10 phương thế để hoàn thiện cuộc sống hôn nhân


10 PHƯƠNG THẾ ĐỂ HOÀN THIỆN CUỘC SỐNG HÔN NHÂN

Lm. Ed Broom, OMV

WHĐ (28.8.2022)Gia đình là nền tảng cơ bản của xã hội, theo đó, lịch sử và văn minh nhân loại phụ thuộc rất lớn vào sự phát triển lành mạnh của gia đình. Lịch sử thế giới cho thấy rằng các đế chế và nền văn minh hùng mạnh sụp đổ và tan rã cùng chiều hướng với sự suy yếu của gia đình.

Một gia đình đích thực, trong mắt Thiên Chúa, bao gồm sự kết hợp giữa người nam và người nữ, được chúc phúc và thánh hóa qua Bí tích Hôn phối. Theo chương trình của Đấng Tạo hoá, một trong những mục đích chính của Hôn nhân Thánh là sự sinh sản con cái.

Một khi đứa trẻ được thụ thai và sinh ra, nhiệm vụ hệ trọng của cha mẹ là truyền cho tr đức tin về sự hiện diện của Thiên Chúa, bắt đầu bằng việc chịu Phép Rửa. Đồng thời, theo dòng thời gian, cha mẹ cần tiếp tục nuôi dưỡng, dạy dỗ con cái trong sự hiểu biết, yêu mến Thiên Chúa qua việc chuẩn bị cho trẻ lãnh nhận các Bí tích — đặc biệt là Bí tích Giải tội, Thánh Thể, và Thêm sức.

Nói cách khác, bổn phận chính yếu của cha mẹ trên bình diện siêu nhiên là dọn đường để một ngày nào đó con cái của họ sẽ là cư dân vĩnh viễn của Nước Trời. Để làm được điều này, cha mẹ cần phát triển tình yêu của họ dành cho Thiên Chúa, dành cho nhau, và dành cho con cái. Nhờ đó, họ hình thành một gia đình lành mạnh, thánh thiện, và gương mẫu để con cái có thể băng qua, như một cây cầu, bắc từ trái đất đến trời cao. Tuy nhiên, trên thực tế, việc có được một gia đình gương mẫu và thánh thiện là điều không đơn giản, nếu không muốn nói là rất khó.

Dưới đây là 10 gợi ý cụ thể, giống như bàn đạp tích cực, giúp bậc cha mẹ bay lên cao và đưa con cái mình trên đôi cánh đại bàng đến với vòng tay yêu thương của Cha trên trời.

1. Cầu nguyện

Hãy cầu nguyện cho người vợ / chồng và gia đình bạn hàng ngày. Ngoài ra, hãy xin lễ cầu nguyện cho người phối ngẫu ít nhất 2 lần 1 năm: vào ngày sinh nhật của họ và ngày kỷ niệm Thành hôn.

2. Tha thứ

Hãy quảng đại tha thứ cho những yếu đuối, thiếu sót của nhau. Đừng ngại ngần để nói với nhau:Anh/ em yêu em/ anh; Hãy tha thứ cho anh/ em; Anh/ em tha thứ cho em/ anh!”

3. Giận dữ / Phẫn nộ

Kinh Thánh khuyên chúng ta: “Đừng để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn” (Ep 4, 26). Nếu có cãi vã, bất đồng, bất hòa, hãy chắc chắn rằng bạn không để sự giận hờn kéo dài tới giờ ngủ đêm. Nếu không, sự tức giận sẽ biến thành oán giận, lạnh lùng và cay đắng, và thậm chí trở thành hận thù. Hãy nhớ lời Chúa Giêsu dạy: “Nếu khi sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5, 23-24); cũng đừng quên Lời Kinh chúng ta đọc thường ngày “… xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con…” (x. Mt 6, 12). Nhà thơ Công giáo người Anh, Alexander Pope, nói thêm: “Sai lỗi là của con người; để tha thứ, cần đến sức mạnh của thần linh.

4. Hành động tử tế mỗi ngày

Mỗi tối trước khi đi ngủ, hãy lập kế hoạch để thực hiện một vài hành động bác ái nho nhỏ để ngày hôm sau người vợ/chồng của bạn cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ hơn.

5. Làm mới lại tuần trăng mật

Thỉnh thoảng bạn nên dành thời gian cho vợ / chồng để có thời gian trò chuyện, chia sẻ, và đồng cảm với nhau. Đơn giản là ra khỏi sự bận bịu với công việc, con cái để vợ chồng tận hưởng những giây phút riêng tư, lãng mạn với nhau.

6. Cầu nguyện cùng nhau

Lời khuyên của Đức Hồng y Fulton Sheen trong tác phẩm Cuộc hôn nhân Ba người đó là: Người chồng, người vợ, và Thiên Chúa! Hãy cầu nguyện cùng nhau như một cặp vợ chồng và như một gia đình. Lời của linh mục Patrick Peyton nổi tiếng về Kinh Mân Côi rất xác thực: “Gia đình cầu nguyện cùng nhau, ở lại cùng nhau.

7. Thường xuyên khen ngợi nhau

Sống trong một thế giới khi người ta dễ dàng và thường xuyên chỉ trích, tấn công người khác cả về thể chất lẫn lời nói, chúng ta cần đi theo hướng ngược lại đó là cố gắng nhận ra những đức tính, những điều tốt, và dành cho người bạn đời những lời khích lệ, khen ngợi chân thành. Nói cách khác, đừng bao giờ xem những cố gắng, đóng góp đang thực hiện hàng ngày của nhau là điều hiển nhiên. Ví dụ, hãy nhìn nhận, tán dương, và biết ơn về sự vất vả của người vợ đã chuẩn bị bữa ăn, sự khó nhọc của người chồng đã lo trang trải các chi phí trong gia đình…

8. Dành ngày tĩnh tâm cho Gia đình

Mỗi tháng một lần, hãy dành thời gian để nạp năng lượng tinh thần và hoạt động xã hội cho cả gia đình. Một cách cụ thể, chẳng hạn, cả nhà cùng đi xưng tội, dự Thánh lễ và Rước lễ; cùng nhau lần chuỗi Mân Côi. Sau đó, là cùng ăn chung, trò chuyện, vui chơi thoải mái với nhau.

9. Họp mặt gia đình

Có thể thực hiện điều này trong ngày tĩnh tâm hàng tháng của gia đình với những việc cụ thể như: Sau khi cầu nguyện, cha mẹ bắt đầu với việc khen ngợi con cái về những điều tốt đẹp chúng đã làm được trong tháng qua. Tiếp đến, cha mẹ khiêm tốn hỏi con cái xem mình nên điều chỉnh/ thay đổi điều gì để cải thiện cuộc sống gia đình. Ngoài ra, cha mẹ có thể chỉ ra những gì mà con cái cần làm để nên tốt hơn. Để được như vậy, rất cần sự khiêm tốn, trung thực và dũng cảm nhưng lại là một công cụ rất hiệu quả để cải thiện khả năng giao tiếp, và hiểu nhau giữa các thành viên trong gia đình.

10. Hãy là một người Samaritanô tốt lành

Giống như Chúa Giêsu, qua hình ảnh người Samaritanô nhân hậu đã nâng đỡ nạn nhân nằm dở sống dở chết bên vệ đường, người vợ/ chồng cũng được mời gọi để trở thành người Samaritanô tốt lành ngay trong gia đình. Đ được như vậy, thay vì mong muốn và đòi hỏi được phục vụ, cung phụng, và trở thành trung tâm của sự chú ý, bạn hãy cố gắng giúp đỡ, chia sẻ và phục vụ vợ / chồng và các thành viên khác trong gia đình cách chân thành, vui tươi, và quảng đại. Điều này chắc chắn sẽ tạo nên sự khác biệt!

Chắc chắn, 10 gợi ý trên đây không dễ dàng khi thực hiện, nhưng với thiện chí và cố gắng mỗi ngày, theo gương Thánh Gia, bậc cha mẹ sẽ từng bước phấn đấu nên thánh trong cuộc sống này và dẫn gia đình đạt tới mục tiêu vĩnh cửu là Thiên đàng.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Lược dịch từ: catholicexchange.com (12.8.2022)