ĐTC Phanxicô gặp gỡ 60.000 thành viên Công giáo Tiến hành của Ý

Gặp gỡ 60.000 thành viên Công giáo Tiến hành của Ý vào sáng thứ Năm ngày 25/4, Đức Thánh Cha nói với họ: “Các bạn sẽ càng là sự hiện diện của Chúa Kitô khi các bạn biết cách ôm lấy và hỗ trợ mọi anh em đang gặp khó khăn bằng vòng tay nhân hậu và nhân ái, … đồng thời khiêm tốn và nhiệt thành trong đời sống thiêng liêng”.
 

Vatican News

Dựa trên chủ đề của cuộc gặp gỡ là “Với vòng tay rộng mở”, Đức Thánh Cha nói về ý nghĩa của vòng tay ôm trong cuộc sống con người: bắt đầu với vòng tay ôm của cha mẹ, những vòng tay ôm dọc theo cuộc sống và cả khi kết thúc cuộc đời. Đặc biệt ngài nhấn mạnh đến vòng tay bao la của Thiên Chúa không ngừng ôm chúng ta lại gần Người. Và ngài chia sẻ ba kiểu vòng tay ôm: cái ôm đang thiếu, cái ôm cứu rỗi, cái ôm làm thay đổi cuộc đời bạn.

Cái ôm đang thiếu

Nói đến cái ôm đang thiếu, Đức Thánh Cha lưu ý rằng thế giới của chúng ta đôi khi khép kín và chống lại sự nhiệt tình, đến nỗi vòng tay trở nên cứng ngắc và bàn tay nắm lại cách đe dọa, không còn là phương tiện của tình huynh đệ nữa mà là sự từ chối và chống đối, thậm chí bạo lực, thiếu tin tưởng đối với người khác, đến mức dẫn đến xung đột. Trong các cuộc chiến tranh thường có những cái ôm bị bỏ qua hoặc bị từ chối, kéo theo đó là những thành kiến, hiểu lầm và nghi ngờ, đến mức coi người khác như kẻ thù. Tuy nhiên, Đức Thánh Cha nói với các thành viên Công giáo Tiến hành rằng “với sự hiện diện và công việc của các bạn, các bạn có thể làm chứng cho mọi người rằng con đường của vòng tay ôm là con đường của sự sống”.

Cái ôm cứu rỗi

Nói về cái ôm cứu rỗi, Đức Thánh Cha nhận định: “Theo quan điểm con người, ôm nhau có nghĩa là thể hiện những giá trị tích cực và cơ bản như tình cảm, sự quý trọng, sự tin tưởng, sự động viên, sự hòa giải. Nhưng nó càng trở nên quan trọng hơn khi nó được sống trong chiều kích đức tin. Ở trung tâm cuộc sống của chúng ta, chính là vòng tay thương xót của Thiên Chúa, Đấng cứu độ, của Người Cha nhân lành, Đấng đã tỏ mình ra nơi Chúa Giêsu, và khuôn mặt của Người được phản ánh trong mọi cử chỉ của Người – tha thứ, chữa lành, giải thoát, phục vụ (xem Ga 13,1-15). Đức Thánh Cha khuyến khích: “Chúng ta hãy để cho Người ôm lấy mình như những đứa trẻ (xem Mt 18,2-3; Mc 10,13-16), để chúng ta có thể ôm lấy anh chị em mình với cùng một lòng bác ái”.

Cái ôm làm thay đổi cuộc đời

Cuối cùng, chia sẻ về cái ôm làm thay đổi cuộc đời, Đức Thánh Cha nhắc lại lịch sử của nhiều vị thánh được thay đổi bởi một cái ôm, như Thánh Phanxicô đã bỏ tất cả để theo Chúa sau khi ôm một người cùi lại gần mình (xem FF 110, 1407-1408). Từ đó ngài mời gọi các thành viên của Công giáo Tiến hành Ý hãy để lòng bác ái là “quy tắc, hình thức và mục đích của mọi phương tiện thánh hóa và tông đồ. Hãy để nó định hình mọi nỗ lực và sự phục vụ của các bạn, để các bạn có thể sống trung thành với ơn gọi và lịch sử của mình (xem Diễn văn với Công giáo Tiến hành, ngày 30 tháng 4 năm 2017)”.