Theo luật hôn nhân năm 1974 của Indonesia, hôn nhân chỉ được coi là hợp pháp nếu cả hai bên đều cùng một tôn giáo. Do đó, công dân Hồi giáo có thể đăng ký kết hôn tại văn phòng tôn giáo, còn các tín đồ của các tôn giáo khác phải đăng ký tại văn phòng dân sự.
Năm 1986, toà tối cao ra phán quyết và đã trở thành án lệ, theo đó nếu hai bên không cùng tôn giáo có thể đăng ký kết hôn với sự cho phép của toà án. Theo quyết định này của toà, các tổ chức tôn giáo, trong đó có Giáo hội Công giáo, đã tiến hành các nghi lễ kết hôn cho các cuộc hôn nhân khác tôn giáo.
Từ đó tới nay, các toà án đều áp dụng án lệ này. Cụ thể vào tháng Sáu vừa qua, một toà án quận của Jakarta đã chấp thuận yêu cầu kết hôn của một Kitô hữu và một tín đồ Hồi giáo. Thẩm phán của toà này đã lập luận rằng hôn nhân khác tôn giáo là một yêu cầu chính đáng và đúng luật do sự đa dạng của dân số Indonesia.
Thế nhưng, ngày 17/7 toà tối cao đã ban hành thông tư yêu cầu các toà cấp dưới không cho phép kết hôn giữa hai người khác tôn giáo. Văn bản luật được đưa ra sau khi một nhóm Hồi giáo phản đối quyết định của toà án quận nói trên.
Phản ứng trước quyết định này, những người bảo vệ nhân quyền phê bình thông tư này bởi vì nó “ngăn sự tiến bộ mà các cơ quan tư pháp của nhà nước đã đạt được trong việc đảm bảo quyền công dân”. Họ kêu gọi toà tối cao thu hồi thông tư và yêu cầu hạ viện, quốc hội và chính phủ sửa đổi luật hôn nhân năm 1974.