Đại hội Giáo lý Quốc tế lần thứ ba có chủ đề: “Giáo lý viên, Nhân chứng của Đời sống Mới trong Chúa Kitô”, diễn ra từ ngày 8 đến 10 tháng 9 năm 2022, tập trung suy tư về sứ vụ loan báo trong bối cảnh có nhiều biến đổi văn hóa.
Trong bài nói chuyện, lưu ý rằng trong số các tham dự viên có các tu sĩ, linh mục và giám mục, Đức Thánh Cha nói rằng họ cũng là các giáo lý viên. “Trước hết họ là những giáo lý viên, vì Chúa kêu gọi tất cả chúng ta để làm cho Tin Mừng của Người vang dội trong lòng mỗi người.”
Đức Thánh Cha cho biết ngài thích các buổi tiếp kiến chung vào thứ Tư hàng tuần, vì ngài gặp nhiều người đến tham dự các bài giáo lý, và nói rằng đó là thời điểm đặc biệt, bởi vì “khi suy gẫm Lời Chúa và truyền thống của Giáo Hội, chúng ta bước đi với tư cách là Dân Chúa, và chúng ta cũng được mời gọi tìm ra những hình thức cần thiết để làm chứng cho Tin Mừng trong đời sống hàng ngày.”
Đừng bao giờ mệt mỏi khi trở thành giáo lý viên
Đức Thánh Cha nhắn nhủ các tham dự viên: “Xin đừng bao giờ mệt mỏi khi trở thành giáo lý viên. Tránh ‘lên lớp’ giáo lý.” Ngài nhấn mạnh rằng việc dạy giáo lý không thể giống như một giờ học, nhưng đó là một kinh nghiệm sống đức tin mà mỗi chúng ta cảm thấy muốn truyền lại cho các thế hệ mới. Chúng ta cần đảm bảo rằng việc truyền đạt đức tin phải phù hợp với lứa tuổi và sự chuẩn bị của những người lắng nghe chúng ta; tuy nhiên, cuộc gặp gỡ liên cá nhân mới là quyết định, một cuộc gặp gỡ mở rộng tâm hồn nghe Tin Mừng và đón nhận lời mời sống và lớn lên trong Chúa Kitô.
Mục đích của việc dạy giáo lý
Từ đó ngài nhắc các giáo lý viên “Đừng bao giờ quên rằng mục đích của việc dạy giáo lý, một giai đoạn ưu tiên của việc loan báo Tin Mừng, là đến để gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô và để Người lớn lên trong chúng ta.” Đây là chủ đề của Đại hội Giáo lý Quốc tế lần thứ ba.
Đừng bao giờ rời xa nguồn tình yêu
Đức Thánh Cha lập lại lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (x. Ga 15,12), và nhắc nhở các giáo lý viên rằng họ được kêu gọi làm cho con người Chúa Giêsu trở nên hữu hình và cụ thể, bằng cách đặt giới răn yêu thương làm quy luật sống và tiêu chuẩn xét đoán hành động đạo đức của mình. Ngài mời gọi “Đừng bao giờ rời xa nguồn yêu thương này, vì đó là điều kiện để luôn hạnh phúc và tràn đầy niềm vui bất chấp mọi thứ. Đây là sự sống mới nảy sinh trong chúng ta vào ngày Rửa tội và chúng ta có trách nhiệm chia sẻ với mọi người, để nó có thể lớn lên trong mỗi người và sinh hoa kết trái.”
Cuối cùng, Đức Thánh Cha nhắc lại quyết định của ngài thành lập thừa tác vụ giáo lý viên vì biết vai trò quan trọng của thừa tác vụ này trong cộng đoàn Kitô hữu và khuyến khích các giáo lý viên đừng sợ nếu Chúa kêu gọi họ đến với thừa tác vụ này.