Vatican News
Trong hai ngày 9 và 10/9, 19 quốc gia và Liên minh Âu châu gặp nhau tại thủ đô Ấn Độ để xây dựng sự thống nhất nhằm giải quyết chung các thách đố toàn cầu, như chuyển đổi năng lượng sạch, chương trình nghị sự về sức khoẻ toàn cầu, an linh lương thực và khủng hoảng nợ.
Trước hội nghị, Ấn Độ đã tổ chức hơn 200 sự kiện tại hơn 50 thành phố trên khắp đất nước để giới thiệu với các nhóm làm việc G20 về văn hóa và truyền thống của quốc gia, về ẩm thực, sự đa dạng trong ngôn ngữ và di sản. Nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn của G20, chính phủ Ấn Độ đã đầu tư số tiền khổng lồ 120 triệu USD để làm cho quốc gia này phù hợp với tiêu chuẩn toàn cầu của các quốc gia giàu có.
Trong một tuyên bố, Đức Tổng Giám Mục Andrews Thazhath, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ấn Độ gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới tất cả các tham dự viên, và nhấn mạnh rằng hội nghị thượng đỉnh là cơ hội để thể hiện sự thật phổ quát theo chủ đề của năm Ấn Độ làm chủ tịch: “Một trái đất, một mái nhà, một tương lai”. Và theo Đức Tổng Giám Mục, điều này chỉ có thể thực hiện được qua đối thoại và hợp tác, bởi vì “mặc dù có sự đa dạng, chúng ta cần phải gắn kết với nhau như một gia đình, chia sẻ những thách đố và trách nhiệm chung”.
Về chiều kích đạo đức của hội nghị, Đức Tổng Giám Mục Felix Machado, Tổng Thư ký của Hội đồng Giám mục nói trong tuyên bố: “Các quyết định được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh G20 phải ưu tiên phúc lợi của tất cả mọi người, đặc biệt là những người bị gạt ra ngoài lề xã hội và dễ bị tổn thương. Nhiệm vụ của chúng ta là đảm bảo rằng tiến bộ kinh tế đi cùng với công bằng xã hội và sự bao gồm”.
Trong tuyên bố, các Giám mục còn kêu gọi các lãnh đạo ưu tiên đến sự bền vững xã hội và môi trường để thế giới có một tương lai tốt đẹp hơn.