ĐHY Zenari: 90% dân số Syria sống dưới mức nghèo khổ

Đức Hồng Y Mario Zenari, Sứ thần Tòa Thánh tại Syria nói tại Hội nghị của Caritas Ý vừa diễn ra trong những ngày vừa qua: “Ở Syria, 90% dân số đang phải sống dưới mức nghèo khổ”.
 

Vatican News

Trong bài phát biểu tại cuộc gặp gỡ của tổ chức bác ái, trước hết, Đức Hồng Y bày tỏ lòng biết ơn Đức Thánh Cha về lời mời gọi của ngài đừng quên Syria trong sứ điệp Phục Sinh vừa qua. Theo Sứ thần Toà Thánh, đó là một trong số rất ít lời kêu gọi được đưa ra trước sự kiện bi thảm này: năm thứ 14 của cuộc chiến. Một cuộc chiến bị truyền thông và cộng đồng quốc tế lãng quên. Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha thực sự là một luồng gió mới cho Syria.

Đức Hồng Y cho biết tình hình hiện nay của đất nước: “Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc, mọi thứ đang trở nên càng tồi tệ hơn. Số người cần hỗ trợ nhân đạo gia tăng, nhiều hơn 9% so với năm ngoái: 3/4 dân số Syria đang sống trong tình trạng cần thiết này và con số cho thấy là 16,7 triệu người. Đây là những con số gây chóng mặt. Tiếp đến là vấn đề hồi hương của những người di dời và người tị nạn, vẫn là một vấn đề rất nghiêm trọng và chưa được giải quyết: đối với những người tị nạn, Libăng không còn có thể chấp nhận sự hiện diện của quá nhiều người trong số họ, nhưng cũng chưa có điều kiện để đưa họ đi nơi khác. Hơn nữa, 90% dân số đang phải sống dưới mức nghèo khổ. Tôi ở đây để nói về Syria, và để nhận được sự giúp đỡ, nhưng tình trạng nghèo đói của đất nước này không thể giải quyết bằng bố thí: một giải pháp chính trị là cần thiết, nhưng các nhà phân tích cho thấy điều này vẫn còn rất xa”.

Sứ thần Toà Thánh cũng cho biết về những hỗ trợ của Giáo hội dành cho người dân. Theo ngài, Giáo hội không thể giải quyết nghèo đói một mình, nhưng ít ra có thể giúp phân phát đồ cứu trợ, mà ngày càng ít do phải dành cho các vùng xung đột khác như Trung Đông và Ucraina. Giữa hoàn cảnh đau thương này, vẫn có những mẫu gương của những người Samari nhân hậu và những bà Vêronica lau khô nước mắt cho người đau khổ.

Về hy vọng hoà bình, Đức Hồng Y cho rằng điều này phải bắt đầu từ Âu châu: “Nhiều người hỏi tôi phải giúp Syria như thế nào. Tôi cho rằng cuộc bầu cử  Âu châu tiếp theo sẽ là một sự kiện quyết định: cần phải chọn ra những người có thể đưa ra bước ngoặt chính trị đối với những gì đang xảy ra trên thế giới”.