Vatican News
Lòng nhân ái, công lý và đối thoại là những phương thế xây dựng hòa bình
Trong bài diễn văn trao cho các rabbi, trước hết, Đức Thánh Cha hướng đến Thánh Địa, nơi một lần nữa bạo lực và chiến tranh lại bùng phát, cũng như bày tỏ lo ngại về các cuộc biểu tình bài Do Thái đang lan rộng. Ngài nhắc lại lời tiên tri hòa bình của ngôn sứ Isaia: “Họ sẽ biến đao gươm thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái, nước này sẽ không còn vung kiếm chống lại nước khác, họ cũng sẽ thôi học nghề chinh chiến” (Is 2,4), và nói rằng trong thời điểm này, những người tin vào Thiên Chúa duy nhất được mời gọi xây dựng tình huynh đệ và mở ra những con đường hòa giải. Ngài nhấn mạnh: “Không phải vũ khí, không phải khủng bố, không phải chiến tranh, nhưng lòng nhân ái, công lý và đối thoại mới là những phương tiện thích hợp để xây dựng hòa bình”.
Lời Chúa hướng dẫn đến đón nhận nhau chứ không phải trả thù
Và Đức Thánh Cha lặp lại rằng con người cần đối thoại với nhau. Đối thoại, theo nguyên ngữ, có nghĩa là thông qua lời. Đức Thánh Cha xác quyết rằng Lời Đấng Toàn Năng “hướng dẫn các bước đi của chúng ta một cách chính xác tới việc tìm kiếm người khác, tới sự chấp nhận, tới sự kiên nhẫn; chắc chắn không phải đến sự trả thù đột ngột và sự điên cuồng của lòng hận thù chiến tranh. Vì thế, điều quan trọng đối với các tín hữu chúng ta là trở thành những chứng nhân của đối thoại!”.
Để trở thành những người xây dựng hoà bình, Đức Thánh Cha nói rằng “chúng ta được mời gọi trở thành những người xây dựng đối thoại. Không chỉ bằng sức lực và khả năng của chúng ta mà còn có sự giúp đỡ của Đấng Toàn Năng”.
Cuộc đối thoại gia đình giữa Do Thái giáo và Kitô giáo
Theo Đức Thánh Cha, đối thoại với Do Thái giáo có tầm quan trọng đặc biệt đối với Kitô hữu, bởi vì Kitô hữu cũng có nguồn gốc Do Thái, vì Chúa Giêsu sinh ra và sống như một người Do Thái. Kitô hữu cần Do Thái giáo để hiểu rõ hơn về chính mình. “Vì vậy, điều quan trọng là cuộc đối thoại Do Thái-Kitô giáo phải giữ cho chiều kích thần học được sống động trong khi tiếp tục giải quyết các vấn đề xã hội, văn hóa và chính trị”.
Đặc biệt, Đức Thánh Cha khẳng định rằng Kitô giáo và Do Thái giáo có mối liên hệ chặt chẽ và nhắc lại lời Thánh Gioan Phaolô II đã nói rằng Do Thái giáo một cách nào đó, là “nội tại” đối với Kitô giáo. Thánh Giáo hoàng đã nói rằng người Do Thái là “những người anh em yêu quý của chúng tôi”, “những người anh của chúng tôi”. Do đó, cuộc đối thoại Kitô giáo-Do Thái giáo là “cuộc đối thoại gia đình”. (CSR_4436_2023)