tha thứ là một kinh nghiệm gần gũi thiết thân với sự phục sinh, tại đây và ngay lúc này. Ơn tha thứ là hành trình đi từ sự chết đến sự sống, từ kinh nghiệm lo sợ vì tội lỗi của mình đến kinh nghiệm tự do và vui mừng. Ước gì Đền Thánh này luôn là nơi chốn mà chúng ta được hoà giải, được có kinh nghiệm về ơn phục hồi và được thấy những khả thể khác được ban tặng cho chúng ta. Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa của những khả thể, của bảy mươi lần bảy. Ước gì nơi này là ngôi Đền Thánh của ơn tha thứ, không chỉ mỗi năm một lần, nhưng là mãi mãi. Và như thế mỗi người chúng ta có thể xây dựng hoà bình nhờ vào kinh nghiệm đón nhận và trao ban ơn tha thứ. Khởi đi từ nỗi khổ của mình và nhìn vào đó để làm sao đến được với ơn tha thứ, bởi vì trong nỗi khốn khổ, chúng ta sẽ luôn tìm thấy một ánh sáng nào đó như là con đường dẫn đến với Chúa. Ví dụ, sáng nay tôi nghĩ về điều này. Khi chúng tôi bay đến Aquila, chúng tôi không thể đáp xuống được vì sương mù dày đặc, mịt mù. Phi công trực thăng bay vòng quanh, vòng quanh… và cuối cùng đã nhìn thấy một lỗ nhỏ và ra hiệu là sẽ xuống bằng lỗ đó, và đã làm được. Tôi đã nghĩ về sự khốn khổ: với nỗi khốn khổ cũng xảy ra tương tự. Chúng ta thấy mình chẳng còn gì và chúng ta chạy quanh… rồi Chúa mở ra một lỗ nhỏ. “Hãy đặt mình vào đó, vào những vết thương của Chúa. Ở đó có lòng thương xót, dù trong nỗi khốn cùng.”
Anh chị em thân mến,
Anh chị em đã đau khổ nhiều do cuộc động đất gây ra. Như một dân tộc, anh chị em đã cố gắng chỗi dậy và phục hồi. Những ai đã đau khổ cần phải biết trân trọng và nhận ra giá trị của đau khổ mà mình đã trải qua, cần phải hiểu rằng bóng tối mà mình đã trải qua chính là một quà tặng giúp cho mình có khả năng thấu hiểu được đau khổ của những người khác. Anh chị em có thể là những chứng nhân cho lòng Thương Xót, bởi lẽ anh chị em đã có kinh nghiệm mất tất cả, đã nhìn thấy sự sụp đổ của những gì con người xây dựng, đã phải từ bỏ tất cả những gì là thân thương nhất, đã phải trải qua nỗi đau mất đi những người thân yêu nhất. Anh chị em có thể là những người biết trân giữ lòng Thương Xót, bởi vì chính anh chị em đã kinh nghiệm về sự khố cùng.
Trong cuộc sống của chúng ta, không cần phải trải qua những cơn động đất, mỗi chúng ta đều có thể có kinh nghiệm về điều mà tôi tạm gọi là “những cuộc động đất của tâm hồn”. Kinh nghiệm ấy đặt chúng ta đối diện với sự mỏng manh của chính mình, với những giới hạn của chính mình, với chính sự nghèo khó khốn cùng của mình. Đó là có thể là kinh nghiệm mất tất cả, nhưng đó cũng là kinh nghiệm có thể dạy cho chúng ta về sự khiêm hạ thật sự. Trong những hoàn cảnh khó khăn như vậy, hoặc người ta sẽ nổi giận với cuộc đời, hoặc người ta sẽ học bài học về sự hiền lành khiêm hạ. Do đó, hiền lành và khiêm hạ là đặc tính của những ai có sứ mạng trân giữ và làm chứng cho lòng Thương Xót của Thiên Chúa.
Nếu chúng ta có lạc bước trên đường đời, bài Tin Mừng hôm nay chính là một tiếng chuông gióng lên để nhắc nhở chúng ta (Lc 14,1.7-14). Đức Giêsu được mời đến dùng bữa tại nhà một người Pharisêu và Người quan sát thấy có nhiều người muốn ngồi ở chỗ tốt nhất. Trong dịp ấy, Người kể một dụ ngôn vẫn còn giá trị cho chúng ta ngày hôm nay: “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: “Xin ông nhường chỗ cho vị này. Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối”. Rất thường xuyên, người ta đánh giá nhau qua những vị thế mà người ta chiếm được trong thế giới này. Thế nhưng giá trị của một con người không phụ thuộc vào cái chỗ người ấy ngồi; đúng hơn, giá trị của một con người phụ thuộc vào sự tự do mà người ấy có được và sống được ngay cả khi phải ngồi ở chỗ cuối, ngay cả khi chỗ dành cho người ấy là trên Thập Giá.
Người Kitô hữu biết rằng cuộc đời mình không phải là một hành trình xây dựng sự nghiệp theo kiểu thế gian, nhưng là một sự nghiệp theo cung cách của Đức Kitô, Đấng không đến để được phục vụ nhưng là để phục vụ (Mc 10:45). Nếu chúng ta không hiểu được tính cách mạng của lời Tin Mừng giải phóng này, chúng ta sẽ lại tiếp tục hưởng ứng chiến tranh, cổ vũ bạo lực và bất công. Tất cả đều là dấu hiệu của việc thiếu tự do nội tâm. Nơi nào không có tự do nội tâm, nơi ấy mở ra những con đường cho chủ nghĩa ích kỷ, cá nhân, lợi nhuận và bất công.
Anh chị em thân mến, ước gì thành phố Aquila trở thành một thủ phủ thật sự của sự tha thứ, của hoà bình và của hoà giải. Ước gì thành phố này có thể trao ban cho tất cả mọi người kinh nghiệm về sự biến đổi mà chính Đức Maria đã hát trong lời kinh Magnificat: “Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc 1, 52). Ấy là sự biến đổi mà chính Đức Giêsu đã nhắc nhở chúng ta trong Tin Mừng hôm nay: “Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống sẽ được nhấc lên” (Lc 14,11). Chúng ta hãy phó thác nơi Đức Maria, Đấng mà anh chị em đã tôn kính với tước hiệu là Mẹ cứu rỗi của dân thành Aquila, ước nguyện được sống theo Tin Mừng. Nhờ sự chuyển cầu từ mẫu của Mẹ, xin cho thế giới của chúng ta được tràn đầy ơn tha thứ và bình an.
—
Cuối Thánh Lễ, Đức Thánh Cha đã chào thăm người dân Aquila hiện diện cũng như tham dự từ xa. Trước khi đọc Kinh Truyền Tin, ngài đặc biệt nhớ đến người dân Pakistan hiện đang vật lộn với những trận lũ lụt khiến nhiều người chết, mất tích và bị thương. Ngài kêu gọi tình liên đới của cộng đồng quốc tế để hỗ trợ những nạn nhân.
Sau khi kết thúc Thánh Lễ, Đức Thánh Cha đã đến Cửa Thánh của Vương cung Thánh Đường Collemaggio để làm nghi thức mở Cửa Thánh. Ngài mở cửa, cầu nguyện và đi qua Cửa Thánh, sau đó đoàn đồng tế cũng đi qua Cửa Thánh và viếng mộ ĐGH Celestino V.