Đức Thánh Cha: 60 năm sau “Pacem in terris- Hoà bình dưới thế”, sở hữu vũ khí hạt nhân là vô đạo đức

Đức Thánh Cha gửi sứ điệp đến Đức Hồng Y Peter Turkson, Viện trưởng Hàn Lâm viện Toà Thánh về Khoa học Xã hội và các tham dự viên hội nghị quốc tế, kỷ niệm 60 năm thông điệp “Pacem in terris- Hoà bình dưới thế”. Ngài khẳng định rằng “một thế giới không có vũ khí hạt nhân là có thể và cần thiết”, và “sử dụng năng lượng hạt nguyên tử cho mục đích chiến tranh là vô đạo đức”.
 

Vatican News

Trong sứ điệp gửi tới hội nghị kỷ niệm ngày ban hành thông điệp của Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII có tựa đề “Chiến tranh và những trở ngại khác cho hoà bình” được tổ chức trong hai ngày 19 và 20/9 ở Vatican, Đức Thánh Cha so sánh thời điểm hiện nay đáng lo ngại giống như thời điểm thông điệp được ban hành, với cuộc khủng hoảng tên lửa của Cuba vào tháng 10/1962 đã đưa thế giới đến bờ vực “huỷ diệt hạt nhân trên diện rộng”. Hiện nay vũ khí hạt nhân ngày càng phát triển về số lượng và sức mạnh, đồng thời các công nghệ chiến tranh khác cũng gia tăng, sự đồng thuận về việc cấm vũ khí hoá học và sinh học đang gặp nguy hiểm. Vì thế việc Liên Hiệp Quốc và các tổ chức tương tự làm việc để nâng cao nhận thức cộng đồng và thúc đẩy các biện pháp quản lý phù hợp vẫn là vấn đề cơ bản.

Nhắc lại tuyên bố tại Đài tưởng niệm Hoà bình Hiroshima vào năm 2019, Đức Thánh Cha tái khẳng định “sử dụng năng lượng hạt nguyên tử cho mục đích chiến tranh, và sở hữu vũ khí hạt nhân là vô đạo đức”, và “một thế giới không có vũ khí hạt nhân là có thể và cần thiết”.

Bên cạnh đó, theo Đức Thánh Cha sự quan tâm về đạo đức của chiến tranh hạt nhân không được bỏ qua. Các vấn đề đạo đức ngày càng cấp bách do việc sử dụng cái gọi là “vũ khí thường” trong những cuộc chiến hiện nay, vốn chỉ được sử dụng trong mục đích bảo vệ chứ không nhằm các mục tiêu dân sự.

Và ngài kết luận với hy vọng rằng hội nghị thảo luận về thông điệp Hoà bình dưới thế, ngoài việc phân tích các mối đe doạ quân sự và công nghệ đối với hoà bình, còn bao gồm một suy tư đạo đức có kỷ luật về những rủi ro nghiêm trọng liên quan đến việc tiếp tục sở hữu vũ khí hạt nhân, về nhu cầu cấp bách đổi mới tiến bộ trong việc giải trừ quân bị và về sự phát triển các sáng kiến xây dựng hoà bình.