Năm 2020, ông Mike Pompeo, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ đã chỉ định Nigeria là “Quốc gia cần quan tâm đặc biệt” về tự do tôn giáo, nhưng năm 2021, Ngoại trưởng Antony Blinken đã loại bỏ điều này và không giải thích tại sao. Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ gọi việc loại bỏ tình trạng này khỏi Negeria là “kinh khủng”.
Với tình hình các Kitô hữu bị giết ngày càng gia tăng, tỷ lệ 14 người trong một ngày, và đang có sự dung túng đối với các vi phạm nghiêm trọng tự do tôn giáo một cách nổi bật, có hệ thống và liên tục, 68 tổ chức trên khắp thế giới do ADF International đứng đầu đã ký một thư gửi đến ông Antony Blinken, yêu cầu phục hồi việc xem Nigeria là “Quốc gia cần được quan tâm đặc biệt” về tự do tôn giáo, và chỉ định đặc phái viên điều tra tình hình và đưa ra các khuyến nghị, với sự tham vấn của các đại diện địa phương.
Theo Sean Nelson, cố vấn pháp luật về tự do tôn giáo toàn cầu của ADF International, “có quá nhiều linh mục bị bắt cóc và cộng đồng quốc tế phải chung tiếng nói về những vi phạm tự do tôn giáo một cách nghiêm trọng này. Chúng ta phải lên tiếng cho tất cả các nạn nhân ở Nigeria”.
Trong thư, các tổ chức bày tỏ sự lo ngại về sự gia tăng bạo lực chống “các Kitô hữu và tín đồ Hồi giáo từ chối chủ nghĩa cực đoan” của các nhóm khủng bố. Thư chỉ ra những vi phạm nghiêm trọng đối với tự do tôn giáo, như vụ thảm sát hơn 40 người Công giáo tại Nhà thờ Công giáo Thánh Phanxicô Xavier ở Owo, bang Ondo, vào Chúa nhật lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống năm 2022; vụ kiện chống nhà nhân đạo Mubarak Bala và ca sĩ Sufi Yahaya Sharif-Aminu vì tội báng bổ; và vụ hành hình nữ sinh viên Đại học Deborah Emmanuel Yakubu vì đức tin Kitô giáo của cô.
Trong thư có đoạn viết: “Năm 2021, Tổ chức Open Doors phát hiện nhiều Kitô hữu bị giết ở Nigeria, khoảng 4.650 người, nhiều hơn tất cả các quốc gia khác trên thế giới”.
Các tổ chức cũng bày tỏ sự lo ngại về các cuộc tấn công nhằm vào các nhà báo ở Nigeria. ADF International đã đưa ra một bản kiến nghị công khai tới Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp quốc, yêu cầu nói công khai về cuộc đàn áp vì tín ngưỡng ở Nigeria; cộng tác với chính phủ để chấm dứt “tội ác ghê tởm”; tiến hành điều tra bạo lực tình dục, cưỡng bức cải đạo và các cuộc hôn nhân cưỡng bức do các nhóm khủng bố thực hiện đối với phụ nữ và trẻ nữ thuộc các nhóm tôn giáo thiểu số; và để nâng cao nhận thức về việc phán xử bất công của các tòa án Sharia.