Vatican News
Tài liệu chung kết của Thượng Hội đồng về giới trẻ năm 2018 yêu cầu củng cố hoạt động của Văn phòng giới trẻ của Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống qua việc thành lập một cơ quan đại diện giới trẻ ở cấp độ quốc tế. Theo đường hướng này, Bộ đã thành lập Cơ quan Tư vấn Giới trẻ Quốc tế, bổ nhiệm 20 người trẻ đến từ các khu vực khác nhau trên thế giới và thuộc một số phong trào, hiệp hội và cộng đoàn quốc tế, với nhiệm kỳ 3 năm.
Họ là những người trẻ đã tham gia vào các giai đoạn khác nhau của Thượng Hội đồng, như Diễn đàn Giới trẻ Quốc tế mà Bộ đã tổ chức vào tháng 6/2018 để thúc đẩy việc thực hiện tông huấn Christus vivit. Nhóm này đóng một vai trò quan trọng về tư vấn và đề xuất, hợp tác với Bộ để đào sâu các vấn đề liên quan đến mục vụ giới trẻ và bất kỳ vấn đề nào khác có lợi ích chung hơn.
Trong ba năm qua, 20 bạn trẻ đã nỗ lực làm việc đáp lại yêu cầu cụ thể của Tài liệu chung kết, với mục đích tăng cường công việc do Phân bộ giới trẻ của Bộ Giáo dân Gia đình và Sự sống thực hiện và đưa ra các ý kiến, chỉ dẫn và ý tưởng về mọi điều liên quan đến thế giới của người trẻ cho các cơ quan và các Bộ của Giáo triều Roma.
Mới đây các bạn trẻ đã được giao thực hiện một sự kiện là tổ chức buổi cầu nguyện trực tuyến cho hoà bình Trung Đông. Với chủ đề được lấy cảm hứng từ thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô của Thánh Phaolô, “Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của sự hỗn loạn mà là của hoà bình”, buổi cầu nguyện ngày 21/10 đã được nhiều người hưởng ứng. Chia sẻ về sáng kiến này, một thành viên của Cơ quan Tư vấn cho biết mọi người làm theo lời kêu gọi của Đức Thánh Cha vì một thế giới huynh đệ hơn. Tất cả tự hỏi mình có thể làm gì để hưởng ứng lời kêu gọi hòa bình của Đức Thánh Cha, và vì thế họ đã quyết định cùng tổ chức buổi cầu nguyện này.
Từ ngày 24 đến 27/11 vừa qua, các bạn trẻ này đã tập hợp tại Roma cho cuộc gặp gỡ sau cùng trước khi trao lại công việc cho những người trẻ khác, những người sẽ tiếp tục cộng tác với Toà Thánh.
Trong số những người trẻ này có Agatha Natania, 28 tuổi, một bạn trẻ người Indonesia, đang học Khoa học Chính trị ở London và hiện là thành viên của Giới trẻ Công giáo Indonesia tại Vương quốc Anh. Dấn thân làm việc trong giáo phận và trong Ủy ban Hội đồng Giám mục Indonesia về Giới trẻ, cô đã cộng tác dịch tông huấn hậu Thượng Hội đồng Christus Vivit sang tiếng Indonesia. Trong một cuộc phỏng vấn của Vatican News, Agatha Natania đã chia sẻ về những năm tháng phục vụ tại Cơ quan Tư vấn Giới trẻ Quốc tế.
Bạn có kinh nghiệm gì khi làm việc trong Cơ quan Tư vấn Giới trẻ Quốc tế (IYAB)?
Trong những năm gần đây, chúng tôi đã làm rất nhiều việc. Phần quan trọng nhất trong các hoạt động của chúng tôi là cung cấp tư vấn tại Vatican, không chỉ cho Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống, nhưng còn cho các Bộ khác cần biết thực tế của giới trẻ trên khắp thế giới. Chúng tôi đã tổ chức các cuộc gặp gỡ trực tiếp và trực tuyến, chúng tôi nói về thế giới của giới trẻ, về các sáng kiến mà Vatican hoặc Đức Thánh Cha muốn tổ chức cho giới trẻ. Chúng tôi cũng tham gia các cuộc họp của nhóm chuẩn bị Đại hội GTTG. Chúng tôi cũng đã ở Lisbon, và đặc biệt trong Chặng đàng Thánh giá dành riêng cho các vấn đề của giới trẻ, chúng tôi đã đưa ra lời khuyên bằng cách mô tả những gì trẻ em và thanh thiếu niên đang trải qua ngày nay ở các quốc gia của chúng tôi. Trong Cơ quan Tư vấn Giới trẻ Quốc tế, chúng tôi cũng có cơ hội trải nghiệm tình huynh đệ, sống sự hiệp hành và hiệp nhất với tư cách là những người trẻ.
Cơ quan Tư vấn Giới trẻ Quốc tế này được thành lập vào năm 2018, sau Thượng Hội đồng giới trẻ, và bạn là một thành phần của cơ quan này sau nhiều trải nghiệm khác nhau và sau khi tham gia một số Đại hội GTTG. Cuộc phiêu lưu này của bạn bắt đầu như thế nào?
Vào năm 2014, lần đầu tiên tôi tham dự Đại hội GTTG Á châu tại Hàn Quốc. Tôi đã trải nghiệm sự kiện này cùng với nhiều bạn trẻ từ khắp châu Á và đối với tôi điều đó thật tốt đẹp. Tôi nghiên cứu về các quan hệ quốc tế, vì vậy đối với tôi thật là điều tuyệt vời khi cố gắng trở thành cầu nối của sự hiệp nhất hoặc tạo ra những cây cầu, không chỉ trong công việc của tôi nhưng còn cả trong Giáo hội. Sau trải nghiệm đầu tiên này, tôi bắt đầu cộng tác với giáo phận của tôi và sau đó tôi được đưa vào Ủy ban giới trẻ quốc gia. Năm 2019, tôi tham gia diễn đàn Giới trẻ ở Roma với tư cách là đại diện của Indonesia và sau đó tôi được mời tham gia Cơ quan Tư vấn Giới trẻ Quốc tế và tôi rất vui vì điều đó. Tôi là người Indonesia và tôi biết rõ thực tế giới trẻ ở đất nước tôi; nhưng tôi cũng sống ở các quốc gia khác nên có thể hiểu được những thực tế khác. Do đó, trong nhóm Cơ quan Tư vấn, tôi có thể chia sẻ những kinh nghiệm này, đưa ra những ý tưởng liên quan đến các sáng kiến của Vatican cho giới trẻ.
Bạn mô tả thế nào về thực tế giới trẻ của thế giới ngày nay?
Tôi rất buồn vì chứng kiến nhiều người trẻ quay lưng lại với Giáo hội, họ không tin. Nhiều người trẻ không đến nhà thờ vì họ chưa có những trải nghiệm tốt trong Giáo hội và làm cho họ tham gia vào các sinh hoạt của Giáo hội là điều không dễ. Cá nhân tôi muốn chào đón những người trẻ này và nói với họ rằng, mặc dù có những vấn đề, như Đức Thánh Cha nói, Giáo hội dành cho tất cả mọi người. Người trẻ ngày nay gặp nhiều vấn đề: giống như tôi, nhiều người rời quê hương đến một nơi khác vì đất nước có xung đột, hoặc để tìm kiếm một tương lai tốt hơn, hay để theo đuổi việc học. Đôi khi, một số trải nghiệm làm chúng ta xa Thiên Chúa, hơn nữa, chúng ta bận rộn với ti vi, mạng xã hội và không dành thời gian đến nhà thờ. Đối với tôi, điều này thật đáng buồn. Tuy nhiên, sứ điệp Ngày Giới trẻ Thế giới năm nay mời gọi chúng ta hy vọng. Việc trở thành thành viên Cơ quan Tư vấn Giới trẻ Quốc tế cùng với những người trẻ khác đã cho phép tôi giúp cho những sứ điệp của Đức Thánh Cha, những văn kiện về giới trẻ được biết đến nhiều hơn và nói với những người khác rằng mặc dù trên thế giới vẫn còn đó những điều xấu, chúng ta cần nuôi dưỡng niềm hy vọng. Chúng tôi, những người trẻ, có thể giúp người khác và chúng tôi có thể bước đi cùng nhau, và bước đi cùng với Giáo hội.
Theo bạn, Giáo hội cần phải tiếp cận giới trẻ như thế nào?
Trước hết, không thành kiến. Mỗi người đều có sự khác biệt, có lịch sử riêng, sống trong một thực tế nhất định, và do đó, theo tôi, Giáo hội phải lắng nghe người trẻ. Rồi cần phải trò chuyện với người trẻ, cùng nhau bước đi. Đó là một điều đơn giản. Bằng cách này chúng ta có thể cộng tác với nhau, sống tốt hơn. Người trẻ muốn làm những điều tốt đẹp, cho thế giới, cho Giáo hội, nhưng họ muốn thực hiện mọi thứ một cách nhanh chóng. Thay vào đó, họ cần phải đi từng bước, cùng nhau làm mọi việc, cùng nhau cầu nguyện, cùng nhau tìm ra giải pháp.
Là thành viên của Cơ quan Tư vấn, bạn có dịp tiếp xúc với nhiều cơ quan khác của Tòa Thánh, như thế, bạn có cơ hội gặp gỡ các vị lãnh đạo Giáo hội. Có lẽ một số người trẻ có thành kiến đối với Giáo hội. Với trải nghiệm này, bạn có thể nói gì và muốn nói gì với các bạn cùng lứa tuổi?
Ngay cả chúng tôi, những người trẻ ở Cơ quan Tư vấn, ban đầu cũng nghĩ rằng chúng tôi đang có tương quan với những người rất trang nghiêm, và chúng tôi không thể mô tả đầy đủ thực tế của giới trẻ cho họ hiểu. Trái lại, chúng tôi đã có thể tự do trình bày ý kiến của mình với tư cách là những người trẻ, chúng tôi đã nói ra sự thật và thực tế của mình. Bởi vì việc làm cho người trẻ được biết đến như họ là là điều đúng đắn. Có thể một số vị đại diện Giáo hội không thường xuyên đến với thế giới giới trẻ, họ không biết gì và không dễ để hiểu được thế giới này. Chúng ta cần tìm ra cách thích hợp, ở những nơi khác nhau, để mô tả thế giới của người trẻ. Rồi mỗi quốc gia có những hoàn cảnh khác nhau, vì vậy điều quan trọng là phải cùng nhau làm việc với Giáo hội. Đức Thánh Cha luôn nói cần lắng nghe người trẻ, nhưng chúng ta phải kiên nhẫn và cố gắng làm mọi điều có thể để làm việc cùng nhau.
Qua Vatican News, bạn muốn gửi thông điệp gì tới các bạn trẻ?
Đừng sợ mơ ước. Theo tôi, những mong muốn mà giới trẻ có đều có thể thực hiện được. Vì vậy, các bạn đừng lo sợ và hãy hy vọng, vì Thiên Chúa sẽ giúp đỡ chúng ta.