Diễn văn của Đức Thánh Cha tại phiên khai mạc Đại hội các lãnh đạo tôn giáo thế giới và truyền thống

Trong diễn văn tại phiên khai mạc Đại hội các lãnh đạo tôn giáo thế giới và truyền, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng, chính tình huynh đệ quy tụ tất cả chúng ta, như những người con của cùng một Trời Cao. Bởi vì, trước mầu nhiệm của sự vô hạn vượt trên và thu hút chúng ta, các tôn giáo nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta là thụ tạo: chúng ta không toàn năng, nhưng là những người nam nữ đang trên đường tiến về một Trời Cao.
 

Anh chị em thân mến!

Cho phép tôi nói với anh chị em bằng những lời trực tiếp và thân thuộc. Tôi muốn gửi lời chào đến anh chị em, lãnh đạo chính quyền và tôn giáo, thành viên của ngoại giao đoàn và các tổ chức quốc tế, đại diện các tổ chức hàn lâm và văn hóa, xã hội dân sự và các tổ chức phi chính phủ, nhân danh tình huynh đệ quy tụ tất cả chúng ta, như những người con của cùng một Trời Cao.

Trước mầu nhiệm của sự vô hạn vượt trên và thu hút chúng ta, các tôn giáo nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta là thụ tạo: chúng ta không toàn năng, nhưng là những người nam nữ đang trên đường tiến về một Trời Cao. Do đó, bản chất thụ tạo chung của chúng ta  phát sinh một liên hệ chung, một tình huynh đệ thực sự, nhắc nhở chúng ta rằng ý nghĩa của cuộc sống không thể bị thu hẹp trong lợi ích cá nhân, nhưng được liên kết sâu sắc với tình huynh đệ là một phần căn tính của chúng ta. Chúng ta chỉ tiến triển với những người khác và nhờ những người khác. Anh chị em lãnh đạo và đại diện các tôn giáo thế giới và truyền thống thân mến, chúng ta đang gặp nhau ở một đất nước đã trải qua bởi những đoàn người đông đảo trong nhiều thế kỷ. Ở những vùng đất này nhiều câu chuyện, ý tưởng, niềm tin và hy vọng đã được hòa quyện vào nhau. Ước mong một lần nữa Kazakhstan là vùng đất gặp gỡ của những người phương xa, mở ra một lộ trình mới, không tập trung vào giá trị thương mại, nhưng dựa trên các mối quan hệ con người: tôn trọng, đối thoại chân thành, tôn trọng phẩm giá bất khả xâm phạm của mỗi người và cộng tác với nhau. Một lộ trình huynh đệ để cùng nhau hướng tới hòa bình.

Hôm qua tôi đã mượn hình ảnh cây đàn dombra; hôm nay tôi muốn liên kết âm thanh của nhạc cụ này, với nhà thơ nổi tiếng nhất của đất nước, cha đẻ của nền văn học, một nhà giáo dục và nhà soạn nhạc thường được mô tả với đàn dombra. Abai (1845-1904), như ông được nhiều người biết đến, đã để lại cho chúng ta những tác phẩm thấm đượm tôn giáo, trong đó tâm hồn tuyệt vời nhất của dân tộc này tỏa sáng: một trí tuệ hài hòa, mong muốn một nền hòa bình được tìm thấy qua sự tự vấn khiêm tốn, khao khát một sự khôn ngoan xứng đáng với con người, không bao giờ khép mình trong những tầm nhìn nhỏ bé và hẹp hòi, nhưng sẵn sàng để mình được truyền cảm hứng từ nhiều trải nghiệm khác nhau. Abai thách đố chúng ta với một câu hỏi bất hủ: “Vẻ đẹp của cuộc sống là gì, nếu người ta không đi vào chiều sâu?” (Poesia, 1898). Một nhà thơ khác đã tự hỏi ý nghĩa của sự hiện hữu, đặt lên môi một người chăn chiên của những vùng đất châu Á vô biên này một câu hỏi cũng rất quan trọng: “Cuộc lang thang ngắn ngủi này của tôi hướng về đâu?” (G. Leopardi, Canto notturno di un pastore errante dell’Asia). Chính những chất vấn như những câu hỏi này đã khơi dậy nhu cầu về tôn giáo, nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta với phận làm người không tồn tại lâu để thỏa mãn những lợi ích trần thế và để dệt nên những mối quan hệ chỉ mang tính chất kinh tế, nhưng là để đi cùng nhau, như những người lữ hành với cái nhìn hướng về Trời Cao. Chúng ta cần hiểu rõ những câu hỏi sau cùng, để trau dồi tâm linh, như Abai nói, để giữ cho “linh hồn tỉnh táo và tâm trí sáng suốt” (Parola 6).

Anh chị em thân mến, thế giới chờ đợi nơi chúng ta mẫu gương của những linh hồn tỉnh táo và tâm trí sáng suốt, chờ đợi bản chất tôn giáo đích thực. Đã đến lúc phải thức tỉnh khỏi chủ nghĩa chính thống cực đoan đang làm ô nhiễm và ăn mòn niềm tin, đã đến lúc phải làm cho tâm hồn trong sáng và trắc ẩn. Nhưng cũng đã đến lúc bỏ lại chỉ cho sách vở lịch sử những bài phát biểu dài, nơi này và nơi khác, đã in vào trí não sự nghi ngờ và khinh miệt tôn giáo, như thể tôn giáo là một nhân tố gây bất ổn trong xã hội hiện đại. Ở những vùng đất này, người ta đã từng quá quen thuộc với di sản của chủ nghĩa vô thần do nhà nước áp đặt trong nhiều thập kỷ: não trạng áp bức và ngột ngạt mà chỉ cần đề cập đến cụm từ “tôn giáo” là đã tạo ra sự bối rối im lặng. Thực tế, tôn giáo không phải là vấn đề, nhưng là một phần của giải pháp để chung sống hài hòa hơn. Thực tế, việc tìm kiếm siêu việt và giá trị thánh thiêng của tình huynh đệ có thể truyền cảm hứng và soi sáng những lựa chọn cần thực hiện trong bối cảnh khủng hoảng địa chính trị, xã hội, kinh tế, sinh thái, nhưng về cơ bản là những cuộc khủng hoảng tinh thần qua nhiều thể chế hiện nay, bao gồm cả các nền dân chủ, gây tổn hại cho an ninh và sự hòa hợp giữa các dân tộc. Vì vậy, chúng ta cần tôn giáo để đáp ứng cơn khát hòa bình của thế giới và khát khao cái vô hạn đang cư ngụ trong tâm hồn mỗi người.

Vì lý do này, một điều kiện thiết yếu để phát triển con người thực sự và toàn diện là tự do tôn giáo. Anh chị em, chúng ta là những thụ tạo tự do. Đấng Tạo Hóa của chúng ta đã “từ bỏ chính mình vì chúng ta”, đã “giới hạn” sự tự do tuyệt đối của Người để chúng ta, thụ tạo của Người được tự do. Vậy thì làm sao chúng ta có thể cưỡng ép anh em nhân danh Người? Abai một lần nữa nói với chúng ta: “Trong khi chúng ta tin và thờ phượng, chúng ta không được ép người khác phải tin và thờ phượng” (Parola 45). Quyền tự do tôn giáo là một quyền nền tảng, cơ bản và bất khả xâm phạm, phải được khuyến khích ở mọi nơi và không thể chỉ giới hạn ở quyền tự do thờ phượng. Mỗi người có quyền làm chứng công khai đối với niềm tin của mình, đề xuất, nhưng không bao giờ áp đặt niềm tin. Đây là phương pháp rao giảng đúng, khác với hoạt động lôi kéo và tuyên truyền, điều mọi người được kêu gọi tránh xa. Xếp vào lĩnh vực riêng tư, niềm tin quan trọng nhất của cuộc sống sẽ tước đi khỏi xã hội một kho báu vô cùng lớn. Trái lại, ủng hộ những bối cảnh nơi có sự chung sống tôn trọng giữa những đa dạng tôn giáo, dân tộc và văn hóa là cách tốt nhất để nâng cao những nét đặc trưng của mỗi người, để hiệp nhất con người mà không đòi hỏi phải đồng nhất, thúc đẩy những khát vọng cao nhất của họ mà không làm ảnh hưởng đến lòng nhiệt thành.

Bằng cách này, chúng ta thấy tầm quan trọng lâu dài của tôn giáo và sự liên quan của nó đối với thời đại chúng ta, điều mà Kazakhstan đã đưa lên hàng đầu trong hai thập kỷ qua bằng cách đăng cai tổ chức Đại hội toàn thế giới này. Cuộc gặp gỡ này mời gọi chúng ta suy ngẫm về vai trò mà chúng ta được kêu gọi đóng góp vào sự phát triển tinh thần và xã hội của nhân loại trong thế giới hậu đại dịch này.

Đại dịch, giữa tính dễ bị tổn thương và chăm sóc, đại diện cho thách đố đầu tiên trong bốn thách đố toàn cầu mà tôi muốn nêu ra và kêu gọi tất cả mọi người – đặc biệt là các tôn giáo – phải đoàn kết hơn về mục đích. Covid-19 đã đặt tất cả chúng ta vào cùng một con thuyền, làm cho chúng ta hiểu rằng, như Abai đã nói, “chúng ta không phải là thần thánh, nhưng là loài phải chết” (ibid): Tất cả chúng ta đều cảm thấy mong manh, tất cả đều cần được giúp đỡ; không ai hoàn toàn độc lập, không ai hoàn toàn tự mình. Tuy nhiên, giờ đây, chúng ta không thể lãng phí nhu cầu liên đới mà chúng ta cảm thấy, tiến về phía trước như thể không có chuyện gì xảy ra, không nhìn nhận rằng chúng ta phải cùng nhau giải quyết những vấn đề cấp bách liên quan đến mọi người. Các tôn giáo không được thờ ơ với điều này: các tôn giáo được kêu gọi đi đầu, là những người cổ vũ sự hiệp nhất khi đối diện với những thách đố có nguy cơ chia rẽ gia đình nhân loại hơn nữa.

Đặc biệt, chúng ta, những người tin vào Đấng Tạo Hóa, phải giúp các anh chị em của thời đại chúng ta không quên tính dễ bị tổn thương là đặc điểm của chúng ta. Không để rơi vào những ảo tưởng sai lầm về sự toàn năng được khơi dậy bởi sự tiến bộ kinh tế và kỹ thuật, bởi vì chỉ những điều này thôi thì không đủ. Không để mình bị vướng vào cạm bẫy của lợi nhuận và lợi ích, như thể chúng giải quyết ổn thoả mọi điều xấu. Không ủng hộ sự phát triển không bền vững, không tôn trọng các giới hạn được thiết lập cho thụ tạo. Không để mình bị lôi cuốn bởi sự hấp dẫn bề ngoài của chủ nghĩa tiêu thụ, bởi vì của cải vật chất vì con người chứ không phải con người vì của cải vật chất. Tóm lại, tính dễ bị tổn thương chung của chúng ta, xuất hiện trong đại dịch, phải khuyến khích chúng ta không tiếp tục như trước nữa, nhưng khiêm tốn và có tầm nhìn xa hơn.

Ngoài việc nâng cao nhận thức về sự mong manh và trách nhiệm của chúng ta, các tín hữu ở thời hậu đại dịch được kêu gọi quan tâm: chăm sóc nhân loại chung, trở thành nghệ nhân của sự hiệp thông, chứng tá của sự cộng tác vượt qua rào cản sự thuộc về cộng đồng, dân tộc, quốc gia và tôn giáo. Nhưng làm thế nào để bắt đầu một sứ vụ khó khăn như vậy? Bắt đầu từ đâu? Bằng cách lắng nghe những người yếu đuối nhất, bằng cách lên tiếng cho những người dễ bị tổn thương nhất, bằng cách tạo tiếng vang của một tinh thần liên đới toàn cầu, nhưng trước hết là quan tâm đến những người nghèo, những người thiếu thốn, những người bị ảnh hưởng nhiều nhất từ đại dịch, đã gây ra sự bất bình đẳng và mất cân bằng toàn cầu một cách mạnh mẽ . Ngày nay vẫn còn nhiều người không dễ dàng tiếp cận với vắc-xin! Chúng ta đứng về phía họ, không đứng về phía những người có nhiều hơn và cho ít hơn. Chúng ta hãy trở thành những người có lương tâm ngôn sứ và can đảm. Chúng ta hãy gần gũi với mọi người, đặc biệt những người bị lãng quên, bị gạt ra ngoài lề, những thành phần yếu đuối và nghèo khổ nhất của xã hội, những người đau khổ trong âm thầm, không ai biết đến. Những gì tôi đề xuất với anh chị em không chỉ là một cách để trở nên nhạy cảm và liên đới hơn, nhưng còn là một con đường chữa lành cho xã hội chúng ta. Bởi vì chính sự nghèo đói đã tạo điều kiện cho sự lây lan của dịch bệnh và những tệ nạn lớn khác phát triển mạnh trên những vùng đất khó khăn và bất bình đẳng. Yếu tố rủi ro lớn nhất của thời đại chúng ta vẫn là nghèo đói. Về vấn đề này, Abai khôn ngoan tự hỏi: “Liệu những người đang đói có thể giữ một tâm trí sáng suốt […] và thể hiện sự siêng năng trong học tập không? Nghèo đói và cãi vã […] tạo ra […] bạo lực và tham lam ”(Parola 25). Chừng nào sự bất bình đẳng và bất công vẫn tiếp tục hoành hành, những loại virus tồi tệ hơn Covid sẽ không chấm dứt: đó là sự thù hận, bạo lực, khủng bố.

Điều này đưa chúng ta đến thách đố toàn cầu thứ hai, chất vấn các tín đồ một cách cụ thể: thách đố hòa bình. Trong những thập kỷ gần đây, cuộc đối thoại giữa các lãnh đạo tôn giáo chủ yếu liên quan đến vấn đề này. Tuy nhiên, chúng ta thấy thời đại chúng ta vẫn còn bị đánh dấu bởi tai họa chiến tranh, bầu khí đối đầu, sự bất lực trong việc lùi lại một bước và đưa tay hướng về người khác. Anh chị em, cần phải có một bước tiến nhảy vọt, và nó phải đến từ chúng ta. Nếu Đấng Tạo Hóa, Đấng mà chúng ta dâng hiến cuộc đời, đã trao ban sự sống cho con người, thì làm sao chúng ta, những người tự nhận mình là tín đồ, lại có thể cho phép sự sống con người bị huỷ diệt? Và làm sao chúng ta có thể nghĩ rằng những người ở thời đại chúng ta, mà nhiều người trong số họ sống như thể Chúa không hiện hữu, có thể được truyền cảm hứng để tham gia vào một cuộc đối thoại tôn trọng và có trách nhiệm, trong khi các tôn giáo lớn, vốn là linh hồn của rất nhiều nền văn hóa và truyền thống, đã không tích cực dấn thân cho hòa bình?

Lưu ý đến những điều khủng khiếp và sai lầm của quá khứ, chúng ta hãy hợp lực để đảm bảo rằng Đấng Toàn Năng không bao giờ bị trở thành con tin trước cơn khát quyền lực của con người. Abai nhắc nhở rằng “ai cho phép điều ác và không chống lại điều ác thì không thể được coi là một tín đồ chân chính, nhưng là một tín đồ nửa vời” (Parola 38). Anh chị em thân mến, một cuộc thanh tẩy khỏi điều ác là điều cần thiết cho mỗi người. Abai nhấn mạnh vào khía cạnh này “người bỏ học làm mất đi một phúc lành” và “những người không nghiêm khắc với chính mình và không có lòng trắc ẩn thì không thể được coi là một tín đồ” (Parola 12). Do đó, chúng ta hãy tự thanh tẩy khỏi tính tự phụ cho mình là đúng và không cần học hỏi từ người khác. Chúng ta hãy tự giải thoát mình khỏi những quan niệm giảm thiểu và phá hoại, vốn xúc phạm danh Thiên Chúa bằng sự cứng nhắc, khép kín, cực đoan, thù hận, cuồng tín và khủng bố, thậm chí làm biến dạng hình ảnh của con người. Vâng, bởi vì Abai nhắc lại “nguồn gốc của nhân loại là tình yêu và công lý, […] đó là vương miện công trình sáng tạo của Thiên Chúa” (Parola 45). Mong sao chúng ta đừng bao giờ biện minh cho bạo lực, không cho phép sự thánh thiêng bị lợi dụng bởi những điều phàm tục. Mong sao sự thánh thiêng không phải là chỗ dựa của quyền lực, cũng như quyền lực không phải là chỗ dựa cho điều thánh thiêng.

Thiên Chúa là sự bình an và luôn dẫn đến hoà bình, không bao giờ đưa đến chiến tranh. Do đó, chúng ta hãy dấn thân hơn nữa, thúc đẩy và củng cố nhu cầu giải quyết xung đột không phải bằng quyền lực, vũ khí và đe dọa không đi đến hồi kết, nhưng bằng những phương tiện duy nhất được Trời Cao chúc phúc và xứng với con người: gặp gỡ, đối thoại, các cuộc đàm phán kiên nhẫn, được tiếp tục đặc biệt trong suy nghĩ của trẻ em và các thế hệ trẻ. Họ là hiện thân của hy vọng rằng hòa bình không phải là kết quả mong manh của những cuộc đàm phán khó khăn, nhưng là kết quả của một cam kết giáo dục không ngừng, thúc đẩy ước mơ phát triển và tương lai của họ. Theo nghĩa này, Abai khuyến khích mở rộng kiến thức, vượt qua ranh giới văn hóa của chính mình, để tiếp thu kiến thức, lịch sử và văn học của người khác. Xin anh chị em hãy đầu tư vào giáo dục, không đầu tư vào vũ khí.

Sau đại dịch và hòa bình, chúng ta phải đối diện với thách đố thứ ba, đó là sự chào đón huynh đệ. Ngày nay chúng ta cảm thấy thật khó để chấp nhận người khác. Hàng ngày, trẻ sơ sinh và trẻ em, người di cư và người già bị vứt bỏ. Nhiều anh chị em hy sinh trên bàn thờ lợi nhuận, được bọc trong hương trầm tế lễ của sự dửng dưng. Tuy nhiên mỗi người là thánh thiêng. “Homo sacra res homini”, người xưa nói (Seneca, Epistulae morales ad Lucilium, 95,33): Trước hết đó là nhiệm vụ của chúng ta, các tôn giáo, là nhắc nhở thế giới về điều này. Giờ đây, chưa bao giờ chúng ta chứng kiến sự di cư lớn như thế do chiến tranh, đói nghèo, biến đổi khí hậu, bởi việc tìm kiếm hạnh phúc mà thế giới toàn cầu hóa cho phép biết, nhưng thường rất khó đạt được. Một cuộc đại di cư đang diễn ra: từ những khu vực khó khăn nhất, người ta cố gắng tiếp cận những khu vực giàu có hơn. Đây không phải là một mục trên bản  tin hàng ngày, mà là một thực tế lịch sử, đòi hỏi những giải pháp chung và có tầm nhìn xa. Tất nhiên, với bản năng người ta sẽ bảo vệ sự an toàn cho mình và đóng cửa lại vì sợ hãi; nghi ngờ, buộc tội và lên án người nước ngoài thì dễ hơn là biết và hiểu họ. Nhưng bổn phận của chúng ta là phải nhớ rằng Đấng Tạo Hóa luôn dõi theo từng bước của mọi thụ tạo, khuyến khích chúng ta có một cái nhìn giống Người, một cái nhìn nhận ra khuôn mặt của người anh em.

Ngôn ngữ Kazakh mời gọi chúng ta đến cái nhìn chào đón này: trong ngôn ngữ này “yêu thương” theo nghĩa đen là “có một cái nhìn tốt về một ai đó”. Nhưng văn hóa truyền thống của những vùng này cũng khẳng định điều tương tự qua một câu tục ngữ phổ biến rất hay: “Nếu bạn gặp ai đó, hãy cố gắng làm cho họ hạnh phúc, có thể đây là lần cuối cùng bạn gặp họ”. Nếu tập quán hiếu khách, nét đặc trưng của thảo nguyên, phản ánh giá trị bất khả xâm phạm của mỗi con người, thì Abai tái khẳng định điều này bằng cách nói rằng “con người phải là bạn của con người” và tình bạn này dựa trên sự chia sẻ chung, bởi vì những thực tế quan trọng của cuộc sống và cuộc sống mai hậu có những điểm chung. Và do đó, Abai tuyên bố, “tất cả mọi người là khách của nhau” và “chính con người là khách trong cuộc sống này” (Parola 34). Chúng ta hãy tái khám phá nghệ thuật của lòng hiếu khách, sự chào đón, lòng trắc ẩn. Và chúng ta cũng học biết xấu hổ: vâng, cảm nhận sự xấu hổ lành mạnh xuất phát từ lòng trắc ẩn đối với những người đau khổ, cảm thông và quan tâm đến trình trạng và số phận của họ. Đó là con đường của lòng nhân ái, làm cho chúng ta trở nên người hơn và tín đồ tốt hơn. Ngoài việc khẳng định phẩm giá bất khả xâm phạm của mỗi người, chúng ta còn phải dạy cho thế giới biết khóc thương người khác, bởi vì chỉ khi chúng ta cảm nhận những khó khăn của người khác như của chính mình thì chúng ta mới thực sự là con người.

Thách đố toàn cầu sau hết chất vấn chúng ta: chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta. Trước những biến đổi khí hậu khắc nghiệt, ngôi nhà này phải được bảo vệ, để nó không bị áp đặt theo lý luận của vụ lợi, nhưng được gìn giữ cho các thế hệ mai sau, trong sự ngợi khen Đấng Tạo Hóa. Abai viết: “Thật là một thế giới tuyệt vời mà Đấng Tạo Hoá đã ban tặng cho chúng ta! Người đã ban cho chúng ta ánh sáng với lòng hào hiệp và quảng đại. Khi đất mẹ nuôi dưỡng chúng ta, thì Cha chúng ta trên trời đã nâng niu nghiêng mình trên chúng ta” ( Poesia “Primavera”). Với sự quan tâm yêu thương, Đấng Tối Cao đã chuẩn bị một ngôi nhà chung cho sự sống: và chúng ta, những người tuyên xưng mình thuộc về Người, làm sao chúng ta có thể để nó bị ô nhiễm, ngược đãi và hủy hoại? Chúng ta cũng hiệp lực trong thách đố này. Nó không nằm sau cùng xét về tầm quan trọng. Trên thực tế, nó ở vị trí đầu tiên, ở vấn đề đại dịch. Các loại virus như Covid-19, mặc dù cực nhỏ, có khả năng phá làm vỡ vụn những tham vọng tiến bộ lớn lao và thường bất chợt từ thế giới động vật, đến từ một sự cân bằng bị phá huỷ, phần lớn là do chúng ta. Ví dụ chúng ta hãy nghĩ đến nạn phá rừng, buôn bán trái phép động vật sống. Chính não trạng khai thác đã tàn phá ngôi nhà chúng ta đang sống. Không chỉ vậy: nó dẫn đến sự che khuất tầm nhìn tôn trọng và tôn giáo đó về thế giới mà Đấng Tạo Hoá mong muốn. Vì vậy, điều cần thiết là phải ủng hộ và thúc đẩy chăm sóc sự sống trong mọi hình thức.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy cùng nhau tiến lên, để hành trình của các tôn giáo ngày càng thân thiện hơn. Abai nói rằng “người bạn giả dối giống như cái bóng: khi mặt trời chiếu vào bạn, bạn không thể thoát khỏi nó, nhưng khi mây tụ lại trên bạn, bạn sẽ không thấy nó đâu cả” (Parola 37). Cầu mong điều này không xảy ra với chúng ta. Ước mong Đấng Tối Cao giải thoát chúng ta khỏi bóng tối của sự nghi ngờ và giả dối; Người có thể ban cho chúng ta để vun đắp tình bạn ấm áp và huynh đệ, qua đối thoại thường xuyên và sự chân thành sáng ngời về mục đích. Mong sao chúng ta không bao giờ nhắm vào các hình thức hoà giải giả tạo, nhưng chúng ta gìn giữ căn tính chúng ta mở ra cho sự can đảm của sự đa dạng, cho cuộc gặp gỡ huynh đệ. Chỉ bằng cách này, trong thời kỳ tăm tối mà chúng ta đang sống, chúng ta mới có thể làm tỏa lên ánh sáng của Đấng Tạo Hóa chúng ta. Xin cám ơn!