Vatican News
Ngày 27/1 hàng năm được Liên Hiệp quốc chọn là Ngày Quốc tế tưởng niệm các nạn nhân của nạn diệt chủng người Do Thái trong Thế chiến thứ Hai, bởi vì vào ngày 27/1/1945, Hồng quân Liên Xô đã giải phóng các trại tập trung của Đức quốc xã và kết thúc cuộc Diệt chủng. Trong cuộc Diệt chủng này, 6 triệu người Do Thái ở Châu Âu, gồm 3 triệu đàn ông, 2 triệu phụ nữ và 1 triệu trẻ em đã bị Phát xít Đức và các nước cùng phe sát hại. Trong cuộc thảm sát này, cũng có khoảng 5 triệu người không phải là người Do Thái cũng bị sát hại kinh hoàng.
Nhà xuất bản Vatican đã cho ra mắt cuốn sách bằng tiếng Ý, có tựa đề: “Lưỡi dao và thập giá. Những câu chuyện về các Kitô hữu chống lại Hitler”. Cuốn sách kể lại sự kiện một số người bị chặt đầu vì theo sự thúc đẩy của Tin Mừng đã chống lại chủ nghĩa Quốc xã.
Cuốn sách nêu lên nhiều tên tuổi các vị tử đạo “bị lãng quên”
Cuốn sách là một tài liệu quý giá, một sự ngạc nhiên thực sự, được viết bởi nhà báo và nhà văn Francesco Comina, người đã nghiên cứu chủ đề này trong nhiều năm và đã viết hai cuốn sách về Franz Jägerstätter và Josef Mayr-Nusser, về Emi và Người Bên lề. Giữa những bài điều tra báo chí và phóng sự lịch sử, tác phẩm mới của Comina đưa ra một số tên tuổi rất thú vị và chưa được biết đến. Một số tên tuổi thậm chí không được đề cập đến trong hai tác phẩm nổi tiếng về chủ đề này: đó là cuốn sách mới được xuất bản: “Hơi thở của Thần Khí. Người Công giáo trong các cuộc kháng chiến ở Châu Âu”, của Giorgio Vecchio, và cuốn “Giáo hội và các Tôn giáo trong Thế chiến thứ hai”, của Jan Bank và Lieve Gevers. Trên thực tế, nhờ thông thạo tiếng Đức, tác giả Comina đã có thể tiếp cận các văn bản được xuất bản ở Đức và Áo nhưng không thể tiếp cận được ở Ý.
Họ hành động nhân danh một đức tin và một Tin Mừng
Những câu chuyện được kể trong cuốn sách xảy ra trên hết trong thời Đức Quốc xã. Phụ đề cuốn sách – “Những sự kiện và sự tử đạo của các tín hữu Công giáo đã thách thức Hitler nhân danh lương tâm” – làm rõ bối cảnh của câu chuyện. Tác giả chỉ rõ: “Đây là những tu sĩ, giáo dân, người trẻ, phụ nữ đã can đảm nói ‘không’ một cách kiên quyết với chế độ đó”. Ông nói thêm: “Họ đã hành động nhân danh một đức tin và một Tin Mừng được ném vào tận sâu thẳm của lịch sử”.
Một thiên hà tổng hợp của các Kitô hữu chống chủ nghĩa Quốc xã
Điểm đáng chú ý khác trong cuốn sách mới này là, một lần nữa, người ta thấy rằng các Kitô hữu chống chủ nghĩa Quốc xã không phải là một vài anh hùng đơn độc, mà là một thiên hà tổng hợp, trải rộng khắp nhiều quốc gia khác nhau. Họ là những người nam người nữ; các giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân, người lớn hay người già, nhưng cả những người trẻ can đảm. Điểm chung của những nhân vật này là họ đều tuân theo tiếng nói của lương tâm đến cùng, trong một thời đại mà sự truyền bá tuyên truyền và bạo lực có hệ thống chống lại những người “không liên minh” đã ngăn cản mọi hình thức tư duy phê phán và phản kháng, làm suy yếu ý chí ngay cả của những người dũng cảm nhất. Vì vậy, họ là những người xứng đáng được ghi nhớ. Như tác giả Comina tuyên bố: “Chúng ta phải kể lại rằng có những người nam nữ mạnh mẽ hơn lòng hận thù, những người đã sống trọn vẹn, giữa giông bão, noi gương Chúa Kitô, giữa những con đường đầy bụi bặm của một chân lý bất bạo động và của lòng trung thành bác ái của con người”.
Nhóm kháng chiến “Bông hồng trắng”
Một số cái tên đã trở nên khá nổi tiếng. Trong số này có nông dân người Áo Franz Jägerstätter và thành viên của Tổ chức Công giáo Tiến hành Đức Josef Mayr-Nusser, cả hai đều được Giáo hội phong chân phước. Nhưng có hàng trăm hoặc có lẽ hàng ngàn người vẫn còn ở trong bóng tối. Nhà báo Comina nhấn mạnh: “Những câu chuyện vẫn còn bị chôn vùi trong ký ức chống chủ nghĩa Quốc xã ở Đức”. Và ông suy tư về điều gì đã dẫn đến sự lãng quên này: “Đó là một câu hỏi mà với tư cách là những trí thức, chúng ta đang tự hỏi mình”. “Một số sự kiện, chẳng hạn như sự kiện của nhóm kháng chiến ‘Bông hồng trắng’, đã may mắn được gặp những trí thức hàng đầu tầm cỡ như Romano Guardini và Thomas Mann. Tuy nhiên, những người khác vẫn chưa tìm được người quan tâm về họ và do đó vẫn còn rất nhiều ký ức để trau dồi, nghiên cứu, diễn giải và điều tra. Điều này, tôi nghĩ, là nhiệm vụ của các nhà sử học hiện nay của chúng ta”.
Cuộc kháng chiến “Bông hồng trắng” được khởi xướng bởi Walter Klingenbeck, thanh niên 19 tuổi. Anh đã bị lên máy chém vào ngày 5/8/1943 và đang được giáo phận Munich xem xét mở án phong chân phước. Giống như Sophie Scholl và những người bạn đồng hành của anh, Klingenbeck và những người bạn của mình cũng được đức tin Kitô giáo đánh động. Họ cũng phân phát tờ rơi, vào ban đêm đã viết hai từ “Freiheit” – Tự do – và “Victory” – Chiến thắng – trên tường của các tòa nhà. Quả thực, họ đã tạo ra (và gần như đưa vào hoạt động) một đài phát thanh bí mật của phe đối lập. Lá thư cuối cùng được chàng trai trẻ viết, ngay trước khi bị sát hại, gửi cho một người bạn đồng trang lứa, người đã bị bắt, đã được ân xá, thật cảm động: “Tôi vừa lãnh nhận bí tích xức dầu và tôi bình tĩnh và tự chủ. Nếu bạn muốn làm điều gì đó cho tôi, thỉnh thoảng hãy đọc Kinh Lạy Cha. Hẹn gặp lại nhau. Walter”.
“Thiên thần của Dachau”
Không kém phần cảm động là những câu chuyện của Sơ Maria Angela Autsch, được mệnh danh là “thiên thần của Dachau” và của hai giáo dân trẻ: Eva Maria Buch và Maria Terwiel. Họ là những người phụ nữ phi thường, những người đi lên đoạn đầu đài trong khi lặp đi lặp lại trang Phúc Âm về các Mối Phúc Thật. Cả hai đều thuộc “Rote Kapelle” (Nhà Nguyện Đỏ), một tổ chức chống Đức Quốc xã bị Gestapo cáo buộc sai lầm là một nhóm gián điệp thân Liên Xô, trong khi trên thực tế, đó là một hình thức phản kháng đa dạng chống lại hệ tư tưởng của Hitler, nơi các nền văn hóa chính trị và tôn giáo đa dạng cùng tồn tại.
Theo tiêu chí điều tra và tường thuật, tác giả Comina đã điều tra những câu chuyện này bắt đầu từ nhiều ấn phẩm khác nhau. Ông cho biết: “Tôi thu thập mọi thứ từ các nguồn của Đức, chẳng hạn như tài liệu thông tin tờ đơn và các tập sách nhỏ. Đó là một công việc khai quật: tôi đã tìm kiếm trong số các tài liệu đã được phát hành, nhưng luôn tìm kiếm những tài liệu chưa bao giờ được dịch sang tiếng Ý, và do đó hầu như không được biết đến”.
Franz Reinisch
Franz Reinisch, một tu sĩ của dòng Pallottini bị giết vào ngày 21/8/1942, cũng là một phần của đoàn người bị lãng quên. Sau khi lưu ý rằng thư mục có sẵn về tu sĩ này hầu như chỉ bằng tiếng Đức, tác giả Comina nhận xét: “Ngay cả ở vùng Alto Adige (phía bắc Ý), rất ít người biết đến ngài, mặc dù thực tế là ngài sống ở Bolzano và Brunico, ngài được đào tạo trong chủng viện Bressanone và một ngôi nhà dòng Pallottini ngày nay vẫn còn hoạt động ở Merano”.
Cha Heinrich Dalla Rosa
Một nhân vật thú vị được nhà báo Comina phát hiện là Cha Heinrich Dalla Rosa, người đã thi hành sứ vụ ở Áo và bị chém vào tháng 1/1945 tại Vienna, khi mới 35 tuổi. Ngài từng công khai chỉ trích chế độ Đức Quốc xã, công khai mạo hiểm dự đoán thất bại của Hitler. Theo tác giả Comina, Cha Dalla Rosa là một người yêu cuộc sống mãnh liệt như ơn gọi linh mục của mình. “Ngài cởi mở. Trong các hoạt động tôn giáo, cha thường đưa các yếu tố hiện đại vào, chẳng hạn như tiếng Đức vào trong các bài hát và các cử hành. Cha mê hoặc giới trẻ bằng cây đàn guitar và giọng hát tuyệt vời của cha. Cha yêu thích những ngọn núi và thường tổ chức những chuyến đi, thậm chí khó khăn”. Lời khuyên của cha dành cho gia đình trước khi cha bị giết là “Xin chào những ngọn núi giúp tôi!”. Sau đó ngài có thời gian để tuyên xưng đức tin lần cuối: “Hoan hô Vua đích thực, vạn tuế Chúa Kitô!”.
Cha Max Josef Metzger
Trong số tất cả những nhân vật được trình bày trong cuốn sách, người nổi bật chắc chắn là Cha Max Josef Metzger, đã được giáo phận Freiburg bắt đầu tiến trình phong chân phước vào năm 2006. Trên ngôi mộ của ngài chúng ta đọc thấy: “Tôi đã hiến mạng sống mình cho hòa bình thế giới và cho sự hiệp nhất của Giáo hội”. Trong những lời nói ngay sau bản án tử hình đó là sự tổng hợp của cả một cuộc đời. Trên thực tế, Cha Metzger vừa là người tiên phong của chủ nghĩa hòa bình châu Âu (cha từng là tuyên úy quân đội tình nguyện ở mặt trận trong Thế chiến thứ nhất) vừa là người đi đầu về đại kết. Tác giả Comina lưu ý: “Cha Metzger kêu gọi người Công giáo đoàn kết mọi nỗ lực nhằm tạo ra một ‘Liên minh hòa bình’ của người Công giáo Đức. Cha thậm chí còn viết một bản tuyên ngôn về ý định có thể được coi là nền tảng đầu tiên của phong trào hòa bình Kitô giáo”.
Mười năm trước Thế chiến thứ Hai, cha đã tuyên bố về sự bùng nổ của chiến tranh bằng những lời lẽ ngày nay nghe có vẻ mang tính tiên tri một cách đáng buồn. Tác giả Comina nói: “Năm 1929 tại The Hague, cha là diễn giả tại một trong những cuộc họp đầu tiên về chủ đề phản đối nghĩa vụ quân sự vì lương tâm. Bài phát biểu của cha hợp thời cách đáng kinh ngạc”. Được thúc đẩy bởi tinh thần đại kết mạnh mẽ, vào năm 1938, cha đã thành lập Huynh đoàn liên tôn “Una Sancta” ở Bavaria. Năm sau, Gestapo bắt cha và cha bị kết án tử hình, bị giết vào ngày 17/4/1944. Năm 2008, nhà xuất bản San Paolo xuất bản một tuyển tập quý giá gồm các tác phẩm của cha, “Cuộc đời tôi vì hòa bình. Những lá thư từ nhà tù của Đức Quốc xã được viết với đôi tay bị trói”.
Đặc điểm chung: đặt việc bảo vệ lương tâm và các giá trị đức tin của mình lên hàng đầu
Tất cả những chứng tá đều rất mạnh mẽ. Tác giả Comina viết: “Đặc điểm chung của họ là đặt việc bảo vệ lương tâm và các giá trị đức tin của mình lên hàng đầu”. Điều này được nêu rõ trong tiểu sử của một trong những người phụ nữ được kể trong cuốn sách, Eva-Maria Buch, 21 tuổi đến từ Berlin. Ông Comina viết: “Người phụ nữ trẻ tiếp tục lặp lại các Mối Phúc Thật và giá trị của lòng biết ơn khi cô đến gặp người hành hình. Và trong một lá thư gửi cha mẹ, cô viết rằng cô hạnh phúc chịu chết vì đã sống lịch sử này với phẩm giá và lòng can đảm, đồng thời nói rằng cô sẵn sàng làm lại mọi điều mình đã làm”.
Những câu chuyện được kể đặc biệt cho những người trẻ
Cuốn sách này có một ý nghĩa đặc biệt nhân Ngày Tưởng niệm năm 2024. Tác giả Comina đặc biệt quan tâm đến các thế hệ mới khi nói về chuyến đi giới thiệu cuốn sách sẽ được thực hiện tại nhiều thành phố khác nhau, bắt đầu từ miền Trentino và Veneto của Ý. Ông nói: “Đây là những câu chuyện được kể đặc biệt cho những người trẻ để họ trở thành người phiên dịch và cổ vũ cho một ký ức sống động”. Thông điệp rất rõ ràng: chúng ta cần làm cho mọi người biết rằng trong thời kỳ đen tối của chủ nghĩa Quốc xã, có những người – nhiều người còn trẻ – đã cảm thấy sự tách biệt hoàn toàn giữa thực tế và Tin Mừng. Ông nói: “Họ sống hoàn toàn vì người khác, khẳng định bằng sức mạnh và lòng dũng cảm dân sự ‘cuộc sống của tôi có giá trị nếu cuộc sống của người khác có giá trị’. Và họ đặt lương tâm đầy giá trị lên hàng đầu, chứng minh rằng họ có quyền phản đối khi đối mặt với những luật lệ bị coi là bất công”. Được thúc đẩy bởi “một Tin Mừng được sống như một thực hành giải phóng khỏi sự ác”, tác giả Comina lặp lại, họ “đã kết thúc cuộc đời trên máy chém: đó là giải pháp của chế độ Hitler nhằm loại bỏ những cái đầu biết suy nghĩ của một quốc gia”.