Nigeria: Hơn 140 người thiệt mạng trong vụ tấn công đêm Giáng sinh tại các ngôi làng xa

Các nhóm vũ trang đã giết hại hàng chục dân làng ở bang Plateau trung bắc Nigeria trong cuộc xung đột kéo dài giữa những người chăn nuôi du mục và nông dân.
 

Vatican News

Ít nhất 140 người thiệt mạng và những người khác mất tích sau một loạt các vụ tấn công của các tay súng nhằm vào những ngôi làng hẻo lánh ở bang Plateau, miền trung bắc Nigeria.

Các quan chức và những người sống sót đã xác nhận các vụ tấn công vào đêm Giáng sinh và quy các vụ giết người cho cuộc khủng hoảng giữa nông dân và những người chăn gia súc ở quốc gia Tây Phi này.

Họ cho biết các băng đảng vũ trang, được người dân địa phương gọi là “kẻ cướp”, đã phát động các cuộc tấn công “được phối hợp chặt chẽ” tại “không dưới 20 cộng đồng khác nhau” và phóng hoả đốt nhà cửa vào thứ Bảy và Chủ nhật. Tiếng súng vẫn còn được nghe thấy vào sáng thứ Hai.

Một Giáng sinh đáng sợ

Thống đốc ban Plateau Caleb Mutfwang cho biết chỉ riêng tại tỉnh Mangu, 15 người đã được chôn cất vào thứ Hai và chính quyền ở Bokkos đã đếm được không dưới 100 thi thể.

“Tôi vẫn chưa thống kê được những cái chết ở Barkin Ladi,” ông Mutfwan cho biết và nói thêm, “Đây là một Giáng sinh rất kinh hoàng đối với chúng tôi ở Plateau”.

Hơn 300 người bị thương đã được đưa đến bệnh viện.

Tổ chức Ân xá Quốc tế tại Nigeria nói với hãng tin AP rằng cho đến nay họ đã xác nhận 140 trường hợp tử vong ở các khu vực Bokkos và Barkin-Ladi ở bang Plateau có đa số người theo Kitô giáo, dựa trên dữ liệu do các nhân viên của tổ chức này tại hiện trường và các quan chức địa phương tổng hợp.

Người ta lo ngại số người chết sẽ cao hơn vì một số người vẫn chưa được xác định. Một số nhân chứng cho biết phải mất hơn 12 giờ sau, cơ quan an ninh mới đáp lại lời kêu cứu của họ.

Hiện chưa có nhóm nào nhận trách nhiệm về các vụ tấn công, mặc dù các quan chức và những người sống sót quy cho những người chăn nuôi thuộc bộ tộc Fulani, những người bị cáo buộc thực hiện các vụ giết người hàng loạt tương tự trên khắp khu vực phía Tây Bắc và miền Trung.

Lực lượng kẻ cướp hoạt động từ các căn cứ sâu trong rừng và đột kích các ngôi làng để cướp bóc và bắt cóc cư dân để đòi tiền chuộc.

Cuộc tranh giành tài nguyên thiên nhiên giữa những người chăn nuôi du mục và các nông dân ngày càng gia tăng do dân số tăng nhanh chóng và áp lực biến đổi khí hậu cũng làm trầm trọng thêm căng thẳng xã hội và gây ra bạo lực.