Niềm vui, khó khăn, thương tích và bài học kinh nghiệm “Cùng nhau cất bước hành trình”


NIỀM VUI, KHÓ KHĂN, THƯƠNG TÍCH VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM “CÙNG NHAU CẤT BƯỚC HÀNH TRÌNH”
(Tài liệu chuẩn bị cho Thượng Hội đồng Giám mục, số 26)

Lm. Phêrô Nguyễn Thanh Tùng

WHĐ (26.12.2022) – Cùng với Giáo hội Công giáo trên khắp hoàn vũ, chúng ta đang sống trong bầu khí của Thượng Hội đồng[1] Giám mục (THĐ) với chủ đề: “Hiệp hành”. Hình thức THĐ này được chính thức thiết lập bởi Đức thánh cha Phaolô VI ngày 15/09/1965, qua Tự sắc Apostolica Sollicitudo[2]. Kể từ đó đến nay, đã có 30 Thượng Hội đồng đã và đang diễn ra[3]. Thuật ngữ Thượng Hội đồng Giám mục (Synodus Episcoporum) trong La ngữ hay theo Hy ngữ: Synodos có nghĩa là: cùng sánh bước, cùng đồng hành hay đi chung một con đường. “Synodos” được ghép bởi hai từ: ‘Syn’: cùng nhau và ‘odos’: con đường. Và như vậy, thuật ngữ Synodos này xem ra trùng hợp với chủ đề của THĐ với chủ đề “Hiệp hành” đang diễn ra hiện nay (Hiệp nhất trong cùng một sứ vụ, để cùng đi chung một con đường sứ vụ loan báo và làm chứng cho Tin mừng và Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa cho toàn thể vũ trụ vạn vật). Chính trong ý hướng ấy, mà Đức thánh cha Phanxicô đã bổ túc cho Tự sắc Apostolica Sollicitudo thành lập THĐ bằng Tông hiến Episcopalis Communio ngày 15/09/2018, về cơ cấu và việc mở rộng hình thức tổ chức THĐ.

I. “Hiệp hành”, công trình khởi đi từ Ba Ngôi Thiên Chúa

Trước hết, thuật ngữ “hiệp hành” đã và đang như là “vấn nạn” bị tranh cãi, là quá cô đọng, nặng tính thần học, khó hiểu, không thực tế. Khi nói đến hiệp thông và thi hành sứ vụ của Giáo hội, người ta dễ nhắm ngay đến chiều kích “hàng ngang”, nghĩa là chỉ trong tương quan giữa con người với con người, để rồi quên lãng chiều kích đặc biệt quan trọng, là nền tảng và nguồn mạch của công trình “Hiệp hành”, đó là chiều kích “hàng dọc”, khởi đi từ Mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa. Ba Ngôi Thiên Chúa trong hoạt động nội tại (ad intra) của Ngài, là mẫu mực tuyệt hảo cho con đường “Hiệp hành” hay Synodos: cùng đi chung một con đường của Giáo hội; “Xin cho chúng nên một như Chúng Ta là Một” (Ga 17, 21.22.23). Và mọi hoạt động thi hành sứ vụ, loan truyền Tin mừng của Giáo hội, cũng khởi đi từ Ba Ngôi Thiên Chúa, với hoạt động ngoại tại (ad extra) của Ngài: “Như cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con” (Ga 20,21). “Thánh Thần, mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, chính Người sẽ dạy các con mọi điều và sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con” (Ga 14,26).

Như vậy, xuyên suốt dòng lịch sử, đời sống và sứ vụ của Giáo hội, đó là một “Công trình Hiệp hành”, một “Synodos” theo mẫu thức và “Nhiệm cục cứu độ” của Thiên Chúa. Do đó, THĐ với chủ đề Hiệp hành lần thứ 30 này xem ra không là gì mới, mà chỉ là sự tiếp nối công trình của Thiên Chúa và của Giáo hội từ khởi sự cho đến hoàn tất cánh chung.

II. Niềm vui, khó khăn, thương tích từ công cuộc “cất bước hành trình” của Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể làm người và của người môn đệ

Đức Giêsu Kitô, Đấng là Thiên Chúa, qua mầu nhiệm nhập thể, cứu độ, đã dẫn bước cho nhân loại và Giáo hội trên con đường “cùng cất bước hành trình”. Khởi đi từ bản chất tình yêu, sự tốt lành, thiện hảo của của Ba Ngôi Thiên Chúa, Đức Giêsu thực hiện cuộc hành trình vào trần gian, để đưa dẫn toàn thể vũ trụ vạn vật và nhân loại vào trong “mầu nhiệm hiệp hành” của Thiên Chúa tình yêu.

1. “Ama et fac quod vis”[4] (Hãy yêu đi rồi làm gì thì làm)

Thánh Gioan tông đồ đã cho chúng ta một ‘định nghĩa’ thật tuyệt vời về Thiên Chúa: “Thiên Chúa là Tình yêu” (1Ga 4,16). Có thể nói rằng: tên gọi của Thiên Chúa là Tình yêu. Tình yêu làm nên bản chất của Thiên Chúa và trong tình yêu đích thực, Thiên Chúa không là Một Ngôi vị đơn độc tự yêu chính mình, nhưng Thiên Chúa với Ba Ngôi Vị và tình yêu, sự sống, sự thánh thiện, tốt lành, tuyệt hảo được thông hiệp, được trao hiến hoàn toàn cho nhau trong từng Ngôi vị, một tình yêu không giữ lại gì cho riêng mình. Hoạt động tình yêu ở nơi Ba Ngôi Thiên Chúa chính là một “Synodos” tuyệt hảo, là mẫu mực cho công cuộc “hiệp hành” của Giáo hội để qua đó, Giáo hội tiếp nối cuộc “hiệp hành” của Thiên Chúa, hầu thông ban tình yêu, sự tốt lành thánh thiện viên mãn của Ngài cho muôn vật muôn loài. Mầu nhiệm Hiệp Hành của Ba Ngôi Thiên Chúa được thể hiện qua công trình Ba Ngôi đồng sáng tạo và đồng cứu chuộc: “Thiên Chúa sáng tạo bằng Lời”; “Thần Khí Thiên Chúa bay là là trên mặt nước và ban sự sống” (St 1, 1-2. 4a).

2. Niềm vui của tiến trình “cùng nhau cất bước hành trình”

Thiên Chúa vui thích ở giữa dân Người, vì thế, “Ngôi Lời đã trở nên người phàm, và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1, 14). Chính tình yêu là nền tảng, là nguồn mạch kiến tạo niềm vui cho hành trình: ‘syn’ – ‘odos’, “cùng đi chung một con đường”, “cùng nhau cất bước hành trình” của Thiên Chúa Ba Ngôi, đặc biệt của Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể vào trần gian, để thi hành sứ mạng được Chúa Cha sai phái. Thánh Irênê xác quyết: “Vinh quang của Thiên Chúa là con người được sống”[5]. Nơi Tin mừng, Chúa Giêsu đã nói: “Ta đến để cho chúng được sống và sống cách dồi dào” (Ga 10, 10). Đây chính là niềm vui cao cả, lớn lao mà một sứ giả, một thừa sai hay một chủng sinh, linh mục trong vai trò là linh hoạt viên, khi nhận thấy những hoa trái của sự sống phát xuất từ Thiên Chúa đang dâng trào, khi tinh thần hiệp nhất, yêu thương nơi cộng đoàn mà mình nỗ lực phục vụ, đồng hành được thể hiện. Niềm vui thánh thiêng ấy lớn lao và vô giá, không gì có thể sánh ví ngay cả tiền tài, vật chất hay những phương thế của cuộc sống trần gian[6]. Thánh Phaolô đã mời gọi: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em!” (Pl 4, 4).

3. Niềm vui ngay giữa những khó khăn thử thách của “bước hành trình”

Tuy nhiên, “niềm vui” là thuật ngữ được dùng để nhấn mạnh trạng thái tình cảm nội tâm hơn là tình trạng bên ngoài. Quả thật, niềm vui đích thực và bền vững phải đến từ bên trong. Niềm vui và hạnh phúc ấy giúp người linh hoạt viên của cộng đoàn hiểu được giá trị bên trong của mình và đặt mình vào cuộc sống chung của những người mình được mời gọi “cùng nhau cất bước hành trình”, giúp đưa tôi vào mọi tương quan và liên đới với anh chị em tôi. Cảm nhận được niềm vui ấy là một quyết định “thuận theo dòng chảy của bước hành trình”, ngay cả khi đối diện với thách thức và cơ hội mà cuộc sống mang lại. “Con Người phải đau khổ nhiều, bị khai trừ và giết chết, nhưng ngày thứ ba Người sẽ sống lại” (Lc 9,22). Thật vậy, “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Không có niềm vui hay thành công nào mà không phải trải qua những “khó khăn, thương tích”. Người linh hoạt viên linh mục được mời gọi sống và thi hành sứ vụ chứng tá theo gương mẫu “hiệp hành” của Ba Ngôi Thiên Chúa, đặc biệt với Đức Giêsu Kitô, để nhờ đó, “niềm vui của các con tồn tại”. Ngay giữa những đau khổ, thương tích, khó khăn, thậm chí là chống đối, ngay cả sự chết như Đức Giêsu, người linh hoạt viên linh mục phải sống niềm cậy trông, kiên nhẫn, tin tưởng và phó thác, phải “vững như kiềng ba chân”[7] để luôn vững bước trong việc “cùng nhau cất bước hành trình”, loan báo và làm chứng cho Tin mừng[8], với tinh thần khiêm hạ, thấu hiểu, lắng nghe, tín thác và vâng phục thánh ý Thiên Chúa. “Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan” (Tv 125). Khi ấy, như lời Chúa Giêsu xác quyết: “Thật, Thầy bảo thật các con: các con sẽ than van khóc lóc, còn thế gian sẽ vui mừng. Các con sẽ buồn sầu, nhưng nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui” (Ga 16,20). Như thế, “Các con hãy vui mừng hân hoan, vì phần thưởng trọng đại dành cho các con ở trên trời” (Mt 15, 12)[9].

Như thế, bài học kinh nghiệm rút ra cho người linh hoạt viên linh mục trong công cuộc “cùng nhau cất bước hành trình” sẽ chỉ có “niềm vui” và là “niềm vui” đích thật, bền vững ngay cả trong những “khó khăn, thương tích”.

III. Một vài thành quả[10]

Trong tinh thần “Hiệp hành”, là những người cộng tác gần nhất với cha sở, là linh hoạt viên chính chức của giáo xứ, chúng tôi nhận thấy những thành quả trong ‘niềm vui, khó khăn, thương tích’ của thời gian 9 năm dù không đủ dài, nhưng cũng không quá ngắn như sau: Trước hết, cộng đoàn chỉ biết cất lời tạ ơn Thiên Chúa khi nhìn lại quá trình 9 năm qua của giáo xứ với việc thi hành sứ vụ người linh hoạt viên là trách nhiệm linh mục chánh xứ cho một giáo xứ truyền thống. Đến nay, giáo xứ chúng tôi đã hầu như ‘lột xác’, đã thay đổi qua những bước thăng trầm, nhiều khó khăn thử thách trong mục vụ, quản lý và điều hành. Nhưng với ơn Chúa, với cộng tác của Hội đồng mục vụ, các đoàn thể tông đồ giáo dân và cộng đoàn trong tinh thần Hiệp nhất – Yêu thương – Đồng trách nhiệm, cộng đoàn giáo xứ đã phát triển và phát triển toàn diện về đời sống Đức Tin cũng như về cơ sở vật chất. Với trách nhiệm phục vụ, ‘người rửa chân’ cho anh chị em, người linh hoạt viên trong trách vụ chánh xứ, điều trên hết và trước hết hiệp hành với Thiên Chúa trong cầu nguyện, kế đến cùng hiệp hành với anh chị em: mời gọi, hướng dẫn cộng đoàn học biết những quy định, các văn kiện của Giáo hội, hiểu và cử hành đúng các nghi lễ Phụng vụ, bí tích, cổ võ mọi tín hữu tham gia các đoàn thể tông đồ giáo dân, quan tâm việc giáo dục đức tin, giáo lý, đào tạo giáo dục thanh thiếu niên, tạo ‘sân chơi’ lành mạnh cho mọi thành phần: người lớn, thanh niên, thiếu nhi bằng những hình thức cầu nguyện chung riêng với Nhà Chầu Thánh Thể, hoa viên, sân thể thao. Qua đó, giáo xứ không chỉ gìn giữ được truyền thống với bề dày lịch sử 232 năm mà còn phát triển kịp thời theo hoàn cảnh hiện tại của xã hội và Giáo hội. Khuôn viên nhà thờ được quy hoạch, chỉnh trang, Núi Đức Mẹ được bảo quản như di tích lịch sử cổ và được di dời đến vị trí thích hợp, đặt 14 Chặng Đàng Thánh giá trong khuôn viên; Nhà thờ được xây mới tạo nên không gian thoáng mát, bình an, vui tươi. Nhà Chầu mở cửa suốt ngày để mọi người có thể đến gặp gỡ, sống mối liên hệ mật thiết với Chúa; Nhà sinh hoạt mục vụ, các phòng lớp giáo lý trang bị đầy đủ phương tiện và kỹ thuật học tập; Văn phòng giáo xứ mở cửa và làm việc 7/7 ngày trong tuần; Nhà chờ Phục sinh đã xây sửa, sắp xếp, quản lý cách trật tự, thiết kế thang máy để phục vụ cộng đoàn và còn nhiều những điều mới mẻ khác…

 

Thay lời kết và một chút kinh nghiệm thực tế

Là linh hoạt viên linh mục trong môi trường Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn (1863-2022), với vai trò quản lý chủng viện, giảng dạy và sau đó là linh mục chính xứ của một giáo xứ với truyền thống khá dài trong dòng lịch sử (1790-2022), của Tổng giáo phận Sài Gòn với 232 năm thành lập, đặc biệt, với hai vị tiền nhiệm của thời gian 42 năm, với nhiều khó khăn của thời cuộc 1970-2013, nhất là nét đặc trưng của một Họ đạo Nam bộ, mọi sinh hoạt mục vụ, phụng vụ, các tổ chức, đoàn thể hoạt động khá rời rạc, cục bộ; cơ sở vật chất bó hẹp, xuống cấp, dường như đời sống chung thiếu năng lực, sức sống ‘èo uột’, cục bộ trong từng đoàn, nhóm, mạnh ai nấy đi. Đây chính là nỗi ưu tư lớn nhất của người linh hoạt viên để đưa dẫn mọi người “cùng nhau cất bước hành trình” để thi hành sứ vụ.

Truyền thống là gia sản quý giá mà các thế hệ con cháu cần phải gìn giữ, bảo vệ. Tuy nhiên, lắm khi, truyền thống lại trở thành rào cản, ngăn trở cho sự phát triển và nhất là cho công cuộc “cùng nhau cất bước hành trình”, từ nơi môi trường Chủng viện, cũng như môi trường giáo xứ. Do đó, “niềm vui” tràn ngập, nhưng “khó khăn, thương tích” cũng không thiếu cho người linh hoạt viên trong mọi sinh hoạt, tổ chức, điều hành. Vấn đề là không phá bỏ ‘cái cũ’, biết gìn giữ và bảo vệ truyền thống, gia sản của cha ông, nhưng cũng cần làm cho “bình vẫn không hề cũ”[11]. Thực tế, sống và nhận trách nhiệm là linh hoạt viên, điều hành công việc với một cộng đoàn đông số, đó không phải là điều đơn giản. Thành ngữ tiếng Việt có câu “chín người, mười ý”.

Do vậy, trên con đường “cùng nhau cất bước hành trình”, người linh hoạt viên phải có bước đi tiên phong, đột phá, trở thành ‘lực đẩy’ cho sự phát triển toàn diện của cộng đoàn tôn giáo về mọi chiều kích và lãnh vực: phụng vụ, mục vụ, đào tạo con người, cả về cơ sở vật chất, để phục vụ cho việc cùng “đi chung một con đường và loan truyền Tin mừng. Trong những công việc ấy, người linh hoạt viên gặp phải không ít những quan điểm, có khi là “bảo thủ”, tiêu cực, chủ quan, thiếu tính xây dựng, chưa ý thức con đường “hiệp hành”, chưa nhận ra tầm mức tổng thể và lợi ích lâu dài cho việc “cùng nhau cất bước hành trình”, để phát triển bền vững.

Với nhiều khó khăn, trăn trở của bước đầu thi hành sứ vụ, với nỗi ưu tư tìm ra “con đường cùng đi chung”, kinh nghiệm cho bản thân, người linh hoạt viên cần trở về với “Nguồn sống” của mình là chính Thiên Chúa bằng đời sống cầu nguyện, trong tâm tư sâu lắng, theo sự soi sáng, hướng dẫn của Chúa và nhất là sống “Mầu nhiệm Hiệp Hành” của Thiên Chúa Ba Ngôi, đặc biệt qua gương mẫu của Đức Giêsu Kitô, để tìm kiếm “con đường đi chung” và “cùng nhau cất bước hành trình”. Trong bối cảnh lúc ấy, tôi chưa nghe biết đến thuật ngữ: “Hiệp Hành” của THĐGM lần thứ 30 như hiện nay, nhưng với ơn Chúa, người linh hoạt viên linh mục chọn cho mình và cho cộng đoàn phương châm: “Hiệp Nhất-Yêu Thương-Đồng Trách Nhiệm”, để sống, theo đuổi và thực hiện. Qua đó, mọi người trong cộng đoàn được mời gọi và đưa dẫn cùng đi một “con đường”, một tinh thần, với ý thức trách nhiệm chung, đặc biệt, theo tinh thần của Công đồng Vaticanô II, phát huy vai trò của các nhóm Công giáo tiến hành và vai trò, sự cộng tác của người Kitô giáo dân, dám trao phó trách nhiệm cho họ theo như quy định của Giáo luật và Quy chế chung của Tổng giáo phận.

Dĩ nhiên, không là dễ dàng, không thể đạt hiệu quả tức thì. Nhưng trong sự kiên nhẫn, hy sinh, có khi là những “chén đắng” phải uống như Thầy Chí Thánh. Nhưng trong tin, yêu và hy vọng, dần dần, những hoa trái của “niềm vui” thánh thiêng, cùng với những “khó khăn, thương tích” (Tài liệu chuẩn bị cho Thượng Hội đồng Giám mục, số 26), trải qua thời gian 9 năm đã được nhìn nhận cách rõ nét nơi nhiều người cho công cuộc “cùng nhau cất bước hành trình”.

Cách đặc biệt, chúng tôi không thể nào quên giai đoạn cách nay một năm, cũng vào thời điểm như hiện tại, khi Sài Gòn đang trải qua cơn khủng hoảng trầm trọng do sự hoành hành của dịch bệnh, với tinh thần “cùng nhau cất bước hành trình” và phương châm: “Hiệp Nhất – Yêu Thương – Đồng Trách Nhiệm”, với tinh thần bác ái Kitô giáo, khởi đi từ nguồn mạch “Thiên Chúa là Tình Yêu”, người linh hoạt viên là người xông pha đến mọi vùng miền để tiếp thu lương thực, thuốc thang, rau củ quả, cùng chung tay với mọi người, mọi thành phần cộng tác qua công việc bác ái, cứu trợ không phân biệt lương giáo, phối hợp với các tổ chức xã hội, chính quyền để trở nên chứng tá sống động và cụ thể cho tinh thần “cùng nhau cất bước hành trình” để loan báo và làm chứng cho mầu nhiệm tình yêu và ơn cứu độ của Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người như lời Đức Thánh giáo hoàng Phaolô VI đã viết: “Người đương thời sẵn sàng lắng nghe những chứng nhân hơn là những thầy dạy, hoặc nếu họ có nghe các thầy dậy, thì bởi vì chính thầy dạy cũng là những chứng nhân”[12].

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 131 (Tháng 9 & 10 năm 2022)