Đức Hồng y De Lubac được nhiều người coi là một trong những nhà thần học quan trọng nhất của thế kỷ 20. Ngài là một nhà tư tưởng hàng đầu trong trường phái tư tưởng trở về nguồn, là trường phái khuyến khích quay trở lại với các tác phẩm của các Giáo phụ trong thần học Công giáo. Ngài cũng đã cùng với hai nhà thần học Joseph Ratzinger – Đức Biển Đức XVI – và Hans Urs von Balthasar thành lập tạp chí Communio.
Một số cuốn sách nổi tiếng nhất của ngài là “Vẻ đẹp ấn tượng của Giáo hội,” “Đức tin Kitô giáo,” “Công giáo,” “Bi kịch của Chủ nghĩa nhân văn vô thần,” và “Tình Mẫu tử của Giáo hội.”
Tiểu sử
Đức Hồng y De Lubac sinh ngày 20/2/1896 tại thành phố Cambrai, miền bắc nước Pháp và lớn lên trong một gia đình Công giáo truyền thống có năm anh chị em. Sau khi gia đình chuyển đến Lyon, ngài học tại một trường Dòng Tên trước khi quyết định gia nhập Dòng Tên vào năm 1913.
Việc học tập của ngài ở Anh bị gián đoạn bởi Chiến tranh thế giới thứ nhất khi ngài phải gia nhập quân đội Pháp. Ngài phục vụ trong quân đội từ năm 1914 đến năm 1919, bị chấn thương đầu khiến ngài chịu đau đớn suốt đời.
Ngài được thụ phong linh mục năm 1927 và bắt đầu giảng dạy thần học tại Đại học Công giáo Lyon.
Trong Thế chiến II, ngài đã chống lại các hệ tư tưởng của chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa bài Do Thái. Ngài đồng sáng lập “Các nguồn mạch Kitô giáo,” một sưu tập các tài liệu của các giáo phụ được xuất bản bằng tiếng Hy Lạp hoặc tiếng Latinh với bản dịch tiếng Pháp.
Năm 1950, ngài bị cấm giảng dạy tại trường đại học Công giáo trong 8 năm. Ngài tiếp tục viết sách và được bầu làm thành viên của Học viện Pháp vào năm 1958.
Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII đã bổ nhiệm ngài làm thành viên của ủy ban chuẩn bị của Công đồng Vatican II vào năm 1959. Sau đó ngài đã tham dự Công đồng với tư cách là chuyên gia thần học. Các bài viết của ngài được xem là có ảnh hưởng đến các tài liệu của Công đồng.
Năm 1983, ở tuổi 86, Đức Hồng y Henri De Lubac được Thánh Gioan Phaolô II thăng làm Hồng y. Ngài qua đời tại Paris ngày 4/9/1991. (CNA 01/04/2023)