MỤC SUY NIỆM
Bạn không thích giáo huấn của Thiên Chúa và Giáo Hội ư? Điều này sẽ giúp bạn!
Trước hết bạn hãy xem Video này!
Suy tư về Video
Ngay từ giây phút chúng ta được Thiên Chúa mời gọi hiện hữu trong cõi nhân sinh này, chúng ta nhận được mời gọi đi qua sa mạc cuộc đời. Và không ai đi qua sa mạc mà lại không cần đến nước. Vì thế, việc chúng ta có mặt trên đời có thể gồm tóm trong hai từ: “Tôi khát”.
Từ khi cất tiếng khóc chào đời cho đến ngày lặng lẽ từ giã cõi nhân sinh, chúng ta cảm nghiệm được sự thôi thúc mãnh liệt để thỏa mãn cơn khát dày vò bên trong chúng ta. Hiển nhiên là chúng ta không chỉ khát nước, mà còn khát khao được nhận biết, được yêu thương, được đón nhận những cử chỉ trìu mến chẳng hạn như một vòng tay ôm của mẹ, sự âu yếm của cha, cái nhìn trìu mến của người mình yêu, nụ hôn kính cẩn hay chỉ đơn thuần là một tiếng chào.
Cơn khát này, ước vọng này chính là sức khỏe, sự tốt lành và vẻ đẹp bề ngoài. Điều khó khăn đầy thách thức là làm sao phân định điều gì có thể thực sự làm chúng ta thỏa mãn được khát vọng ấy và khát vọng ấy sẽ đưa chúng ta đến đâu.
Như chúng ta thấy trong phim ảnh ngày nay, trong cuộc hành trình này chúng ta bắt gặp những “nguồn nước” (nguồn tình yêu, được nhận biết v.v…). Những nguồn nước này cung cấp cho chúng ta sức mạnh, sự can đảm và lương thực trên cuộc lữ hành. Tuy nhiên những điều ấy cũng biến thành cơn cám dỗ khi nỗi sợ thiếu nước khiến chúng ta muốn dừng lại và từ bỏ chuyến đi phía trước.
1. Kiên trì đi đến nguồn suối
Chúng ta hướng mắt và nhìn thấy một con đường dài cát trắng, khô cháy trước mặt mình dưới ánh nắng mặt trời như thiêu đốt. Tại sao lại không đứng lại nghỉ ngơi một chút? Vì thế chúng ta dừng chân bên dòng suối đầu tiên mà mình bước đến. Chúng ta bắt đầu dựng nên những bức tường lũy bảo vệ dòng suối ấy rồi xây dựng nhà cửa để sống thỏa thuê ở đó.
Vấn đề là những dòng suối mát này không bao giờ cung cấp đủ nước để làm dịu cơn khát của chúng ta. Chúng ta quên mất thực tế là chúng ta đang trên cuộc lữ hành hướng đến những giá trị cao cả hơn, hướng đến nguồn suối nước không bao giờ khô cạn và vì quên lãng như thế, chúng ta không muốn đi tới. Những gì làm lương thực cho cuộc hành trình đã chấm dứt rồi, cho nên con đường đi tới bỗng trở nên chông gai trắc trở hơn nhiều.
Đây là điều vẫn thường xảy ra mỗi khi chúng ta quên rằng cơn khát của mình không bao giờ được thỏa mãn hoàn toàn với những “chai nước” hay “suối nước” của trần gian này. Ngay cả những mối tương quan đẹp và lành mạnh cũng có thể trở thành chướng ngại vật khi chúng ta bắt đầu chất gánh nặng lên vai người khác bằng những kỳ vọng đặt nơi họ mà chỉ có Chúa mới có thể thực hiện được. Các mối tương quan chỉ dựa vào sự hài lòng về nhau thế nào cũng dẫn đến chỗ khô héo đi. Luôn luôn có bóng dáng của sự khô hạn, bóng mờ của sự rủi ro trong những mối tương quan đơn thuần về mặt con người.
Sớm hay muộn gì thì lời buộc tội cũng sẽ được thốt ra: “Anh không còn yêu em như trước nữa!” “Em chẳng còn yêu anh như ngày nào!”. Nhiều nhà tâm lý đã từng rất khôn ngoan cũng sẽ cho rằng chia tay là lối thoát duy nhất. Tuy nhiên, bước đầu tiên luôn luôn phải là tự hỏi mình: tôi đang thật sự tìm kiếm điều gì? Ngoài Thiên Chúa là nguồn suối nước muôn thuở thì ai có thể làm dịu cơn khát này không?
Ngay trong những ngày tháng tuyệt diệu nhất thì trong tim ta vẫn khắc khoải không biết người yêu của mình liệu có còn yêu ta nhiều vào ngày hôm sau, rồi ngày hôm sau nữa hay không. Khi ngày ấy đến và người kia không còn đáp ứng được điều ta đang mong đợi thì ta bắt đầu than trách, phê phán và kết tội người kia, làm như thể cơn khát thất vọng bên trong hoàn toàn là do lỗi phía bên kia.
2. Uống lấy cát thay nước
Nước đã cạn thì chúng ta sẽ làm gì? Thật sự chỉ có một giải pháp lành mạnh, đó là lần theo những dấu hiệu dẫn đến nguồn suối nước, những dấu hiệu hoán cải, phát triển thiêng liêng và thanh luyện, những dấu hiệu mà Thiên Chúa đặt trên đường chúng ta đi. Chẳng may, những dấu vết phía trước không phải lúc nào cũng mời gọi được chúng ta. Dường như ở lại nơi ta đang ở thì dễ dàng hơn nhiều.
Đây là lúc chúng ta bắt đầu uống lấy cát nóng và tự nhủ đó là nước mát.
Mỗi khi chúng ta tìm đến nguồn nước sai lạc trong tình cảm và tự khẳng định mình thì chúng ta bắt đầu uống cát. Thái độ này bao hàm nhiều hành vi: nói xấu hay nhục mạ ai đó để cảm thấy mình tốt hơn, thỏa mãn nhu cầu tình cảm và khẳng định mình trong những hành động dâm đãng, thủ dâm hoặc trong những mối quan hệ tìm thỏa mãn nhau, thuần về mặt thể xác.
Hay mỗi khi chúng ta hành động chỉ để người khác thừa nhận mình, chúng ta dành hết năng lực để tìm những kết quả cho người khác vỗ tay khen ngợi, nói dối để làm người khác vui lòng, ăn mặc hở hang để thu hút sự chú ý của người khác v.v… Hoặc tất cả những phương thuốc mà chúng ta dùng để giảm nỗi đau như rượu, ma túy, ngồi chơi trò chơi điện tử hay xem phim dài tập hết giờ này sang giờ khác. Danh mục cứ thế mà kéo dài.
Những phương thuốc ấy làm dịu nỗi đau trong một thời gian ngắn. Nhưng nếu sau đó bạn tự lắng nghe tiếng con tim mình thì rõ ràng rằng bạn đang uống cát.
Rõ ràng không phải là vấn đề bạn đã tích lũy được bao nhiêu cát. Không có lượng quyền lực nào, niềm vui nào hay sự sở hữu nào có thể làm dịu cơn khát ấy. Không có lượng quảng cáo tiếp thị hay ảo tưởng nào có thể biến đổi cát thành nước được. Bạn chấp nhận điều này nhanh chóng bao nhiêu thì bạn càng có thể bắt đầu uống nhanh bấy nhiêu.
3. Không ngừng tìm kiếm ốc đảo có nước mát
Thế giới ngày nay bị nhiễm đầu óc cạnh tranh. Người ta nói với chúng ta rằng nước hiếm hoi lắm. Bạn hãy tự đánh bóng mình với những thành đạt, chức danh, xe cộ, nhà cửa và giải phẫu thẩm mỹ. Chỉ có những ai đạt đến mục tiêu không dễ dàng chút nào là sự hoàn hảo của thế gian mới có thể cảm nếm được thứ nước khó tìm được. Mọi thành đạt, mọi thỏa mãn cứ đòi thành đạt nữa, thỏa mãn nữa, tiếp nối như thế mãi mà không thể cung cấp cho chúng ta sự thỏa mãn như đã hứa.
Đây là não trạng của những người dựa vào những nguồn nước của thế gian vì những nguồn nước ấy vốn có giới hạn, rồi sẽ cạn kiệt. Chúng ta ganh tỵ với những người có nhiều hơn và sợ những ai có ít hơn. Ngay cả trước khi ly nước cạn đi, đôi mắt thèm khát của chúng ta cũng muốn săn được con mồi kế tiếp.
Cuộc đua không hồi kết này có thể làm chúng ta mệt mỏi và thất vọng đến nỗi đôi khi chúng ta bắt đầu tự hỏi xét cho cùng thì đâu là ý nghĩa. Sự thất vọng chẳng bao lâu biến thành tình trạng suy sụp. Điều mà trước đây đánh thức chúng ta mỗi sáng sớm thì nay để chúng ta nằm dài bất động trên giường. Chúng ta bắt đầu để cho chất độc của sự dửng dưng thấm sâu vào tận trái tim mình.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta tìm được một ốc đảo, nơi có nguồn nước không bao giờ khô cạn? Cơn khát của chúng ta thật vô tận, không gì khác có thể làm thỏa mãn cơn khát ấy. Chúng ta cần nước hằng sống, nguồn nước vô biên không bao giờ ngừng làm cho chúng ta no thỏa. Chúng ta phải tìm kiếm nguồn nước ấy!
Đây là sự chọn lựa sống còn mà chúng ta phải thực hiện mỗi ngày. Mỗi khi chúng ta từ chối tiến tới thì chúng ta trở nên yếu ớt hơn trên cuộc hành trình đầy mệt nhọc. Trong khi chúng ta nghĩ rằng mình đang xây cất căn nhà êm ấm thì trong thực tế chúng ta chẳng làm gì cả ngoài việc sơn son thếp vàng cho ngôi mộ của chính mình, bởi lẽ khi nguồn nước cạn kiệt thì cái chết sẽ tìm đến thôi.
Tất cả ý nghĩa của sa mạc nằm ở đây. Giống như dân Israel xưa đi trong sa mạc 40 năm chính trong sa mạc mà Thiên Chúa “lên tiếng nói với tâm hồn chúng ta”. Thiên Chúa đưa chúng ta đi qua sa mạc chỉ vì một lý do duy nhất: Ngài quá yêu thương chúng ta, nên Ngài không thể đề chúng ta ở lại nơi chúng ta đang ở.
Giữa muôn ngàn thử thách, chính ở đây chúng ta học được cách tinh luyện những khát vọng của mình và khám phá ra được điều mà chúng ta thật sự tìm kiếm. Chúa Kitô nói với chúng ta rằng chúng ta phải để mất sự sống mình rồi mới giữ lại được nó, đó chính là vì chúng ta cần buông bỏ những nguồn nước hữu hạn trong cuộc đời mình để đón nhận quà tặng vĩnh cửu là nguồn nước muôn đời. Chúng ta phải để mình trắng tay ngõ hấu Chúa có thể ban cho chúng ta nhiều hơn! Chúng ta càng giữ chặt thì Ngài càng ban cho ít hơn (Chúng ta phải tin tưởng rằng Thiên Chúa thật sự muốn ban cho chúng ta tất cả những gì mà tâm hồn chúng ta ao ước!)
4. Điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta đến ốc đảo đầy nước trong mát?
Khi Chúa Giêsu trò chuyện với người phụ nữ Samari, Người nói: “Ai uống nước này, sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời”. (Ga 4,13-14)
Những người quả quyết bước đi trên cuộc lữ hành gian nan được Chúa hứa ban nguồn nước hằng sống. Họ không chỉ tìm được nguồn nước, mà suối nước trường sinh này sẽ ở lại trong họ. Và nhờ đó họ thoát khỏi những cạnh tranh liên tục ở đời và sự ganh ghét đố kỵ khiến người ta sống cách biệt với người khác.
Nỗi lo sợ mất mát được thay thế bằng sự an toàn mà họ nhận được mãi mãi. Thái độ khư khư sở hữu sẽ được chuyển thành thái độ trao ban với lòng biết ơn. Chúng ta càng tin tưởng vào sự phong phú như thế, chúng ta càng thêm can đảm và tin tưởng để trở nên ngày càng quảng đại để trao ban, chia sẻ với mọi người.
Đây là bài học lớn mà các thánh đã truyền lại cho chúng ta: một khi các ngài để cho nguồn suối vô biên chảy dạt dào trong tâm hồn các ngài, thì các ngài lại trở nên những dòng suối hằng sống, không ngừng tuôn chảy để lấp đầy tâm hồn trống rỗng của những khách lữ hành đang mệt mỏi lê bước đi qua.
** Dĩ nhiên, video này không phải là phim tôn giáo nên khung cảnh “ốc đảo” không chính xác là điều tôi nghĩ đến, nhưng thông điệp nó mang lại thì đã rõ ràng. (Theo Garrett Johnson, catholic-link.org)
Gioan Lê Quang Vinh